Kết quả 09 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 12-2-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện giai đoạn 2011 – 2020 của huyện Phú Tân

       I. Đặc điểm tình hình

       Phú Tân là huyện ven biển của tỉnh Cà Mau, phần lớn người dân trên địa bàn huyện chủ yếu sống bằng nghề NTTS. Diện tích tự nhiên toàn huyện 46.433 ha, trong đó: diện tích đất nuôi trồng thủy sản 39.072ha, gồm các loại hình nuôi như (tôm quảng canh truyền thống, tôm – rừng, tôm quảng canh cải tiến, tôm thâm canh và siêu thâm canh). Do đặc thù là huyện ven biển, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản nên diện tích bờ bao vuông tôm và sân vườn bờ liếp rất lớn, gây lãng phí đất sản xuất, có trên 4.500 hộ, diện tích 2.500 ha có đủ điều kiện để trồng lúa, rau màu, cây ăn trái các loại.

       Xuất phát từ tình hình thực tế trên, ngày 14/02/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU về việc phát động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tận dụng sân, vườn, bờ liếp, bờ bao vuông tôm để trồng cây ăn trái, rau màu và sạ - cấy lúa tăng thu nhập đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

       Qua thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn, từ đó phát huy được tiềm năng, thế mạnh vào điều kiện thực tế trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần giải quyết vấn đề lao động và việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

       II. Kết quả thực hiện Nghị quyết

  1. Về rau màu

       Đã được cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân thực hiện gieo trồng được 9.877 hécta (cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên 8.520 hécta), các loại rau chủ yếu như bắp, đậu xanh, đậu bắp, bầu, mướp, bí đỏ, rau má, hành, hẹ, cải các loại tập trung nhiều nhất ở thị trấn Cái Đôi Vàm, các xã Nguyễn Việt Khái, Phú Tân, Tân Hưng Tây, Phú Mỹ,…; Bình quân mỗi hécta thu hoạch 10 tấn/vụ với giá trị là 60 triệu đồng, từ đó tổng sản lượng thu hoạch khoảng hơn 98.770 tấn, ước tổng giá trị là 592 tỷ 620 triệu đồng (chủ yếu phục vụ bữa ăn hàng ngày và làm hàng hóa cung ứng cho thương lái và các chợ xã trong huyện).

  1. Về cây ăn trái

       Qua 09 năm triển khai thực hiện diện tích cây ăn trái tăng lên đáng kể so với trước khi ban hành Nghị quyết, năm 2010 diện tích là 114 hécta, đến 6 tháng đầu năm 2020 là 1.117 hécta, với năng suất bình quân 3 tấn/hécta, sản lượng đạt khoảng 3.351 tấn, các loại cây chủ yếu là thanh long, xoài, ổi, mít…, ước tổng giá trị 16 tỷ 755 triệu, sản phẩm được tiêu thụ tại các chợ xã trong huyện và lân cận)

  1. Về gieo sạ - cấy lúa trên bờ líp, bờ bao vuông tôm

       Do đặc thù là huyện chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản nên loại hình gieo sạ lúa trên bờ bao và sân vườn được rất nhiều nông dân thực hiện, tuy nhiên do tình hình thời tiết diễn biến bất lợi nên việc thực hiện gieo sạ- cấy lúa hiệu quả mang lại không cao. Năm 2010 là 60 hécta, thực hiện năm 2019 là 7 hécta, lũy kế 332 hécta, năng suất bình quân 1,8 tấn/ha, ước tổng giá trị 2 tỷ 988 triệu. hiện nay loại hình này rất ít được thực hiện.

  1. Về thực hiện mô hình, tập huấn ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất

       Thực hiện mô hình trình diễn, tập huấn chuyển giao - ứng dụng khoa học và công nghệ vào trồng rau màu, cây ăn trái và gieo sạ, cấy lúa được các cấp quan tâm triển khai, thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như thông tin, tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp tổ, ấp, khóm và sinh hoạt chuyên đề của từng đơn vị, các lớp tập huấn, xây dựng mô hình thí điểm do ngành chuyên môn tổ chức. Đã tổ chức tập huấn 82 lớp, với hơn 2.460 nông dân đã và đang thực hiện mô hình trồng màu, cây ăn trái tham gia, tiếp thu khoa học kỹ thuật; về đào tạo nghề và truyền nghề được 15 lớp, 422 học viên tham gia học và có giấy chứng nhận sơ cấp nghề. Ngoài ra, trong thời gian qua Ủy ban nhân dân huyện đã xuất ngân sách và vốn khoa học công nghệ, hỗ trợ xây dựng mô hình trồng rau màu, hỗ trợ lúa giống với tổng kinh phí là  257.880.000 đồng, cho 242 hộ dân trồng thí điểm ở các xã, thị trấn Cái Đôi Vàm, tổng diện tích thực hiện 51,98 hécta.

       Thông qua việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất đã giúp người dân tăng năng suất sản lượng và thay đổi lối canh tác truyền thống, năng suất thấp.

       III. Nhận xét, đánh giá:

  1. Thuận lợi

       - Nghị quyết Chuyên đề số 03 ra đời phù hợp với điều kiện đặc thù sản xuất kinh tế huyện nhà, phù hợp với chủ trương của Đảng về thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Cà Mau nên đã tạo được sự đồng tình ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong huyện. Hầu hết cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân gương mẫu thực hiện tạo thành phong trào hành động thiết thực, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, nhiều mô hình trồng rau màu, cây ăn trái đạt hiệu quả kinh tế cao đã được nhân rộng kịp thời.

       - Nghị quyết đã khơi dậy tính cần cù yêu lao động của người nông dân, tạo nên phong trào thi đua lao động sản xuất mới cho người nuôi tôm có thời gian nhàn rỗi ở địa phương.

       - Cán bộ và nhân dân đã nhận thức được việc tận dụng sân vườn, bờ liếp, bờ bao vuông tôm để đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên cùng một diện tích đất, trước hết là phục vụ cải thiện bữa ăn hàng ngày, đồng thời làm hàng hóa để góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

       - Vốn đầu tư cho trồng rau màu, cây ăn trái và sạ - cấy lúa chi phí thấp; rau màu có thể trồng quanh năm, kỹ thuật trồng và chăm sóc đơn giản, chủ động được nguồn nước sinh hoạt gia đình để tưới, thời gian thu hoạch ngắn.

       - Giải quyết được việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, tạo môi trường lành mạnh trong tăng gia sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế các tệ nạn xã hội ở địa phương.

  1. Khó khăn, hạn chế

       - Sản xuất còn lệ thuộc phần lớn vào thời tiết; phần lớn hộ gia đình chưa chủ động được nguồn nước tưới, thiếu quan tâm cho sản xuất mang tính hàng hóa nên chưa có kế hoạch đầu tư đúng mức; một số nơi thường xuyên bị ngập khi triều cường.

       - Thị trường tiêu thụ không ổn định, sức cạnh tranh chưa cao, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tập trung nên chỉ tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn xã, thị trấn; cây ăn trái trồng đạt hiệu quả cao nhưng đầu ra không ổn định, chưa mang tính hàng hóa cao, chủ yếu là phục vụ nhu cầu gia đình.

  1. Một số kinh nghiệm, mô hình và cách làm hay

       3.1. Một số kinh nghiệm

        Cần phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thống nhất hành động của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân từ huyện đến cơ sở về thực hiện Nghị quyết 03 đặc biệt là cán bộ, đảng viên.

       Công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất phải được ngành chuyên môn thông tin kịp thời đến người dân để chủ động ứng dụng vào sản xuất.

       Công tác kiểm tra, giám sát gắn với sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng, nhân rộng điển hình kịp thời sẽ tác động tích cực đến hiệu quả mang lại.

       3.2. Những mô hình và cách làm hay

       Sau khi Nghị quyết 03 được triển khai đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân thì số lượng mô hình có hiệu quả, cách làm hay về trồng rau màu, cây ăn trái và cấy- sạ lúa trên bờ líp, bờ bao vuông tôm tăng lên đáng kể, điển hình như:

       - Xã Nguyễn Việt Khái: Hộ ông Tô Văn Nguyên, ấp Xẻo Sâu, với mô hình trồng rau màu và bắp, diện tích 0,8 hécta, lợi nhuận 80 – 100 triệu đồng/năm; hộ ông Nguyễn Văn Xuân, ấp Xẻo Sâu, trồng rau má, diện tích 0,8 hécta, lợi nhuận 180 - 200 triệu đồng/năm; hộ bà Phạm Hồng Mãi, ấp Tân Quảng Tây, với mô hình trồng cây ăn trái (ổi, xoài, mít), diện tích 01 hécta, lợi nhuận 80 – 100 triệu đồng/năm; hộ ông Phạm Tấn Kiệt, ấp Gò Công Đông, trồng rau màu và bắp, diện tích 0,8 hécta, thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm…

Hộ ông: Tô Văn Nguyên, ở ấp Xẻo Sâu, xã Nguyễn Việt Khái (với mô hình trồng rau màu + bắp)

       - Xã Tân Hưng Tây: Hộ ông Mai Văn Giới, ấp Tân Phú Thành, với mô hình trồng bắp, bí đỏ, dưa gan, diện tích 0,4 hécta, thu nhập 60 – 70 triệu đồng/năm; hộ ông Lâm Ngọc Nhiều, đảng viên ở ấp Hưng Hiệp tận dụng đất trống, bờ bao vuông tôm trồng bắp, dưa hấu, bí quanh năm mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập trên 50.000.000 đồng/năm; hộ ông Mai Văn chính ở ấp Tân Phú Thành trồng rau màu các loại, diện tích 0,2 hécta, lợi nhuận trên 70.000.000 đồng/năm; hộ ông Lâm Văn Hừng, ấp Hưng Hiệp, trồng bắp, dưa hấu và rau màu các loại, diện tích 0,3 hécta, thu nhập 60 triệu đồng/năm.

       - Xã Tân Hải: Hộ ông Đoái Minh Nhơn, ấp Thanh Đạm với mô hình trồng rau màu các loại, diện tích 0,2 hécta, lợi nhuận 70- 80 triệu đồng/năm; hộ ông Lương Văn Thống, ấp Thanh Đạm, trồng rau màu các loại và cây ăn trái (xoài, mít, mận), diện tích 0,3 hécta, lợi nhuận trên 60 triệu đồng/năm…

       - Xã Việt Thắng: Hộ ông Bùi Văn Hoàng, ấp Hiệp Thành (0,7 hécta) và ông Trần Văn Chúng, ấp Dân Quân (0,2 hécta), với  mô hình trồng bắp, dưa hấu mỗi năm thu nhập trên 40.000.000 đồng…

       - Xã Phú Tân: Hộ ông Đào Văn Út, ấp Mỹ Bình, trồng rau màu các loại, diện tích 0,3 hécta, thu nhập trên 90 triệu đồng/năm; hộ ông Lê Văn Sơn ấp Mỹ Bình với diện tích 0.2 ha trồng hành, dưa hấu, khổ qua, cải làm dưa… một năm thu nhập lợi nhuận trên 60.000.000 đồng; hộ ông Võ Văn Thiện, ấp Tân Thành, trồng rau màu các loại trong nhà lưới theo hướng VietGap, diện tích 0,2 hécta thu nhập 65 triệu đồng/năm…

       - Xã Rạch Chèo: Hộ ông Nguyễn Văn Chiến, hội viên Cựu chiến binh ở ấp Tân Nghĩa, mô hình trồng rau màu và cây ăn trái diện tích 0,5 hécta, thu nhập bình quân trên 60 triệu đồng/năm; hộ ông Đỗ Văn Nữa hội viên Cựu chiến binh ở ấp Tân Nghĩa, mô hình trồng rau và  màu cây ăn trái, diện tích 0,3 hécta, thu nhập bình quân trên  55 triệu đồng/năm…

       - Xã Phú Thuận: Hộ ông Nguyễn Văn Xê, thương binh ấp Vàm Đình, ông Lê Văn Bằng ở ấp Đất Sét thu nhập bình quân hàng tháng trên 2.000.000 đồng với mô hình trồng bí, dưa gang; hộ ông Nguyễn Văn Thẩm, Võ văn Duyên, Nguyễn Văn Bửu, ấp Giáp Nước, trồng rau màu các loại, diện tích 0,1 hécta, thu nhập 39 triệu đồng/năm…

       - Xã Phú Mỹ: Hộ ông Trần Sáng Mãi ấp Vàm Xáng với diện tích 0,1 hécta, trồng rau màu các loại, lợi nhuận 20.000.000 đồng/năm; hộ ông Phạm Văn Hải, ấp Ba Tiệm, trồng rau màu các loại lợi nhuận trên 50.000.000 đồng/năm; hộ ông Tiêu Văn Minh ấp Phú Thành với diện tích 0.4 hécta trồng cây ăn trái (mẳng cầu ta, bắp) cho thu nhập lợi nhuận trên 30.000.000 đồng…

       - Thị trấn Cái Đôi Vàm: Hộ ông Nguyễn Mi Ni, đảng viên, với mô hình trồng dưa hấu, diện tích 0,3 hécta, lợi nhuận 80 – 100 triệu đồng/năm; hộ ông Hồng Văn Hài, ấp Tân Hải với mô hình trồng bắp, bí đỏ, diện tích 0,2 hécta lợi nhuận 70 – 90 triệu đồng/năm; hộ ông Lê Văn Bo (0,3 hécta), ông Hồ Văn Chữ (0,3 hécta), ấp Tân Hải, với mô hình trồng táo, lợi nhuận 50 – 70 triệu đồng/năm…

       Nhìn chung việc ban hành Nghị quyết 03 đã góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân, thay đổi diện mạo cuộc sống làng quê và ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất được áp dụng rộng rãi, sâu rộng hơn./.

Trần Thanh Đông - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân