Các nhân tố ảnh hưởng đến việc làm của học sinh, sinh viên tỉnh Cà Mau sau khi tốt nghiệp

  1. Mở đầu

       Việc làm cho học sinh, sinh viên (HS, SV) sau khi tốt nghiệp luôn là vấn đề bức xúc không chỉ đối với bản thân sinh viên mà cả đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Có một việc làm đúng với ngành nghề đào tạo luôn là mơ ước của hầu hết không chỉ đối với các sinh viên tốt nghiệp ra trường mà ngay cả đối với các em còn ngồi trên ghế giảng đường.

       Trong thời gian gần đây, việc làm cho HS, SV trở nên khó tìm do nhiều nguyên nhân, trong đó có tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khó khăn, nhu cầu tuyển dụng lao động bị thu hẹp. Đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước, nhu cầu tuyển dụng công chức, viên chức ngày càng có yêu cầu cao hơn về chất lượng và một số nơi thừa biên chế. Không chỉ đối với các cơ sở đào tạo ngoài công lập, ngay cả các cơ sở đào tạo công lập danh tiếng, không phải HS, SV tốt nghiệp ra trường cũng đều có việc làm. Một nguyên nhân khác, có nhiều cơ sở đào tạo, được đào tạo có cùng các ngành, cùng chuyên ngành trùng nhau dẫn đến cung vượt cầu. Về chủ quan, việc có được việc làm hay không, liên quan rất nhiều đến phẩm chất, năng lực, trình độ, kỹ năng của người được đào tạo. Thực tế cho thấy, số lượng ứng viên đăng ký dự tuyển hàng năm để tìm việc làm khá đông, song kết quả số người đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng còn hạn chế. Trước những thách thức nêu trên, đòi hỏi các cơ sở đào tạo và bản thân HS, SV phải có cách nhìn nhận mới về vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường.

       Việc làm của HS, SV tỉnh Cà Mau sau khi tốt nghiệp chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố nhưng các nhân tố cốt lõi quyết định đến việc làm đó là cơ sở đào tạo, các nhà tuyển dụng, chính sách hỗ trợ và môi trường kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cũng còn nhiều nhân tố khác ảnh hưởng đến quyết định đến việc làm của HS, SV sau khi tốt nghiệp.

  1. Chọn mẫu khảo sát

       Nhằm thu thập các thông tin thực tế về việc làm của HS, SV Cà Mau sau khi tốt nghiệp, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 1000 HS, SV đã tốt nghiệp giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017. Tỷ lệ HS, SV có việc làm đúng ngành nghề đào tạo, không đúng ngành nghề đào tạo cũng như thất nghiệp, mức độ đáp ứng nhu cầu công việc của họ sau khi tốt nghiệp.

       Số phiếu đạt yêu cầu được xử lý 100%. Dữ liệu được nhập và được làm sạch thông qua phần mềm Microsoft Excel và SPSS: loại bỏ các câu hỏi có nhiều đáp án trùng bằng lệnh AVERAGE trong Excel và loại bỏ các phiếu có nhiều ô trống, thông qua lệnh Missing Value Ananlysis trong SPSS. Kết quả là không có phiếu bị loại vì không có nhiều ô trống và có nhiều đáp án trùng nhau. 

       Để đánh giá thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, nhóm nghiên cứu đã sử dụng thang đo Likert với 5 mức độ (bảng 1). Sự chênh lệch giữa các mức độ là 0,8 điểm [(5-1)/5].

              Bảng 1: Thang đo Likert

       

  1. 3. Các nhân tố cốt lõi quyết định đến việc làm của học sinh, sinh viên

       3.1. Nhân tố cơ sở đào tạo

       - Chọn trường ảnh hưởng đến việc làm

       Kết quả thống kê (bảng 2) cho thấy, giá trị trung bình của thang đo này đạt 3,98/5 điểm, tương đương mức "quan trọng". Như vậy HS, SV đều đánh giá sự ảnh hưởng quan trọng của cả 5 yếu tố này đến việc việc chọn trường và công việc sau khi tốt nghiệp.

       Trong số 5 yếu tố trên, xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp cho thấy, yếu tố "Đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao" được HS, SV đánh giá cao nhất với mức điểm "Rất quan trọng" đạt giá trị 4,27/5 điểm. Điều đó cho thấy khi chọn trường học sinh còn cân nhắc đến chất lượng đội ngũ giáo viên. Yếu tố " Nhà trường có đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp" đạt giá trị cao thứ hai ở mức "quan trọng" (4,10/5 điểm). Yếu tố được đánh giá cao thứ ba là: " Có cơ hội học tập cao hơn" đạt mức "quan trọng" với giá trị 3,91/5 điểm. Yếu tố thứ tư là "Có nhiều ngành đào tạo để lựa chọn" có số điểm là 3,82 tương đương mức "quan trọng", và cuối cùng là học phí thấp với 3,80 điểm.

       Như vậy, nhìn vào thang đo này cho thấy các cơ sở đào tạo cần tập trung ưu tiên cho đội ngũ giảng viên và chính sách đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp cho HS, SV.

       - Thực trạng mong muốn của HS, SV đối với cơ sở đào tạo

       Giá trị trung bình thang đo này là 4,01/5 điểm, tương đương mức "quan trọng" cho thấy người học rất muốn các cơ sở đào tạo quan tâm đến các yếu tố như: Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên nhu cầu công việc của xã hội (4,10 điểm); Tạo được động lực cho HS, SV trong học tập hướng về khởi nghiệp (4,04 điểm); Chương trình đào tạo tập trung vào các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiêm công việc của người học (4,03 điểm). các yếu tố còn lại cũng đạt giá trị 3,95 điểm.

       Trong hệ thống các cơ sở đào tạo của Cà Mau hiện nay, đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định trực tiếp đến chất lượng đào tạo, coi phát triển đội ngũ giáo viên là một trong những giải pháp trọng tâm quyết định đến sự phát triển và nâng cao chất lượng dạy nghề. Chính vì vậy, muốn nâng cao chất lượng đào tạo, trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề.

       Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cần được thường xuyên cập nhật, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của các cơ sở đào tạo gắn với nhu cầu nhân lực của địa phương. Chương trình đào tạo cần hướng đến xây dựng chương trình theo mô hình đào tạo nghề hiện đại trên thế giới với hệ thống tổ chức quản lý hiệu quả cao của một số nước tiên tiến.

       Tóm lại, nhân tố đào tạo ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến kết quả việc làm của HS, SV sau khi tốt nghiệp ra trường.

       3.2. Nhân tố các nhà tuyển dụng

       Người học rất mong muốn được các nhà tuyển dụng quan tâm hỗ trợ công việc sau khi họ ra trường. Giá trị trung bình thang đo này là 4,18 /5 điểm, xấp xỉ mức "Rất quan trọng". Có hai yếu tố quan trọng nhất được người học mong muốn là: Các nhà tuyển dụng "chủ động ký kết hợp đồng đào tạo và tuyển dụng với các cơ sở đào tạo" (4,25 điểm); và "Hỗ trợ HS, SV thực tập, học hỏi kỹ năng và kinh nghiệm công việc" (4,24 điểm). Thứ ba là "Công khai minh bạch chính sách tuyển dụng nhân sự", với 4,15 điểm. Các yếu tố còn lại cũng đật trên 4 điểm (bảng 4).

       Một trong những yếu tố mà nhà tuyển dụng chấp nhận HS, SV mới ra trường bởi vì họ có tinh thần sẵn sàng học hỏi, thái độ làm việc tích cực. Họ sẵn sàng học hỏi để tiếp thu cái mới, luôn luôn trau dồi kiến thức để có thể phát triển bản thân. Ngoài những kiến thức chuyên môn của sinh viên mới ra trường. Nhà tuyển dụng cũng quan tâm đến kỹ năng mềm của sinh viên. Đây là một yếu tố quan trọng giúp nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên. Những kỹ năng mềm mà nhà tuyển dụng quan tâm như kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ra quyết định.

       Những kỹ năng mềm rất quan trọng trong quá trình làm việc. Nó sẽ giúp HS, SV có khả năng thích ứng công việc cao, khả năng xử lý tình huống tốt… giao tiếp đối với công việc. Đây là yếu tố mà nhà tuyển dụng quan tâm khi tuyển HS, SV mới ra trường. Kỹ năng giao tiếp tốt sẽ cho thấy khả năng kết nối hiệu quả của ứng viên với đồng nghiệp hay khách hàng sau này.

       Các nhà tuyển dụng là động lực để thu hút lao động nhất là HS, SV sau khi tốt nghiệp ra trường; Vì vậy các nhà tuyển dụng có chính sách thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân lực chất lượng cao, công bằng trong việc chọn lựa người tài.

       Tạo điều kiện cho người được tuyển dụng tham gia bồi dưỡng và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực tại doanh nghiệp; có chính sách thích hợp nhằm tạo môi trường thực tập cho HS, SV khi còn học ở nhà trường.

       3.3. Nhân tố chính sách hỗ trợ

       Kết quả cho thấy chính sách hỗ trợ HS, SV khởi việc khá thấp. giá trị trung bình thang đo này chỉ là 3,05 /5 điểm, xấp xỉ mức "Trung bình" (bảng 5). Điều đó cho thấy các cơ sở đào tạo chưa đầu tư đúng mức cho vấn đề này. Trong các yếu tố trên, giá trị cao nhất thuộc về yếu tố "Hỗ trợ các cơ sở đào tạo về nguồn lực trong đào tạo HS, SV nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và tạo cho họ động lực khởi nghiệp" (3,11 điểm). Thứ hai là "Thiết lập cơ chế tuyển dụng lao động tại địa phương đối với các nhà đầu tư", đạt 3,09 điểm. Thứ ba là yếu tố "Thiết lập được hệ thống thông tin kết nối dễ dàng truy cập giữa cơ sở đào tạo, nhà tuyển dụng và HS, SV" đạt 3,07 điểm. Đạt giá trị thấp nhất thuộc về yếu tố "Tạo được cầu nối giữa cơ sở đào tạo và các nhà tuyển dụng thông qua các hợp đồng được ký kết" (3,0 điểm); điểm thấp thứ hai là:"Thiết lập được các cơ sở thực hành kỹ năng nghề nghiệp tại các doanh nghiệp dưới sự hỗ trợ của chính quyền các cấp" (3,02 điểm). Đây là hai yếu tố yếu kém nhất cần được xem xét và có các giải pháp kịp thời nhằm cải thiện việc làm cho HS, SV sau khi họ tốt nghiệp.

       

       Hiện nay Chính phủ đã phê duyệt nhiều Đề án về “Khởi nghiệp”. Thủ tướng cũng ban hành Quyết định 1665/QĐ-TTg hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, trường dạy nghề… Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những chủ trương chính sách nêu trên sẽ tạo thuận lợi cho những dự án khởi nghiệp tốt và tạo việc làm cho HS, SV sau khi tốt nghiệp ra trường.

       Vì vậy trong quá trình đào tạo, học sinh, sinh viên cần được rèn luyện kỹ năng tham gia thị trường lao động hiện đại, đặc biệt là kỹ năng khởi nghiệp, tự tạo viêc làm cho mình và cho người khác; kỹ năng thích ứng và sự linh hoạt để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của từng doanh nghiệp, ngành sản xuất, cả ở trong nước và khu vực; phải có trình độ ngoại ngữ, tin học để có cơ hội tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp kinh doanh trong thời kỳ hội nhập.

       3.4. Nhân tố môi trường kinh tế-xã hội

       Giá trị trung bình thang đo này là 3,8/5 điểm, xấp xỉ mức "Trung bình". điều đó cho thấy môi trường kinh tế xã hội có tác động nhất định đến việc làm của HS, SV (bảng 6). Trong số các yếu tố, giá trị cao nhất thuộc về "Nhiều hoạt động về việc làm được tố chức thường xuyên" đạt 3,85 điểm, mức quan trọng. Giá trị cao thứ hai là yếu tố "Hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức về khởi nghiệp được thực hiện thường xuyên thông qua các tổ chức và các phương tiện truyền thông" đạt giá trị 3,83 điểm. Cả hai yếu tố trên là những tín hiệu tích cực và các tổ chức đào tạo cần phát huy hơn nữa. Yếu tố có giá trị thấp nhất là "Các nhà đầu tư đến địa phương gia tăng tạo ra nhu cầu về việc làm" với giá trị 3,75 điểm.

     

       Nhân tố môi trường kinh tế - xã hội địa phương có tác động đến việc làm của HS, SV sau khi tốt nghiệp như: Các hoạt động thông tin về việc làm được tuyên truyền rộng rãi; Các nhà tuyển dụng mở rộng đầu tư sản xuất sẽ tạo ra nhu cầu về việc làm…. 

  1. Kết luận

       Hiện nay điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường lao động, trong những năm gần đây, HS, SV đã bắt đầu đi theo hướng chọn lựa ngành học dựa vào nhu cầu thực tế của xã hội chứ không chỉ quyết định nộp hồ sơ đăng ký học dựa vào sở thích của người thân hay những lý tưởng xa rời thực tế. Chính vì thế, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng phải cân nhắc rất kỹ về những chuyên ngành đào tạo của mình để đáp ứng nhu cầu học sinh. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng phải tính đến việc đào tạo như thế nào để vừa đảm bảo yêu cầu về chất lượng đồng thời gắn việc học tập với thực hành, nâng cao kiến thức thực tế cho HS, SV để làm hài lòng các nhà tuyển dụng.

       Nhân tố cơ sở đào tạo là một trong những yếu tố cốt lõi quyết định đối với việc làm của HS, SV. Vì vậy đối với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Cà Mau, cùng với việc kiên định mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc triển khai thực hiện đồng bộ đổi mới nội dung, chương trình, xây dựng đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tiến công tác quản lý... Trong đào tạo phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động để các nhà tuyển dụng quan tâm hỗ trợ công việc sau khi HS, SV tốt nghiệp ra trường. Đồng thời các nhà tuyển dụng chủ động ký kết hợp đồng đào tạo và tuyển dụng với các cơ sở đào tạo; Hỗ trợ HS, SV thực tập, học hỏi kỹ năng và kinh nghiệm công việc. Tạo được cầu nối giữa cơ sở đào tạo và các nhà tuyển dụng thông qua các hợp đồng được ký kết. Thiết lập được các cơ sở thực hành kỹ năng nghề nghiệp tại các doanh nghiệp dưới sự hỗ trợ của chính quyền các cấp.  Bên canh đó nhiều hoạt động về việc làm được tố chức thường xuyên; Hoạt động phổ biến kiến thức về khởi nghiệp được thực hiện thông qua các tổ chức và các phương tiện truyền thông để HS, SV tốt nghiệp ra trường có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo

ThS.Nguyễn Quang Thuần