Cải tạo vườn tạp gắn với mô hình (VAC) Vườn Ao Chuồng nâng dần đời sống của nông dân vươn lên khá giàu

Ấp 3, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời là ấp được tách ra từ Công ty Lâm nghiệp, huyện Trần Văn Thời vào năm 2006; ấp có diện tích tự nhiên 927 ha, trong đó đất trồng lúa 2 vụ 300 ha; lúa 1 vụ 350 ha, đất rừng 284 ha, đất vườn 15 ha và vườn tạp 49 ha; có 405 hộ dân 1.754 khẩu; có 40 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo; là một trong những ấp khó khăn của xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời; nông dân nơi đây sống chủ yếu làm nông nghiệp là chính.

Từ khi ấp 3 được Công ty Lâm nghiệp Trần Văn Thời bàn giao về xã quản lý, tình hình đời sống của nông dân gặp khó khăn như: đất bị nhiễm phèn nặng, thiếu nước sản xuất, chủ yếu là trồng lúa một vụ năng xuất thấp, trồng rau màu thiếu nước tưới tiêu và chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ thường xảy ra dịch bệnh; diện tích làm vườn chủ yếu trồng các loại cây lâu năm thu nhập thấp, đời sống của nông dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Xuất phát từ phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trong nội bộ nông dân, bà con nông dân trong ấp phát động phong trào cải tạo vườn tạp để sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ năm 2010 đến nay, hàng năm Nông dân ấp 3. Thực hiện các phong trào thi đua của Hội, do Hội Nông dân xã phát động từ đó Chi hội Nông dân ấp 3 xây dựng kế hoạch vận động hội viên và nông dân đẩy mạnh cải tạo vườn tạp và mở ra hướng sản xuất mới bằng cách trồng các loại cây phù hợp với đất đai, thời tiết của địa phương đồng thời phải đáp ứng được sự phát triển kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích, vận động nông dân đưa cơ giới vào cải tạo vườn tạp và nạo vét ao, đầm, kênh, mương, ủi đất sang bằng bảo đảm cho sản xuất. Đề xuất các ngành chuyên môn chuyển giao khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, hướng dẫn cho nông dân cách chọn giống tốt và có năng xuất cao, phương pháp bón phân và phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; kết hợp sự cần cù, sáng tạo học hỏi kinh nghiệm của nông dân. Đến nay, hàng trăm hecta đất nhiễm phèn nặng đã được khắc phục không còn phèn; năng xuất lúa bình quân 5,5 - 6 tấn/ha/vụ, tăng 1 - 1,5 tấn/ha/vụ, diện tích vườn tạp được cải tạo 35 ha tăng 20 ha được trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: bưởi, dừa, xoài, sa bô, cam, quít…. và các loại rau màu cho năng xuất rất cao; hàng năm nông dân còn nuôi cá đồng như: cá bổi, cá lóc, cá rô và cá trê vàng... có 110 hộ nuôi với diện tích 19.800 m2 đạt hiệu quả về kinh tế khá cao; chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm được phát triển; đàn gia súc 1.215 con, gia cầm 16.200 con, từ đó góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân trong ấp.

Ngoài việc thực hiện mô hình “Cải tạo vườn tạp kết hợp mô hình vườn, ao, chuồng”  Nông dân ấp 3 thực hiện khá tốt phong trào xây dựng nông thôn mới như: Triển khai cho hội viên, nông dân đăng ký việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với xây dựng nông thôn mới từ đó nhiều hộ hội viên, nông dân hưởng ứng làm theo Bác. Cụ thể, có 125 nông dân hiến đất xây dựng lộ giao thông nông thôn hơn 45.000m2 góp vốn đối ứng hơn 900 triệu đồng, Ban và tu sửa lộ đất đen 7 km, bắt mới và sửa chữa 3 cây cầu pê tông. Hàng năm, hộ hội viên nông dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa 300 hộ, công nhận đạt 285 hộ đạt 95% số hộ đăng ký; trồng hàng rào cây xanh 110 hộ tạo môi trường xanh, sạch, đẹp và bảo vệ môi trường; hội viên, nông dân đóng góp xây dựng các loại quỹ hơn 150 triệu đồng, quỹ hỗ trợ nông dân vận động đạt 10.440.000đ đạt 100% chỉ tiêu giao.

Kết quả của việc phát động phong trào cải tạo vườn tạp kết hợp mô hình VAC nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi làm thay đổi bộ mặt nông thôn nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện nay, trong ấp còn 21 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,1%, giảm được 19 hộ nghèo, cận nghèo còn 05 hộ, hộ khá, giàu tăng lên đời sống của nông dân ngày càng được phát triển và ổn định./.

                                                                                               Trần Hùng