Đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.

       Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi đơn vị đào tạo, trong đó gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động được coi là giải pháp quan trọng. Thời gian vừa qua,  các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh Cà Mau đã hợp tác tốt với doanh nghiệp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề và có cam kết nhất định về việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên mối quan hệ này cần có những cơ chế chính sách ràng buộc nhằm giúp cho sự liên kết phát triển bền vững hơn trong vấn đề đào tạo đáp ứng  nhu cầu lao động cho xã hội, địa phương.

       1. Đặt vấn đề

       Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương về xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa có những chính sách phù hợp, cụ thể để khuyến khích phát triển mối quan hệ hợp tác này, như chính sách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, với công nhân kỹ thuật, kỹ sư tham gia giảng dạy, với học sinh, sinh viên khi học tập ở doanh nghiệp... hay chính sách nhằm thiết lập các ràng buộc giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, đồng thời cũng gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình giáo dục nghề nghiệp và sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo từ cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chính sách cụ thể và đồng bộ, rõ ràng để khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, người dạy, người học… trong việc thực hiện sự gắn kết này.

       Sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp đi vào hoạt động, hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã dần thay đổi, từ các cấp quản lý Nhà nước đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp đã chuyển động thay đổi, đặc biệt các hoạt động trao đổi tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Cà Mau đã có cơ sở thành lập giữa bộ phận chuyên môn xúc tiến quan hệ với doanh nghiệp. Từ đó, mối quan hệ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp bước đầu được hình thành, việc đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có địa chỉ, với sự tham gia của doanh nghiệp góp phần nâng cao chất lượng tay nghề cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã xác định việc hợp tác gắn bó với doanh nghiệp là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc gắn kết được doanh nghiệp hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp là một yếu tố có tính quyết định đến chất lượng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. 

       2. Thực trạng gắn kế́t giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

       Gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp được coi là một trong các giải pháp trọng tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong quá trình tham gia, doanh nghiệp đã góp ý cho cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp về chương trình đào tạo để phù hợp với thực tiễn công việc của doanh nghiệp. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp giảm chi phí đào tạo, chi phí nguyên vật liệu, máy móc… đồng thời dần hoàn thiện chương trình đào tạo của mình để phù hợp với nhu cầu thực tiễn địa phương.

       Trong những năm qua, hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp được các cơ quan chức năng ở tỉnh Cà Mau luôn coi trọng, giáo dục nghề nghiệp thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp cùng đồng hành giải quyết nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tạo được việc làm bền vững và nâng cao kỹ năng tay nghề cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Qua nghiên cứu khảo sát cho thấy, năm 2018, có 87,4% học sinh, sinh viên tỉnh Cà Mau tốt nghiệp ra trường có việc làm nhưng chỉ có 60% làm việc đúng chuyên ngành đào tạo. Kết quả này cũng hoàn toàn phù hợp với những “lệch pha” trong đào tạo và nhu cầu xã hội, của địa phương. Điều này đã dẫn đến hậu quả là nơi thì thiếu nơi thì thừa nguồn nhân lực lao động và lãng phí lớn về nguồn lực. Mặc dù tỷ lệ học sinh, sinh viên tỉnh Cà Mau tốt nghiệp ra trường có việc làm là khá cao nhưng vì cuộc sống mưu sinh buộc họ phải làm việc chưa đúng với ngành nghề được đào tạo.

       Vì vậy để đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên không thể chỉ trông vào nỗ lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà rất cần sự vào cuộc tham gia của các doanh nghiệp, có thể coi đây là một mắt xích quan trọng. Việc doanh nghiệp hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp giúp mở ra cơ hội cho học sinh, sinh viên có cơ hội được tiếp cận công nghệ, thực hành tay nghề với những kiến thức được tiếp thu. Có nhiều doanh nghiệp đã hợp tác tốt với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Cà Mau như: Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Siêu thị Co.op Mart, Tập đoàn Mường Thanh, Viettel Cà Mau, Công Ty Cổ phần Thực Phẩm Đại Dương, Công ty TNHH Xây dựng Quang Tiền… Tuy nhiên, nếu xét trên diện rộng, sự hợp tác của các doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa cao, trong hợp tác với doanh nghiệp thì hình thức tiếp nhận học viên của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến thực tập cuối khóa học được nhiều doanh nghiệp thực hiện hơn là các hình thức hợp tác khác.

       Tuy nhiên, mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp ở địa phương cũng gặp nhiều bât cập, có doanh nghiệp chưa được tham gia và đóng góp ý kiến về xây dựng chương trình đào tạo. Do đó, kiến thức của học sinh, sinh viên nhận được sau khi ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng và họ phải đào tạo lại. Nguyên nhân chính xuất phát từ mặt nhận thức chưa đúng về nhu cầu gắn kết và hợp tác giữa giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, sự hợp tác chưa tốt bắt nguồ̀n từ sự thiếu thông tin, hợp tác chưa chặt chẽ, thiếu lòng tin giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp cũng là nguyên nhân khiến cho mối gắn kết giữa hai bên chưa bền vững.

       Mặc dù các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã ký kết cùng doanh nghiệp, nhưng mối quan hệ giữa hai bên có lúc chỉ dừng lại ở việc đưa học sinh, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp. Mối gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp sử dụng lao động chưa song hành. Doanh nghiệp cũng cho rằng công tác đào tạo chưa phù hợp nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, lao động không sử dụng được, phải đào tạo lại. Đã có cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt được mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp nhưng mối quan hệ hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chưa mang tính bền vững. Sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động dạy nghề còn nhiều hạn chế. Vì mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, cho nên trên thực tế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn đào tạo theo khả năng cung ứng của mình, chứ chưa đáp ứng theo nhu cầu của doanh nghiệp.

       3. Giải pháp tăng cường mối liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

       Có thể thấy, để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động ngày càng nhiều biến động trong thời kỳ hậu Covid-19, thì mối gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp là hết sức quan trọng, cơ chế, chính sách phải bảo đảm hài hòa lợi ích ba nhà: Nhà nước - Nhà trường – Nhà doanh nghiệp. Để đáp ứng tốt nhu cầu về nhân lực phục vụ cho địa phương, xã hội đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp. Vì vậy, để cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn kết với doanh nghiệp cần phải có những giải pháp đồng bộ:

       3.1. Giải pháp đối với Nhà nước

       Cơ quan chức năng cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, với các quy định về tổ chức, tài chính, thuế, phúc lợi xã hội nhằm khuyến khích doanh nghiệp thành lập bộ phận đào tạo để cử cán bộ chuyên trách tham gia gắn kết với cơ sở đào tạo. Cần đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước để định hướng, khuyến khích và hỗ trợ sự gắn kết bền vững giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Cần có chính sách, cơ chế phối hợp chặt chẽ về nguồn nhân lực giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chủ động về quy mô đào tạo, hình thức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thu chi nguồn tài chính. Đồng thời, khuyến khích cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tăng động lực phát triển giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với nhau về chất lượng sản phẩm đào tạo, uy tín cũng như hình ảnh, thương hiệu.

       Cơ chế, chính sách phải huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia giáo dục nghề nghiệp: Tăng cường sự tham gia, phối hợp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, tài liệu và đánh giá kết quả giáo dục hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thợ lành nghề lâu năm giàu kinh nghiệm và nghệ nhân tài năng nhằm khai thác, sử dụng các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, kiến thức, kinh nghiệm của họ phục vụ cho đào tạo; Khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ công tác đào tạo nghề. Sự liên kết hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong việc đề xuất xây dựng, thực thi các chính sách về hỗ trợ và phát triển, về vấn đề ổn định kinh tế, việc làm trong tương lai của doanh nghiệp ở địa phương, xã hội nhằm tạo sự bền vững về công ăn việc làm cho người lao động cũng như góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

       Bên cạnh đó chính quyền địa phương cần có cơ chế, chính sách ràng buộc đối với cả cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần công khai các hoạt động gắn kết, hiệu quả gắn kết, các bên tham gia, các bên hưởng lợi; Những cơ sở giáo dục nghề nghiệp có học sinh, sinh viên ra trường thất nghiệp tỷ lệ cao cần giảm chỉ tiêu tuyển sinh... Đồng thời, cần sớm ban hành cơ chế bắt buộc doanh nghiệp phải tham gia đóng góp vào đào tạo nhân lực, có chính sách ưu đãi về tài chính, thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp mà xã hội, địa phương cần. Địa phương cũng cần có định hướng và quy hoạch cụ thể về việc làm cũng như dự báo về nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, từng năm đễ hỗ trợ cho cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh. Nhằm hướng cho người học chọn đúng ngành, đúng nghề phù hợp với nhu cầu việc làm hiện nay. Hoàn thiện cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho học học sinh, sinh viên tham gia liên thông giữa các trình độ đào tạo, lên các cấp học cao hơn.

       Để tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo đến gần nhau hơn, địa phương cần có chính sách khuyến khích kiến tạo sự kết nối, hỗ trợ các bên hợp tác với nhau, như phối hợp trong xây dựng dự báo nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo theo cơ cấu ngành, nghề và trình độ cần đào tạo, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương theo từng giai đoạn; Cần đưa vào quy định miễn giảm trong chính sách thuế, trong ưu đãi đầu tư, xếp hạng doanh nghiệp… đối với các doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nhân lực. Đồng thời, có sự đầu tư đồng bộ, thỏa đáng cho đào tạo nhân lực thuộc các ngành, nghề trọng điểm của tỉnh Cà Mau, để được tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực, nhằm có thể kết nối cung - cầu lao động phù hợp với tình hình thực tế của thị trường lao động hiện nay. Do đó, địa phương cần tập trung vào việc tạo ra cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, xóa bỏ rào cản về thủ tục hành chính, và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về sự gắn kết này xem đây là một tiêu chí để đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp.

       Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Khuyến khích các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, hợp tác nghiên cứu... Tuy nhiên, để việc liên kết này hiệu quả, Nhà nước cần có chính sách và hướng dẫn cụ thể về quyền, trách nhiệm, phương thức hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.

       3.2. Giải pháp đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp

       Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần thành lập Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ học sinh, sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp để có tư cách pháp nhân trong việc tham mưu cho lãnh đạo thiết lập và mở rộng quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các địa phương, khu công nghiệp, khu kinh tế và doanh nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, cung ứng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và đáp ứng nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời bộ phận này tham mưu lãnh đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp ký kết các thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhà trường, hướng tới phục vụ và đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tư vấn, hội thảo, hội nghị trao đổi kinh nghiệm, định hướng nghề nghiệp, tuyển dụng và các hoạt động truyền thông nhằm kết nối học sinh, sinh viên với các doanh nghiệp và nhà tuyển dụng; Xây dựng dữ liệu học sinh, sinh viên tốt nghiệp hàng năm cung cấp cho các đơn vị tuyển dụng; Giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên; Tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của học sinh, sinh viên, doanh nghiệp về các hoạt động của đơn vị…

       Xây dựng bộ phận Quan hệ doanh nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn kết với doanh nghiệp, kịp thời đáp ứng các yêu cầu về đào tạo lâu dài của doanh nghiệp, gắn kết với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tự nâng cao năng lực đào tạo; việc xây dựng chuẩn đầu ra cho người học cần có sự tham khảo nhu cầu thị trường và doanh nghiệp. Từ đó, xây dựng chương trình khung giảng dạy, biên soạn và cải tiến giáo trình giảng dạy phù hợp.

       Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động mời các nhà quản lý, nhân lực giỏi từ doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo của mình về những kỹ năng tác nghiệp trên máy móc, thiết bị thực tế để quá trình nghiên cứu, giảng dạy trên giảng đường sát với thực tiễn; Nâng cao năng lực đào tạo thông qua bồi dưỡng trình độ của đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu; cập nhật, đổi mới chương trình nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục. Bởi vì thực tế hiện nay doanh nghiệp luôn thay đổi cách vận hành, công nghệ, mô hình và cơ cấu tổ chức liên tục nhằm theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế. Từ sự thay đổi này kéo theo sự thay đổi về nhu cầu sử dụng người lao động, tuyển dụng khắt khe hơn, tiêu chuẩn mới hơn. Vì vậy đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới nội dung, chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và xã hội.

       3.3. Giải pháp đối với doanh nghiệp

       Về phía doanh nghiệp phải thành lập bộ phận đào tạo làm đầu mối gắn kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể và lâu dài trong việc phát triển nguồn nhân lực, gắn kết chặt chẽ với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hằng năm, doanh nghiệp cần có thống kê nhu cầu sử dụng lao động mới, cũng như nhu cầu đào tạo lại để cơ quan chức năng thống kê, làm cơ sở cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh, xây dựng chương trình và kế hoạch đào tạo... Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần có chính sách hỗ trợ tài chính, cũng như cơ sở vật chất bằng các hình thức: Hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên, ký kết các hợp đồng tư vấn, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ nơi thực hành, thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập...

       Doanh nghiệp cử các chuyên viên, chuyên gia, kỹ sư, công nhân lành nghề tham gia trực tiếp giảng dạy hoặc hướng dẫn thực hành tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc tại doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần có thiện chí và tạo điều kiện tiếp nhận các giảng viên, cán bộ quản lý đến doanh nghiệp học tập, học hỏi kinh nghiệm hoặc trao đổi những vướng mắc giữa chương trình đào tạo và yêu cầu của thực tế.

       Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng cần phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc biên soạn chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, bảo vệ đồ án, luận văn tốt nghiệp... để chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

       4. Kế́t luận

       Trong nền kinh tế thị trường phát triển, Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng trong khu vực và trên thế giới, thì mối gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp là rất quan trọng, xuất phát từ yêu cầu khách quan của quy luật kinh tế, quy luật cung cầu, đảm bảo hài hòa lợi ích từ ba nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà Doanh nghiệp. Có thể khẳng định rằng mối gắn kết bền vững giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời là nguồn nhân lực chất lượng đầu vào của doanh nghiệp. Vì vậy, xây dựng và củng cố mối gắn kết bền vững giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ bắt buộc và là đòi hỏi của xã hội. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp cần phải cần phải thấy được lợi ích chung, lợi ích lâu dài đó là đầu tư cho con người, nội dung chương trình, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị... nhằm xây dựng và phát triển mối gắn kết bền vững hơn.

       Địa phương cần có cơ chế, chính sách phối hợp chặt chẽ về nguồ̀n nhân lực giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần được tự chủ và chủ động về quy mô đào tạo, mô hình đào tạo, hình thức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo….. Khuyến khích cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo để tăng động lực phát triển giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về chất lượng sản phẩm đào tạo, uy tín cũng như hình ảnh, thương hiệu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cần có trung tâm thống kê, dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực cho địa phương, xã hội, có sự phối hợp với các ngành ở địa phương và tham gia của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp để đảm bảo gắn chặt giữa đào tạo với sử dụng. Cần có cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin về nhu cầu lao động và hỗ̃ trợ trong quá trình đào tạo. Nhìn chung, tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng mối gắn kết bền vững giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chủ yếu phát huy ở cả 3 mặt: Định hướng, khuyến khích và hỗ̃ trợ để sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp ngày càng bền vững hơn./.

ThS. Nguyễn Quang Thuần - Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau