Cùng chung sức “dọn biển” và khôi phục nguồn cá giống.

       Vấn nạn ô nhiễm rác tại các vùng biển và việc đánh bắt cá thiếu khoa học kéo dài đang ngày càng đe dọa cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, nên những chuyến biển không còn nhiều lợi nhuận đã khiến tàu cá các tỉnh thành phải nằm bờ, tình cảnh người dân sống nhờ nghề biển thêm khó khăn. Hãy cùng “dọn biển” và tích cực cứu nguồn lợi cá biển!

       Trước thực trạng trên đã có nhiều ý kiến về “dưỡng biển”, trong đó có đề xuất giới hạn khai thác vào mùa cá sinh sản. Điều này là rất cần thiết, tuy “chưa đủ đô”, vì muốn dưỡng biển tốt còn phải tính đến vấn nạn ô nhiễm biển và cấm có hiệu quả những cách khai thác tàn sát tài nguyên song song với bảo vệ, khôi phục nguồn lợi thủy sản biển.

       Bài toán cho khôi phục nguồn lợi cá biển

       Bởi lẽ, dù có cấm biển theo mùa, có hạn chế đánh bắt vùng ven bờ mà không có giải pháp hữu hiệu nhằm nuôi dưỡng, bảo vệ nguồn cá bố mẹ, cá non, cứ “vét sạch” theo kiểu tận diệt bằng các loại ngư lưới cụ vi phạm quy định nghề cá, nhất là lưới cào mắc nhỏ, đánh lưới đèn công suất lớn, cào ste, đẩy xiệp, dùng thiết bị nổ, chất nổ, thiết bị- máy phát xung điện…, và cứ tạo sự ô nhiểm nước thải, chất thải nhựa, cao su, nilong… cho các vùng biển, thì đại dương và các vùng biển cạn vẫn bị ô nhiễm, không thể hồi sinh nguồn lợi phong phú, để tàu cá khai thác có hiệu quả được. Mà phải làm sao cho người làm nghề biển có nhận thức tích cực về bảo vệ môi trường, tài nguyên biển, có ý thức tốt và hành động thiết thực, cụ thể dưỡng nuôi nguồn lợi thì mới thành công.

       Một con cá thuộc loài có giá trị như cá ngừ chẳng hạn, khi bắt được từ ngoài đại dương xa nếu đủ lớn đạt trọng lượng thương phẩm có thể hàng chục kg, trị giá lên tới hàng triệu đồng, nhưng nếu lúc nhỏ lọt vào lưới tàu lớn hay thuyền nhỏ ven bờ đều chỉ bán được cá chợ, hay cá phân, làm khô, làm mắm… giá trị chẳng là bao. Sao chúng ta không vận động cùng nhau thả cá nhỏ trở lại biển cho chúng được đủ lớn rồi hãy bắt cũng đâu muộn gì?! Có thể mình không bắt lại được những con cá đã thả lại đó khi nó lớn lên, mà người khác sẽ bắt, thì cũng có lợi cho xã hội, cho ai đó, và mình sẽ bắt được nhiều hơn những con cá do người khác đã cùng thả. Vậy thì ai phóng sinh cá nhỏ, cá mang trứng cũng đều có phước báo, nào ai có thiệt thòi gì đâu, sao ta không cùng làm?

       Hãy suy nghĩ tích cực hơn và xin đừng so đo tính toán, đừng vô tâm lạm sát và hãy để cho mọi loài được sống đúng với giá trị thật có ý nghĩa, chứ đừng để thành chết uổng phí chỉ vì cá còn nhỏ mà mang thêm tội nghiệp không hay! Và biết đâu số cá được thả lại ấy sẽ khôn ngoan hơn, tránh được câu, lưới để thành cá bố mẹ, và chỉ cần1-2% trong tổng số chúng thoát được thôi, cũng sẽ đẻ trả lại biển hàng đàn cá thế hệ con, cháu khác, sẽ hồi đáp lại chúng ta nguồn tài nguyên rất lớn. Khi đó tàu sẽ không phải nằm bờ, nhà máy cũng có nguyên liệu hoạt động tốt, công nhân có việc làm, có thu nhập, đời sống xã hội phát triển hơn…, phải chăng đó là phước báo vô lượng từ những việc làm nhỏ?!

       Giải pháp “gậm mòn” rác thải biển, làm sạch đại dương

       Lòng biển ngày càng ô nhiễm bởi các loại chất thải, rác thải trong đó đáng quan ngại là các chất thải nhựa, cao su và nilong, là một trong nhiều nguyên nhân góp phần làm biển “xấu xí”, suy giảm, cạn kiệt nguồn tôm cá, gây nguy hại cho sinh vật biển, khiến tàu đánh bắt nằm bờ, nhà máy thiếu nguyên liệu, đình trệ sản xuất, công nhân giảm thu nhập đời sống khó khăn và xã hội cũng trở nên bất ổn.

       Biết đâu chính tàu mình, thủy thủ mình cũng đã góp phần tích cực chuyện gây ô nhiễm đó, vì vậy mỗi lần kéo lưới mỗi tàu cá nên tổ chức nhặt lại những thứ khó phân hủy nêu trên. Việc làm nhỏ này vừa góp phần làm sạch các bãi biển, vùng biển, và rồi sạch cho cả đại dương, hay ít ra không gây ô nhiểm trầm trọng thêm. Nhưng lợi ích lớn hơn là sẽ tập cho thủy thủ và mọi người làm nghề biển có ý thức tốt và hành động tích cực hơn vì môi trường biển sạch đẹp, an lành, giàu sinh lực, để hướng đến cuộc sống mọi người luôn được ấm no, hạnh phúc bền vững mọi lúc mọi nơi.

       Theo đó, nếu từng mỗi chuyến tàu đi, sau khi về cập bến có mang vào bờ tối thiểu 01-03 kg rác thải nhựa, cao su, bọc nilong… khó phân hủy, hay nhiều hơn càng tốt, thì tính chung hàng chục vạn tàu mỗi chuyến cập bến đã nhặt giúp đại dương, bãi biển hàng trăm, hàng ngàn tấn rác thải khó phân hủy nguy hại, góp phần cứu thoát nhiều loài sinh vật biển khỏi chết dần mòn mà còn có điều kiện sinh sôi phát triển và giúp khôi phục nguồn lợi tôm cá. Trong số rác nhặt được đó sẽ có một phần lớn chất nhựa, cao su, nilong tái chế được, và do trôi nổi trong nước biển nên khá sạch, ít tạp chất, hầu như không còn mùi hôi thối, nên thay vì bỏ trở lại biển như trước đây sẽ làm tình trạng ô nhiễm rác biển càng tồi tệ hơn, thiệt hại về nhiều mặt, thì nay các tàu nên chung sức nhặt nhạnh dần cho biển được sạch.

       Ngành Thủy sản, các đồn biên phòng, các địa phương, các bến cá, nhà máy có tàu khai thác biển cập bến nên có chế độ khuyến khích hoặc có quy định bắt buộc và có tổ chức, tạo điều kiện bến bãi tập kết, tiếp nhận rác, hay giao cho doanh nghiệp thu mua tái chế rác hoặc có tổ chức đơn vị môi trường tiếp nhận tiêu hủy hay chôn lắp rác cụ thể để mọi người, mọi tàu cùng thực hiện.

       Cần cộng đồng quyết tâm thành phong trào

       Chuyện ô nhiễm các vùng biển và cạn kiệt nguồn lợi cá tôm tuy do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có vai trò tác động khá trực tiếp của tàu thuyền khai thác biển, nên người sống bằng nghề biển, đặc biệt là các loại tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản hãy vì lợi ích thiết thân của chính mình mà tiên phong hành động có trách nhiệm góp phần khắc phục vấn nạn ô nhiểm rác và phục hồi, tái sinh nguồn lợi biển.

       Những hành động hữu ích, như thu lượm rác chẳng mấy công, chọn thả lại cá nhỏ, hay cá đang mang trứng mạnh khỏe mà mỗi lượt kéo lưới mỗi tàu chỉ thả lại biển 03 con, giá trị không bao nhiêu, là chuyện nhỏ của mỗi chuyến biển, chưa thấy được phước báo, lợi ích gì, nhưng hãy suy nghĩ, nếu phát động hàng ngàn, hàng vạn tàu đều cùng thực hiện và thành phong trào rộng khắp, thường xuyên, kéo dài bền bỉ nhiều năm tháng trong giới tàu khai thác cá biển, thì số lượng 03 kg rác/chuyến, ba con cá nhỏ nhân lên số lượt lưới kéo, nhân lên tổng số lượng tàu thuyền sẽ là con số rất có ý nghĩa về nhiều mặt (kinh tế, xã hội lẫn nguồn lợi, môi trường). Đây cũng là việc nghĩa, có đạo đức, có tính nhân văn, vừa ích nước, vừa lợi nhà, cũng là nét đẹp văn hóa cần hình thành, mọi tàu cá nên thực hiện để được nhận lại phước báo từ biển cả và nghề cá nước ta sẽ đón nhận được những điều đổi thay kỳ diệu trên biển.

       Mỗi ngày mỗi tàu nhặt một ít, thả một ít, nhiều ngày nhiều tàu, nhiều chuyến biển sẽ tạo nên điều kỳ diệu cho đại dương và cho cuộc sống mọi người trong tương lai gần. Ngành thủy sản và các địa phương có biển trong cả nước nên tuyên truyền vận động và phát động thành phong trào để tàu khai thác biển vừa thả lại cá giống, vừa góp sức làm sạch biển./.

KS. Nguyễn Văn Thước