Hiệu quả từ mô hình “câu lạc bộ luật gia tương lai” trong phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh.

       1. Đặt vấn đề

       Nguyên nhân của tình hình vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên trước hết là do thiếu hiểu biết về pháp luật; do vốn sống và hiểu biết xã hội của thanh, thiếu niên còn hạn chế. Mặt khác, trong bối cảnh công nghệ thông tin và mạng xã hội ngày càng có tác động mạnh mẽ đến nhận thức, lối sống và ý thức tuân thủ pháp luật của thanh, thiếu niên; khả năng tiếp nhận thông tin nhanh nhưng ít chọn lọc và dễ bị lôi kéo, lợi dụng, một bộ phận thanh, thiếu niên thiếu ý thức trong việc chấp hành pháp luật... Tất cả những vấn đề đó đang trở nên bức xúc, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, toàn xã hội và mỗi gia đình trong nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đối tượng này cần tiếp tục được chú trọng và đổi mới. Trong đó, việc nghiên cứu, áp dụng, nhân rộng các mô hình PBGDPL cho thanh, thiếu niên được xem là một giải pháp hữu hiệu. Tôi đề xuất mô hình Câu lạc bộ luật gia tương lai nhằm thực hiện hóa các nhiệm vụ nói trên.

       2. Các bước xây dựng và thực hiện kế hoạch:

       Bước 1: Thành lập Ban cố vấn câu lạc bộ Luật gia tương lai cấp trường gồm: Hiệu trưởng nhà trường, Bí thư đoàn trường, Tổ trưởng tổ tư vấn học đường, Giáo viên dạy môn giáo dục công dân.

       Bước 2: Thành lập các câu lạc bộ Luật gia tương lai của lớp: được thành lập ở mỗi đơn vị lớp gồm giáo viên chủ nhiệm phụ trách chung và 5 học sinh là thành viên câu lạc bộ.

       Bước 3: Xây dựng kế hoạch hoạt động của các câu lạc bộ cấp trường: Ban cố vấn câu lạc bộ cấp trường xây dựng kế hoạch tổng thể và chi tiết cho từng chủ đề của cả năm học bao gồm: nội dung các chủ đề giáo dục pháp luật tương ứng với từng mốc thời gian trong năm học, tài liệu kiến thức pháp luật (một số bộ luật cơ bản có liên quan trực tiếp đến thanh thiếu niên), tổ chức các cuộc thi.

       Bước 4: Triển khai kế hoạch cụ thể từng chủ đề đến từng câu lạc bộ của đơn vị lớp. Dựa trên kế hoạch này, giáo viên chủ nhiệm cùng câu lạc bộ của lớp xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết của câu lạc bộ lớp để chuẩn bị sẵn sàng tham gia các hoạt động do ban cố vấn câu lạc bộ cấp trường tổ chức. Để phục vụ tốt cho công tác chuẩn bị mỗi đơn vị lớp cần lắp đặt Mô hình tủ sách lớp em: lắp đặt tủ sách, huy động sách, tài liệu phục vụ mục học tập và đặc biệt và trang bị sách và sưu tầm tài liệu về kiến thức pháp luật liên quan đến từng chủ đề của kế hoạch nhằm để học sinh thuận tiện trong việc tìm hiểu, học tập kiến thức chuyên môn và pháp luật.

       Bước 5: Tổ chức thực hiện theo kế hoạch.

       3. Một số kết quả, hiệu quả của mô hình

       Chủ đề tháng 9: An toàn giao thông

       Đoàn trường kết hợp với phòng cảnh sát giao thông huyện tổ chức cuộc thi tìm hiểu về “Luật giao thông đường bộ”, Cuộc thi tìm hiểu pháp luật (online) nhằm đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh.

Học sinh tham gia Cuộc thi tìm hiểu pháp luật online

       Chủ đề tháng 10: Phụ nữ Việt Nam xưa và nay

       Đoàn trường phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức tọa đàm về ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, đồng thời tổ chức chương trình cuộc thi “Tìm hiều về “Luật bình đẳng giới” dưới hình thức trắc nghiệm nhằm khuyến khích, thúc đẩy các em học sinh tìm hiểu nội dung của luật này.

       Chủ đề tháng 11: Nhớ ơn thầy cô

       Đoàn trường tổ chức tọa đàm về ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, đồng thời tổ chức chương trình cuộc thi tìm hiều về “Luật giáo dục” dưới hình thức trắc nghiệm nhằm khuyến khích, thúc đẩy các em học sinh tìm hiểu nội dung của luật giáo dục.

       Chủ đề tháng 12: Tình quân dân

       Đoàn trường phối hợp với Ban chỉ huy quân sự huyện tổ chức tọa đàm về ngày nhà thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, đồng thời tổ chức chương trình cuộc thi tìm hiều về “Luật nghĩa vụ quân sự” dưới hình thức trắc nghiệm nhằm khuyến khích, thúc đẩy các em học sinh tìm hiểu nội dung của luật này.

       Chủ đề tháng 1: Học sinh, sinh viên xây dựng hành trang vào đời

       Tổ chức cuộc thi viết “Gương sáng thanh, thiếu niên chấp hành pháp luật” nhằm giới thiệu những tấm gương trẻ, có ý thức tốt trong chấp hành pháp luật, đồng thời biểu dương những thanh, thiếu niên từng lầm lỡ, phạm pháp, song đã vươn lên trở thành công dân tốt trong xã hội.

       Chủ đề tháng 2: Vẻ đẹp tình yêu 

       Đoàn trường phối hợp với trung tâm dân số huyện tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức về dân số và sức khỏe sinh sản vị thành niên” bằng những câu hỏi trắc nghiệm để giúp các em học sinh cởi mở chia sẻ kiến thức về lĩnh vực này và tìm hiểu kiến thức về Luật hôn nhân và gia đình.

       Chủ đề tháng 3: Thanh niên khởi nghiệp

       Đoàn trường tổ chức Hội trại cho thanh niên, bên cạnh các hoạt động thể thao đồng thời tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu luật doanh nghiệp” và triển lãm các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh nhằm nâng cao hiểu biết của học sinh về luật doanh nghiệp, khởi nghiệp trong tương lai.

       Chủ đề tháng 4: Thanh niên với hòa bình, hữu nghị và hợp tác

       Tổ chức cuộc thi “Biển đảo quê hương” nhằm mục đích cho học sinh tìm hiểu những kiến thức về “Luật biển Việt Nam”. Qua đó nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình, hợp tác hữu nghị với các dân tộc và các nước trên thế giới.

       Chủ đề tháng 5: Thanh niên với Bác Hồ

       Đoàn trường tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” nhằm phát động rộng rải học sinh tham gia. Qua đó giáo dục học sinh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong cách trong công việc.

       Có thể thấy, mô hình Câu lạc bộ luật gia tương lai bao gồm các chủ đề xuyên suốt trong năm học đều lấy đối tượng thanh, thiếu niên làm trung tâm với cách thức triển khai sáng tạo, đa dạng, đặc biệt là có sự quan tâm chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự vào cuộc cả gia đình và xã hội. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng xử pháp luật trong đời sống cho thanh, thiếu niên. Mô hình nhằm tăng cường công tác PBGDPL trong nhà trường thông qua hoạt động giáo dục ngoại khóa ngoài giờ lên lớp bằng cuộc thi trắc nghiệm theo hướng mở; tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp lý, giảm thiểu vi phạm pháp luật và các hành vi lệch chuẩn xã hội ở độ tuổi vị thành niên. Lắp đặt được tủ sách ở mỗi đơn vị lớp nhằm khuyến khích học sinh tìm hiểu, sưu tầm tài liệu kiến thức pháp luật, tài liệu chuyên môn nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh. Mô hình cho thấy tính hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL như tổ chức các hội nghị, tọa đàm, phổ biến pháp luật cho học sinh, thi trắc nghiệm kiến thức pháp luật Online thu hút được đông đảo học sinh tham gia. Qua thực hiện mô hình, đã có nhiều học sinh yêu thích ngành Luật và có nguyện vọng trở thành luật gia trong tương lai.

TS.Nguyễn Văn Quý