Hiện trạng quản lý các công trình thủy lợi trong nội ô thành phố Cà Mau.

       Công tác Thủy lợi giữ một vị trí quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Vì vậy, nhiều thập kỷ qua, công tác thuỷ lợi được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đầu tư, đặc biệt là từ khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Định hướng phát triển lâu dài là xây mới và nâng cấp hệ thống công trình thuỷ lợi sao cho đồng bộ và đồng thời phải đổi mới để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đáp ứng nhu cầu về nước cho nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và nước cho sinh hoạt ở nông thôn.

Thi công các công trình thủy lợi. Ảnh Tg

       1. Hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi:

       Tỉnh Cà Mau có điều kiện địa lý khá phức tạp, với ba mặt tiếp giáp biển tạo thành một bán đảo chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 chế độ triều đó là nhật triều của biển Tây và bán nhật triều không đều của biển Đông; địa hình được kiến tạo không đều và bị chia cắt bởi hệ thống sông, rạch, kênh, mương chằng chịt; có nhiều sông lớn và kênh đào lớn được xem như những kênh trục của vùng, điển hình như: sông Gành Hào, sông Đầm Chim, sông Đầm Dơi, sông Cửa Lớn, sông Bảy Háp, sông Ông Đốc, sông Cái Tàu, sông Trẹm…; kênh Chắc Băng, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh Xáng Bạc Liêu - Cà Mau... Ngoài ra còn rất nhiều kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 và kênh nội đồng, tạo nên mạng lưới sông ngòi, kênh mương dày đặc nối thông với nhau và thông ra biển Đông, biển Tây, cụ thể như sau:

       - Kênh trục: Có 40 công trình với tổng chiều dài 890km, có năng lực phục vụ 120.000ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

       - Kênh cấp I: Có 200 công trình với tổng chiều dài 1.816km, có năng lực phục vụ 260.000ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

       - Kênh cấp II: Có 828 công trình với tổng chiều dài 3.647km, năng lực phục vụ 130.000ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

       - Kênh cấp III: Có 981 công trình với tổng chiều dài 1.765km, năng lực phục vụ 28.000ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

       Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh được quy hoạch cụ thể, từng vùng, tiểu vùng và hầu hết đều đã được lập dự án đầu tư, từ đó việc triển khai thực hiện được nhiều thuận lợi. Đến nay hệ thống thuỷ lợi được đầu tư khá nhiều, từ đó diện tích nuôi trồng thủy sản đảm bảo cấp thoát nước được khoảng hơn 80% diện tích và công tác ngăn mặn, tiêu úng, xỗ phèn đảm bảo được 40% diện tích canh tác. Ngoài ra hệ thống thủy lợi còn phục vụ các ngành kinh tế khác: Tiêu nước cho các khu dân cư đô thị và nông thôn, đã khắc phục được đáng kể tình trạng ngập úng, hạn hán, mở rộng diện tích gieo trồng, cải tạo đất, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng. Toàn tỉnh có hơn 299.819ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có 280.213ha nuôi tôm; diện tích canh tác lúa 126.587ha (tính cả diện tích lúa - tôm), cơ cấu mùa vụ phong phú: hai vụ lúa trên năm; lúa mùa, lúa lấp vụ hai; một vụ lúa, một vụ màu, trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng và một vụ lúa một vụ tôm,…

       Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích to lớn như đã đề cập ở trên, công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi hiện vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập.

       - Thứ nhất, là cơ chế chính sách đầu tư còn chưa hợp lý, chú trọng đầu tư xây dựng mới, đầu tư công trình đầu mối mà chưa quan tâm nhiều đến đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa, hoàn chỉnh hệ thống nên thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác.

       - Thứ hai, là hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi vẫn còn thấp. Đối với bộ máy quản lý Nhà nước về thuỷ lợi, phân giao nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành còn nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong điều hành chỉ đạo. Vẫn còn có sự trùng lẫn giữa chức năng quản lý Nhà nước và quản lý sản xuất, chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ công ích của nhà nước.

       - Thứ ba, là bộ máy quản lý, khai thác công trình thủy lợi, mặc dù số lượng lớn nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Hầu hết các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi đều là doanh nghiệp nhà nước vận hành theo cơ chế bao cấp đã hạn chế tính năng động và thiếu động lực phát triển.

       - Thứ tư, là thể chế chính sách và phương thức quản lý, khai thác công trình thủy lợi chậm đổi mới theo cơ chế thị trường; Quản lý sản xuất bằng phương thức giao kế hoạch, theo cơ chế bao cấp dẫn đến tư tưởng dựa dẫm, trông chờ vào nhà nước.

       Chính sách trợ cấp qua "giá" đã ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ kinh tế, khó kiểm soát và kém hiệu quả. Chính sách miễn giảm thủy lợi phí trước đây (nay là kinh phí hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi) cho nông dân theo hình thức gián tiếp không gắn kết được trách nhiệm doanh nghiệp với nông dân với vai trò là người hưởng lợi.

       2. Các căn cứ pháp lý:

       Luật Đê điều số 79/2006/QH 11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội khóa XI.

       Pháp lệnh số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04/04/2001 pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

       Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi.

       Thông tư số 65/2009/TT-BNPTNT ngày 12/10/2009 của Bộ NN&PTNT về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi.

       Thông tư số 40/2011/TT-BNNPTNT ngày 27/5/2011 của Bộ NN&PTNT quy định năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

       Quyết định số 24/2008/QĐ-UBND ngày 03/10/2008 của UBND tỉnh Cà Mau, về việc ban hành quy định về bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

       Quyết định số 1336/QĐ-CTUB ngày 05/8/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về thành lập Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau.

       Quyết định số 1730/QĐ/-SNN ngày 29/8/2016 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau.

       Một số văn bản có liên quan hiện hành khác.

       3. Thực trạng quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi:

       Trước đây công tác quản lý, vận hành khai thác các công trình thuỷ lợi của tỉnh được phân giao cho Chi cục Thuỷ lợi thực hiện, theo đó đã bố trí mạng lưới “Trạm thuỷ lợi” đặt tại địa bàn 8 huyện và 1 thành phố để quản lý vận hành khai thác công trình thuỷ lợi; trực tiếp quản lý và phối hợp hỗ trợ địa phương về mặt chuyên môn kỹ thuật, quy trình vận hành kể cả hệ thống đê biển, đê cửa sông và các công trình dưới đê... Ngày 05/8/2016, Ủy Ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 1336/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi và đồng thời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 1730/QĐ-SNN ngày 29/8/2016, Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau. Như vậy, công tác quản lý vận hành, khai thác công trình thủy lợi được chuyển giao nhiệm vụ cho Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi và thực thi theo nhiệm vụ, chức năng quy định bao gồm:

       - Thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến tình trạng cống, phát hiện báo cáo kịp thời các diễn biến hư hỏng, sự cố của công trình.

       - Quản lý vận hành, duy tu, bảo dưỡng các hệ thống công trình.

       - Kiểm tra, theo dõi hành vi vi phạm và kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

       - Vận động tổ chức, cá nhân tham gia quản lý và bảo vệ công trình.

       - Tuyên truyền, giáo dục Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

       - Tổ chức thực hiện việc sửa chữa nhỏ, duy tu, bảo dưỡng công trình cống và phạm vi được cấp thẩm quyền giao quản lý theo quy định của pháp luật.

       Thực tế tính đến ngày 29/11/2016, Sở NN&PTNT đã giao nhiệm vụ quản lý, khai thác vận hành trên địa bàn (cống, đê, đập, hệ thống kênh các cấp từ kênh trục chính đến kênh cấp 2): Một  phần Dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp thuộc thành phố Cà Mau và huyện Thới Bình; Các tiểu vùng II, III - Bắc Cà Mau, tiểu vùng II, III, V, VII, X, XIV, XVII, XVIII - Nam Cà Mau và Dự án Tân Duyệt huyện Đầm Dơi, trong đó các tuyến sông, kênh rạch, cống trên địa bàn thành phố Cà Mau cũng không nằm ngoài phạm vi quản lý của Trung tâm khi được bàn giao theo quy định. Tuy nhiên, trong thực tế một số tuyến như sông Quản Lộ - Phụng Hiệp, sông Gành Hào, kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu,... quy mô lớn, có khả năng khai thác vận tải thủy nên được phân giao của Bộ Giao thông vận tải về quản lý đường thủy nội địa, do đó có những bất cập, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong quản lý, vận hành khai thác cũng như kế hoạch đầu tư sửa chữa, nâng cấp.

       Mặt khác do thói quen, tập quán sinh sống miền sông nước, mật độ tập trung nhà ở ven sông kênh rạch cao, cơ sở sản xuất, điểm thu mua, sơ chế thủy sản,.. là điều kiện phát triển nguồn xả thải xuống sông, kênh rạch. Hơn nữa tình trạng các tuyến sông, kênh rạch giao cắt nhau, sinh ra giáp nước gây bồi lắng nhiều, khả năng tiêu thoát nước kém. Công tác thu gom, xử lý rác thải chưa được quan tâm đúng mức. Việc kiểm tra, kiểm soát các nguồn xả thải chưa triệt để, ý thức người dân trong công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế... Cho nên, công năng và hiệu quả của các công trình thủy lợi trong khu vực nội ô thành phố Cà Mau chưa đáp ứng theo nhu cầu thực tế đặt ra, một số công trình thủy lợi không còn thực hiện nhiệm vụ như thiết kế, tình trạng gây ô nhiễm môi trường ngày càng khó kiểm soát, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, cũng như sản xuất mà nhiều năm qua phải gánh chịu, chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết và ảnh hưởng đến điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

       4. Đề xuất giải pháp:

       Trên cơ sở nhận diện thực trạng hiệu quả quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn trong những năm vừa qua, chỉ ra những mặt hạn chế và trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp khả thi, phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Cà Mau như sau:

       * Tiếp tục hoàn thiện thể chế:

       - Nghiên cứu hoàn thiện để kiện toàn tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi, từ hệ thống liên huyện, liên xã. Tách bạch chức năng quản lý nhà nước, quản lý khai thác công trình thủy lợi.

       - Tạo lập môi trường thuận lợi, phát huy cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi.

       - Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý để hướng dẫn hoạt động của các tổ chức thủy nông cơ sở (hợp tác xã, tổ hợp tác dùng nước) gắn với xây dựng nông thôn mới.

       * Củng cố hệ thống kết cấu hạ tầng công trình thủy lợi theo hướng hiện đại hóa:

       - Tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp để hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi hiện có.

       - Hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi ưu tiên đối với dự án nuôi trồng thủy sản, cấp nước cho cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ…

       - Xây dựng hệ thống thông tin, dự báo, cảnh báo sớm phục vụ quản lý và chỉ đạo điều hành phòng, chống úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và vận hành công trình.

       * Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuỷ lợi:

       Hoàn thiện các quy định về tổ chức quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuỷ lợi từ tỉnh đến huyện; hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm để quản lý, vận hành điều tiết.

       * Đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại:

       - Đào tạo và đào tạo lại đối với đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về quản lý khai thác công trình thủy lợi

       - Rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về thuỷ lợi, kể cả đội ngủ thanh tra chuyên ngành các cấp, xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao nghiệp vụ, nhận thức cho các đối tượng thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.

       * Tăng cường công tác thông tin, truyền thông:

       - Thực hiện tuyên truyền, truyền thông về chủ chương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, đặc biệt là chính sách miễn, giảm thuỷ lợi phí, thông qua các phương tiện phát thanh, truyền hình, báo chí để nâng cao ý thức bảo vệ công trình thuỷ lợi, sử dụng nước tiết kiệm.

       - Phát động phong trào toàn dân làm thuỷ lợi trên phạm vi toàn tỉnh thông qua Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức đoàn thể vận động toàn dân tham gia quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi .

Chi cục Thủy lợi Cà Mau