Đề xuất nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo cá đục bạc (Sillago sihama), loài cá có giá trị kinh tế cao

Cá đục bạc là loài cá khá phổ biến ở vùng sông nước giáp biển. Ở một số địa phương thì loài cá này còn được gọi là cá nục hay cá mỏ dũa. Cá đục bạc chế biến được nhiều món ăn ngon được xem là đặc sản nổi tiếng như: cá đục bạc nướng muối ớt, cá chiên giòn, hay món gỏi cá đục bạc rất đặc trưng. Tên khoa học của cá đục bạc là Sillago sihama, đây là loài duy nhất thuộc họ cá đục (Sillaginidae), Bộ cá vược (Perciformes) có các đặc điểm sau:

       1. Hình thái

       Cá đục bạc có thân hình thân thon, mõm dài và nhọn, xương nắp mang sau có một gai cứng nhỏ, nhọn. Thân cá phủ vẩy nhỏ có màu nâu nhạt, vàng nhạt hoặc nâu cát, phía dưới nâu nhạt đến trắng bạc. Đường bên hoàn toàn, vảy đường bên hơi nhô lên, có 69-73 vảy.

       Miệng cá nhỏ, thẳng, có răng nhung mọc thành đám ở trên cả 2 hàm và xương khẩu cái. Lược mang có 7- 9 chiếc. Vây lưng tách biệt, vây hậu môn dài với 2 gai cứng và 14-27 tia gai mềm. Vây bụng có 1 gai cứng và 5 tia mềm.  Phần sau của bóng hơi chia làm 2 thùy thon nhỏ. (Trần Đắc Định và ctv, 2013).

Hình dạng ngoài của cá đục bạc thân phủ bạc (A); phần sau bóng hơi (B)

 2. Phân bố

       Trên thê giới, ở phía Bắc là nơi phân bố rộng rãi nhất của cá đục bạc: phân bố ở Ấn độ -Tây Thái Bình Dương, phía Đông thì dọc theo bờ biển phía Tây của châu Phi vào biển Đỏ và Vịnh Ba Tư. Cá phân bố khắp quần đảo Indonesia, Philippines và kéo dài đên tân phía Nam miền Bắc Australia. Hiện diện ở Trung Quốc, Nhât Bản. Ở Việt Nam, cá đục bạc cũng phân bố hầu như dọc theo bờ biển, tâp trung nhiều ở vùng biển miền trung, nhất là ở Bình Thuận (Lê Minh Thư, 2011). Ở miền nam thì chúng phân bố ở các cửa biển tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

       Cá đục bạc thường sống thành bầy, thích vùng nước sạch, gần bờ có cát, cá có thể chôn mình trong cát khi gặp kẻ thù. Một số loài sống ở rạn san hô. Nhưng đa số thường phát hiện ở vùng nước nông ven biển và cửa sông, thường xuyên vào nước ngọt. Cá đục bạc sống ở độ sâu từ 0 - 60m, thường 0 – 20m. Nhiệt độ thích hợp 260C – 290C. (Lê Minh Thư, 2011).

       3. Đặc điểm dinh dưỡng

       Về đặc điểm dinh dưỡng thì cá đục bạc là loài cá ăn tạp thiên về động vật, thức ăn chủ yếu là: Nhóm giáp xác (27,45 %); Giun (23,21 %); Cá (21,26%); Trùng đế giầy (16,56 %) Mùn bã hữu cơ (8,92 %); Tảo (2,5 %) (Khấu Bích Như, 2015).

       Cá đục bạc có kích cỡ trung bình với thành phần sinh hóa trong cơ cá được phân tích thì có hàm lượng protein dồi dào là 46,98%, chứa nhiều acid amin thiết yếu phong phú chiếm 36%.  Cá đục bạc có đặc trưng bởi mức độ cao của các axit béo không bão hòa, đặc biệt là EPA và DHA (một dạng lipid cao phân tử không no, rất tốt cho sự phát triển của não bộ). Ngoài ra, loài cá này là nguồn cung cấp tốt các nguyên tố Ca, Mg, Zn và Fe. (Hu Hou et al., 2011).

       4. Đặc điểm sinh sản

       Các nghiên cứu khảo sát về đặc điểm sinh sản của cá đục bạc trong nước ta đã với kết quả thu được như sau:

Chỉ tiêu sinh sản của

cá đục bạc

Địa điểm thu mẫu cá đục bạc

Nha Phu –Khánh Hòa

Trần Đề-Sóc Trăng

Kích thước thành thục

lần đầu (mm)

145,79

Không xác định

Mùa cá sinh sản

Từ tháng 12-4 năm sau

(tập trung tháng 1)

Từ tháng 4 – 6

Sức sinh sản tương đối

(số trứng/g cá cái)

137 - 889

187-370

Tỉ lệ cá đực: cái

(trong quần đàn)

(Không xác định)

1: 1,04

(Nguồn: Hồ Sơn Lâm và Huỳnh Minh Sang, 2014; Khấu Bích Như, 2015)

          Các đục bạc khi thành thục sinh dục lần đầu với chiều dài trung bình là 145,79 mm. Mùa vụ sinh sản thì có sự khác nhau theo vùng miền (ở Khánh Hòa, cá sinh sản từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau; Sóc Trăng thì tập trung từ tháng 4 đến tháng 6 trong năm). Sức sinh sản tương đối của cá được xác định nằm trong khoảng 137-889 trứng/g cá cái. Tỉ lệ đực cái trong quần đàn là tương đương nhau (1:1,04).

       5. Các mô hình nuôi

       Cá đục bạc có giá trị kinh tế cao nên chúng được xem là một trong những đối tượng tiềm năng được phát triển nuôi ở một số nước trên thế giới đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc. Cá đục bạc đã được nuôi trong cả ba hệ thống nước mặn, nước lợ và nước ngọt (Alagarswami, 1990). Cá đục bạc cũng đã được nuôi ghép với cá măng (Chanos Chanos), cá đối (Mugil macrolepis), và tôm he Ấn Độ (Shamsan, 2008). (Trích dẫn bởi Huỳnh Sơn Lâm và Huỳnh Minh Sang, 2014).

       Ở nước ta hiện nay, các thương lái, vựa cá thu mua cá đục bạc với số lượng lớn để xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước với giá tương đối cao (tùy theo kích thước mà có giá dao động là 100.000-180.000 đồng/kg). Tuy loài cá này có giá trị kinh tế cao, nhưng hiện tại nguồn cá đục bạc ở nước ta chủ yếu là từ việc khai thác ngoài tự nhiên. Trong thực tế vấn đề khai thác không có quy hoạch đã làm cho nguồn lợi loài cá này ngày càng suy giảm và lượng cá đục bạc đánh bắt có kích thước tương đối nhỏ và ngày càng khan hiếm tại các chợ cá, bến cá. Qua kết quả điều tra của nhóm tác giả Nguyễn Thanh Long và ctv (2019) thì sản lượng cá đục bạc được khai thác bằng lưới rê của các hộ dân khai thác tại biển thuộc tỉnh Sóc Trăng dao động là 5-11 kg cá/chuyến biển/tàu. So với một số loài cá biển khác thì lượng cá đục bạc ngoài tự nhiên thấp hơn. Ví dụ, như cá thu ảo (Scomber australasicus) là 59±41 kg cá/chuyến biển/tàu hay cá ba thú (Rastrelliger brachysoma) là 32 ±26 kg cá/chuyến biển/tàu,...).

                  Hình cá đục bạc được khai thác ở ngoài tự nhiên

       6. Đề xuất: 

       Nhìn chung, cho đến nay cũng đã có những nghiên cứu sơ bộ trong và ngoài nước về loài cá đục bạc này. Tuy nhiên, vấn đề kích thích cho sinh sản nhân tạo thành công loài cá này để cung cấp con giống với số lượng lớn đáp ứng được nhu cầu nuôi thương phẩm là chưa thực hiện. Trong khi đó thực tế loài cá sinh sống và phát triển tốt trong các vuông tôm quảng canh hoặc các con sông nước lợ mặn tại địa phương. Vì thế, các cơ quan, các viện nghiên cứu các nhà khoa học chuyên ngành thủy sản cần nhanh chóng có những nghiên cứu sâu hơn về kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá đục bạc để đáp ứng nhu cầu nuôi của người dân để giảm sức ép khai thác loài cá này ngoài tự nhiên. Điều này sẽ giúp là người dân có thêm thu nhập từ việc nuôi cá, và xa hơn nữa sẽ góp phần đa dạng đối tượng nuôi cũng là hướng phát triển bền vững cho nghề nuôi trồng thủy sản.

ThS. Dương Xuân Đào - Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau