Giải pháp phát triển các nhãn hiệu Được bảo hộ trên địa bàn tỉnh cà mau.

       Cà Mau có vị trí địa lý thuận lợi như: có ba mặt tiếp giáp biển, hệ sinh thái rừng phong phú và đa dạng, hệ thống sông ngòi chằng chịt, có nhiều sông lớn và bãi bồi, đầm, ao, hồ,…nên thiên nhiên đã ưu đãi cho Cà Mau nhiều sản vật đặc sản ngon và hấp dẫn. Đặc sản Cà Mau là niềm tự hào cũng là nguồn thu nhập đáng kể của người dân địa phương. Một trong những đặc sản rất phổ biến của Cà Mau đó là tôm khô, cua biển, sò huyết, vọp, cá lóc, cá sặc rằn, bồn bồn, mật ong,… và các loại thủy hải sản được nuôi trồng và đánh bắt từ biển. Đây là lợi thế để Cà Mau thu hút khách du lịch cũng như xuất khẩu mang lại nguồn thu rất lớn cho người dân và ngân sách địa phương.

       Để giữ vững thương hiệu cho đặc sản Cà Mau trong bối cảnh kinh tế thị trường như hiện nay là rất khó khăn vì tình trạng gian lận thương mại ngày càng tăng; hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng nhiều với những thủ đoạn rất tinh vi nên phần nào đã làm suy giảm uy tín, thương hiệu của các loại đặc sản. Việt Nam đã gia nhập AFTA, WTO, CPTPP,…nên việc bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm đặc sản cả nước nói chung và Cà Mau nói riêng hiện nay là việc làm hết sức cần thiết, giải pháp pháp triển các nhãn hiệu được bảo hộ cũng rất quan trọng để người dân và doanh nghiệp cùng phát triển trong tình hình mới.

       Thời gian qua, hoạt động đăng ký, bảo hộ, đối với các sản phẩm đặc sản, đặc thù dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của tỉnh Cà Mau đã được khởi xướng và triển khai khá mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh nói chung. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 10 nhãn hiệu tập thể và 03 nhãn hiệu chứng nhận (gọi chung là nhãn hiệu) được bảo hộ. Năm 2018 tỉnh tiếp tục đăng ký bảo hộ thêm 5 nhãn hiệu chứng nhận cho 5 sản phẩm của các địa phương trong tỉnh. Bảo hộ đặc sản của địa phương được pháp luật công nhận là bước đi rất quan trọng để giữ gìn và phát huy, nâng cao giá trị của từng nhãn hiệu thời hội nhập, đây là điều kiện rất thuận lợi để chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị sản phẩm đối với sản phẩm được bảo hộ.

Bồn bồn Cái Nước - Cà Mau. Nhãn hiệu đã được bảo hộ. 

       Nhìn chung, sau khi được cấp văn bằng bảo hộ và được sự hỗ trợ có hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các sản phẩm đặc sản của Cà Mau không ngừng tăng lên về quy mô sản xuất và giá trị gia tăng; hầu hết các sản phẩm được thương mại khắp các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt có một số sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài như: tôm, cua, cá khoai,…mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho doanh nghiệp và người dân vùng mang nhãn hiệu. 

       Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc phát triển các sản phẩm đặc sản Cà Mau còn gặp không ít khó khăn, người dân và doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm đặc sản chưa được hưởng lợi nhiều, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng mang nhãn hiệu được bảo hộ…Một số nguyên nhân chính có thể kể đến gồm: (i) Sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, chưa có nhiều ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chưa có sức cạnh tranh trên thị trường, các sản phẩm đặc sản chủ yếu được bán ở các chợ nhỏ theo phương thức truyền thống ở địa phương; (ii) Quy trình sản xuất, nhãn mác, đóng gói còn hạn chế trong lưu thông, chất lượng sản phẩm chưa thật sự được quan tâm nhiều cũng như thiếu các kênh phân phối và phương thức truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm; (iii) Sản phẩm đặc sản của Cà Mau chưa có tính thương mại hoá cao, thị trường còn hạn hẹp, người tiêu dùng ở ngoài tỉnh phần lớn chưa được biết đến hoặc biết đến chưa nhiều; (iv) Thiếu tính liên kết, đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng chuỗi các sản phẩm; (v) Hầu như các sản phẩm đặc sản của Cà Mau chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu vào các siêu thị lớn.

       Để phát huy, giữ gìn giá trị truyền thống, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm được bảo hộ đối với các sản phẩm đặc sản của Cà Mau, cần tập trung nghiên cứu, triển khai đồng bộ một số nhóm giải pháp sau:

       1. Công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn

       Tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, Ban quản lý nhãn hiệu; thường xuyên cập nhật các kiến thức mới về sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, các ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ để cán bộ quản lý, Ban quản lý nhãn hiệu sử dụng và khai thác hiệu quả nhãn hiệu được bảo hộ.

       Nâng cao kiến thức và các kỹ năng cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình trực tiếp sản xuất và sử dụng các nhãn hiệu đã được bảo hộ bằng cách tổ chức các lớp tập huấn về các quy trình quản lý nhãn hiệu; quy trình sản xuất sản phẩm, các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; quy trình đăng ký và công bố chất lượng sản phẩm; đăng ký, cập nhật thông tin và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hệ thống quản lý nội bộ chất lượng sản phẩm; công nghệ sơ chế, công nghệ bảo quản chất lượng sản phẩm; kỹ năng và công nghệ bán hàng,…để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có những định hướng sản xuất và kinh doanh nhãn hiệu được bảo hộ đạt hiệu quả cao.

       2. Nâng cao vai trò, vị trí của Ban quản lý nhãn hiệu

       Ban quản lý nhãn hiệu là thành phần rất quan trọng đối với mỗi nhãn hiệu được bảo hộ, là đơn vị đưa ra cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển nhãn hiệu dài hạn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tuy nhiên thực tế cho thấy, thời gian qua Ban quản lý hoạt động hiệu quả chưa cao, thành viên Ban quản lý chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách, phần lớn Ban quản lý không có kinh phí để hoạt động nên hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa nhiều, hiệu quả phối hợp giữa Ban quản lý với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn khá hạn chế.

       Do đó, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban quản lý nhãn hiệu bằng cách nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của từng cán bộ trong Ban quản lý thông qua các lớp tập huấn, đào tạo chuyên ngành phù hợp. Hàng năm, Ban quản lý cần phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành cấp tỉnh, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để đưa ra kế hoạch phát triển sản phẩm một cách toàn diện và phù hợp với tình hình thực tế; có cơ chế theo dõi, giám sát doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được phép khai thác và sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ, đảm bảo hoạt động đúng quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng đầu ra ổn định. Chính quyền địa phương cần xem xét, cấp kinh phí để Ban quản lý hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và cơ sở xuất sử dụng nhãn hiệu phải có cơ chế chia sẽ lợi nhuận với Ban quản lý để Ban quản lý có thêm kinh phí hoạt động, đồng thời hỗ trợ lại doanh nghiệp được tốt hơn.

       3. Quy hoạch sản xuất, cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào

       Để các sản phẩm được bảo hộ tại Cà Mau phát triển ổn định, khẳng định vị trí và thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, ngoài việc ứng dụng khoa học công nghệ, dây chuyền sản xuất thì trước hết phải phát triển bền vững vùng nguyên liệu đầu vào; các ngành chức năng cần quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch sản xuất một cách nghiêm túc, đảm bảo cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đủ nguyên liệu đầu vào cũng như hướng dẫn, thông tin thị trường kịp thời, tránh việc mất cân bằng giữa cung và cầu. 

       Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề về liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ thu mua giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với người sản xuất. Về phía người sản xuất, nhất thiết phải đầu tư cây, con giống chất lượng (trừ đối tượng khai thác tự nhiên), nhằm tăng năng suất, cho sản lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường; đặc biệt không sử dụng chất cấm trong quá trình sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng phải có kế hoạch đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất (trừ các sản phẩm khai thác tự nhiên) cho sản phẩm theo yêu cầu thị trường về số lượng và chất lượng, đặc biệt chú trọng liên kết trong chuỗi giá trị như là một tác nhân chủ đạo trong tiêu thụ sản phẩm.

       4. Hoàn thiện quy trình sản xuất, thống nhất tiêu chuẩn đầu ra

       Mỗi sản phẩm trước khi được bảo hộ đều có quy trình sản xuất và tiêu chuẩn đầu ra cụ thể. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sau khi được cấp phép khai thác nhãn hiệu được bảo hộ thì mỗi nơi sản xuất theo quy trình (công thức) khác nhau, không tuân thủ theo quy trình chuẩn đã được Ban quản lý nhãn hiệu đề nghị thực hiện. Kết quả đầu ra của sản phẩm chưa đồng nhất, chưa tạo được niềm tin tuyệt đối từ phía người tiêu dùng. Do đó, việc thống nhất quy trình sản xuất, tiêu chuẩn đầu ra đối với từng loại sản phẩm như về kích cỡ, mùi vị, hàm lượng sinh hóa trong sản phẩm,…là rất cần thiết. Cần lưu ý, trong quá trình sản xuất sản phẩm, phải đảm bảo gần như tuyệt đối “giá trị cốt lõi” đầu ra của từng sản phẩm.

       Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm đầu ra đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được sử dụng nhãn hiệu, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng nguyên liệu đầu vào có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Từ đó, tạo ra sản phẩm đặc sản đồng đều, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong thời kỳ hội nhập.

       5. Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất

       Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp chuyển dịch mạnh sản xuất hàng hóa từ số lượng sang chất lượng, phối hợp với chiến lược quảng bá giúp tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Hiện nay việc tăng năng suất chất lượng sản phẩm đóng vai trò quan trọng, nó quyết định tính cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại với các tỉnh thành khác.

       Đầu tư nghiên cứu kỹ giá trị dinh dưỡng sản phẩm để làm công tác tiếp thị, quảng bá, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Nghiên cứu, đầu tư nhiều thiết bị, máy móc, dây truyền công nghệ vào quá trình sản xuất thông qua nguồn vốn của doanh nghiệp hoặc các chương trình, đề tài, dự án có sự hỗ trợ của nhà nước. Hiện nay, sự thiếu hụt lao động ở nông thôn ngày càng nhiều, chính vì vậy việc ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất là cần thiết và là điều kiện căn bản để tạo sự thay đổi, tăng tính hiệu quả hướng tới hiện đại hóa trong sản xuất.

       6. Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm

       Việc nghiên cứu, tìm hiểu và nắm vững thị trường cho từng sản phẩm đã được bảo hộ, nhu cầu theo thời gian, đối tác, đối thủ cạnh tranh là rất quan trọng đối với mỗi nhãn hiệu; doanh nghiệp cần chủ động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh (có thể ở nước ngoài) dựa trên năng lực, lợi thế hiện có. Bên cạnh đó, nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ xúc tiến thương mại tại các hội trợ, các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh (có thể ở nước ngoài). Tập trung nghiên cứu, thay đổi cách bán hàng truyền thống bằng cách bán hàng hiện đại thông qua các ứng dụng thương mại điện tử, hoặc kết hợp giữa bán hàng truyền thống và ứng dụng thương mại điện tử để đa dạng hóa các hình thức kinh doanh, tăng hiệu quả trong kinh doanh. 

       7. Ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng

       Hiện nay, vấn đề truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng, thực tế cho thấy có nhiều nhiều sản phẩm đặc sản của Cà Mau nhãn mác chưa rõ ràng, không có hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt là không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hàng giả, hàng kém chất lượng được bày bán nhiều ở các chợ đầu mối cũng như ở các địa phương trong tỉnh. Do đó, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, cơ sở phân phối các sản phẩm đã được bảo hộ, hàng hóa trôi nổi trên thị trường nhằm tránh tình trạng giả mạo thương hiệu làm mất uy tính sản phẩm đặc trưng, đặc thù địa phương. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng mã vạch, mã QR, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm để người tiêu dùng nhận dạng thương hiệu và tạo niềm tin cho khách hàng.

       8. Cam kết của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất

       Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm phải có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, được chứng nhận chất lượng và được xét nghiệm nghiêm ngặt trước khi đưa vào hệ thống phân phối (online và offine), đáp ứng được yêu cầu của khách hàng nhằm tạo cho khách hàng sự an tâm về chất lượng và an toàn thực phẩm của sản phẩm. Cam kết sản xuất sản phẩm đúng quy trình, quy định, đầu ra đạt chất lượng theo yêu cầu của Ban quản lý nhãn hiệu.

       9. Phát huy hiệu quả, nâng cấp cửa hàng kinh doanh sản phẩm đặc sản của Cà Mau

       Hiện tại, tỉnh Cà Mau đã xây dựng hoàn thành hệ thống cửa hàng trưng bày và giới thiệu, kinh doanh sản phẩm đặc sản từ thành phố Cà Mau đến Đất Mũi, cửa hàng là địa điểm tạo sự dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng phục vụ cho nhu cầu mua sắm của khách hàng; đặc biệt cửa hàng là nơi kinh doanh cam kết đúng chất lượng sản phẩm của đặc sản Cà Mau. Do đó, cần quan tâm, đầu tư, nâng cấp cửa hàng cũng phương pháp kinh doanh, quảng bá, chiến lược kinh doanh, hình thức thành toán,… chuyên nghiệp hơn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm của khách hàng trong và ngoài tỉnh.

       Trên đây là một số giải pháp quan trọng để phát triển các nhãn hiệu được bảo hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Hy vọng trong thời gian tới, sản phẩm đặc sản của Cà Mau ngày càng phát triển và xuất khẩu đến nhiều nơi trên thế giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp và người dân trong tỉnh./.

Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN Cà Mau