"Công xưởng tôm Cà Mau" cần đội ngũ kỹ thuật giỏi

       Để hội nhập sâu hơn và thành “công xưởng tôm” thật sự của cả nước thì con tôm trên đồng đất Cà Mau phải “lột xác chuyển mình bền vững”. Mô hình nuôi tôm “siêu thâm canh”, nuôi công nghiệp và nuôi quảng canh cải tiến năng suất cao sẽ giúp Cà Mau đạt được điều đó, nhưng khâu đầu tiên rất quan trọng là cần phải có nguồn nhân lực nắm vững kỹ thuật để giúp nông dân. 

       Hiện nay nông dân tỉnh ta đã chuyển dịch sản xuất đất vườn, ruộng lúa, rừng kinh tế sang các loại hình nuôi tôm trên diện tích khoản 280.000 ha, Thế nhưng phần lớn nông dân chưa hiểu rõ đời sống, tập tính hoạt động, điều kiện môi trường… cần cho con tôm sống tốt và phát triển bền vững. Hiện tại tỉnh ta cũng chưa có đội ngũ cán bộ kỹ thuật thật sự mạnh và đáng tin cậy, để giúp nông dân làm giàu bền vững bằng các mô hình nuôi siêu thâm canh, nuôi công nghiệp, nuôi quảng canh cải tiến đang phát triển mạnh… trong khi phần lớn bà con vẫn “mù tịt” về nhiều vấn đề liên quan con tôm.

Ao nuôi tôm công nghiệp ở xã Phú Mỹ - Ảnh Tg

       Trong tình hình còn khó khăn đó, để đảm bảo bền vững lâu dài cho việc mở rộng diện tích nuôi tôm theo các mô hình thâm canh nêu trên đạt mục tiêu của tỉnh mà không gặp những trở ngại, thì ngành chức năng liên quan cần sớm có đề án đào tạo chuyên sâu để sớm hình thành “đội ngũ chuyên gia chủ lực mang tính chiến lược” về nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi công nghiệp… cho tỉnh nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu trong thời gian tới.  

       Bởi muốn tránh cảnh bị “treo ao” bất đắc dĩ và để phát triển các loại hình nuôi tôm thâm canh nêu trên luôn thành công, đạt hiệu quả kinh tế, đảm bảo được tính bền vững, ổn định lâu dài, thì cần phải thỏa mãn rất nhiều điều kiện. Từ việc chọn vùng đất thích hợp, có quy hoạch ổn định và đầu tư hạ tầng đảm bảo đạt yêu cầu…, mà quan trọng nhất là phải có “người nuôi giỏi - nắm vững các khâu kỹ thuật”. Tức là bản thân người nuôi hoặc nhà đầu tư phải có người giỏi kỹ thuật, có kiến thức trên nhiều lĩnh vực, hoặc có chuyên gia tốt tư vấn cho những lĩnh vực có liên quan đến mô hình đang nuôi. Như phải am hiểu sâu về đời sống con tôm, các kỹ thuật nuôi tiên tiến phù hợp cho từng điều kiện cụ thể, hiểu biết về cách ngăn ngừa, phòng trị dịch bệnh, biết và nắm vững kỹ thuật vận hành tuần hoàn nước an toàn để bảo vệ môi trường nuôi… Và cả các khía cạnh kinh tế phải tính từ con giống, thức ăn, các loại vật tư phục vụ và mùa vụ, giá cả sản phẩm khi thu hoạch, để làm sao vụ nuôi an toàn, thành công và không bị thua lổ. Những vấn đề này không phải cứ là cán bộ kỹ thuật thì ai cũng hiểu sâu và làm được việc, nên nông dân hay nhà đầu tư đơn thuần không thể nào hiểu biết hết để đảm bảo thành công cho các vụ nuôi, mà đòi hỏi tỉnh phải có đội ngũ chuyên gia giỏi để tư vấn tường tận và bám sát theo kiểu “cầm tay chỉ việc” cho nông dân, nhà đầu tư thì mới mong thành công mỹ mãn.

Vuông tôm công nghiệp ở huyenj Phú Tân - Ảnh Tg

       Nếu tỉnh có cơ chế phù hợp để đầu tư đào tạo và khuyến khích sáng tạo cho các chuyên gia, thì từ sự thành công của nhà đầu tư, của nông dân nhờ tư vấn đúng, chắc chắn sẽ có thu lợi không nhỏ qua các hợp đồng để anh chị em tự nuôi. Nhưng quan trọng hợn là tỉnh ta sẽ có được đội ngũ chuyên gia giỏi được kinh qua thực tiển, sẽ dày dạn kinh nghiệm hơn, đủ sức dẫn dắt nông dân, nhà đầu tư làm giàu thật sự và bến vững, chứ không còn là những “kỹ sư chay”, thuộc lý thuyết mà không có điều kiện thực hành thành công như thời gian qua.

       Có được đội ngũ chuyên gia giỏi này tỉnh ta sẽ có cơ may thành công cao trong nuôi tôm như mục tiêu đề ra, nông dân, nhà đầu tư sẽ hạn chế được những tổn thất do “bể hầm tôm” bất đắc dĩ mà trước giờ hay vướng phải do chưa được tư vấn tốt. Nhà máy sẽ có được nguồn nguyên liệu sạch dồi dào, ổn định để nâng cao sản lượng chế biến xuất khẩu… từ đó đời sống công nhân, nông dân chắc chắn sẽ đổi khác theo hướng tích cực về mọi mặt./.

Mục Đồng