Đồng bào dân tộc Cà Mau thực hiện các phong trào thi đua yêu nước qua các thời kỳ cách mạng.

       A. PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

       Ngay sau ngày nước nhà độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58 ngày 03/5/1946 thành lập Nha Dân tộc (nay là Ủy ban Dân tộc) trong sắc lệnh ghi rõ chức năng, nhiệm vụ: “Nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến dân tộc thiểu số trên toàn cõi Việt Nam để củng cố nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc cùng phát triển”. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng đã xác định: Trung ương, các Xứ ủy và các Tỉnh ủy (những tỉnh có dân tộc thiểu số) phải cử ra một số người chuyên nghiên cứu và chỉ đạo công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong thời kỳ này nội dung chủ yếu của công tác dân tộc là vươn cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, chương trình hành động của Đảng vào đồng bào dân tộc thiểu số; bênh vực quyền lợi cho các dân tộc thiểu số, chống áp bức bóc lột, chống chủ nghĩa địa phương, chống xu hướng vị chủng, miệt thị dân tộc thiểu số; vận động đồng bào các dân tộc thiểu số vào Đảng, công hội, nông hội, phản đế liên minh nhằm tạo ra các cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

       Từ khi Đảng ta ra đời, đại bộ phận đồng bào các dân tộc Cà Mau sớm giác ngộ theo Đảng, Bác Hồ. Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Nam kỳ vang dội, nối tiếp là cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai giết Tây do anh hùng liệt sĩ Phan Ngọc Hiển lãnh đạo làm cho cao trào chống thực dân Pháp ngày càng lớn mạnh, càng thể hiện rõ lòng căm thù giặc của đồng bào các dân tộc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh toàn dân đứng lên kháng chiến chống Pháp, đông đảo đồng bào Kinh, Khmer, Hoa không phân biệt già trẻ, gái trai, nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo; sẵn sàng đóng góp sức người, sức của để nuôi quân cho kháng chiến chống Pháp, tham gia phong trào “bài phong, phản đế”, đánh đổ địa chủ chia lại ruộng đất cho dân nghèo.

Các vị Sư tham dự buổi họp mặt Tây Nam Bộ tại Cần Thơ

       Trong những năm kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ là diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; hũ gạo nuôi quân, tuần lễ vàng…đồng bào Kinh, Khmer, Hoa Cà Mau tích cực hưởng ứng tham gia; nhất là chương trình hành động của Việt Minh dưới nhiều hình thức, nội dung ngắn gọn như “đất nước độc lập”, “dân tộc bình đẳng”, “người cày có ruộng”, “tự do tín ngưỡng” đã đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của đồng bào các dân tộc; trong thành phần Ủy ban Việt Minh các cấp có không ít trí thức, sư sãi Khmer và đồng bào Hoa được đảm nhiệm những chức vụ quan trọng. Điều này cho thấy, trong cuộc đấu tranh chung chống kẻ thù xâm lược, ý thức của người Khmer, người Hoa về vị trí, trách nhiệm của mình trong quốc gia và dân tộc ngày càng được nâng cao; nhiều tấm gương yêu nước tiêu biểu như: bà Đào Thị Sóc xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời mỗi năm canh tác hơn 100 công ruộng góp lúa nuôi quân và vận động đông đảo bà con dân tộc Khmer nhất là giới tu sĩ, trí thức tham gia cứu quốc, Bà được phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua Toàn quốc; cụ Ngô Kim Tài xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời là đảng viên, gia đình liệt sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cụ có 300 công ruộng hằng năm sản xuất chủ yếu để gom góp nuôi quân. Chính từ đó, phong trào cứu quốc chống Pháp lan tỏa sâu rộng trong đồng bào dân tộc Khmer, Hoa và các vùng lân cận như Khánh Bình, U Minh, Thới Bình, Bảy Háp, Đầm Dơi, Năm Căn… Đồng bào Hoa cũng tích cực tham gia phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, cùng với cách mạng mở các lớp bình dân học vụ và các trường dạy chữ Hoa như Cái Keo xã Quách Văn Phẩm, huyện Đầm Dơi; huyện Thới Bình; xã Phong Lạc, Khánh Hưng thuộc huyện Trần Văn Thời; số học sinh học ở các trường Hoa sau đó tham gia cách mạng trên nhiều lĩnh vực, có nhiều người trưởng thành ở địa phương, ở khu và ở Trung ương điển hình là ông Tào Tỵ và một số gương tiêu biểu khác.

       Với sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân bắt nguồn từ sức mạnh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng phát động toàn dân khởi nghĩa vũ trang tháng Tám năm 1945 giành chính quyền, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, góp phần giành thắng lợi năm 1954 kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

       B. PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ

       Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ phong trào đồng khởi năm 1960 đến cuộc tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân 1968; đặc biệt đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, đồng bào các dân tộc tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết đấu tranh anh dũng kiên cường, cùng với các dân tộc anh em khác trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam; đồng bào Hoa, Khmer đã có những cống hiến to lớn về sức người, sức của, hy sinh xương máu của mình, nhiều người đã trở thành anh hùng, liệt sĩ. Nhiều phụ nữ người Khmer đã hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc như anh hùng Liệt sĩ Danh Thị Tươi, Bà Mẹ Lâm Thị Hon xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời lãnh đạo lực lượng tóc dài đấu tranh trực diện với 178 cuộc giáp mặt với quân thù. Có thể nói, trong những năm chiến tranh ác liệt; mặc dù đồn bót của địch bủa giăng, dầy đặc, ra sức lùng sục trong dân gây cho cách mạng nhiều khó khăn, nhưng “Đảng tin dân – dân tin Đảng”, “quyết bám đất, giữ làng”, “một tấc không đi, một ly không rời”; đồng bào các dân tộc không quản ngại gian khổ, hy sinh một lòng, một dạ tin vào Đảng, đi theo Đảng, sẵn sàng chở che, nuôi giấu cán bộ và giúp đỡ cách mạng đi tới thành công. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nhiều gia đình, cá nhân là đồng bào các dân tộc thiểu số đã góp của cải, tiền vàng, thuốc men trị bệnh, đường, sữa, vải sợi, đồ dùng cá nhân… phục vụ và tiếp tế cho bộ đội ở chiến trường. Bên cạnh đó, có không ít gia đình đồng bào người Hoa, điển hình như Lưu Thuận Phát, Nam Đức và nhiều gia đình khác trong thị xã đã dũng cảm xây dựng hầm trong nhà đùm bọc, chở che, nuôi giấu cán bộ. Ngoài ra, còn nhiều tấm gương tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, nhiều người con ưu tú đã trở thành cán bộ lãnh đạo Cao cấp của Đảng, Nhà nước ở địa phương qua các thời kỳ, điển hình như: ông Trần Văn Mẫn  (Năm Trường) là Thường vụ Tỉnh ủy, ông Huỳnh Kim (Tư Hoàng), ông Trần Thanh Liêm (Tư Liêm), ông Tô Thành Phát (Sáu Mật)... Nhiều ngôi chùa Khmer đã trở thành cơ sở hoạt động cách mạng. Nhiều cao tăng trí thức người Khmer đã cống hiến cả cuộc đời cho đạo pháp và dân tộc, điển hình là nhà sư cố Đại đức Hữu Nhem, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đã hy sinh trong trận chống càn tại Chùa Tam Hiệp, xã Trần Hợi; Chùa Cao Dân xã Tân Lộc, huyện Thới Bình có vị sư cả tên là Kim Cơ cởi áo cà sa ra làm cách mạng, bị địch bắt đày ra Côn Đảo và được kết nạp Đảng ở trong tù; Chùa Tam Hiệp có vị sư cả tham gia hoạt động cách mạng được kết nạp vào Đảng lúc còn tu đó là ông Lâm Nuôl, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Minh Hải, ông là đại biểu Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 6, 7, 8 là những hình ảnh của các nhà sư tiêu biểu, yêu nước, đã góp nhiều công sức, xương máu cho phong trào giải phóng dân tộc. Đại hội chúng ta biết ơn và tôn vinh những hy sinh to lớn đó.

       Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tỉnh Cà Mau có 16.874 liệt sĩ, 16.036 thương binh, 210 bệnh binh, 572 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 27 anh hùng lực lượng vũ trang, 45 đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang. Trong đó, đồng bào Khmer, Hoa có 198 liệt sĩ, 158 thương binh, 06 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 02 nữ anh hùng liệt sĩ vũ trang nhân dân và hàng trăm gia đình có công với cách mạng, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng gần 1.000 Huân, Huy chương các loại.

       C. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ 30/4/1975 ĐẾN NAY

       1. Phong trào vận động đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước

       Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 đất nước ta hoàn toàn độc lập, thống nhất Tổ quốc, đồng bào các dân tộc tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, ra sức học tập, lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà; nhất là trong giai đoạn đổi mới. Nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer thành công với các mô hình trồng rau màu tăng năng suất, chất lượng; mô hình sản xuất lúa 3 giảm, 3 tăng đạt hiệu quả; công tác xóa đói giảm nghèo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống trong đồng bào dân tộc. Phong trào sản xuất kinh doanh của đồng bào Hoa ngày càng phát triển, tạo ra nhiều hàng hóa thiết yếu đáp ứng và phục vụ nhu cầu sản xuất, đời sống; cải thiện đáng kể cuộc sống của đồng bào Hoa, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, chung sức, chung lòng, vượt qua khó khăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

       2. Những kết quả trong việc thực hiện chính sách trên các lĩnh vực đối với đồng bào dân tộc thiểu số

       Phong trào sản xuất nông nghiệp, đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực tăng gia sản xuất, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phá thế độc canh cây lúa, năng suất bình quân năm sau cao hơn năm trước. Nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2009 đạt khoảng 630 triệu USD. Bên cạnh đó, hình thành nhiều mô hình hợp tác xã, trang trại chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh có hiệu quả; giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, các cấp còn tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho nông dân; hỗ trợ vốn, cây, con giống cho các hộ gia đình nghèo, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương còn tăng cường đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn tạo điều kiện đi lại, học hành và phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn; thực hiện tốt một số chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số như đầu tư thí điểm cho vay vốn chuộc lại đất sản xuất với số tiền gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, Ngân hàng chính sách xã hội cho vay theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được 111 hộ, với số tiền 550 triệu đồng; giúp các hộ nghèo có điều kiện sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc có bước phát triển rõ rệt. Hộ nghèo trong đồng bào dân tộc năm 2005 là 46,34%, đến cuối năm 2008 giảm còn 32,34%.

       Công tác chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho nhân dân, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, một số dịch bệnh được ngăn chặn và đẩy lùi, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em và dân số kế hoạch hóa gia đình đạt kết quả tốt.

       Các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng được bảo tồn và phát huy. Các chùa chiền, cơ sở thờ tự của các tín đồ tôn giáo được sửa chữa, trùng tu, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, đời sống tâm linh. Xây dựng mới những Trung tâm sinh hoạt văn hóa, lễ hội; bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc. Nếu như người Kinh có những làn điệu cải lương hay những câu hò, điệu lý thì người Khmer lại thể hiện bản sắc văn hóa của mình trong điệu múa Romvông, hát đối đáp Aday, dù kê hay nhịp trống Saydam. Các dịp lễ hội, hôn nhân, cưới hỏi thì người Hoa lại góp vào đời sống văn hóa tinh thần với những câu hát Tiều, hát Quảng…

       Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc thiểu số còn tích cực tham gia các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự, tham gia lực lượng quân sự, công an, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố các địa phương…góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.

       D. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC QUA CÁC THỜI KỲ

       Trải qua các thời kỳ cách mạng, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Cà Mau vốn có truyền thống yêu nước, đoàn kết gắn bó với đồng bào Kinh trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống áp bức bóc lột và giúp nhau trong sản xuất, xóa đói giảm nghèo; đồng thời vận động hình thành phong trào đoàn kết giúp đỡ nhau với phương châm “lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng và toàn xã hội. Có thể nói, nhân dân tỉnh Cà Mau rất tự hào về truyền thống đoàn kết, yêu nước, gắn bó giữa 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã hy sinh đóng góp to lớn sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng, góp phần giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Ngày nay truyền thống đoàn kết, gắn bó ấy đang tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.Hoa

       Các dân tộc luôn tin tưởng Đảng, Bác Hồ và tích cực thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Có truyền thống tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, vượt qua khó khăn, thách thức; cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

       Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các cấp, các ngành đã kịp thời khen thưởng, động viên và nhân rộng các mô hình tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nổi bật trong các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, phong trào toàn dân đoàn kết, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, vận động quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa hàng năm đều tăng, cụ thể năm 2000 là 6,3 tỷ đồng; năm 2009 là 10,8 tỷ đồng; trong đó có sự đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số.

       Thông qua các phong trào thi đua sản xuất có trên 1.000 lượt đồng bào các dân tộc được các cấp, các ngành công nhận danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Nhân Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Cà Mau lần thứ III, Ban Tổ chức Đại hội cấp tỉnh đề nghị khen thưởng cho 23 tập thể, 91 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác, học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh và tích cực đóng góp vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế gia đình góp phần an sinh xã hội ở địa phương. Qua đó tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, củng cố lòng tin nhân dân nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp; tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, giữa các dân tộc, đồng thời phát huy hiệu quả các nguồn lực của người Hoa, Khmer và các dân tộc khác trên địa bàn của tỉnh.

       Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Cà Mau lần thứ III được tổ chức trong không khí trang nghiêm, long trọng và thắm tình đoàn kết giữa các dân tộc; có 252 đại biểu chính thức đại diện cho trên 53.000 đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và trên 100 đại biểu khách mời ở Trung ương, địa phương và Ban Dân tộc các tỉnh bạn tham dự Đại hội; đặc biệt, Đại hội rất vinh dự được đón tiếp ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam Trương Hòa Bình đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Đây là sự kiện chính trị - xã hội rất quan trọng trong đời sống xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh nhà. Qua đó, nhằm tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc; tôn vinh, biểu dương công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Tác giả: Ths. Nguyễn Duy Trường