Hậu Giang: Đưa công nghệ mới vào canh tác lúa

       Với mong muốn giúp bà con nông dân từ bỏ tập quán sạ dày, ngành chức năng đã có nhiều chương trình, dự án, đưa máy móc công nghệ mới vào đồng ruộng. Bước đầu đã được người dân chấp nhận.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo người dân đưa ứng dụng cơ giới hóa, máy móc tiên tiến vào sản xuất để giảm chi phí, nhân công.

       Huyện Long Mỹ là địa phương thâm canh lúa có năng suất khá cao (từ 18-20 tấn/3 vụ/năm). Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học, ngành chức năng, với cơ cấu giống lúa và quy trình canh tác như hiện nay thì năng suất này gần như đội trần, khó có thể tăng thêm. Đa phần nông dân ở đây vẫn giữ tập quán sạ lan và gieo sạ mật độ rất dày, với lượng giống trên 150 kg/ha, có khi lên đến 200 kg/ha. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng với các ngành liên quan ở địa phương đã quan tâm đem nhiều chương trình tập huấn, dự án hỗ trợ về đây. Mục tiêu là mong muốn bà con nâng cao kỹ thuật, kiến thức về canh tác lúa theo thời đại khoa học công nghệ. Giúp bà con tiết giảm được chi phí, gia tăng năng suất, nguồn thu nhập nhờ áp dụng những biện pháp mới, sử dụng máy móc để giải phóng sức lao động.

       Kỹ sư Lê Châu Tứ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Với lượng giống gieo sạ cao như vậy sẽ làm tăng chi phí tiền giống, tăng mật độ số cây lúa trên ruộng, kéo theo hậu quả là dễ phát sinh sâu bệnh, hao tốn thêm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, với số lượng cây lúa nhiều trên ruộng thì tốn thêm chất dinh dưỡng khiến người dân phải bón nhiều phân.

       Ngoài những lần tập huấn đưa kiến thức về 3 giảm 3 tăng, ngành khuyến nông tỉnh còn chú trọng trình diễn gieo sạ giống tiết kiệm trên máy sạ hàng, máy cấy… Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia đưa máy sạ hàng với mật độ như cấy về trình diễn tại ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ. Bước đầu, chiếc máy đã giúp bà con nhẹ công gieo sạ và giảm được lượng giống đáng kể. Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, với 1 công đất thì chỉ cần sạ 7kg lúa là đủ. Mỗi lần đi, máy sạ được 6 hàng liền nhau giúp rút ngắn thời gian đi lại như biện pháp sạ lan truyền thống. Máy có nhiều ưu điểm dễ áp dụng như: trọng lượng rất nhẹ chỉ cần 2 người có thể mang máy di chuyển mọi nơi; thiết kế máy có hai bánh xe và hai phao trượt nổi nằm phía ngoài bánh xe giúp cho máy không bị lầy; khoảng cách giữa các hàng khá chuẩn với mật độ hàng cách hàng là 28cm, cây cách cây 15cm.

       Ông Nguyễn Văn Lập, nông dân tham gia thử nghiệm trình diễn máy tại ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho biết: “Chiếc máy gieo sạ lúa mật độ như cấy có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với máy sạ hàng mà nông dân đang sử dụng là giảm được lượng lúa giống từ 30-50 kg/ha. Khi điều khiển máy, tôi thấy nhẹ nhàng hơn so với kéo hàng chừng 2-3 lần”.

       Thời gian qua, cũng đã có nhiều bà con ứng dụng máy móc công nghệ mới đạt được kết quả. Điển hình là mô hình ứng dụng máy sạ lúa kết hợp phun phân đã giúp ích rất nhiều trong tình trạng thiếu hụt nhân công lao động hiện nay. Nông dân Bùi Văn Tình, ở ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, là người đầu tiên sử dụng máy sạ lúa kết hợp phun phân mà ngành khuyến nông khuyến cáo. Ông Tình cho hay, trước kia mỗi lần sạ thì phải đeo thúng sạ lan hoặc kéo sạ bằng dụng cụ sạ hàng mất thời gian và mệt mỏi. Đến khi có máy sạ lúa này thì nhanh hơn một nửa thời gian. Với 1ha đất ruộng của gia đình, mỗi lần sạ cũng tốn 2 ngày công với giá 40.000 đồng/công, còn mướn rải phân thì tốn 25.000 đồng/bao. Từ khi có máy thì tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng tiền thuê nhân công sạ lúa và rải phân.

Ông Nguyễn Văn Lập đánh giá cao chiếc máy sạ lúa với mật độ như cấy vì nhẹ điều khiển và tiết kiệm giống.

       Được biết, khi tham gia dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lúa thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Nam” của Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện, nông dân sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/máy sạ lúa kết hợp phun phân (máy có giá 5 triệu đồng). Đây là một trong những mục tiêu hữu ích nhằm hướng đến cơ giới hóa đồng ruộng, giải phóng sức lao động cho nông dân.

       Ông Triệu Quốc Dương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhận định: Sau khi triển khai thí điểm ứng dụng máy móc cơ giới hóa vào sản xuất đã giúp nông dân nâng cao nhận thức, nhận được nhiều lợi ích của việc áp dụng sạ thưa, giúp giảm chi phí, tăng thu nhập. Nếu trước đây, tập quán gieo sạ của nông dân với mật độ từ 200-250kg lúa giống/ha thì hiện giảm xuống còn từ 80-150 kg/ha. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục định hướng cho bà con áp dụng máy gieo sạ có mật độ như cấy hoặc sử dụng máy sạ lúa kết hợp phun thuốc rộng rãi hơn để giảm lượng giống xuống thấp hơn. Từ đó, bà con trồng lúa giảm được nhiều chi phí, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng, bền vững.

Bài, ảnh: TRÚC LINH (Theo baohaugiang.com.vn )