Học hỏi cách trồng bí xanh không đất của anh nông dân Củ Chi.

       Xã Thái Mỹ huyện Củ Chi là một trong những xã có bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, sản xuất gắn liền với nhu cầu thị trường đạt hiệu quả cao. Do đó, đã có nhiều hộ dân mạnh dạn áp dụng những kiến thức khoa học - công nghệ vào phục vụ sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt là áp dụng những kỹ thuật mới vào cây trồng, giúp tăng năng suất, đáp ứng thị hiếu về rau củ sạch an toàn cho thị trường cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
       Không những vậy, những mô hình này đang từng bước gặt hái được nhiều thành công, minh chứng như mô hình trồng bí xanh theo hướng công nghệ cao, không dùng đất của anh nông dân Lê Văn Thạnh (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi). Hiện anh Thạnh là hộ đi đầu về mô hình trồng bí xanh trên các bầu giá thể sử dụng tro trấu và xơ dừa với diện tích gần 7ha.

       Anh tận dụng những ưu điểm của bí xanh là loại quả dùng làm thực phẩm thông dụng cho mọi gia đình; Đây là loại quả có nhiều công dụng trong chế biến thức ăn, nước uống rất tốt cho cơ thể; Đồng thời, bí xanh còn là loại rau ăn quả có đặc tính dễ sinh trưởng, ngoài việc thu hoạch trái, còn có thể hái ngọn giúp mô hình có thêm thu nhập. Vì thế, anh đã chọn bí xanh để đầu tư mô hình nông nghiệp, nhưng điểm khác lạ ở đây là anh không trồng trên đất như những hộ khác, mà bí xanh của anh được trồng trên giá thể xơ dừa và tro trấu với tỷ lệ 2:1 (02 phần xơ dừa và 01 phần tro trấu).
       Anh giải thích, hỗn hợp giá thể này có chức năng giữ độ ẩm cho bộ rễ, kết hợp với hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ giúp cây tận dụng tối đa dinh dưỡng. Giá thể này cũng được sử dụng khi ươm cây non trong nhà màng. Sau 2 - 3 ngày, hạt nảy mầm, chắc cây, mới chuyển ra bầu giá thể để trồng, thời gian từ khi bắt đầu trồng đến khi cho ra trái là 45 - 50 ngày. Thông thường khi trồng bí xanh có thể trồng ở mặt đất hoặc leo giàn, nhưng để tăng năng suất cao, dễ chăm sóc, thu hoạch,… anh đã làm giàn cho những thân bí, khi cây trưởng thành sẽ rất chú trọng đến việc cung cấp nước. Về nước tưới, nên sử dụng độ pH từ 6 – 6.5pH, nếu khi đô độ pH tưới không đủ cần phải bổ sung thêm.
       Còn khi đề cập đến những bệnh thường gặp trên cây bí, anh Thạnh cho biết, với điều kiện khí hậu ở đây thì bí thường bị bệnh teo đọt. Do đó, để kiểm soát, người trồng phải chăm sóc tỉ mỉ, khi cây ra đọt nên tỉa bớt những chồi không cần thiết để cây dồn dinh dưỡng nuôi trái. Ngoài ra, còn bón thêm phân hữu cơ vào những gốc cây, nhằm ủ gốc, giữ độ ẩm cho cây phát triển tốt. Mỗi thời vụ có thể ủ 3 - 4 lần (lần thứ nhất khi thời điểm cây con tỉa chồi, cắt ngọn; lần 02 là khi cây có trái; lần 03 là bí đến thời điểm thu hoạch và lần 4 là sau khi thu hoạch bí 01 đến 02đợt). Anh Thạnh còn chia sẻ thêm, trong quá trình trồng bí xanh cũng thường có côn trùng châm chích trái, để hạn chế người trồng nên sử dụng bẫy bả sinh học treo quanh dàn, với kỹ thuật này trái bí sẽ giữ được màu xanh đẹp, tươi lâu khi thu hoạch.
       Ngoài những kỹ thuật trên, khi trồng anh còn thiết kế bí thành hàng lối trên những luống cao, có thể thoát nước tốt với hệ thống dàn gồm các thanh ngang và lưới mắt cáo tạo điều kiện để cây non sau khi tỉa cành sẽ dễ dàng leo lên dàn. Với cách làm tỉ mỉ của mình, đã giúp anh từng bước gặt hái được thành công với mô hình bí xanh trồng theo hướng công nghệ cao. Vì thế mỗi năm, từ mảnh vườn gần 7ha diện tích đất anh Thạnh có thể cung cấp cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận khoảng 60 tấn bí xanh/vụ.
       Theo anh, “để đạt được kết quả trên, người nông dân phải thật sự yêu nghề và chịu khó học tập, chọn lọc cho mình những kỹ thuật phù hợp,… sẽ giúp mô hình tránh được những rủi ro”.

Trung tâm Khuyến nông TPHCM