Giải pháp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đối với sinh viên tại Cà Mau

Môi trường hiện nay đang là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta, nó có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự tồn tại và phát triển của đời sống con người, sinh vật và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, của dân tộc và nhân loại, sự biến đổi một số thành phần môi trường sẽ gây tác động đáng kể đối với các hệ sinh thái. Tuy nhiên, hiện nay môi trường đã và đang bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng,  xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu nhất là hoạt động của con người. Con người đang từ từ hủy hoại đi môi trường sống của mình, gây ra rất nhiều hệ lụy mà rõ nhất đó là thiên tai, lũ lụt xảy ra ngày một thường xuyên và khốc liệt hơn. Ảnh hưởng của những tác hại mà con người gây ra cho môi trường không chỉ giới hạn trong phạm vi vùng, quốc gia mà còn ảnh hưởng đến các nước, các khu vực lân cận. Các tổ chức quốc tế đã dự báo, hành tinh của chúng ta có thể sẽ phải gánh chịu những thảm họa môi trường hết sức nghiêm trọng. Nạn mất đất, tình trạng khan hiếm nước ngọt, nạn tuyệt chủng của các loài sinh vật là những thảm họa có thể xảy ra trong thế kỷ 21. Vì vậy việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho con người đặc biệt là đối tượng sinh viên, thế hệ trẻ những chủ nhân tương lai của Đất nước mang một ý nghĩa và tầm vóc hết sức quan trọng. 

1. Tăng cường  hoạt động giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên

       Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên muốn đạt hiệu quả cao thì cần phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở như Đoàn, Hội sinh viên của các trường Cao đẳng và của địa phương.

       Tăng cường sự lãnh đạo của Đoàn và Hội sinh viên trong nhà trường đối với việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên là chú trọng đến việc:

       - Xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển theo hướng đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội và phát triển bền vững, từ đó có định hướng phù hợp cho giáo dục ý thức bảo vệ môi trường  cho sinh viên từng trường trong từng giai đoạn, thời kỳ nhất định.

       - Tổ chức triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường và các văn bản về giáo dục bảo vệ môi trường; thực hiện xanh hóa học đường, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giáo dục ý thức bảo vệ môi trường .

       - Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho cán bộ, sinh viên, đồng thời quan tâm đến công tác thanh niên sinh viên, phát huy vai trò sinh viên trong những chương trình hành động vì môi trường.

       - Giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về đảm bảo môi trường giáo dục thân thiện, tích cực, xanh - sạch - đẹp; xử lý kịp thời những vi phạm, biểu hiện trì trệ, thờ ơ, vô trách nhiệm với nhiệm vụ chung đó, tạo môi trường thuận lợi cho việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường  cho sinh viên.

Sinh viên trường cao đẳng cộng đồng tham gia buổi lễ phát động trồng cây trong khuôn viên trường

2. Xây dựng nội dung, chương trình giáo dục kỹ năng phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai; đấu tranh với các biểu hiện vi phạm pháp luật môi trường

       Xuất phát từ thực trạng ý thức bảo vệ môi trường của sinh viên và thực trạng giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên còn yếu về kỹ năng, nên nội dung giáo dục nhằm hình thành các kỹ năng phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Mỗi trường cần có chương trình đào tạo và điều kiện giáo dục mang đặc thù nhất định. Do đó, việc trang bị tri thức và kỹ năng trong bảo vệ môi trường, phòng tránh rủi ro thiên tai cho sinh viên ở mỗi trường sẽ có những nét riêng nhất định. 

       Chương trình giáo dục cần có nội dung trang bị cho sinh viên kỹ năng: kỹ năng quan sát, dự đoán được những hiện tượng nguy hiểm của thiên nhiên; kỹ năng thoát hiểm; kỹ năng ứng cứu người khi gặp nạn; kỹ năng lên kế hoạch chuẩn bị cho các chương trình hành động vì cộng đồng; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng thu thập thông tin và phản ánh thông tin một cách hiệu quả về các vấn đề môi trường; kỹ năng kết nối xin tài trợ và tổ chức hoạt động nhóm vì cộng đồng,.v.v. Mặc dù, giáo dục kỹ năng sống trong các nhà trường hiện nay đã được bổ sung và trở thành nội dung được đánh giá cao, song cần phải đầu tư hơn nữa cho những nội dung giáo dục kỹ năng phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với các điều kiện môi trường phù hợp đối tượng sinh viên, để họ không chỉ là lực lượng có nhận thức tốt mà còn có khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong mọi hoàn cảnh. Ngoài ra, sinh viên có hiểu biết và kỹ năng tốt về vấn đề này sẽ càng phát huy vai trò là lực lượng xung kích hỗ trợ cộng đồng, đóng góp không nhỏ vào quá trình tuyên truyền bảo vệ môi trường.

3. Xây dựng việc lồng ghép giáo dục ý thức bảo vệ môi trường thông qua hình thức tổ chức lớp học, khóa học phù hợp đặc thù sinh viên từng chuyên ngành đào tạo

       Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên có thể thực hiện theo 3 nhóm hình thức cơ bản: Nghiên cứu và vận dụng lý luận khoa học về bảo vệ môi trường; hình thức truyền bá chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường; truyền đạt những tri thức khoa học môi trườngcho sinh viên thông qua việc tổ chức lớp học, tổ chức các khóa bồi dưỡng, thành lập các câu lạc bộ môi trường của sinh viên, viết báo, đăng bài trên các trang web, đài phát thanh dành cho sinh viên các, tổ chức hội diễn hoặc các cuộc thi, tổ chức hoạt động tình nguyện,.. hình thức cổ động tính tích cực, tự giác của sinh viên với việc bảo vệ môi trường (sử dụng panô, áp phích, khẩu hiệu, tổ chức lễ hội, chiếu phim, diễu hành, thi vẽ tranh cổ động vì MT,...)

       Xây dựng hệ thống các môn học tự chọn, chuyên đề tự chọn bổ sung kiến thức về môi trường trong chương trình đào tạo hoặc lồng ghép nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong các môn học khác. Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường  nếu không thể thực hiện thông qua các môn học bắt buộc thì vẫn cần phát huy vai trò của hình thức giáo dục trên lớp với các môn học tự chọn hoặc lồng ghép vào các môn khác trong chương trình đào tạo. Hầu hết các môn học đều có thể lồng ghép nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường  và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

       Bên cạnh hình thức giáo dục ý thức bảo vệ môi trường  thông qua các môn học trong nhà trường, chúng ta cần kết hợp với các hoạt động ngoại khóa. Những hình thức giáo dục này cần được phối hợp vận dụng một cách linh hoạt để hỗ trợ, bổ sung cho nhau giải quyết một số khó khăn nêu trên. Giáo dục ngoại khóa có ưu điểm là sinh động, gắn liền với thực tiễn, dễ tiếp thu, vừa cung cấp đƣợc kiến thức, kỹ năng, vừa có tác dụng rèn luyện nhận thức, thái độ. Tuy nhiên, bản thân giáo dục ý thức bảo vệ môi trường  cho sinh viên thông qua hoạt động ngoại khóa cũng có trở ngại là không thực hiện được liên tục, không có tính hệ thống và thường phụ thuộc vào nhiều nhân tố tác động bên ngoài khác (chủ thể tổ chức, kinh phí, địa điểm, thời gian,…).

Sinh viên trường tham gia dọn vệ sinh xung quang trường

4. Xây dựng và hoàn thiện mô hình câu lạc bộ sinh viên phát triển kỹ năng về bảo vệ môi trường

Xây dựng, kiện toàn tổ chức và hoạt động câu lạc bộ sinh viên là một trong những giải pháp quan trọng trong chương trình giáo dục toàn diện cho sinh viên, giúp bổ sung, phát triển nhiều kỹ năng cần thiết cho họ. Câu lạc bộ vừa là một loại hình tổ chức, vừa là một phương thức hoạt động nhằm hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong học tập và cuộc sống hàng ngày sinh viên, đáp ứng những nhu cầu chính đáng của họ. 

Hầu hết các trường đại học, Cao đẳng hiện nay đều đã có câu lạc bộ sinh viên, nhưng không phải trường nào cũng thành lập được câu lạc bộ về môi trường. Câu lạc bộ Môi trường là nơi nuôi dưỡng tình cảm tốt đẹp, cập nhật thông tin, trang bị kiến thức, hướng dẫn hoạt động và tổ chức hoạt động làm sạch đẹp môi trường sống, tiêu dùng hợp lý tài nguyên và năng lượng, đồng thời góp phần phát triển nhiều kỹ năng cho sinh viên: kỹ năng phòng tránh rủi ro thiên tai, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng quản lý thời gian và nguồn lực, kỹ năng đàm phán, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tuyên truyền vận động cộng đồng,...Đây cũng là nơi kết nối sinh viên với nhiều hoạt động quy mô lớn hơn trong cả nước và quốc tế, thể hiện sức trẻ của thanh niên với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

       5. Phát huy vai trò xung kích của sinh viên trên mặt trận tuyên truyền bảo vệ môi trường trong cộng đồng

       Thanh niên sinh viên với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, sẵn sàng cống hiến, luôn tiếp bước truyền thống thanh niên Việt Nam “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Là lực lượng xung kích, lăn xả trên nhiều mặt trận, thanh niên sinh viên với mặt trận bảo vệ môi trường cũng thể hiện được sức trẻ, làm rất tốt vai trò của mình. Hưởng ứng phong trào thanh niên "Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc" của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, sinh viên đã tình nguyện đóng góp vì cuộc sống cộng đồng ổn định, văn minh, sạch đẹp. 

       Tinh thần xung kích, sáng tạo của sinh viên trong hoạt động bảo vệ môi trường thể hiện ở quá trình tham gia các phong trào có ý nghĩa lớn. Đặc biệt, trong tháng Thanh niên, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, thanh niên sinh viên đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động ra quân tuyên truyền và tham gia bảo vệ môi trường, với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: dọn vệ sinh, thu gom rác thải đường làng, ngõ, xóm; trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; trồng rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn, rừng hoàn nguyên; vận động nhân dân tại địa phương tham gia chương trình nước sạch vệ sinh môi trường; tổ chức tập huấn về bảo vệ môi trường,…Các hoạt động đã tác động đến nhận thức về môi trường của chính giới trẻ và các bộ phận xã hội khác, góp phần nâng cao nhận thức, khẳng định tinh thần tiên phong của thanh niên sinh viên trong công tác vận động, tuyên truyền nhân dân hưởng ứng các chiến dịch: Ngày vì môi trường; Ngày môi trường thế giới, Ngày Trái đất, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam; Bảo vệ động vật hoang dã, Tuần lễ Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn,…

       Tóm lại: Môi trường sống của chúng ta đang ngày một biến đổi và ô nhiễm hơn do tác động rất lớn của con người. Diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn ngày càng bị thu hẹp vì sự tàn phá của con người, thiên tai lũ lụt xảy ra thường xuyên và mức độ tàn phá ngày càng nặng nề, nguồn nước sạch ngày càng khan hiếm , bệnh dịch ngày càng gia tăng. Để hạn chế vấn đề về ô nhiếm môi trường thì không chỉ là giáo dục tuyên truyền ý thức cho những người trẻ, cho sinh viên mà phải giáo dục cho tất cả mọi người, mỗi cá nhân đều phải tự giác chung tay trong việc bảo vệ môi trường. Để giáo dục được ý thức của sinh viên trong việc bảo vệ môi trường phải cần đến rất nhiều sự quan tâm của Nhà trường và xã hội, bởi họ là những người trẻ có lòng nhiệt huyết có quyết tâm và sự năng động của tuổi trẻ, là tầng lớp kế thừa và là những chủ nhận tương lai của đất nước, giáo dục tốt ý thức bảo vệ môi trường cho sinh viên cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta trước những biến đổi khắc nghiệt của môi trường.

Phạm Thị Huyền - Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau