Chủ động sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp phục vụ sản xuất nông sản sạch và bảo vệ môi trường

       Trong sản xuất nông nghiệp, từ bao đời nông dân ta có câu “nhất nước nhì phân tam cần tứ giống” ngầm chỉ ra phân bón có một vai trò rất quan trọng mang tính quyết định cả về năng suất sản lượng lẫn chất lượng nông sản khi thu hoạch. Tuy nhiên hiện nay cần nhận thức rõ vai trò giữa phân bón hóa học và phân hữu cơ khi chọn lựa để mang lại lợi ích trong trồng trọt.

Khai thác nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ - Ảnh: Hữu Nghị

       Nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm sạch an toàn ngày càng tăng, nông nghiệp thế kỷ 21 đang hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ sạch và bền vững, trong đó việc sử dụng các loại phân hữu cơ đang rất được quan tâm, đặc biệt là các loại phân được sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp. Sử dụng loại phân bón này sẽ giúp người dân tạo ra sản phẩm “sạch”, không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là giữ được độ phì nhiêu của đất đai một cách bền vững.

       Nền tảng cho sản xuất nông sản sạch ngày càng vững chắc

       Trong phân hữu cơ có đầy đủ các dưỡng chất cần thiết để cung cấp cho cây trồng, tuy hàm lượng không nhiều nhưng cây trồng hoàn toàn có thể hấp thụ dần trong thời gian dài một cách bền vững. Tuy nhiên, đã nhiều thập kỷ qua phân bón hoá học được sử dụng nhiều trong trồng trọt ở nước ta và trong tỉnh suốt thời gian dài, nguyên nhân là do khi bón cây huy động được chất dinh dưỡng trong phân ngay, và cùng các loại nông dược, thuốc kích thích tăng trưởng đã có tác dụng nhanh, cho năng suất nhảy vọt nên bị nông dân lạm dụng mà quên dần loại phân “tự sản tự tiêu” nhiều ưu điểm cũ, đã làm cho đất đai mất dần độ phì nhiêu và nhanh chóng trở nên bị bạc màu. Nhưng điều đáng nói là hiện nay giá phân bón hoá học ngày càng tăng khiến xuất hiện phân giả, phân không đạt chuẩn chất, đã cản trở vấn đề thâm canh tăng năng suất chất lượng nông sản.

       Trong khi đó tiềm năng nguồn phân hữu cơ rất dồi dào nhưng chưa được tận dụng khai thác tốt, ví dụ như phế phụ phẩm nông nghiệp các loại hiện khá phong phú có thể làm phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh để bón lại cho đất trồng sẽ có rất nhiều ưu điểm tốt, có tác dụng lâu dài, thì thường bị đốt bỏ hoặc đổ bừa bãi sau thu hoạch gây lãng phí và làm ô nhiễm môi trường. Còn trong chăn nuôi, phần lớn phân, nước thải vẫn thải trực tiếp ra ngoài môi trường, hay vứt vun vải tùy tiện nhiều nơi vào bờ đất, gốc cây, làm ô nhiễm đất, không khí và nguồn nước, gây mất an toàn cho con người!

       Ngoài ra trong lĩnh vực chế biến các loại nông, lâm, thủy sản cũng còn rất nhiều loại phế phụ phẩm có thể tận dụng chế biến phân hữu cơ vi sinh đầy triển vọng nhưng chưa được quan tâm thu gom tận dụng triệt để và vẫn còn tình trạng bị rơi vãi, hay “đổ bừa vứt đại” gây ô nhiểm môi trường.

       Việc lạm dụng hoặc sử dụng phân bón hóa học-vô cơ, thuốc nông dược để thúc đẩy, kích thích cây trồng tăng năng suất không đúng cách mà không phục hồi nguồn hữu cơ cho đất sẽ dẫn đến đất đai bị thoái hóa, khiến nguồn dinh dưỡng trong đất bị suy giảm, mất dần độ phì nhiêu dẫn tới năng suất của cây trồng cũng suy giảm theo, chất lượng nông sản cũng không đáp ứng tốt cho nhu cầu người tiêu dùng, đặc biệt còn gây ô nhiễm môi trường. Chính vì thế việc sử dụng các loại phân hữu cơ là điều rất cần thiết và đang là xu hướng phát triển mạnh trong các mô hình canh tác tạo ra sản phẩm sạch - an toàn trong nền nông nghiệp hữu cơ mà các nước phát triển và nước ta đang cố vươn tới trong thời gian gần đây.

       Có thể hiểu phân hữu cơ là những loại phân bón được chế biến từ các loại chất thải gia súc, gia cầm, tàn dư thân, lá cây, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, hay từ nguồn than bùn hoặc các chất hữu cơ từ chất thải sinh hoạt, từ các nhà máy chế biến sản xuất hàng thủy- hải sản… Và phân hữu cơ vi sinh là loại phân bón hữu cơ nêu trên, có chứa thêm một hoặc nhiều chủng vi sinh vật có ích hay còn có cả khoáng chất, vi lượng...

       Các loại phân này không chỉ cung cấp đủ các yếu tố dinh dưỡng khoáng đa lượng, trung lượng, vi lượng, hay có thể hòa tan các chất vô cơ khó tan trong đất thành chất dinh dưỡng cho cây trồng, mà còn bổ sung các loại vi sinh vật có ích, tạo cho đất có độ tơi xốp, giúp cho hệ vi sinh vật có ích trong đất phát triển mạnh mẽ, các vi sinh vật bất lợi sẽ bị triệt tiêu để cho bộ rễ của cây có đủ điều kiện phát triển tốt, bền lâu, giúp cây sinh trưởng tốt, khỏe mạnh đẩy lùi được dịch bệnh. Sau đây xin tạm gọi chung là phân bón hữu cơ.

       Tiềm năng nguồn phân bón hữu cơ rất dồi dào cần tận dụng tốt

Phân bón hữu cơ có nhiều loại, nhưng dù được tạo theo cách truyền thống hay được chế biến theo một quy trình công nghiệp thành phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh hoặc phân hữu cơ khoáng đều có chung cơ chất là các loại phế phụ phẩm nông nghiệp bị thải loại ra trong các quá trình sản xuất để tạo ra thành phẩm hàng hóa và tàn dư trong sinh hoạt tiêu dùng, được thu gom ủ lên men vi sinh, chế biến và thêm phụ gia, vi lượng, khoáng chất... Tại tỉnh Cà Mau, “nguồn tài nguyên” này hầu như ít được nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến quan tâm nên đã thành rác thải gây ô nhiễm môi trường.

       Điều này cần được cộng đồng tích cực thay đổi để tạo ra những lợi ích kinh tế và giá trị quý báu giàu tính nhân văn cho xã hội về giữ gìn, bảo vệ môi trường. Việc sử dụng loại phân bón này còn có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm tác hại do lạm dụng hóa chất, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu lên nông sản, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và để hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững.

       Cà Mau là địa phương có tính đa dạng cây trồng vật nuôi khá cao, các mặt hàng nông lâm thủy sản rất phong phú, sản lượng lớn nên hàng năm trong sản xuất nông ngư nghiệp nói chung và chế biến đã thải ra hàng chục ngàn tấn tàn dư phế phẩm động thực vật các loại, như rơm rạ, xác bã thân cành lá cỏ dại, vỏ quả, phân gia súc, gia cầm và xác bã tôm cá, hay gồm cả nguồn rác chợ, phụ phẩm chế biến nhỏ, rác sinh hoạt gia đình, thức ăn dư thừa...

       Nguồn chất thải này là tiềm năng rất lớn cho việc sản xuất phân bón hữu cơ nếu biết tận dụng khai thác hợp lý, để không chỉ tạo ra một lượng phân bón hữu cơ lớn cho sản xuất nông nghiệp sạch mang về nhiều lợi ích cho nông dân, mà còn góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. 

       Những thứ từ lâu thường bị vứt bỏ đi này cần được tận thu dùng làm phân bón để trả lại độ phì nhiêu cho đồng ruộng, nhưng cần một cơ chế khuyến khích thu gom chế biến rác thải phù hợp, có lợi cho cả người có nguồn chất thải, người thu gom, phân loại, chế biến thành phân và các đối tượng sử dụng sản phẩm phân. Cần có cơ chế sao cho người có nguồn rác khi đã phân loại, xử lý bước đầu tốt được bán hoặc mang rác sơ chế đó đổi phân thành phẩm để sử dụng riêng. Như thế việc tiêu thụ sử dụng và tính hiệu quả kinh tế của phân hữu cơ vi sinh do tự sản xuất tại cơ sở không phải là vấn đề đáng lo ngại. Có điều cá nhân, tổ chức nào khi sản xuất phân cũng cần quan tâm áp dụng mọi giải pháp có thể để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng nhằm tăng khả năng cạnh tranh về giá và đảm bảo cho khi sử dụng phân thì nông sản càng có phẩm chất tốt, được an toàn về vệ sinh thực phẩm.

       Và để tận thu, tận dụng tốt các nguồn phế thải động thực vật làm phân hữu cơ, thì trước tiên ngành Nông nghiệp, Hội nông dân cần phát động thành phong trào làm phân trong dân, các ngành chức năng liên quan khác nghiên cứu chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật ủ chế biến phân hữu cơ. Chính quyền, đoàn thể từng địa phương cần có chủ trương và vận động nông dân tổ chức hợp tác nhau trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại cơ sở để tự phục vụ sản xuất.