Đánh giá công tác đào tạo cán bộ, công chức cấp xã tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2017 - 2019

       1. Đặt vấn đề

       Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”“Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Lời dạy của Bác nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của cán bộ. Đặt biệt đối với cấp cơ sở là cầu nối gần gũi với nhân dân, là nơi thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, là cấp đầu tiên phục vụ những nhu cầu, nguyện vọng, quan hệ hành chính thường xuyên với quần chúng nhân dân. Vì vậy, việc xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) chính quyền cấp xã đủ đức, đủ tài để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Nhà nước và Nhân dân giao luôn là vấn đề cần thiết, quan trọng ở địa phương.

       Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện đã có những chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm quản lý nhà nước về nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ kĩ năng... cho đội ngũ CBCC cấp cơ sở. Nhờ vậy, đội ngũ CBCC cấp xã ở tỉnh Cà Mau từng bước trưởng thành về mọi mặt, góp phần xây dựng hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, phục vụ tốt yêu cầu, nguyện vọng nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ mới có tính đòi hỏi cao trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác quản lý nhà nước về đào tạo CBCC vẫn còn những khâu hạn chế, chương trình đào tạo còn bất cập, quy hoạch còn bị đọng, chắp vá, chế độ, chính sách chưa thật sự thỏa đáng. Chưa có giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc thù của địa phương nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã trong giai đoạn hiện nay.

       2. Thực trạng công tác đào tạo CBCC cấp xã giai đoạn 2017 - 2019 của tỉnh Cà Mau

       2.1. Đào tạo về lý luận chính trị:

       Công tác đào tạo lý luận chính trị đối với đội ngũ CBCC, đảng viên cấp xã đã và đang được lãnh đạo UBND các cấp đặc biệt quan tâm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh (2015 -2020) nhấn mạnh tập trung chỉ đạo, đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng làm cho cán bộ, đảng viên nhất quán quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Đại hội đảng các cấp; nhất là giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 – 2020; đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng chính trị cho cán bộ, đảng viên phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương nhằm đảm bảo quy định và tăng cường bản lĩnh chính trị, năng lực thực tiễn và khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

       Được sự quan tâm của các Huyện ủy, UBND các huyện đã tạo điều kiện để CBCC các xã, thị trấn trong huyện học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị. Các Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện hàng năm đều tổ chức các lớp như Trung cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng cho đảng viên mới, lớp báo cáo viên, lớp bồi dưỡng công tác tổ chức, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận,.. Ngoài ra, các huyện còn cử cán bộ đi đào tạo các lớp do thành phố mở như lớp trung cấp và cao cấp Chính trị - Hành chính hệ vừa làm vừa học.

       Trong giai đoạn 2017 – 2019, công tác ĐTBD CBCC cấp xã đã đạt được một số kết quả khả quan như sau (xem chi tiết tại bảng 1):

       - Đào tạo đối với Cán bộ:

       + Cao cấp: 72 người

       + Trung cấp: 178 người

       + Sơ cấp: 82 người

- Đào tạo đối với Công chức:

       + Cao cấp: 66 người

       + Trung cấp: 254 người

       + Sơ cấp: 176 người

Bảng 1: Quản lý Nhà nước đào tạo về trình độ lý luận chính trịcủa CBCC cấp xã giai đoạn 2017 – 2019

Trình độ lý luận chính trị

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Người

Tỷ lệ (%)

Người

Tỷ lệ (%)

Người

Tỷ lệ (%)

1. Cán bộ

1.067

100

1.200

100

1.339

100

- Cao cấp

196

18

204

17

268

20

- Trung cấp

625

59

732

61

803

60

- Sơ cấp

119

11

156

13

201

15

- Chưa qua đào tạo

127

12

108

9

67

5

2. Công chức

1.054

100

1.241

100

1.537

100

- Cao cấp

42

4

75

6

108

7

- Trung cấp

484

46

571

46

738

48

- Sơ cấp

177

17

248

20

353

23

- Chưa qua đào tạo

351

33

347

28

338

22

Nguồn: Tác giả tổng hợp

       Bảng số liệu 1 cũng cho thấy, trình độ lý luận chính trị của công chức cấp xã ở trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo cao hơn cán bộ cấp xã, tuy nhiên tỷ lệ trình độ lý luận chính trị của công chức cấp xã ở trình độ sơ cấp tăng qua các năm và trình độ lý luận chính trị của công chức cấp xã ở mức chưa qua đào tạo thì lại ngày càng tăng. Ngược lại trình độ lý luận chính trị của cán bộ cấp xã ở mức trung cấp và cao cấp cao hơn công chức cấp xã.

       2.2. Đào tạo về Quản lý Nhà nước:

       Nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về kinh tế thị trường và vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường cho đội ngũ CBCC nói chung và đội ngũ CBCC cấp xã nói riêng để họ làm việc trong môi trường nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành trong cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và có sự quản lý của nhà nước. Những năm qua huyện đã cử những CBCC cấp xã tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức QLNN theo quy định. Bồi dưỡng QLNN trong giai đoạn 2017 – 2019 đạt kết quả như sau (xem chi tiết tại bảng 2):

       - Đào tạo đối với Cán bộ:

       + Chương trình chuyên viên chính: 66 người

       + Chương trình chuyên viên : 233 người

       - Đào tạo đối với Công chức:

       + Chương trình chuyên viên chính: 67 người

       + Chương trình chuyên viên : 323 người

Bảng 2: Quản lý Nhà nước trong công tác đào tạo, bồi dưỡng về Quản lý Nhà nước của CBCC cấp xã giai đoạn 2017 – 2019

Trình độ QLNN

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Người

Tỷ lệ (%)

Người

Tỷ lệ (%)

Người

Tỷ lệ (%)

1. Cán bộ

1.067

100

1.200

100

1.339

100

- Chương trình CVC

54

05

84

7

120

9

- Chương trình CV

477

45

576

48

710

53

- Chưa qua đào tạo

536

50

540

45

509

38

2. Công chức

1.054

100

1.241

100

1.537

100

- Chương trình CVC

10

01

50

4

77

5

- Chương trình CV

445

42

583

47

768

50

- Chưa qua đào tạo

599

57

608

49

692

45

Nguồn: Tác giả tổng hợp

       Bảng số liệu 2 thể hiện về trình độ QLNN của CBCC cấp xã của tỉnh Cà Mau. Trong đó cán bộ cấp xã được đào tạo ở bậc chuyên viên chính và chuyên viên đều có tỷ lệ cao hơn so với công chức cấp xã; và tỷ lệ CCCB cấp xã được đào tạo ở cả hai bậc này đều tăng hàng năm, với tỷ lệ tăng năm sau cao hơn năm trước. Công chức cấp xã chưa được đào tạo về trình độ QLNN thì lại có số lượng cao hơn cán bộ cấp xã, tỷ lệ CBCC cấp xã chưa được đào tạo về QLNN đều có xu hướng giảm qua các năm.

       Kết quả về đào tạo cho CBCC cấp xã ngày càng tăng là phù hợp với vai trò, nhiệm vụ của CBCC cấp xã, bởi cấp xã là cấp chính quyền gần nhất, là cầu nối của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Họ đại diện cho quần chúng nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, bản thân họ phải là những công dân gương mẫu, hiểu biết về chính sách, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước để truyền đạt kịp thời, chính xác những nội dung này cho người dân. Những nhiệm vụ, quyền hạn họ thực thi đều phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, trước cơ quan của mình. Do đó, việc không được trang bị kiến thức về trình độ chính trị, QLNN có thể sẽ dẫn đến những hiện tượng như phổ biến, tuyên truyền chưa chính xác về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước; tham mưu giải quyết công việc không đúng thẩm quyền, không đúng thủ tục quy định, không đúng trình tự, thiếu kỹ năng, phương pháp để giải quyết phù hợp các vụ việc phát sinh trong thực tế.

       Nhìn chung, số CBCC đã qua đào tạo về trình độ lý luận chính trị và QLNN ngày càng tăng, chứng tỏ công tác đào tạo CBCC cấp xã được tỉnh chú trọng phát triển. Tuy nhiên, trình độ QLNN của CBCC ngày càng tăng nhưng tốc độ tăng còn chậm. Vì vậy, tỉnh cần tăng cường công tác đào tạo CBCC cấp xã, nhất là đào tạo về QLNN để nâng cao trình độ CBCC cấp xã đáp ứng yêu cầu của công việc ngày càng cao, càng khó khăn và phức tạp.

       2.3. Đào tạo về ngoại ngữ, tin học, về hội nhập kinh tế quốc tế và các kiến thức bổ trợ khác:

       Thực hiện các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Chính phủ; thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau; UNBD các huyện đã triển khai, quán triệt tới các ban ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn; đồng thời phối hợp với Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tuyên truyền trong hội viên, đoàn viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hội nhập kinh tế quốc tế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Căn cứ vào hướng dẫn của UBND tỉnh Cà Mau, UBND các huyện chỉ đạo các ban, ngành, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, công tác đào tạo về ngoại ngữ, tin học chưa được chú trọng, chủ yếu các CBCC tự học, tự nghiên cứuđể lấy bằng cấp, chứng chỉ. Vì vậy, kiến thức về ngoại ngữ, tin học của CBCC cấp xã còn rất yếu kém. Các CBCC cấp xã có tuổi đời trên 50 tuổi đa số không biết ngoại ngữ, tin học. Các CBCC cấp xã có tuổi đời dưới 35 tuổi kiến thức tin học còn rất hạn chế, chỉ dừng ở mức tin học văn phòng cơ bản.

       3.Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo CBCC cấp xã ở tỉnh Cà Mau 

       Xuất phát từ mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ chính trị; phát huy và nâng cao các kết quả đã đạt được; khắc phục những hạn chế yếu kém trong công tác QLNN UBND huyện về đào tạo CBCC cấp xã của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới một cách có hiệu quả, tác giả xin đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

       3.1. Giải pháp về nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của công tác đào tạo, cán bộ, công chức cấp xã:

       Một là, Thống nhất trong nhận thức, trong công tác chỉ đạo, tham mưu và tổ chức thực hiện của các cấp về tính đặc thù của hoạt động QLNN của UBND huyện về đào tạo CBCC cấp xã. Đó là một bộ phận của công tác cán bộ, chịu sự chỉ đạo của  huyện ủy, UBND huyện;

       Hai là, Quán triệt và nâng cao nhận thức về trách nhiệm, vị trí, nhiệm vụ được lãnh đạo phân công, đề cao tinh thần học tập và tự học tập suốt đời của CBCC; xác định rõ việc học tập đáp ứng các tiêu chuẩn trình độ quy định cho các ngạch, chức danh lãnh đạo, quản lý; học tập rèn luyện để thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ, công việc được giao;

       Ba là, Tuyên truyền giáo dục để giúp CBCC xây dựng niềm tin vào các chế độ chính sách đào tạo CBCC. Nghĩa là, khẳng định rằng các chính sách về đào tạo là cần thiết và có tác dụng lớn đối với CBCC nói chung và CBCC cấp xã nói riêng khi mà nước ta đã và đang tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

       Nếu các giải pháp trên được thực hiện, công tác tuyên truyền, giáo dục đạt hiệu quả thì nhận thức của CBCC được nâng cao. Do đó, các chế độ chính sách, các chương trình, kế hoạch về đào tạo sẽ được triển khai một cách thuận lợi và đạt được kết quả cao.

QLNN về đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị hành chính

       3.2. Giải pháp về đổi mới việc xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, cán bộ chủ chốt cấp xã:

       - Xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, cán bộ chủ chốt cấp xã phải gắn với bố trí, sử dụng sau đào tạo và phải theo chiến lược xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã trong từng thời kỳ; xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu có năng lực đề xuất, xây dựng các chính sách phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau.

       - Trên cơ sở quy hoạch cán bộ và mục tiêu của UBND tỉnh, UBND các cấp về công tác đào tạo CBCC, các phòng, ban, ngành của huyện và các xã, thị trấn phải xây dựng kế hoạch quy hoạch đào tạo và có kế hoạch cụ thể trong việc triển khai thực hiện các chế độ đào tạo theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý và đào tạo tối thiểu bắt buộc hành năm đối với CBCC. Đồng thời, gắn việc quy hoạch với công tác đào tạo. Xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn hóa CBCC cấp xã làm căn cứ để thực hiện công tác đào tạo CBCC cấp xã sát với tình hình thực tế.

       - Việc xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, cán bộ chủ chốt cấp xã phải dựa trên các cơ sở sau:

       + Phải dựa vào cơ cấu đội ngũ CBCC hiện tại so với cơ cấu chuẩn và có kế hoạch chuyển dịch cơ cấu để thấy hiện tại đội ngũ CBCC thừa loại nào, thiếu loại nào, có các bước đi để tạo nguồn bù vào các loại thiếu để có kế hoạch tuyển chọn, thu hút, đào tạo tại chỗ hoặc chủ động gửi đi đào tạo ở nơi khác.

       + Dựa vào kết quả đánh giá CBCC hiện tại để có thể xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, cán bộ chủ chốt cấp xã. Tránh tình trạng cơ cấu thì có nhưng chất lượng lại không có.

       + Xác định tầm nhìn mục tiêu, chiến lược về đào tạo của địa phương để nghiên cứu xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, cán bộ chủ chốt cấp xã cho phù hợp.

       Làm tốt công tác xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng CBCC cơ sở sẽ sớm khắc phục, tiến tới chấm dứt tình trạng những người hưu trí, mất sức lao động, quá tuổi lao động vẫn tiếp tục tham gia làm việc trong bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở, trở thành CBCC cơ sở.

       3.3. Giải pháp về đánh giá hiệu quả sau đào tạo cán bộ, công chức cấp xã:

       - Đánh giá sau là bước đi vô cùng quan trọng trong chuỗi quá trình đào tạo khép kín. Đánh giá đào tạo là để xem có đạt mục tiêu đề ra không, nội dung, chương trình có phù hợp, học viên áp dụng được gì sau đào tạo. Việc đánh giá đào tạo cũng nhằm phát hiện những lỗ hỏng, sự bất hợp lý, phi thực tế của quá trình đào tạo, kể từ đó nâng cao chất lượng đào tạo cho công chức.

       - Cần phải có sự trao đổi thông tin trực tiếp giữa CBCC cấp xã, lãnh đạo cấp trên và các cơ sở phụ trách công tác đào tạo. Nếu như kết quả thấp hơn hay bằng thì cần phải đánh giá và đưa ra nguyên nhân, có thể do đào tạo không đáp ứng hay không. Sau khi nắm bắt được toàn bộ các thông tin, tìm hiểu nguyên nhân là do đào tạo chưa hiệu quả thì phải lật lại từng bước, hiệu chỉnh lại.

       - Cần phối hợp cộng tác để đánh giá đội ngũ CBCC cấp xã sau khi học xong ra trường trở về công tác ở địa phương, cơ sở. Chỉ có thông qua hoạt động thực tiễn, mức độ hoàn thành nhiệm vụ và khả năng, năng lực lãnh đạo, quản lý góp phần quan trọng vào sự phát triển địa phương của đội ngũ công chức sau khi đào tạo, bồi dưỡng,.. mới khẳng định được thực sự chất lượng sản phẩm bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo.

       Làm tốt công tác này sẽ tạo ra sự gắn bó, cộng đồng trách nhiệm giữa nhà trường với địa phương trong công tác đào tạo cán bộ nói chung và CBCC cấp xã nói riêng. Có thể đưa ra các tiêu chí để đánh giá hiệu quả sau khóa học. Một khóa học có chất lượng là một khóa học mà khi kết thúc, CBCC hình thành được những phẩm chất và năng lực như có kiến thức kỹ năng quản lý nhà nước; có khả năng đặt vấn đề và kỹ năng giải quyết vấn đề; có thái độ tích cực trong thực thi công vụ.

       3.4. Giải pháp tăng cường xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định, chính sách đối với hoạt động quản lý nhà nước về đào tạo CBCC cấp xã

       - Thực hiện nghiêm túc các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn trong các khâu của công tác cán bộ. Thực hiện quy định chuẩn hóa tiêu chuẩn về trình chuyên môn, lý luận chính trị. Không tuyển dụng vào CBCC xã những CBCC chưa đủ chuẩn theo quy định.

       - Chỉ đạo xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề hoặc kế hoạch đào tạo CBCC, xây dựng chỉ tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch đào cần xác định rõ nhu cầu, mục tiêu, đối tượng, chương trình và phương pháp đào tạo đối với đội ngũ CBCC nói chung và đội ngũ CBCC cấp xã nói riêng.

       - Cần có chính sách sử dụng, khuyến khích, bố trí công tác đối với đội ngũ CBCC tình nguyện về công tác các xã vùng sâu, vùng xa.

       - Thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế đối với những CBCC không đủ tiêu chuẩn theo chức danh hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong thực hiện nhiệm vụ theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ.

       - UBND tỉnh xem xét điều chỉnh chế độ, chính sách hỗ trợ đối với CBCC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh phù hợp với tình hình thực tế nhằm khuyến khích và tạo động lực cho người học như những quy định về thưởng, phạt, bồi hoàn kinh phí đào tạo rõ ràng, tạo điều kiện về thời gian, công việc để người học chuyên tâm; đồng thời cung cấp kinh phí cho công tác đào tạo hàng năm tế và theo tỷ lệ trượt giá của từng năm đến người học kịp thời.

       4. Kết luận

       Đội ngũ CBCC cấp xã là những người có quan hệ trực tiếp, gắn bó mật thiết với người dân, là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với người văn để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh ở địa phương. Trong điều kiện cả nước toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới đang đạt ra nhiều thách thức, đòi hỏi chúng ta phải tích cực chuẩn hóa đội ngũ CBCC nói chung và đội ngũ CBCC cấp xã nói riêng không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là nhiệm vụ lâu dài. Vì vậy, công tác QLNN của UBND cấp huyện về đào tạo CBCC cấp xã đáp ứng yêu cầu công việc là một trong những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay.

       Trên cơ sở tác giả đề xuất một số giải pháp nêu trên, cái mới tác giả mạnh dạn đề xuất nhóm giải pháp về đánh giá hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã vì đánh giá sau bồi dưỡng là bước đi vô cùng quan trọng trong chuỗi quá trình bồi dưỡng khép kín. Việc đánh giá bồi dưỡng cũng nhằm phát hiện những lỗ hỏng, sự bất hợp lý, phi thực tế của quá trình ĐTBD, kể từ đó nâng cao chất lượng ĐTBD cho công chức. Làm tốt công tác đánh giá sau đào tạo này sẽ tạo ra sự gắn bó, cộng đồng trách nhiệm giữa nhà trường với địa phương trong công tác ĐTBD cán bộ nói chung và CBCC cấp xã nói riêng.

ThS. Lê Khánh Linh – Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau