Định hướng cung - cầu để nâng cao giá trị rau màu.

       Với quy mô sản xuất hộ gia đình, chưa có sự liên kết để định hướng, nắm bắt được yếu tố thị trường nên thời gian qua giá trị sản phẩm rau màu chưa đáp ứng mong mỏi của bà con.

       Mặc dù vụ mùa này củ cải trắng không thất nhưng vợ chồng ông Hồ Văn Đậm, Ấp 5, xã Trí Phải, huyện Thới Bình vẫn không mấy hài lòng. Nguyên nhân xuất phát từ giá củ cải ông bán tại vườn chỉ được 3.000 đồng/kg.

       Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng củ cải của vợ chồng ông Đậm, nếu giá củ cải dao động từ 4.000-5.000 đồng/kg thì so với công sức người dân bỏ ra mới có lời. Dù trồng củ cải không phải tốn nhiều chi phí phân, thuốc, nhưng nếu tính toán từ hệ thống tưới tự động, điện để chạy nước, mướn nhân công thì chi phí cho 1 công củ cải cũng mất trên 2 triệu đồng.

Rau màu là một trong những nguồn thu nhập chính của nông dân

       Ông Đậm tâm tình: “Cải thiện đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm luôn là mong muốn lớn nhất của nông dân. Tuy nhiên, nông dân ở vùng nông thôn với vốn hiểu biết ít, nắm thị trường là việc khó khăn, chủ yếu chỉ trồng theo kiểu ai trồng nhiều gì thì mình trồng theo cái đó”.

       Tương tự ông Đậm, vụ củ cải trắng vừa rồi của gia đình ông Nguyễn Văn Lộc, Ấp 5, xã Trí Phải, huyện Thới Bình chỉ được thương lái vào mua với giá 2.000 đồng/kg. Một phần do sau Tết bà con gieo giống và thu hoạch nhiều nên bị thương lái ép giá, một phần vì nguồn cung vượt hơn nhu cầu tiêu thụ dẫn đến mất giá.

       Ông Lộc cho biết: “Do củ cải trắng hợp với đất và dễ chăm sóc nên nhiều hộ ở ấp đều chọn trồng củ cải. Được mùa mất giá, được giá thì mất mùa là câu chuyện không còn xa lạ với người dân xóm này”.

       Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ngô Minh Chiến cho biết: “Sở dĩ giá trị mặt hàng hoa màu chưa được nâng cao vì đa số bà con nông dân chỉ trồng nhỏ lẻ, trồng theo kinh nghiệm, gây khó khăn trong công tác quản lý. Thêm vào đó, nông dân chưa có sự liên kết, hợp tác nhiều. Từ đó dẫn đến thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả hoa màu chưa được nâng lên”.

       Theo số liệu thống kê từ Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có 184 ha rau màu đang trồng, tập trung nhiều tại các huyện: Trần Văn Thời, Thới Bình, TP Cà Mau… Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 146 hợp tác xã (HTX) và 1.013 tổ hợp tác (THT) sản xuất, trong đó có 3 HTX trồng màu (ở xã An Xuyên, Lý Văn Lâm và thị trấn Cái Nước).

       Với tâm lý trồng theo kiểu tự phát, hễ mặt hàng nào có giá hay được trồng phổ biến thì chắc rằng tiếp tục được nông dân khác trồng theo. Thiếu thông tin thị trường, thiếu định hướng trong sản xuất là khó khăn nông dân đang gặp phải.

       Để giảm bớt áp lực từ thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm rau màu, ông Ngô Minh Chiến khuyến cáo nông dân nên tham gia vào các THT tại địa phương để có điều kiện được hỗ trợ nguồn vốn, kỹ thuật. Nếu hoạt động tốt, THT sẽ có cơ hội được nâng lên thành HTX thì sản phẩm nông dân làm ra sẽ có đầu ra ổn định, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt một mặt hàng theo kiểu tự phát.

       Ngoài ra, bà con nông dân nên tìm hiểu, trồng xen canh những loại hoa màu khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, tránh độc canh một sản phẩm dẫn đến cung vượt cầu, mất giá. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp địa phương cần nâng cao và phát huy vai trò, trách nhiệm hơn nữa trong việc tìm hiểu thông tin thị trường, kịp thời định hướng sản xuất cho bà con nông dân./.

Kim Chi  Nguồn: baocamau.com.vn