Còn đó, nổi đau di chứng da cam.

       Cho đến bây giờ, khi mà cuộc chiến tranh tàn khốc, với mức độ hủy diệt chưa từng có kể cả bằng bom, đạn và cả chất độc hóa học trên suốt dọc chiều dài dãy đất hình chữ S, chỉ còn là ký ức của thế hệ những người được sinh ra từ trước những năm 70 của thế kỷ trước. Thì đối với ông Võ Văn Xuyên (Ba Xuyên), đã bước sang 76 tuổi, thương binh 1/4, ngụ ấp 8, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, cựu trung úy Đại đội phó, Tiểu đoàn trinh sát Đặc công, Trung đoàn 2 Sư đoàn 9 và vợ của ông là bà Nguyễn Thị Xinh, 75 tuổi là cựu chiến binh của Trạm xá Phòng 2 Quân báo, Quân khu 9 vẫn không thể nào nguôi. Đó là những trận đánh khóc liệt từ đại lộ vòng cung (Cần Thơ), đến chiến khu D (Tây Ninh), những trận bom rãi thảm của B52 cùng với hàng trăm ngàn lít chất độc hóa học do quân đội Mỹ rãi xuống ngay đội hình của đơn vị ông, đã trở thành nổi ám ảnh ông, bà suốt mấy mươi năm qua.

       Nổi ám ảnh đó không chỉ vì tính ác liệt của các trận đánh, mà cái lớn hơn của nó chính là đứa cháu nội Võ Thanh Tòng, bị di chứng bẩm sinh do ảnh hưởng ông, bà phơi nhiễm chất độc da cam, dẫn đến em Tòng bị bại liệt, thiểu năng trí tuệ, mất khả năng kiểm soát năng lực hành vi của mình. Mặt dù hiện nay, em đã ở cái tuổi 29, nhưng trông em như đứa trẻ nhỏ, vui buồn bất thường, mọi sinh hoạt hằng ngày từ việc đi đứng, ăn uống, vệ sinh cá nhân… đều phải có người hỗ trợ. Ông bà Ba Xuyên đã rất vất vã trong việc hằng ngày phải dành nhiều thời gian để chăm sóc cho đứa cháu nội bị di chứng chất độc da cam/dioxin của mình.

       Cùng cảnh ngộ như ông Võ Văn Xuyên, ông Vũ Tấn Thành, 70 tuổi, cựu thượng úy đơn vị hậu cần Quân khu 9, ngụ khóm 4, phường 6 thành phố Cà Mau cũng đã mang trong mình một thứ chất độc da cam chết người. Nhưng nổi đau đó không phải mình ông gánh chịu, mà nó đã di chứng sang người con gái út của ông là em Vũ Kim Thúy. Ông Thành ngậm ngùi cho biết, ngày cô bé Thúy chào đời, nhìn gương mặt sáng sủa, nước da trắng trẻo của đứa bé, họ tộc nội ngoại ai cũng mừng. Nhưng rồi ngày càng lớn lên, Thúy càng có những biểu hiện bất thường, như không phản xạ được với tiếng động xung quanh, tiếng khóc phát ra âm thanh không rõ ràng và cũng chỉ biết ư e bằng thứ ngôn ngữ của người câm, chứ không líu lo kêu cha, gọi mẹ như những đứa trẻ khác. Dù ở cái tuổi 37, nhưng em Thúy cao chưa đến 1,5 mét, tính khí thất thường, nay ốm, mai đau. Theo ông Thành, đó là hậu quả của những lần quân đội Mỹ rãi chất khai hoang diệt cỏ có chất độc màu da cam xuống vùng ven Kênh xáng Chắc Băng, Trí Phải (Thới Bình), nơi có lực lượng du kích xã năm 1966 và trận nhổ cỏ U Minh tại vàm sông Cái Tàu năm 1969, nơi đơn vị hậu cần của ông đóng quân.

       Đó chỉ là những điển hình cho hàng ngàn mãnh đời bất hạnh, luôn phải hứng chịu suốt đời nổi đau từ da cam ở Cà Mau hiện nay. Có thể nói, di chứng của chất độc da cam/dioxin đã làm cho biết bao thân phận, gia đình người Việt Nam nói chung và người dân Cà Mau nói riêng không còn biết niềm vui, niềm hạnh phúc tối thiểu của một đời người là gì. Hầu hết họ đều có chung hoàn cảnh là nghèo đói, bệnh tật, hội chứng down, vô sinh… và thậm chí là còn di chứng tới nhiều đời, nhiều thế hệ mai sau. Theo số liệu thống kê của Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có tới 5.829 người là nạn nhân chất độc da cam, được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước. Trong đó có 3.552 người trực tiếp tham gia hoạt động kháng chiến, còn lại là con đẻ của người tham gia kháng chiến. Đó là chưa kể còn hàng ngàn đối tượng thuộc thế hệ thứ 3 (cháu), chưa được xem xét công nhận là nạn nhân chất độc da cam, mà chỉ được xem như là đối tượng tàn tật và chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội với vài trăm nghìn đồng một tháng.

       Để chia sẻ khó khăn cho những người không may do di chứng da cam từ cuộc chiến giải phóng dân tộc. Trong những năm qua, ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, Hội nạn nhân da cam tỉnh Cà Mau cũng đã tích cực xây dựng “Quỹ trợ giúp nạn nhân da cam” từ việc vận động những tấm lòng vàng, các mạnh thường quân, các tổ chức từ thiện xã hội trong và ngoài tỉnh đóng góp tiền, vật chất khác với số tiền vận động được lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị hội nạn nhân da cam trong tỉnh đã vận động tiền và vật chất được gần 600 triệu đồng, từ đó kịp thời hỗ trợ sửa chữa 25 căn nhà cho nạn nhân da cam nghèo khó, tiếp nhận và trao tặng 129 xe lăn, hơn 25 tấn gạo, khoan 13 giếng nước ngầm… Đồng thời, hàng chục hộ có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, đã được tỉnh hội và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, xét hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế gia đình bằng hình thức cho vay ưu đãi. Nhờ đó, mà hiện nay không ít hộ đã thật sự vươn lên, thoát khỏi đói nghèo, từng bước hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

       Ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch Hội nạn nhân dam cam/dioxin tỉnh Cà Mau cho rằng: “Nạn nhân da cam/dioxin của tỉnh Cà Mau hiện nay còn rất nhiều người còn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những di chứng đó không chỉ dừng lại ở thế hệ con cái của người có trực tiếp tham gia kháng chiến, mà nó còn ảnh hưởng đến cả thế hệ thứ 3 (cháu) sau này. Đây chính là gánh nặng cho gia đình rất lớn. Hội kêu gọi mọi người trong cộng đồng, hãy tích cực tham gia ủng hộ nạn nhân da cam bằng việc có thể đóng góp tiền, vật chất để góp phần chia sẻ nổi đau da cam của những nạn nhân chiến tranh”.

Phương Vũ