Hiện trạng và giải pháp xóa nghèo bền vững cho nông dân vùng ĐBSCL

I.    Tình hình chung về nông nghiệp – nông dân – nông thôn VN

            Tại các nước phát triển, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, được thay thế dần bằng các khu công nghiệp, khu đô thị. Số nông dân tham gia vào sản xuất nông nghiệp cũng giảm bớt dần theo thời gian và tỉ trọng nông nghiệp đóng góp vào phát triển kinh tế quốc gia cũng giảm không ngừng so với công nghiệp, dịch vụ, mặc dù tổng sản lượng thực phẩm tiếp tục tăng gia. Vào đầu thế kỷ 20, lao động nông nghiệp Hoa Kỳ đóng góp vào GDP 41%, năm 1945 chỉ 16%, 2000 là 1,9%, 2008 dưới 1%, nhưng vẫn có khả năng nuôi cả nước và đóng góp cho một phần thế giới, tương tự, hiện tượng này cũng xảy ra ở các nước Châu Âu. Đó là nhờ vào cải tiến hiệu quả trong sản xuất, đổi mới công nghệ tiên tiến, đưa hàm lượng KHCN vào sản xuất ngày càng có tỷ trọng lớn hơn. Nhưng lợi tức kinh tế của ngành này không được hấp dẫn, các nước tiên tiến đã có chính sách chuyển đổi nông nghiệp qua các lãnh vực khác, như công nghiệp, dịch vụ, tài chính, tin học, du lịch, v.v…

Trong khi đó, tại các nước đang phát triển, nông nghiệp vẫn còn hiện diện đậm nét trong đời sống hàng ngày của đại đa số người dân và là thành tố quan trọng trong nền kinh tế quốc gia. Đối với các nước đang phát triển nhanh như Việt Nam, nông dân vẫn còn chiếm đến 73% dân số cả nước, và tỉ trọng nông nghiệp (khu vực I) góp phần vào kinh tế quốc gia giảm dần từ 40,2% trong 1984 xuống 22,2% trong 2008; 19% năm 2013, trong khi Nhật Bản còn 1,6%, Hàn quốc 3%, Malaysia 8,7%, Thái Lan 10%, Trung Quốc 11,9%, Indonesia 13,3%, Philippines 14,2%, và Ấn Độ 19,9% (nguồn: T.S. Trần Văn Đạt, Nguyên Chánh chuyên gia FAO, Rome).

Việt Nam là đất nước có một nền nông nghiệp lúa nước truyền thống lâu đời với hơn 70% dân số sống bằng nghề nông, vì thế, dù ở thời kỳ nào, người nông dân, nông thôn và kinh tế nông nghiệp cũng có một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh chung của đất nước. Nhận thức được tầm quan trọng này, nhằm đưa đất nước theo kịp các nước tiến tiến trên thế giới, theo tinh thần NQTW26, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước với mục tiêu là đến năm 2020 đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Trong đó, đặc biệt chú trọng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn để xây dựng nông thôn mới nhằm xóa nghèo bền vững cho nông dân.

II. Hiện trạng lao động nông thôn ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu long có 10,3 triệu lao động trong đó 7,5 triệu lao động nông thôn (chiếm 21,5% cả nước), đại bộ phận gắn với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa. Do dân số ngày càng tăng, diện tích đất sản xuất của nông hộ ngày càng giảm đi nhanh chóng (bình quân 0,6ha/hộ). Vì vậy, thu nhập nông hộ thấp, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn, rất khó thực hiện xóa nghèo trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

          Cùng với xu hướng tăng thu nhập cả nước, thu nhập bình quân của cư dân nông thôn cũng tăng gần 300% trong vòng 10 năm 1996-2006. Cả nước hiện có khoảng 3,9 triệu hộ nghèo, chiếm 22% trong số các hộ cả nước. Những con số trên cho thấy, những thành tựu của công nghiệp hóa còn chưa với tới được nhiều người dân ở nông thôn. Hiện nay, sự phân hóa giàu nghèo trong vùng ngày càng lớn, mức chênh lệch thu nhập giữa nhóm hộ giàu nhất và nghèo nhất ngày càng cao: năm 2006, mức chênh lệch là 8,5 lần trong khi năm 2004 chỉ ở mức 7,1 lần. ĐBSCL là vùng có tỷ lệ nghèo vào loại cao nhất trong cả nước, chỉ xếp sau vùng miền núi phía Bắc.

          Áp lực về lao động ở nông thôn gia tăng dẫn đến các dòng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị để tìm kiếm việc làm. Theo tỷ lệ lao động được khảo sát tại tám xã của cả nước do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Trung tâm Phát triển nông thôn thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện năm 2006, có đến 90% số người di cư tạm thời và 75% số người di cư dài hạn có động cơ di cư để tìm kiếm việc làm.

          Song song với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn hiện nay vấn đề giải quyết việc làm cho nông dân trở nên một việc cấp bách, nông dân mất đất sản xuất rơi vào thiếu việc làm, một số lâm vào tình cảnh thất nghiệp. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, năm 2009 nước ta có 06,51% thất nghiệp và thiếu việc làm ở khu vực nông thôn, trong đó chủ yếu là lao động nữ.

Nhận thức của nông dân có phần được khắc phục do nhanh tiếp cận với thông tin, khoa học công nghệ, báo chí, tuy nhiên vẫn nhiều còn hạn chế, việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp chưa được nhân rộng. Do thiếu việc làm, nhiều thời gian rảnh rổi, một số tệ nạn có nguy cơ gia tăng tại nông thôn như cờ bạc, số đề, rượu chè, trộm cắp, tệ nạn xã hội… các trào lưu văn hóa thực dụng tại đô thị lan tràn về nông thôn gây xáo trộn cuộc sống yên bình của người nông dân bao đời nay. Sự chênh lệch giàu nghèo không ngừng gia tăng, một số nông dân có vốn nhờ vào tiền đền bù đất bị thu hồi tổ chức kinh doanh, phân phối các loại hình dịch vụ mang lại hiệu quả cao và ổn định, kinh tế gia đình ổn định vươn lên giàu có. Có khá nhiều trang trại ở nông thôn thu hút hàng trăm lao động tham gia sản xuất, mỗi ngày tạo ra hàng trăm triệu đồng… tuy vậy, số đông nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển nhanh đã chuyển dần các nhà máy chế biến và sản xuất, hình thành các khu công nghiệp gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng, nhất là môi trường đất, môi trường nước… một số nơi bị ô nhiệm nặng đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Với lực lượng đông đảo, nông dân chiếm hơn 70% dân số, nhưng các tổ chức của nông dân vừa thiếu lại vừa yếu. Hội Nông dân là tổ chức lớn nhất của nông dân, nhưng chưa thực sự được tham gia vào quá trình quy hoạch và hoạch định chính sách, hoạt động của Hội mang tính chất hành chính, công chức hơn là một hội nghề nghiệp. Các Tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp còn yếu, các hiệp hội, nghiệp đoàn nông nghiệp phát triển chậm. Do vậy, nông dân khó tham gia vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh không có tiếng nói riêng của mình và vai trò của họ chưa được quan tâm đúng mức.

          Quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa trong những năm qua đã đem lại những thành tựu khá quan trọng, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt nhờ áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) mới, đời sống  người dân có đổi mới phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Con người dần được đáp ứng những nhu cầu thiết yếu, và có đòi hỏi ngày một cao hơn.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng, nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất; nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới phương thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, phổ biến vẫn còn sản xuất nhỏ phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng nông sản còn thấp. Công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề phát triển chậm, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Các tổ chức sản xuất chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hoá. Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, môi trường ngày càng ô nhiễm; năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai còn nhiều hạn chế. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn lớn, phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc.

Những hạn chế trên có nguyên nhân: nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn bất cập so với thực tiễn; chưa hình thành một cách có hệ thống các quan điểm lý luận về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cơ chế, chính sách phát triển các lĩnh vực này thiếu đồng bộ, thiếu tính đột phá. Một số chủ trương, chính sách chưa hợp lý, thiếu tính khả thi nhưng chậm được điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Đầu tư từ ngân sách nhà nước và các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tổ chức chỉ đạo thực hiện và công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Vai trò của chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân và các đoàn thể quần chúng trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nhiều nơi còn hạn chế…

Chất lượng nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp nói chung còn thấp, việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bất cập, làm cho nông dân, nhất là người trồng lúa ngày càng nghèo đi. Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển chậm. Chênh lệch thu nhập, giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn.

Theo kết quả điều tra gần đây của Ban Kinh tế TW cho thấy hiện nay GDP bình quân đầu người ở nước ta đạt 1.600USD, trong khi nông dân ở nông thôn chỉ đạt khoảng 200USD. So với những năm khó khăn nhất của nước ta trong thập niên 80, GDP bình quân cả nước lúc bấy giờ chỉ đạt 400USD thì nông dân cũng đạt khoảng 200USD. Như vậy sau hơn 30 năm đổi mới GDP của người nông dân không tăng, trong khi theo NQ26 thì sau 5 năm thu nhập của nông dân sẽ tăng 2,5 lần so 2008.

II. Đề xuất một số giải pháp giảm nghèo bền vững

1. Tổ chức lại sản xuất, giải quyết vấn đề nông hộ nhỏ: dân số tăng, nông hộ ngày càng nhiều, diện tích nông hộ ngày càng nhỏ đi, thu nhập thấp làm nông dân ngày càng nghèo.

Theo tập tục thừa kế ở nông thôn, cha mẹ thường chia đều diện tích đất canh tác của mình cho các con, dân số tăng nhanh hộ nông dân ngày càng nhiều và diện tích nông hộ ngày càng thu hẹp. Ngay cả ở tỉnh An Giang  là tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất vùng, có đến trên 75% hộ nông dân dưới 1ha. Vừa qua, chúng ta lo hạn chế hạn điền cận trên mà chưa quan tâm đến cận dưới nên hộ có vài công ruộng cũng là nông dân… nên khó có nông dân giàu, trong khi nông hộ có trên 3ha khó có ai nghèo!

 Bảng 1:  Chuỗi giá trị lúa gạo gia tăng (đồng/kg)

Nguồn: Phân tích chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL,2009,Võ Thị Thanh Lộc (ĐHCT)

 

 

Mục

Chuỗi giá trị gạo trong nước

Chuỗi giá trị gạo xuất khẩu

Nông dân

Thương lái

Xay sát

Lau bóng

 

Cty

Nông  dân

Thương lái

Xay sát

Lau

bóng

 

Cty

Gía bán

5.212

5.530

6.100

6.943

7.771

5.212

6.700

6.763

6.943

8.142

Tổng chi phí

4.672

5.491

5.977

6.893

8.822

4.672

6.420

5.977

6.893

7.720

GTGT thuần

540

39

123

50

556

540

280

186

50

422

GTGT

    %

27,8

2,0

6,3

2,6

28,7

(100%)

36,5

18,9

12,3

3,4

28,9

(100%)

 

Bàng 2: Phân chia chuỗi giá trị lúa gạo(Nguồn WB 2009)

 

Đối tượng

Lãi VNĐ/kg lúa

Tỷ lệ lãi (%)

Khối lượng TB tấn/năm

Lãi tổng số 1.000USD

Nông dân

507

34

8,4

0,24

Thương lái

280

19

1.700

25,0

Hộ xay xát

186

13

4.940

48,4

Hộ đánh bóng

50

3

74.400

195,8

Vận chuyển

29

2

8.550

13,0

Xuất khẩu

422

29

100.000

2.221,0

Qua bảng 1 và bảng 2 trên cho thấy chuỗi ngành hàng lúa gạo san sẻ ra quá nhiều công đoạn. Đơn cử một vài số liệu: về tỷ lệ lãi trên đơn vị thì nông dân cũng khá so với các công đoạn khác (từ 34,0 – 36,5%), nhưng tổng thu nhập thì quá thấp (240 USD/năm, bảng 2) chủ yếu là do nông hộ có diện tích đất sản xuất quá nhỏ (BQ 0,6ha); thương lái (19%) nhưng họ có dịch vụ với khối lượng khá lớn nên thu nhập tốt hơn (25.000 USD/năm, bảng 2), Cty XK có tỷ lệ lãi khá nhưng ít hơn nông dân (29%), nhưng có khối lượng XK lớn (100.000 tấn lúa/năm # 60.000T gạo) tổng thu lớn (2.221.000 USD/năm)… Do vậy cần xem xét về mức hạn điền và giải quyết chuyển đổi ngành nghề cho lao động nông thôn.

2. Giải pháp đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn

Chính phủ đã phê duyệt Đề án theo QĐ 1956 “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến  năm 2020”, gồm 3 giai đoạn: 2009-2010, 2011-2015 và 2016-2020, với mục tiêu đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Trong đó đào tạo, dạy nghề cho 1/3 lao động nông thôn để làm nông dân và 2/3 lao động nông thôn khác học nghề phi nông nghiệp để chuyển đổi ngành nghề sang tìm việc làm khác. Nhưng đến nay việc triển khai đề án trong thực tế còn nhiều bất cập, kết quả đạt được chưa như mong muốn, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Để đạt mục đích đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, cần quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, cần có Trung tâm đào tạo dạy nghề chuyên ngành tập trung theo liên kết vùng để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên cho dạy nghề nông thôn, cũng như nâng cao năng lực cho nông dân, hai mảng kiến thức - kỹ năng chính được tập trung huấn luyện bao gồm: (1) Kỹ thuật công nghệ (nông nghiệp và phi nông nghiệp); và (2) Tổ chức, quản lý. Phát huy tối đa tiềm lực giảng dạy bao gồm huy động nguồn lực chất xám và kinh nghiệm của các nhà khoa học ở các Viện - Trường Đại học vùng ĐBSCL, huy động sử dụng cơ sở vật chất và thiết bị của các Viện - Trường này để phục vụ đào tạo, bồi dưỡng cho học viên một cách có hiệu quả, có đủ năng lực để phát hiện và giải quyết những vấn đề phát sinh trong sản xuất và đời sống tại địa phương. Từ đó, đào tạo các học viên khi tốt nghiệp có chất lượng, có tay nghề vững vàng để họ có thể tự tìm việc làm hoặc tạo ra việc làm

            Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hiện nay được giao cho Bộ Lao Động và TBXH triển khai thực hiện trong mấy năm qua có một số kết quả nhưng còn có nhiều bất cập, hàng loạt Trung tâm đào tạo nghề cấp Huyện được thành lập rất tốn kém nhưng chưa phát huy hiệu quả, chưa đáp ứng được việc tổ chức lớp học, trang thiết bị cũng như giáo viên chuyên môn có nghiệp vụ sư phạm vững vàng... Vì vậy chất lượng đào tạo chưa cao làm cho việc giải quyết việc làm còn nhiều khó khăn.

            Khác với ĐBSH, lao động nông thôn ở ĐBSCL ít được đào tạo nghề nên tay nghề chuyên môn thấp hoặc không có. Do đó, một số lao động khi lên thành phố hoặc vào khu công nghiệp, đa số chỉ lao động phổ thông, rất khó tìm việc làm hoặc làm với mức lương thấp. Vì vậy, sau thời gian làm việc không giải quyết được khó khăn, một số trong thành phần này lại quay về nông thôn và lại tiếp tục nghèo.

3. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi ngành hàng, đẩy mạnh mối liên kết 4 nhà:

Theo nguyên lý chung, các doanh nghiệp (DN) qua thông tin xúc tiến thương mại nắm bắt nhu cầu hàng hóa nông sản (như lúa gạo) trên thị trường trong nước cũng như các vùng trên thế giới. Các DN sẽ đặt hàng cho các đơn vị nghiên cứu khoa học nghiên cứu về giống, quy trình canh tác theo nhu cầu thị trường để sau đó hợp tác với nông dân sản xuất tạo vùng nguyên liệu để DN chủ động trong kinh doanh. Nhưng đến nay, chưa có DN nào làm như vậy mà sau trúng thầu, khi ký hợp đồng với đối tác rồi mới quay về thu mua, kinh doanh những sản phẩm cũng như chất lượng sản phẩm mà nông dân đã sản xuất sẵn, nên khó có sản phẩm chất lượng cao, khó xây dựng được thương hiệu. Việc này đã làm cho các đơn vị nghiên cứu khoa học rất bị động trong nghiên cứu.

Cần tái cơ cấu ngành hàng sản xuất kinh doanh nông sản, sản xuất theo cánh đồng lớn, doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian. Trong ngành hàng, thì nông dân hiển nhiên là “Gốc của ngành hàng, gốc của chuỗi giá trị gia tăng”,cần tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong cùng chuỗi ngành hàng, sao cho nông dân và DN cùng ngồi trên cùng con thuyền: cùng lo, cùng làm, cùng chỉa sẻ khó khăn và cùng hưởng lợi ích hợp lý do ngành hàng mang lại.

4. Tăng cường đổi mới công nghệ và ứng dụng KHCN mới trong sản xuất

Nhân tố quan trọng chính yếu đã dẫn đến thu nhập thấp và phát triển kém bền vững của ĐBSCL một lần nữa được khẳng định ngoài diện tích nông hộ ngày càng giảm dần còn do trình độ hiểu biết và ứng dụng KHCN, năng lực của nông dân và cán bộ địa phương chưa được nâng cao đúng mức để đáp ứng nhu cầu phát triển nông thôn theo hướng hiện đại hoá trong bối cảnh cả nước hội nhập quốc tế.

Với những thách thức lớn và biến đổi khí hậu đang đe dọa ngày càng trầm trọng. Điều nầy có thể giải quyết được một khi nông dân được nâng cao năng lực ứng dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến, đặc biệt là năng lực quản lý của cán bộ chính quyền địa phương, sẽ góp phần cải thiện thu nhập cho hộ gia đình và thúc đẩy sự nghiệp phát triển bền vững nông nghiệp - nông thôn.

Cần tăng cường ứng dụng KHCN mới vào sản xuất, vì chỉ có áp dụng KHCN tiên tiến để tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành. Tiến tới ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để có sản phẩm có giá trị cao, có sức cạnh tranh tốt trên thị trương trong nước và thế gới.Áp dụng các kỹ thuật canh tác bền vững nhằmđảm bảo năng suất cao, nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác theo từng nhóm giống, phù hợp tiểu vùng sinh thái. Đồng thời chú trọng cơ giới hóa đồng bộ trong qui trình sản xuất để giảm giá thành, giảm công lao động, gia tăng thu nhập cải thiện đời sống cho nông dân.

Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin thị trường và thông tin- quảng bá, áp dụng công nghệ thông tin cần thiết để giúp nông dân dễ dàng quyết định sản xuất và có kế hoạch sản xuất, dự đoán được thị trường, giảm thiểu rủi ro do hàng hóa dư thừa và rớt giá.

5. Xây dựng cơ sở CN, chế biến, dịch vụ… để giải quyết việc làm ở nông thôn

Hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, vùng chuyên canh thực hiện đầu tư thâm canh, áp dụng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, có giá trị cao. Đẩy nhanh cơ giới hoá đồng bộ các khâu sản xuất; hiện đại hoá công nghiệp bảo quản, chế biến, nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa. Xây dựng các vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất lúa, thủy sản, cây ăn quả, rau, hoa hàng hoá tập trung, trước hết là các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản, giảm bán hàng nông sản thô, đẩy mạnh chế biến nông sản thành các sản phẩm giá trị kinh tế cao, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu khi xuất khẩu không có lợi. Ngoài sản phẩm chính, phụ phẩm hàng hóa sẽ là nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến, sinh hóa …nhằm tăng thêm việc làm cho xã hội cũng như gia tăng giá trị cho nguồn nguyên liệu quý giá và thiết yếu này.

Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ ở các vùng nông thôn theo quy hoạch, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu và thị trường, đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, triển khai chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, du lịch sinh thái. Phát triển và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống của cư dân nông thôn.

III. Kết luận

ĐBSCL là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đóng góp chủ lực cho ANLT quốc gia, nhưng đa số nông dân vẫn nghèo và số lượng cận nghèo còn rất đông, thu nhập nông hộ thấp, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn, rất khó thực hiện xóa nghèo trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Để có giải pháp xóa nghèo bền vững, cần quan tâm những vấn đề chính sau: (i) Tổ chức lại sản xuất, giải quyết vấn d0e62 nông hộ nhỏ: nông hộ ngày càng nhiều, diện tích nông hộ ngày càng nhỏ đi, thu nhập thấp làm nông dân ngày càng nghèo; (ii) Giải pháp đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn: trong đó đào tạo, dạy nghề cho 1/3 lao động nông thôn để làm nông dân và 2/3 lao động nông thôn khác học nghề phi nông nghiệp để chuyển đổi ngành nghề sang tìm việc làm khác; (iii) Tổ chức lại sản xuất, sản xuất theo chuỗi ngành hàng, đẩy mạnh mối liên kết Danh nghiệp và nông dân: tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong cùng chuỗi ngành hàng, sao cho nông dân và DN cùng ngồi trên cùng con thuyền: cùng lo, cùng làm, cùng chỉa sẻ khó khăn và cùng hưởng lợi ích hợp lý do ngành hàng mang lại; (iv) Tăng cường đổi mới công nghệ và ứng dụng KHCN trong sản xuất: chỉ có áp dụng KHCN tiên tiến để tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành. Tiến tới ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để có sản phẩm có giá trị cao, có sức cạnh tranh tốt trên thị trương trong nước và thế giới; (v) Xây dựng cơ sở công nghiệp, chế biến, dịch vụ… để giải quyết việc làm tại chỗ ở nông thôn: phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ phụ trợ ở các vùng nông thôn theo quy hoạch. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu và thị trường, đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, triển khai chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, du lịch sinh thái.

Giải quyết được những vấn đề này thu nhập của nông dân được nâng cao, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho thanh niên nông thôn, giảm dần chênh lệch thu nhập và đời sống tinh thần giữa nông thôn và thành thị, xây dựng nông thôn mới. Có như vậy mới làm cho người nông dân thấy rằng nông nghiệp vẫn còn là “nghề hấp dẫn” và nông thôn vẫn là nơi yên bình đáng sống, từ đó tránh được tình trạng nông dân bỏ ruộng.

                      TS. Lê Văn Bảnh

               Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1 Ban chấp hành TW, số 59-CT/TW, Chỉ thị « về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn », Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2000

2. Nguyễn Hữu Dũng (2003), Sử dụng hiệu quả nguồn lực con người ở Việt Nam, Nxb Lao động Xã hội Hà Nội.

3. Trương Thị Hiền (2009), Tuyển tập Tạp chí Phát triển Nhân lực, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

4.  Trần Đình Hoan (1999), Sử dụng lao động và giải quyết việc làm ở Việt Nam, Nxb Hà Nội.

5. Trần Văn Đạt, Nguyên Chánh chuyên gia FAO, Rome(2013): Tam nông là hướng đi cho thịnh vượng nông thôn