Cà Mau: Vụ tôm đầu năm trúng mùa, được giá.

        Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công thương Cà Mau Phan Thanh Sang cho biết, 2 tháng đầu năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 121,38 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, đứng đầu về mức tăng trưởng so với các ngành khác. Ngành thuỷ sản đang là lĩnh vực được trông đợi đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

        Phấn khởi vụ tôm

        Phấn khởi vì vừa thu hoạch 2 ao tôm thẻ chân trắng nuôi thâm canh thành công, ông Trần Văn Tâm, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, cho biết: "Gia đình tôi thả nuôi được gần 3 tháng, cũng nhờ con tôm ít bệnh nên chi phí thấp. Bên cạnh đó, giá tôm thẻ cũng đang ở mức cao. Tôm thẻ loại 100 con/kg đang được thu mua với giá 110.000 đồng/kg".

Hiện nay, toàn tỉnh có 9.664 ha nuôi tôm công nghiệp, trong đó có gần 1.000 ha nuôi tôm siêu thâm canh. Ảnh: Trung Đỉnh

        Vừa qua, gia đình ông thu hoạch tôm loại 70 con/kg, được thương lái tới tận ao thu mua với giá lên tới 125.000 đồng/kg. “Năm trước, với lượng tôm này, lãi cao lắm cũng 300 triệu đồng. Năm nay, trừ hết chi phí tôi còn hơn 500 triệu đồng”, ông Tâm nói.

        Cũng theo ông Tâm, do ảnh hưởng của mùa hạn mặn gay gắt năm trước, e ngại mất mùa nên không nhiều bà con địa phương thả nuôi. Tuy nhiên, thời tiết năm nay thuận lợi hơn rất nhiều, điều kiện nuôi không gay gắt như năm trước nên có nhiều hộ thành công hơn.

       Vừa trúng đậm vụ lúa trên đất nuôi tôm, ngay sau Tết Nguyên đán thu hoạch đợt tôm đầu tiên trong năm được gần 500 kg tôm sú nuôi theo mô hình tôm - lúa, bán với giá 250.000 đồng/kg, ông Huỳnh Ngọc Cung, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, phấn khởi cho biết: "Năm nay thời tiết không quá gay gắt như năm rồi nên tôm nuôi thuận lợi, mau lớn, chi phí thấp. Với mức giá này, người nuôi tôm - lúa lãi tới 60-70%".

        Hiện những hộ thả giống sớm đã bước vào thu hoạch đợt đầu năm. Theo chia sẻ của người dân, tình hình nuôi năm nay cơ bản thuận lợi hơn cùng kỳ năm rồi. Độ mặn không quá cao và nắng không quá gay gắt, chính vì vậy, một số hộ thả nuôi thời gian vừa qua đã thu được thành quả tốt. Bên cạnh đó, nguồn cung cấp tôm nguyên liệu đang bị thiếu hụt nên giá tôm vẫn duy trì ở mức cao, là tín hiệu đáng mừng cho bà con nuôi tôm.

        Giá tôm sú nguyên liệu hiện tăng bình quân từ 20.000-30.000 đồng/kg, do thị trường xuất khẩu tăng cao. Cụ thể, tôm loại 40 con/kg 160.000-170.000 đồng/kg, loại 30 con/kg được thương lái thu mua tại vuông với giá 220.000-230.000 đồng/kg. Loại tôm lớn từ 10-20 con/kg (nông dân thường gọi tôm cù, còn sót lại từ vụ nuôi trước) có giá từ 280.000-300.000 đồng/kg. Mức giá cao này được duy trì từ đầu năm đến nay và dự báo còn kéo dài thêm 1-2 tháng nữa, khi vào vụ thu hoạch rộ.

        Ông Phan Thanh Sang cho biết, hầu hết các nhà máy chế biến tôm trên địa bàn tỉnh đều đang trong tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến. Đối với những nhà máy lớn, nguồn tôm chỉ đáp ứng khoảng 40-50% nhu cầu thực tế. Năm nay, giá tôm nguyên liệu xuất bán của các nước cũng ở mức cao, không thua kém nước ta. Chính vì vậy, các doanh nghiệp không nhập tôm nguyên liệu về chế biến. Thêm vào đó, cuối quý I, đầu quý II sẽ là chính vụ xuất khẩu tôm, vì vậy, đa số các doanh nghiệp đang gom hàng để đảm bảo nhu cầu. Trước tình hình trên, ông Sang cho rằng, nguồn cung tôm nguyên liệu thời gian tới vẫn thiếu và giá tôm sẽ duy trì chứ ít khi tụt dốc.

        Đẩy mạnh mở rộng thị trường

        Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi thuỷ sản lớn nhất cả nước, với trên 302.861 ha, chiếm 27,9% cả nước, 39% vùng ĐBSCL. Sản lượng nuôi hằng năm đạt gần 321.000 tấn, con tôm Cà Mau hiện đã có mặt ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Tây Âu và hướng đến thị trường Ấn Độ đầy tiềm năng.

Nông dân xã Hoà Tân, TP Cà Mau thu hoạch tôm công nghiệp. Ảnh: Nhật Huy

        Hiện nay, chỉ tính riêng diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh đạt trên 9.664 ha; trong đó diện tích ao nuôi tôm siêu thâm canh tăng nhanh, gần 1.000 ha, năng suất đạt từ 80-100 tấn/ha/vụ nuôi, góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

        Ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân tiên phong chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh sang công nghiệp và ứng dụng kỹ thuật mới tại xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, chia sẻ: “Mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ao và phủ lưới trên mặt ao đã chứng minh được hiệu quả trong thực tế sản xuất, giúp người nuôi tôm xử lý tốt nguồn nước nên con tôm phát triển nhanh, giảm rủi ro dịch bệnh. Hiện mô hình này thu hút rất nhiều nông dân đầu tư”.

        Theo ông Tăng Thái Xuyên, Giám đốc Công ty chuỗi tôm rừng Minh Phú, thuộc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, để đạt kim ngạch 1,1 tỷ USD vào năm 2018, ngành thuỷ sản cần quy hoạch phát triển ngành tôm nuôi một cách phù hợp; thay đổi cơ cấu và ứng dụng khoa học - công nghệ để mang lại hiệu quả bền vững. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đảm bảo chủ động con giống chất lượng cao, giảm giá thành, kiểm soát được dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Tăng cường hợp tác quốc tế, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, làm sao để sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng có thể thâm nhập sâu hơn nữa, rộng hơn nữa vào thị trường quốc tế./.

Trung Đỉnh - Nguồn tin: Báo Cà Mau