Nuôi tôm thâm canh và bảo vệ môi trường: hướng đến sự phát triển hiệu quả và bền vững.

       Cà Mau là một trong nhiều tỉnh ven biển có nghề nuôi tôm thâm canh với nhiều bước tiến vượt bậc cả về chất lẫn về lượng trong những năm gần đây. Từ thế độc canh của con tôm sú dần chuyển sang tôm chân trắng, từ mô hình nuôi ao đất truyền thống dần chuyển sang nuôi ao lót bạt gần như hoàn toàn, và cũng từ qui trình thả nuôi trực tiếp vào ao nuôi dần chuyển sang qui trình thả nuôi 02 giai đoạn nhằm đảm bảo tỷ lệ sống cao hơn … Từ nhiều sự cải tiến trên phần nào đã nói lên được rằng nghề nuôi tôm thực sự đang “trưởng thành”. Sự trưởng thành này hoàn toàn phù hợp và cần thiết trong bối cảnh điều kiện tự nhiên ngày càng diễn biến phức tạp từ sự biến đổi khí hậu, môi trường ngày càng bị ô nhiễm và thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng xuất hiện nhiều khách hàng khó tính.

       Tuy nhiên, bên cạnh những sự phát triển của nghề nuôi tôm ngày nay thì vẫn còn tồn tại nhiều “sự trăn trở” nhất định đối với các ngành quản lý có liên quan, trong đó việc quản lý ô nhiễm môi trường đang được xem là mục tiêu quan tâm hàng đầu. Theo Hopkins và ctv (1995) phân tích về sự chuyển hóa đạm trong các mô hình nuôi tôm thì trong ao nuôi chỉ có khoảng 23% lượng đạm có trong thức ăn được chuyển hóa thành sinh khối của tôm nuôi, 40% hòa tan vào môi trường nước và 37% tích lũy ở nền đáy ao. Từ sự phân tích trên để thấy có đến 77 % lượng đạm đã được tích lũy trực tiếp vào môi trường tự nhiên và cũng từ sự phân tích trên để thấy được rằng tầm quan trọng của việc kích thích sự phát triển của dòng vi khuẩn dị dưỡng có trong ao nuôi nhằm kiểm soát chất lượng nước và cố định ammonia thành protein trong vi khuẩn để tái chế thức ăn dư thừa và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn. Những năm gần đây mô hình nuôi tôm áp dụng qui trình biofloc, semi-biofloc đã được thử nghiệm thành công ở nhiều nước như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, … Ở Việt Nam, mô hình này đang được thử nghiệm ở nhiều nơi như Sóc Trăng, Bạc Liêu và các tỉnh miền Trung… và bước đầu đạt được hiệu quả khá cao về các mặt như năng suất tăng và ổn định, hệ số thức ăn thấp, nuôi với mật độ cao và đặc biệt là hạn chế ô nhiễm môi trường.

Lắp đặt hệ thống Biogas cho đầm nuôi tôm siêu thâm canh.

       Để nghề nuôi tôm được phát triển bền vững cần có nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ trên tất cả các phương diện phục vụ cho nghề nuôi tôm như sản xuất nguồn tôm giống cần phải đạt chất lượng cao, thị trường tiêu thụ phải ổn định, qui hoạch vùng nuôi phải hợp lý và cần phải có các giải pháp xử lý chất thải tránh gây ô nhiễm môi trường. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân trên, được sự thông qua của Hội đồng khoa học xét duyệt đề cương thuyết minh dự án vào tháng 10 năm 2017, Ban quản lý dự án ODA và NGO phối hợp với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ Cà Mau tiến hành triển khai dự án “Ứng dụng công nghệ semi-biofloc nuôi thâm canh tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei) tại tỉnh cà mau”. Thời gian triển khai dự án bắt đầu từ tháng 11/2017 đến tháng 8/2018 và địa điểm triển khai tại ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn với mật độ thả nuôi 200 con/m2. Sau 02 đợt thả nuôi, tổng sản lượng tôm thu được là 12.650 kg đạt 87,9% mục tiêu đề ra, năng suất quy đổi 31,63 tấn/ha/vụ. Dự án là một trong nhóm ba dự án nuôi tôm chân trắng theo công nghệ semi-biofloc được triển khai tại Cà Mau thuộc chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 – 2020”. Dự án ứng dụng công nghệ semi-biofloc nuôi thâm canh tôm chân trắng nhằm làm tăng sức đề kháng, kiểm soát được bệnh chết sớm trên tôm nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, đồng thời giúp nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm. Một điểm quan trọng khác để đánh giá tính bền vững của mô hình đó là tính hiệu quả sử dụng tài nguyên. Công nghệ semi-biofloc cho phép có thể sản xuất trên diện tích vừa và nhỏ, tối ưu hóa được diện tích sử dụng đất và chỉ sử dụng một cách rất hạn chế tài nguyên nước. Điểm nổi bật nhất mà dự án đạt được là dự án đã triển khai đầy đủ nội dung về quản lý chất thải thông qua việc sử dụng túi ủ Biogas. Chất thải được chứa trong túi và quá trình phân hủy chất thải hoàn toàn diễn ra trong túi chứa nên không gây ô nhiễm đến môi trường xung quanh, đồng thời nước thải đầu ra từ túi ủ được dẫn vào ao chứa thải có thả nuôi kết hợp các đối tượng như cá đối mục, cá nâu ... như là nguồn thức ăn hữu cơ bổ sung, góp phần mang lại kết quả khả quan của mô hình.

 Hệ thống túi ủ biogas trong mô hình nuôi tôm thâm canh

       Hiện nay diện tích nuôi tôm thâm canh nói chung và nuôi tôm theo qui trình semi-biofloc nói riêng đang ngày được mở rộng và phổ biến ở Cà Mau.

       Cải tiến qui trình nuôi nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao luôn là nhiệm vụ thường xuyên và hàng đầu của người nuôi tôm. Tuy nhiên, cải tiến qui trình nuôi cần được thực hiện đồng bộ với bảo vệ môi trường, cần lồng ghép nội dung “xử lý chất thải và bảo vệ môi trường” như một bước cần thiết của bất cứ qui trình nuôi tôm nào được thực hiện. Để nhận thức này thật sự đến với tất cả người dân nuôi tôm thâm canh trong tỉnh Cà Mau thì rất cần sự chung tay từ các cấp, các ngành có liên quan thông qua việc tuyên truyền và vận động từ các kênh tuyên truyền thông tin, từ đó giúp người dân ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, góp phần định hình công nghệ nuôi tôm thâm canh ở Cà Mau phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững.

Ths.Trần Hoàng Vũ