Cà Mau: Những ‘rô-bốt’ trong ngành thuỷ sản.

       Nguồn lợi tự nhiên ngày càng cạn kiệt, đòi hỏi người nông dân cần được tiếp cận với cách làm nông nghiệp hiện đại. Giấc mơ về nền nông nghiệp 4.0 đang dần được hiện thực hoá bằng những "rô-bốt" Việt.

       Máy cho tôm ăn tự động

       Ấp ủ trong đầu nhiều sáng kiến về chế tạo thiết bị phục vụ quá trình nuôi tôm, anh Nguyễn Hải Đăng, Khóm 2, thị trấn Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) cùng một người bạn cộng sự dốc tâm sức thực hiện hoài bão của mình. Trong cửa hàng khoảng 80 m2, hai người bắt tay vào việc nghiên cứu tài liệu ghi chép trong sách vở, kiến thức trên Internet rồi cùng nhau mài mò, sáng chế từ việc bật, tắt bóng đèn điện, mô tơ nước bằng bộ điều khiển từ xa.

Cà Mau: Những ‘rô-bốt’ trong ngành thuỷ sản

Anh Đăng (đứng) cùng cộng sự sáng chế máy cho tôm ăn tự động.

       Sau thời gian 2 tháng liên tục thất bại, cuối cùng họ cũng đã cho ra mắt thiết bị cho tôm ăn tự động. Sản phẩm đã hoàn thành nhưng để thu hút sự quan tâm của khách hàng lại vấn đề không hề đơn giản. Những lúc nản chí tưởng chừng như sắp bỏ cuộc, anh Đăng thường chạy xe đạp vòng quanh các huyện rồi lân la hỏi thăm những gia đình nuôi tôm trúng lớn xin làm không công để học hỏi kinh nghiệm.

       Sau khoảng thời gian trải nghiệm thực tế, anh Đăng đã hiểu rõ nhu cầu cấp thiết nhất của những người nuôi tôm và nỗi khó khăn của họ. Thế nên, anh lại một lần nữa điều chỉnh thiết bị cho hoàn thiện hơn để giới thiệu tại các đại lý bán thức ăn trên toàn quốc.

Máy cho tôm ăn tự động của anh Đăng.

       Sau khi có số lượng khách hàng nhất định nhờ các đại lý quảng bá và giới thiệu trên Facebook, anh Đăng tiếp tục nâng cấp máy tự động cho tôm ăn đẹp về mẫu mã và chất lượng. Anh Đăng chia sẻ, chiếc máy giúp thức ăn được rải đều, mỏng trên phần diện tích nơi đặt máy. Nhờ vậy, giúp cho tôm có nhiều không gian để bắt mồi. Qua đó, người nuôi dễ dàng tính toán lượng thức ăn phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của tôm. Dòng máy ra đời có trọng lượng hơn 13 kg, có thể tiết kiệm điện tối đa 20 kWh/năm, bồn chứa được 60 kg thức ăn.

       Anh Nguyễn Hải Đăng chia sẻ: "Máy cho tôm ăn tự động bằng cách thiết lập thời gian thông qua hệ thống bộ hẹn giờ. Người nuôi tôm còn có thể cài đặt lượng thức ăn, báo lượng thức ăn còn lại trên máy và giám sát được lượng thức ăn đã rải xuống ao. Với khối lượng thức ăn khá lớn được rải xuống ao mỗi ngày, điều mà người nông dân quan tâm nhất là thức ăn thừa sót lại ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nước. Điều này thôi thúc tôi sáng chế ra một loại máy mang hiệu quả tối ưu, giúp tiết kiệm chi phí và công sức, tránh các bệnh lý cho tôm do chịu ảnh hưởng môi trường với một mức giá phù hợp”.

       Không những thành công với số lượng hàng ngàn máy cho tôm ăn tự động mỗi năm được xuất bán ra thị trường, anh Đăng đã hiện thực hoá ước mơ về một nền nông nghiệp hiện đại bằng chính sản phẩm của mình. Chính sự tối ưu hoá trong một chiếc máy đã khiến máy trộn thông minh ngày càng có danh tiếng không thua kém gì máy cho tôm ăn tự động. Với bộ điều khiển bằng điện tử và sức chứa hơn 30 kg thức ăn, người nông dân không còn ì ạch xới, trộn như trước mà tôm vẫn lớn, khoẻ, đạt chất lượng. Sau 5 năm cửa hàng Farmx đi vào hoạt động, anh Đăng đã mở rộng quy mô sản xuất từ 80 m2 lên đến hơn 3.000 m2, mở thêm nhiều chi nhánh trong tỉnh và giải quyết việc làm cho hơn 40 nhân công.

       Máy Ozone cải thiện chất lượng nước

       Anh Nguyễn Việt Bắc, Giám đốc Công ty UV Best, ấp Tân Hoà B, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, đã sáng chế ra máy Ozone nhằm cải thiện chất lượng nước, làm giảm nitrit, vật chất hữu cơ lơ lửng, tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng gây bệnh cho vật nuôi, thông qua các phản ứng oxy hoá.

       Sau nghiên cứu và sáng chế thành công đèn UV, anh Nguyễn Việt Bắc tiếp tục sáng chế máy ozone phục vụ ngành nuôi thuỷ sản ở tỉnh nhà. Ozone đã đem lại hiệu quả rất cao trong khử mùi từ các ao chứa chất thải của mô hình nuôi siêu thâm canh. Ozone khử hoàn toàn mùi hôi của ao chứa chất thảy khi sục khí ozone sau 12-24 giờ sục khí (tuỳ theo diện tích ao chứa và công suất máy). Trong quá trình nuôi thuỷ sản, máy ozon được dùng để khử trùng nguồn nước cấp và nước thải nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh trong các trại sản xuất giống và các hệ thống nuôi thuỷ sản, nâng cao hiệu quả diệt mầm bệnh, giảm chất hữu cơ lơ lửng.

       Anh Bắc chia sẻ: "Máy ozon cấu tạo gồm 3 phần, 1 hệ thống 2 bản điện cực để phóng điện, 1 bộ phận năng điện từ 12 v lên đến 22 kw, và cuối cùng là máy bơm oxy. Hiện nay, máy có công suất 8 gozone/h, tôi xuất bán giá 2 triệu đồng, thấp hơn giá ngoài thị trường rất nhiều".

       Sáng kiến của những "rô-bốt" trong ngành thuỷ sản đã ít nhiều giúp hiệu quả nuôi trồng của nông dân bước lên một bước tiến dài. Bằng việc tiếp cận, sử dụng máy móc hiện đại vào vụ nuôi, nông dân sẽ có thêm kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng trong nuôi trồng, tạo ra được giá trị mới, nâng tầm con tôm Cà Mau lên một vị thế cao hơn.

Ngọc Trầm