Đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu

 

Bánh Trung thu được bán ở cửa hàng VinMart                                 Ảnh: Tg

       Cứ vào dịp Tết Trung thu thì nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo,… đặc biệt là bánh Trung thu của người dân tăng lên khá cao, thị trường lại xuất hiện rất nhiều loại bánh từ bình dân đến cao cấp, phục vụ nhu cầu thưởng thức, biếu tặng của người tiêu dùng.  Trước kia chỉ có bánh dẻo và bánh nướng nhân thập cẩm truyền thống, thì bây giờ các loại bánh rất đa dạng như: gà quay, lạp xưởng, bào ngư, nấm đông cô, hải sâm, trứng…đến khoai môn, đậu xanh, hạt sen, sữa dừa, hạt điều, mè…và một số bánh đặc biệt dùng cho những người phải ăn kiêng: tiểu đường, thừa cân béo phì,… Vì thế, nguyên liệu để làm bánh cũng rất đa dạng, mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ nhiễm vi sinh vật (nấm mốc, nấm men, tụ cầu, tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng..), nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh cấm, chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật, chất tạo màu cấm sử dụng, hóa chất sử dụng làm phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, những hóa chất độc hại do sản phẩm quá hạn sử dụng, sản phẩm biến đổi chất lượng do bảo quản không đúng yêu cầu...). Rồi điều kiện vệ sinh nơi chế biến, dụng cụ chế biến, dụng cụ bảo quản bánh, bàn tay của người chế biến, người ăn đều có nguy cơ chứa đựng các “tác nhân gây ô nhiễm bánh. Mặt khác, Việc sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận cao, nên vào dịp Tết Trung thu năm nào cũng xuất hiện hàng loạt các cơ sở chế biến, sản xuất loại bánh này. Ngoài một số các cơ sở có tên tuổi đảm bảo được quy định sản xuất ATTP cho các loại bánh, thì còn xuất hiện rất nhiều sản phẩm bánh trung thu của các cơ sở sản xuất tự phát, không đảm bảo điều kiện ATTP trong sản xuất. Đây cũng là cơ hội để hàng giả, hàng kém chất lượng, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm được dịp trà trộn, lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì thế, để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng trong dịp tết Trung thu. Các đơn vị liên quan cần quan tâm thực hiện:

       1. Các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm:

       - Cần tăng cường thanh, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bánh trung thu; các đầu mối cung cấp thực phẩm, bánh trung thu với số lượng lớn. Đặc biệt, chú trọng quan tâm đến kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào trong sản xuất các loại bánh phục vụ trung thu, cũng như việc bảo quản bánh đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở.

       - Phối hợp tuyên truyền các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; kiến thức về phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua đường thực phẩm cho chủ cơ sở sản xuất, những người trực tiếp sản xuất và kinh doanh thực phẩm.

       - Tập trung kiểm tra bảo đảm chất lượng sản phẩm, việc chấp hành quy định về quảng cáo, kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc; điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh; việc sử dụng phụ gia, phẩm màu, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến.

       - Lấy mẫu kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng sản phẩm khi cần thiết.

       - Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

       2. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm:

       - Thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh; phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có tham gia các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm; giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động trực tiếp sản xuất; nhãn mác sản phẩm phải có ngày sản xuất, thời hạn sử dụng rõ ràng.

       - Thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.

       3. Người tiêu dùng:

       - Nên mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm, bánh kẹo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, điều kiện bảo quản, kinh doanh thực phẩm. Người tiêu dùng thông thái cần lựa chọn cho gia đình mình những loại bánh có thương hiệu.

       - Chọn mua những loại bánh tại những điểm, cơ sở bán bánh uy tín, có khu vực bảo quản bánh đủ điều kiện để chiếc bánh ngon không chỉ đủ hương vị mà còn không còn phải lo lắng chất lượng có bị ảnh hưởng hay không.

Mỹ Nguyễn