Biện pháp kiểm soát bệnh do vi bào tử trùng (Microsporidian) trên tôm

Bệnh do vi bào tử trùng (Microsporidian) trên tôm có nguyên nhân là do một loài ký sinh trùng có tên là Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây ra. Đây là một loài ký sinh trùng được tìm thấy rộng rãi ở châu Á và các khu vực nuôi tôm khác trên thế giới.

 EHP ký sinh trong ống gan tụy của tôm và làm cho tôm khó hấp thu dinh dưỡng dẫn đến tôm chậm lớn. EHP chỉ gây nên hiện tượng giảm tăng trưởng trên tôm mà không gây chết tôm. Rất khó để có thể loại bỏ hoàn toàn EHP trong ao nuôi bị nhiễm loài ký sinh trùng này. Cách tiếp cận tốt nhất là hạn chế sự xâm nhập của EHP vào ao nuôi và kiểm soát mức độ lây nhiễm của nó trong ao nuôi ở mức thấp nhất.

Hiện tại, bệnh do EHP trên tôm được phát hiện rộng rãi ở nhiều nước như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, và có khả năng hiện diện ở Ấn Độ và Mexico. EHP có thể tìm thấy ở tất cả các nơi có nhập khẩu động vật thủy sản sống bị nhiễm EHP. Rất khó để có thể tiêu diệt EHP, do đó, tìm cách hạn chế sự lây lan của EHP sẽ khả thi hơn. Các vật chủ trung gian mang mầm bệnh EHP hiện vẫn chưa được xác định.

 Chuẩn đoán EHP

EHP có thể được phát hiện thông qua các phương pháp xét nghiệm phân tử như PCR và LAMP từ phân của tôm bố mẹ. Phương pháp này cũng có thể được dùng để xét nghiệm tôm giống (postlarvae). Mầm bệnh này cũng có thể được phát hiện bằng kính hiển vi quang học với độ phóng đại 100X với mẫu nhuộm hoặc mẫu tươi gan tụy; tuy nhiên, bào tử của nó rất nhỏ (kích thước nhỏ hơn 1 micron chiều dài) nên chỉ có thể quan sát được rất ít mặc dù mẫu bị nhiễm với cường độ nặng. 

Trị bệnh EHP

Đối với các bệnh vi bào tử trùng khác không phải EHP, người ta thường dùng thuốc để điều trị, nhưng những loại thuốc đó không có hiệu quả với EHP. Kiểm soát EHP cần phải thực hiện đồng thời 3 biện pháp là: an toàn sinh học trong trại sản xuất giống, trong chuẩn bị ao nuôi và quản lý ao nuôi trong quá trình nuôi tôm.

An toàn sinh học trong trại sản xuất giống

Vấn đề đầu tiên đối với an toàn sinh học trong trại sản xuất giống là phải đảm bảo rằng các cơ sở nuôi vỗ thành thục tôm bố mẹ và các trang trại sản xuất giống phải sạch. Để đạt được mục tiêu này, tất cả tôm phải được loại bỏ từ các trại sản xuất giống sau đó làm vệ sinh trại (bao gồm tất cả các thiết bị, các bộ lọc nước, bể chứa nước, ống nước, dây sụt khí,…) bằng dung dịch sút 2,5% (NaOH 25 g/lít nước ngọt). Tất cả các thiết bị, vật dụng trong trại phải được tiệt trùng bằng dung dịch sút 2,5% trong 3 giờ, sau đó rửa sạch lại. Sau khi tiệt trùng bằng dung dịch toàn bộ trại sản xuất phải được phơi nắng hoặc làm khô trong 7 ngày. Sau đó, toàn bộ nền (sàn) của trại được rửa lại bằng dung dịch chlorine 200 ppm.

Không sử dụng thức ăn tươi sống: Các ao nuôi dưỡng tôm bố mẹ hay thức ăn tươi sống cho chúng nhiễm EHP sẽ lây truyền thông qua phân của tôm. Sử dụng các loại thức ăn tươi sống như: giun nhiều tơ, nghêu, mực hay Artemia có thể là nguồn lây nhiễm EHP. Krill (một loài tôm nhỏ, giống con ruốc) không là nguồn lây nhiễm. Nếu sử dụng thức ăn tươi sống, chúng phải được đông lạnh sâu trước khi cho tôm ăn vì nó có thể tiêu diệt EHP. Ngoài ra, cũng nên tiến hành tiệt trùng các loại thức ăn tươi sống này bằng cách sấy chúng ở nhiệt độ 70oC trong 10 phút để tiêu diệt các loại virus gây bệnh trên tôm (đông lạnh sâu không thể diệt virus). Một phương pháp khác là sử dụng thiết bị chiếu xạ tia gamma đối với thức ăn tươi sống đông lạnh để tiêu diệt mầm bệnh. 

Khử trùng trứng và nauplii: Rửa hay nhúng nauplii bằng hỗn hợp chứa nước ngọt và một số loại hóa chất (iodine, formol hay một số loại hóa chất khác) có thể làm giảm hoặc suy yếu khả năng bám của EHP vào trứng và nauplii nhờ đó làm giảm sự lây nhiễm của EHP trên tôm giống. Đây là một phương pháp hiệu quả trong việc loại bỏ mầm bệnh EHP và các vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh EMS/AHPND lây nhiễm từ tôm bố mẹ sang tôm post. 

Chuẩn bị ao nuôi

Hàm lượng vật chất hữu cơ tích lũy trong ao nuôi cao thường gắn liền với số lượng bào tử EHP cao. Ngoài ra, trong môi trường này cũng có thể tồn tại nhiều vật chủ trung gian của EHP (hiện tại chưa biết chính xác), do đó, loại bỏ bùn đáy ao khi cải tạo ao nuôi được khuyến cáo.

Bào tử EHP và các loại bào tử trùng khác có khả năng đề kháng cao với các điều kiện môi trường. Một khuyến cáo chung là loại bỏ vật chất hữu cơ tích tụ dưới đáy ao nuôi và gia tăng pH trong ao lên khoảng 12 sẽ tiêu diệt được nhiều loại bào tử trùng. Tuy nhiên, tiêu diệt tất cả bào tử trùng là nhiệm vụ bất khả thi.

Sử dụng vôi sống hay vôi nung (CaO) để khử trùng ao nuôi với liều cao khoảng 6,000 kg (6 tấn)/ha hoặc nhiều hơn được khuyến cáo. Đáy ao nuôi phải được phơi khô hoàn toàn. Cày xới đáy ao nuôi với độ sâu khoảng 10-12 cm và bón vôi đều khắp ao, sau đó làm ẩm bề mặt ao để kích hoạt vôi. Nếu được thực hiện đúng cách, phương pháp này sẽ làm cho pH đất tăng lên đến 12 hoặc cao hơn trong vài ngày, sau đó trở lại bình thường khi vôi sống chuyển thành calcium carbonate (CaCO3, vôi đá hay đá vôi). 

Quản lý ao nuôi

Sử dụng chế phẩm sinh học (probiotics) phù hợp ngay sau khi thả giống và trong suốt quá trình nuôi để ngăn chặn sự tích tụ của vật chất hữu cơ dưới đáy ao nuôi. Có thể chỉ sử dụng chế phẩm sinh học hoặc kết hợp với biện pháp thay nước. Mục đích là làm giảm tối đa sự tích tụ của vật chất hữu cơ trong ao nuôi để làm giảm sự phát triển của các bào tử EHP lây nhiễm trên tôm. Duy trì hàm lượng vật chất hữu cơ tích tụ trong ao ở mức tối thiểu là biện pháp quan trọng để hạn chế sự bùng phát của EHP trên tôm nuôi.

Ts. Triệu Thanh Tuấn