Cà Mau: Hiệu quả từ mô hình lúa sạch, tôm an toàn

       Luân canh trồng lúa kết hợp nuôi tôm là mô hình hết sức sáng tạo vì nó thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm mặn. Theo đó, người dân sẽ trồng lúa vào mùa mưa và nuôi tôm vào mùa hạn. Cách làm này đã và đang được nông dân xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao.

       Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông Cao Văn Đạt thông tin: “Toàn xã có 16 ấp, chủ yếu là làm ruộng và trồng rau màu, chỉ có ấp Minh Hà B là bà con luân canh lúa - tôm. Nhìn chung, đời sống người dân khởi sắc hơn so với các ấp khác và mô hình lúa - tôm theo đánh giá có triển vọng, mang lại thu nhập ổn định”.

       Bí thư Chi bộ ấp Minh Hà B Kiều Thanh Sự cho hay, lúc trước đời sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, vì chỉ độc canh cây lúa khi mà giá lúa luôn bấp bênh, năng suất lại thấp nên hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ rất cao. Năm 2010, chuyển dịch sang trồng một vụ lúa - tôm, đời sống người dân thật sự khởi sắc.

       Ông Sự áp dụng mô hình lúa - tôm trên 2 ha đất của gia đình cho thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Ông Sự chia sẻ: "Đất ở đây màu mỡ, nhiều chất hữu cơ, rất thuận lợi cho mô hình lúa - tôm. Vụ tôm sú tôi không cấy lúa, còn vụ lúa kết hợp thả tôm càng xanh".

       “Nước ở đây nửa mùa mặn nửa mùa ngọt, khi thu hoạch vừa xong vụ lúa đông xuân tôi cải tạo đưa nước mặn vào để thả vụ tôm. Tới khoảng tháng 4 sẽ thả thêm 1 bầy tôm rồi rửa mặn, bơm nước ra hết để chứa nước mưa tiếp tục xuống giống trồng lúa. Kết hợp thả tôm càng xanh khoảng tháng 7 trong năm”, ông Sự cho biết.

Mô hình lúa - tôm an toàn của gia đình ông Kiều Thanh Sự.

       Cách làm này không ảnh hưởng đến môi trường, vụ lúa sau khi thu hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho vụ tôm, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào. Như vậy, sau nhiều năm áp dụng mô hình lúa - tôm, mỗi năm 2 ha đất nhà ông Sự cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn kết hợp thả thêm cua để tăng thu nhập hàng ngày cho gia đình, kiếm đồng ra đồng vô.

       Từ mô hình lúa - tôm an toàn, một số hộ còn áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, nuôi tôm 2 giai đoạn. Tôm giống được dèo ở bể ươm trước khi chuyển ra vuông để thả nuôi, vừa rút ngắn thời gian nuôi, vừa kiểm soát được số lượng con giống. Kết hợp trồng lúa thơm, bán với giá cao hơn.

       Anh Trịnh Văn Trước, ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông, cho biết: “Ở đây nhiều người trồng lúa chịu mặn nhưng cứng cơm. Tôi trồng thử giống lúa thơm, gạo ngon hơn và giá cũng cao hơn. Mới trồng thử được 2 vụ, thấy hiệu quả tương đối”. Cũng như nhiều hộ ở đây, vụ lúa anh kết hợp thả tôm càng xanh, còn vụ tôm anh thả theo hình thức 2 giai đoạn nên cho năng suất rất cao.

       Ngoài ra, để tăng thêm nguồn thu nhập gia đình, những chỗ đất trũng anh Trước trồng thêm bồn bồn, tận dụng bờ vuông nuôi dê, mỗi năm trừ hết chi phí gia đình anh thu về trên 300 triệu đồng. Mô hình trồng lúa thơm của gia đình anh được đánh giá có triển vọng, vì giống lúa này vừa ngắn ngày, vừa bán có giá mà năng suất lại cao.

       Ông Cao Văn Đạt thông tin: “Mô hình trồng lúa thơm trên đất mặn, kết hợp nuôi tôm 2 giai đoạn mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Sắp tới sẽ được triển khai đến người dân trong ấp Minh Hà B nhân rộng cách làm này giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới”./.

Võ Phương Thảo

Nguồn tin: vietlinh.vn