Cần cảnh giác với một số căn bệnh mùa lạnh.

       Hiện nay thời tiết bắt đầu thay đổi từ mùa nóng chuyển sang mùa lạnh, rất nhiều người khó tránh bị các triệu chứng như: Đau đầu, sốt, ho, đau họng, toàn thân mệt mỏi...  Những hiện tượng này thoạt nhìn rất giống với cảm lạnh nên thường bị bỏ qua. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, thì “Đây rất có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nghiêm trọng gây nguy hiểm đến tính mạng nếu kéo dài”.

       Thường thì những người bị bệnh Bạch cầu ở giai đoạn sớm sẽ có các hiện tượng như sốt, đau họng, cơ thể mất lực... rất giống với cảm lạnh. Những hiện tượng này lặp đi lặp lại và chỉ phát hiện được khi người bệnh làm các nghiệm cận lâm sàng như: Kiểm tra máu, kiểm tra tủy xương. Không riêng gì bệnh Bạch cầu, mà bệnh U não cũng có những triệu chứng tương tự. Thực tế cho thấy trên lâm sàng nhiều bệnh nhân có những dấu hiệu như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn... nên cứ nghĩ rằng mình bị cảm lạnh và tự uống thuốc nhưng tình trạng không thuyên giảm. Triệu chứng của bệnh tình kéo dài không dứt, chỉ khi được thăm khám cẩn thận thì mới có thể phát hiện được. Các bác sĩ chuyên khoa về não cho biết các triệu chứng lâm sàng của u não tiến triển chậm, quá trình phát triển bệnh không có dấu hiệu rõ ràng, đại đa số bệnh nhân không được chẩn đoán sớm, khiến khối u không ngừng phát triển. Khi bệnh tình nghiêm trọng, khối u sẽ chèn ép cấu trúc thần kinh ngoại vi, xuất hiện tổn thương chức năng thần kinh và xuất hiện các triệu chứng của tăng áp lực nội sọ như: chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.

       Nghiêm trọng hơn, đối với những bệnh nhân bị đột quỵ giai đoạn sớm cũng có biểu hiện chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi,… nhưng không ai phát hiện ra. Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, người bệnh có thể sẽ xuất hiện rối loạn ý thức và dẫn đến đột quỵ. Để phòng ngừa đột quỵ, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo rằng với những người có tiền sử bị bệnh cao huyết áp, tiểu đường khi gặp các triệu chứng trên hãy kịp thời đến bệnh viện để chụp CT não. Ngoài ra, bệnh viêm phổi lại là căn bệnh thường gặp nhiều nhất trong điều kiện thời tiết trở lạnh, thông thường bệnh nhân bị viêm phổi có thể xuất hiện những triệu chứng như sốt, ho, ho có đờm. Rất nhiều người lại mất cảnh giác khi cho rằng những triệu chứng này là do cảm lạnh gây nên. Cách duy nhất để phát hiện có thực sự bị viêm phổi hay không đó là chụp X quang vùng ngực và xét nghiệm máu.

       Theo bác sĩ Phan Việt Sơn, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, thường những chị em phụ nữ ở giai đoạn đầu của thai kỳ cũng sẽ gặp những triệu chứng giống như cảm lạnh, ví dụ như thân nhiệt tăng cao, đau đầu, tinh thần mệt mỏi, ớn lạnh, da vàng… nhiều người chưa có kinh nghiệm mang thai sẽ nhầm lẫn với cảm lạnh và sử dụng các loại thuốc cảm. Điều này rất nguy hiểm, vì dễ gây tổn hại đến thai nhi. Bác sĩ Phan Việt Sơn khuyến cáo “Nếu chị em quan hệ mà không dùng các biện pháp tránh thai, khi gặp triệu chứng tương tự nên kiểm tra sức khỏe một cách kỹ lưỡng trước khi tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị mà không có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa”.

       Mùa lạnh cũng có thể sẽ khiến cho không ít người bị mắc căn bệnh viêm thận cấp tính. Bác sĩ Nguyễn Duy Quang, Trưởng Khoa nội Tổng hợp, bệnh viện Sản nhi Cà Mau cho biết: “Trước khi khởi phát bệnh viêm thận, người bệnh thường bị viêm đường hô hấp trên và viêm amidan, biểu hiện là đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi.... Thống kê cũng cho thấy, đại đa số bệnh nhân bị viêm thận cấp tính, đặc biệt là trẻ em, khi bệnh khởi phát ở giai đoạn đầu, về cơ bản đều khó phân biệt với cảm lạnh thông thường”. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày hoặc sau 1 tuần, người bệnh sẽ cảm thấy chán ăn, cơ thể mệt mỏi, buồn nôn, bộ phận mặt và toàn thân bị phù, nước tiểu đục.

       Nhìn chung, mùa lạnh thường xuất hiện một số căn bệnh nguy hiểm, mà nhiều khi do chủ quan, chúng ta lại bỏ qua những triệu chứng tưởng chừng như thông thường này. Giải pháp tốt nhất để phòng tránh mà các bác sĩ đã khuyến cáo, là cần vệ sinh miệng, họng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày; súc miệng bằng nước ấm có pha muối loãng giúp sát trùng cổ, họng và hạn chế viêm họng. Thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại bỏ vi khuẩn; tiêm vắc xin để phòng ngừa bệnh cúm. Ăn, uống đủ chất bảo đảm năng lượng cho cơ thể chống rét. Trong bữa ăn hằng ngày cần bổ sung đầy đủ bốn nhóm chất cơ bản (tinh bột, chất đạm, chất béo, vi-ta-min và khoáng chất). Phải có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ. Rèn luyện thân thể, tập thể thao thường xuyên giúp làm ấm cơ thể, nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết lạnh.

Phương Vũ