Giải pháp nâng cao chất lượng đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tỉnh Cà Mau

       Nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) là những vấn đề KH&CN cần được giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển KH&CN. Đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH&CN là việc bên đặt hàng đưa ra yêu cầu về sản phẩm KH&CN, cung cấp kinh phí để tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tạo ra sản phẩm KH&CN thông qua hợp đồng[1].

       Đối với tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xác định: Nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước đáp ứng 03 tiêu chí sau: (i) Có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi tỉnh, (ii) Giải quyết các vấn đề KH&CN trong phạm vi tỉnh và (iii) Có sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN của tỉnh và của Trung ương hỗ trợ theo các chương trình, mục tiêu. Nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và chỉ đạo thực hiện gồm: (i) Chương trình KH&CN cấp tỉnh, (ii) Đề án khoa học cấp tỉnh, (iii) Đề tài KH&CN cấp tỉnh, (iv) Dự án sản xuất thử nghiệm cấp tỉnh, (v) Dự án KH&CN cấp tỉnh và (vi) Đề tài KH&CN, dự án KH&CN tiềm năng cấp tỉnh[2].

       Hàng năm, Sở KH&CN (Cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn KH&CN tỉnh) dựa trên chiến lược phát triển KH&CN quốc gia, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển KH&CN theo từng giai đoạn được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và những yêu cầu bức xúc đặt ra từ thực tiễn sản xuất và đời sống… thông báo rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia đăng ký đề xuất nhiệm vụ. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Cà Mau đặt hàng nhiệm vụ KH&CN hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp bách, mới phát sinh có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia[3].

       Trên cơ sở đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN từ các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Cà Mau , Sở KH&CN tổng hợp và thành lập Hội đồng xem xét, đánh giá về tính đầy đủ, cấp thiết của các đề xuất (có thể mời chuyên gia độc lập); sau đó tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN. Hội đồng có nhiệm vụ xác định các nhiệm vụ KH&CN có tính khả thi trong ứng dụng, đảm bảo được tính mới, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực, bức xúc tại địa phương. Từ kết quả đó, Sở KH&CN tham mưu trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo tiến độ được duyệt.

Hội thảo Khoa học và Công nghệ năm 2019

       Thời gian qua, cơ chế đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, phân cấp quản lý và nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý; Hội đồng tư vấn KH&CN cấp ngành, cấp tỉnh đã tuyển chọn, đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN ngày càng đi vào trọng tâm và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra về những vẫn đề cần KH&CN giải quyết tại sở, ngành và các địa phương. Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 12/2011/CT-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh Cà Mau, sau nghiên cứu, các nhiệm vụ KH&CN được đánh giá nghiệm thu đạt từ trung bình trở lên được triển khai ứng dụng trong sản xuất và đời sống. Từ đó, kết quả nghiên cứu KH&CN thông qua đề xuất, đặt hàng đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý, phát triển ngành, địa phương; thay đổi trong tập quán, quy trình canh tác của nông dân theo hướng ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.

       Tuy nhiên, việc đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN vẫn còn một số hạn chế như: kết quả hoạt động của Hội đồng tư vấn tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một vài hạn chế nhất định; công tác triển khai, nhân rộng kết quả nghiên cứu từ đề xuất, đặt hàng sau khi bàn giao đến các sở, ngành chưa nhiều, nguyên nhân chính là do thiếu vốn triển khai và sự sẵn sàng của đơn vị thụ hưởng; kết quả nghiên cứu đôi lúc chưa đáp ứng kịp nhu cầu xã hội, không đảm bảo nội dung như trong Đề cương được duyệt nên khó nhân rộng mô hình; sự phối hợp, triển khai của doanh nghiệp và người dân trong quá trình nhân rộng mô hình còn hạn chế; quy chế ràng buộc để nhân rộng mô hình đối với các đơn vị thụ hưởng còn mang tính chung chung,….   

       Để nâng cao chất lượng, phát huy vai trò và hiệu quả trong đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN trong thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu, triển khai đồng bộ một số nhóm giải pháp sau:

       1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN

       Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức từ kết quả nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đến người dân và doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, đài, trang thông tin điện tử, tạp chí chuyên ngành,…để mọi người hiểu và có những nhận định, đánh giá chính xác hơn về tầm quan trọng của KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của KH&CN trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

       Bên cạnh đó, trong công tác tuyên truyền cần phối hợp chặt chẽ với Hội Đoàn thể các cấp để tăng tính chủ động và đạt hiệu quả cao hơn, ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải thông tin KH&CN đến các đơn vị thụ hưởng, tiết kiệm tối đa chi phí trong quá trình vận hành truyền tải thông tin. Cô động, biên tập ngắn gọn, súc tích nội dung cần tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng cụ thể để nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN để đạt hiệu quả cao nhất.

       2. Phát huy tối đa vai trò của Hội đồng tư vấn KH&CN

       Hội đồng tư vấn KH&CN có vai trò rất quan trọng trong việc tuyển chọn, xác định danh mục nhiệm vụ, là cơ sở để phê duyệt cho thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trên cơ sở đề xuất, đặt hàng của cơ quan chủ trì nhiệm vụ. Thành phần của Hội đồng bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và trình độ phù hợp với nhiệm vụ. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có quyền lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước hoặc sau khi họp Hội đồng. Thành viên Hội đồng và chuyên gia tư vấn độc lập phải chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.

       Thời gian qua, Hội đồng tư vấn KH&CN đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển KH&CN, chiến lược phát triển từng ngành hàng chủ lực của tỉnh, của từng sở, ngành và địa phương,… Hội đồng tư vấn đã tuyển chọn, xác định các nhiệm vụ KH&CN phù hợp với chủ trương của Đảng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập cho người dân thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Thống kê năm 2018 cho thấy, đóng góp của ngành KH&CN trong tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh đo bằng chỉ số TFP [4] chiếm tỷ lệ khoảng 39%[5]. Từ đó, khẳng định vị trí, vai trò của KH&CN trong cơ cấu lao động sản xuất của toàn tỉnh là khá lớn, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của Hội đồng tư vấn.

       Tuy nhiên, để hoạt động của Hội đồng tư vấn KH&CN trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, cần quan tâm đến một số nội dung sau:

       - Đối với Hội đồng tư vấn KH&CN cấp tỉnh: nghiên cứu, mời thêm nhiều chuyên gia, nhà khoa học tham gia Hội đồng tư vấn về các lĩnh vực mà địa phương đang thiếu để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quá trình xét duyệt; căn cứ vào định hướng phát triển của tỉnh, của ngành, của địa phương, Hội đồng tư vấn đưa ra chiến lược phát triển chung của ngành KH&CN phù hợp với tình hình thực tế; định hướng, đề xuất các mục tiêu mà KH&CN cần đạt được trong thời gian tới để có những giải pháp phù hợp thông qua các nhiệm vụ KH&CN xuất phát từ đề xuất, đặt hàng. Bên cạnh đó, Hội đồng tư vấn KH&CN cấp tỉnh cần quan tâm đến công tác đi tham quan, học tập các mô hình ứng dụng KH&CN của các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có khu công nghệ cao, thị trường KH&CN phát triển, có nền tảng KH&CN mạnh, chỉ số TFP cao để từ đó có thêm nhiều ý tưởng, giải pháp đề xuất phát triển ngành KH&CN tỉnh mạnh hơn trong thời gian tới.

       - Đối với Hội đồng tư vấn KH&CN cấp cơ sở: dựa trên quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển cụ thể của từng sở, ngành và địa phương để từ đó tuyển chọn, xác định các nhiệm vụ KH&CN phù hợp, đi sâu vào công tác chuyên môn, khả năng nhân rộng mô hình, xác định hiệu quả cụ thể của từng nhiệm vụ KH&CN mang lại. Từ đó, làm cơ sở đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ với Sở KH&CN. Bên cạnh đó, Hội đồng tư vấn KH&CN cấp cơ sở cần bám sát vào mục tiêu, quy hoạch, chiến lược phát triển chung của ngành KH&CN, tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương để định hướng, nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN tại đơn vị được tốt hơn.

       3. Tiếp tục nhân rộng mô hình có hiệu quả từ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN thông qua đề xuất, đặt hàng

       Kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN trên cơ sở đề xuất, đặt hàng từ các sở, ngành, địa phương là tiền đề rất quan trọng để đưa KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống, nhân rộng mô hình có hiệu quả để mọi người đều hưởng lợi từ các kết quả nghiên cứu. Trong quá trình đăng ký, đặt hàng đều có cam kết sử dụng kết quả từ đơn vị thụ hưởng, cam kết nhân rộng mô hình sau khi nhiệm vụ KH&CN kết thúc.

Hiện tại, các sở, ngành và địa phương sau khi được bàn giao kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN đã duy trì và triển khai nhân rộng khá tốt, có nhiều mô hình hiệu quả được duy trì, nhân rộng qua nhiều năm như: mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp với trồng lúa, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, mô hình nuôi tôm, cua, sò quyết kết hợp, mô hình trồng rau an toàn, mô hình nuôi tôm công nghệ cao,…Tuy nhiên, vẫn còn một vài kết quả nghiên cứu, sau khi bàn giao đến các sở, ngành vẫn chưa phổ biến, nhân rộng mô hình do chưa có cơ chế tài chính phù hợp hoặc sản phẩm từ kết quả nghiên cứu phần lớn là sản phẩm nông nghiệp nên giá cả bấp bên, thiếu ổn định,…do đó, khả năng nhân rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn.

       Để công tác phổ biến, nhân rộng mô hình có hiệu quả từ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN đạt hiệu quả cao, các sở, ngành và địa phương cần quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đơn vị thụ hưởng tăng cường công tác duy trì, nhân rộng các mô hình sau khi triển khai nhiệm vụ KH&CN đạt hiệu quả cao; có cơ chế kiểm gia, giám sát việc phổ biến, nhân rộng kết quả nhiệm vụ KH&CN trong đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan để tạo sự lan tỏa, xem kết quả nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ là trọng tâm của sự phát triển và nâng cao năng xuất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ,…Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ về vốn và kỹ thuật đối với các địa phương nhân rộng mô hình kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN; có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức, nhà khoa học, ngành chức năng trong việc lựa chọn đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ hằng năm.

       4. Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm từ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN

       Phát huy có hiệu quả mô hình liên kết “4 nhà”[6], phối hợp với doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, bao tiêu sản phẩm đầu ra với mức giá thu mua ổn định để người dân an tâm sản xuất. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN thông qua đề xuất, đặt hàng có sự tham gia của doanh nghiệp cần quan tâm, cải thiện một số thủ tục đăng ký đối với một vài chương trình dành cho doanh nghiệp còn rườm ra, nhiêu khê, chính sách chưa đáp ứng thỏa đáng lợi ích doanh nghiệp như: chính sách hỗ trợ thay đổi công nghệ, ứng dụng công nghệ mới chưa hấp dẫn được doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, đối với các tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ các nhiệm vụ KH&CN phải có trách nhiệm duy trì, nhân rộng mô hình đúng như cam kết trong đề cương đề xuất. Sau khi nhiệm vụ KH&CN kết thúc, các tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm tổ chức sản xuất với quy trình giống như lúc thực hiện nhiệm vụ KH&CN, cam kết tiêu chuẩn đầu ra với doanh nghiệp thu mua, tạo và duy trì được niềm tin lâu dài giữa người sản xuất và đơn vị tiêu thụ sản phẩm. Từ đó sản phẩm đầu ra đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, tạo cho khách hàng sự an tâm về chất lượng, thương hiệu.

       Nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ xúc tiến thương mại tại các hội chợ, các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh (có thể ở nước ngoài) đối với các sản phẩm từ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Tập trung nghiên cứu, thay đổi cách bán hàng truyền thống bằng cách bán hàng hiện đại thông qua các ứng dụng thương mại điện tử, hoặc kết hợp giữa bán hàng truyền thống và ứng dụng thương mại điện tử để đa dạng hóa các hình thức kinh doanh, tăng hiệu quả trong kinh doanh.  

       Ngoài ra, để nâng cao chất lượng, hiệu quả đề xuất, đặt hàng đối với các nhiệm vụ KH&CN hàng năm, cần quan tâm thêm đến một số nội dung như:[7]

       - Sở Khoa học và Công nghệ thường xuyên tổ chức lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu hơn về kỹ năng nghiên cứu khoa học để nâng kiến thức cho cán bộ quản lý tham gia làm công tác nghiên cứu. Hiểu được tầm quan trọng của khoa học và công nghệ để khi đi vào nghiên cứu cần nâng cao trách nhiệm và hiệu quả của nghiên cứu.

       - Ngành khoa học và ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ trong chuyển giao các kết quả nghiên cứu, phải chuyển giao kịp thời, đáp ứng yêu cầu cấp thiết. Giữa 2 ngành cần có quy định bàn giao và phản hồi thông tin tiếp nhận, nhân rộng kết quả nghiên cứu, cũng như những quản hồi thuận lợi, khó khăn, bất cập để rút kinh nghiệm sửa chữa, nhằm nâng dần lên chất lượng nghiên cứu và kết quả ứng dụng.

       - Các nghiên cứu, ứng dụng nhân rộng phãi gắn chặt với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của ngành nông nghiệp. Phát triển ngư –nông-lâm gắn với chuỗi sản phẩm hàng hóa.

       Trên đây là một số giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN hàng năm. Hy vọng trong thời gian tới, kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN thông qua đề xuất, đặt hàng ngày càng phát huy được hiệu quả, có nhiều mô hình tiên tiến, phù hợp với nhu cầu sản xuất, hoạt động của các tổ chức, cá nhân, góp phần đưa KH&CN tỉnh Cà Mau ngày càng phát triển.


       [1] Theo Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13

       [2] Theo Quyết định số 31/2015/QĐ-UBND ngày 06/10/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

       [3] Đối với các sở, ngành và địa phương, đề xuất đặt hàng phải thông qua Hội đồng KH&CN cấp cơ sở, sau đó gửi danh mục đề xuất đến Sở KH&CN tổng hợp

       [4] TFP (Total Factor Productivity) là chỉ tiêu đo lường Năng suất các nhân tố tổng hợp của đồng thời cả “lao động” và “vốn” trong một hoạt động cụ thể hay cho cả nền kinh tế,  phản ảnh sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Mối quan hệ giữa GDP và TFP được thể hiện bằng hàm sản xuất Cobb-Douglas:

       Y = A. f(Kβ Lα). Trong đó: Y = GDP, K = vốn, L = lao động, A = TFP, β = hệ số đóng góp của vốn, (α= 1- β) = hệ số đóng góp của lao động (nguồn: http://dosttn.gov.vn)

       [5] Theo Báo cáo số 266/BC-SKHCN ngày 13/12/2018 của Sở KH&CN về tình hình thực hiện chiến lược KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 và năm 2018

       [6] Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp

       [7] Tham luận của Sở KH&CN: Đánh giá kết quả nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KH&CN trên lĩnh vực Ngư-Nông-Lâm nghiệp giai đoạn 2010 – 2015. Đề xuất giải pháp cho những năm tiếp theo

ThS.Đinh Hùng Anh - PGD Trung tâm TT và ƯDKHCN