Kết quả Dự án Ứng dụng Biofloc trong Nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh theo quy trình công nghệ Semi - Biofloc tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

       I. TỔNG QUAN

       1. Khái niệm Biofloc

       Biofloc là tập hợp vật chất hữu cơ lơ lửng trong nước có chứa tảo, thức ăn dư thừa, chất thải của động vật thủy sản nuôi, xác bả hữu cơ, động vật nguyên sinh, vi sinh vật,... Trong đó, chiếm ưu thế hơn là các vi sinh vật dị dưỡng; chúng được gắn kết với nhau bằng chất keo sinh học gọi polyhydroxy alkanoat (PHA) tạo thành khối bông, xốp, màu vàng nâu; có đường kính từ 0,1 đến vài mm. Biofloc có hàm lượng chất lượng dinh dưỡng cao, trở thành thức ăn cho cho nhiều loại động vật thủy sinh (tôm, cá...).

       2. Cơ chế hoạt động của Biofloc

       Để Biofloc hoạt động tốt thì phải tạo điều kiện tối ưu cho vi khuẩn phát triển tốt trong môi trường nuôi thủy sản; một số vi khuẩn đã được biết là sẽ có lợi cho nuôi trồng thủy sản như Bacillus cereusPseudomonas alcaligenes. Các vi sinh vật dị dưỡng sử dụng cacbon hữu cơ: Tinh bột, rỉ đường, chất thải của sinh vật trong môi trường nuôi để tạo protein trong sinh khối thông qua đó sẽ hấp thu nitơ hòa tan. Thông qua đó sẽ có chất lượng nước tốt hơn và việc hấp thu amonia ở dạng tự do để chuyển thành dạng ít độc. Mô hình nuôi theo công nghệ Biofloc sẽ hạn chế được việc thay nước hoặc không cần thay nước, nếu như vậy thì sẽ giảm được chi phí, mang tính an toàn sinh học cao và hơn hết là giảm thiểu khả năng lây nhiễm mầm bệnh từ nguồn nước cấp vào trong ao nuôi.

       3. Nguyên tắc hoạt động của biofloc

       Nếu hàm lượng cacbon và nitơ trong hệ thống nuôi tôm ở mức cân bằng thì lượng ammonium từ chất thải chứa nitơ sẽ được chuyển thành sinh khối chứa vi khuẩn. Bằng phương pháp bổ sung cacbon vào ao nuôi để kích thích sự phát triển của vi khuẩn dị dưỡng, nitơ sẽ được hấp thu thông qua việc tổng hợp protein của vi sinh vật. Biofloc là công nghệ xử lý nước thông qua việc bổ sung cacbon vào hệ thống nuôi tôm. Việc hấp thu Nitơ thông qua sự phát triển của vi khuẩn sẽ làm giảm hàm lượng ammonium nhanh hơn so với quá trình nitrat hóa.

       4. Thành phần dinh dưỡng của Biofloc

       Hàm lượng Protein trong Biofloc khá cao chiếm khoảng 30 - 45%, hàm lượng chất béo cũng khá cao chiếm từ 0,6 - 12,5%, hàm lượng tro từ 21 - 32% và bao gồm các loại amino-acids thiết yếu, vitamins và khoáng vi lượng để bổ sung trong thức ăn thủy sản. Bên cạnh đó, nghiên cứu khác cũng kết luận rằng Biofloc có chưa các nhân tố kích thích sinh trưởng hoặc lợi khuẩn khác.

       5. Vai trò và lợi ích của công nghệ Biofloc

       Biofloc cung cấp hai vai trò quan trọng là xử lý chất thải hữu cơ và là nguồn dinh dưỡng tốt cho tôm cá sử dụng. Hệ thống Biofloc có thể vận hành với tỷ lệ trao đổi nước rất thấp (khoảng 0.5 - 1%/ngày). Trên thế giới, công nghệ Biofloc được nhiều quốc gia ứng dụng do mang đến một số lợi ích như: cải thiện chất lượng nước ao nuôi tôm thông qua việc giảm hàm lượng ammonia, nitrite; thúc đẩy tăng trưởng tôm nuôi thành phần dinh dưỡng dồi dào, gia tăng chất lượng thị tôm, màu sắc; giảm hệ số thức ăn; tăng cường an toàn sinh học;…

       II. ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SEMI BIOFLOC

       1. Ứng dụng Biofloc trong nuôi tôm tại Cà Mau

       Qua nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, nuôi tôm theo quy trình công nghệ Biofloc đem lại hiệu quả kinh tế so với nuôi theo quy trình thông thường bởi công nghệ này giảm chi phí sản xuất. Công nghệ này được áp dụng trên nhiều đối tượng thủy sản nuôi khác nhau. Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau cũng đã ứng dụng công nghệ Biofloc vào nghề nuôi tôm của tỉnh và bước đầu đạt được hiệu quả khả quan. Trong ao thương phẩm theo công nghệ Biofloc đã giúp người nuôi tiết kiệm đáng kể chi phí thức ăn khoảng 10 - 15% và giảm các khoản chi phí do thay nước khoảng 30 – 40%, điều này đã làm tăng lợi nhuận lên khá cao cho người nuôi tôm. Trong sản xuất tôm sú giống theo công nghệ Biofloc cũng đã được chứng minh, tỷ lệ sống trung bình của P15 tôm sú giống đạt trên 66%, năng suất trung bình đạt 120.000 con/m3, cao hơn nhiều so với quy trình sản xuất thông thường; ngoài ra, sản xuất tôm sú giống theo công nghệ Biofloc cũng giảm được chi phí được hơn 9%.

       2. Kết quả Dự án Ứng dụng Biofloc trong Nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh theo quy trình công nghệ Semi - Biofloc tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

       2.1.  Thời gian và địa điểm triển khai

       Thời gian: Từ tháng 4 năm 2019 đến tháng 10 năm 2019.

       Địa điểm: ấp Bàu Sen, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi.

       2.2. Quy mô Dự án

       Dự án triển khai với quy mô là 1,4 ha. Gồm 2 ao nuôi. Diện tích 3.200 m2, mỗi ao 1.600 m2.

       2.3. Thả giống và mật độ thả

       Thả nuôi trong ao 1, mật độ ương 500 con/m2; sau 25 ngày, chuyển 50% lượng tôm sang ao số 2, số lượng khoảng 384.000 con (ước tỷ lệ sống khoảng 96%). Tôm giống qua kiểm dịch và xét nghiệm bằng phương pháp PCR không nhiễm các loại bệnh do virus: Còi (MBV), đốm trắng (WSSD), hoại tử gan tụy cấp trên tôm (EMS/AHPNS).

       2.4. Phương pháp tạo và duy trì floc

       a) Dụng cụ và nguyên vật liệu: Thùng phuy nhựa 200 lít và sục khí. Nguyên vật liệu: Thức ăn tôm số 0, mật rỉ đường, vi sinh tạo Biofloc, vitamine, chế phẩm EM, nước sạch,...

       b) Phương pháp tạo floc: Theo bảng sau (dùng cho 1 ao 1.600 m2) .

       - Tháng thứ nhất:

TT

Nguyên liệu cần thiết

Liều lượng

Ghi chú

1

Nước ao (hoặc nước nguồn đã xử lý)

150 lít

 

2

Thức ăn số 0

0,5 kg

Chỉ cần 7 ngày đầu, sau đó giảm dần. 100g từ ngày 15

3

Mật rỉ đường

10 lít

Trong 7 ngày đầu, sau đó tăng lên theo lượng thức ăn

4

Vi sinh tạo Biofloc

500 g

Có thể tăng nếu cần tạo nhanh một lượng Biofloc lớn

5

Chế phẩm EM gốc

¼ - ½ lít

Tủy theo màu nước

6

Premix 

200 g

Duy trì suốt vụ

       Với công thức trên, bón cho ao liên tục, kiểm tra thấy Biofloc phát triển tốt (thể tích đạt khoảng 3ml/L) thì tiến hành thả giống. Khi Biofloc đã phát triển ổn định thì giảm liều xuống còn ½ so với ban đầu.

       - Từ ngày thứ 30 trở đi, áp dụng 2 - 3 ngày/lần tùy thuộc vào điều kiện thực tế. Lưu ý: Lượng mật rỉ đường tối thiểu cần bổ sung thêm cho một ao (trước khi bơm chuyển hỗn hợp xuống) là 30% tổng lượng thức ăn sử dụng của ngày hôm trước.

       2.5. Kết quả đạt được

       2.5.1.  Các yếu tố môi trường

       Kết quả theo dõi các yếu tố môi trường biến động như sau: Độ mặn từ 4 - 30‰; pH từ 7,96 - 8,21; Độ kiềm từ 65 - 145 ppm; DO từ 4,63 - 5,24 ppm; Nhiệt độ từ 28,14 - 30,570C; thể tích Biofloc biến động từ 1,04 - 2,64 ml/L; NH3 từ 0,11 - 0,53 mg/L.

       Qua kết quả ghi nhận từ thực tế cho thấy các yếu tố như độ mặn, độ kiềm, NH3 biến động khá cao; bên cạnh đó là Biofloc cũng chưa duy trì được tốt, điều này tác động lớn đến sinh trưởng của tôm nuôi, làm cho tôm chậm phát triển.

       2.5.2. Tăng trưởng và tỷ lệ sống

       a. Tăng trưởng:

       Kết quả sau 30 ngày nuôi tôm đạt trọng lượng trung bình 1,77 g/con (565 con/kg), 60 ngày đạt 6,30 g/con (158 con/kg), 90 ngày đạt 9,06 g/con (110,37 con/kg), 120 ngày đạt 13,02 g/con (76,86 con/kg) và đến thu hoạch (133 ngày) ngày đạt 15,64g/con (63,93 con/kg). Nhìn chung tốc độ tăng trưởng ở 2 ao nuôi tương đối đồng đều, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng này là khá chậm. Điều này cũng phù hợp thực tế là nuôi mật độ cao (250 con/m2) và thời điểm mùa mưa nên có sự biến động bất lợi về môi trường.

       b. Tỷ lệ sống

       Kết quả sau 30 ngày nuôi tôm ước đạt tỷ lệ sống trung bình 95,82%, sau 60 ngày đạt tỷ lệ sống trung bình 94,08%, sau 90 ngày đạt tỷ lệ sống trung bình 90,24%, sau 120 ngày đạt tỷ lệ sống trung bình 83,03% và khi thu hoạch đạt 80,29%. Điều này là do môi trường nuôi có nhiều biến động, ảnh hưởng ít nhiều đến tỷ lệ sống tôm nuôi.

       c. Năng suất và sản lượng

       Năng suất bình quân là 31,39 tấn/ha/vụ, đạt 73,85% so với mục tiêu dự án. Sản lượng đạt 10,050 tấn, đạt 69,31% so với mục tiêu dự án. Như vậy, năng suất và sản lượng chưa đạt mục tiêu đề ra (năng suất từ 40 – 45 tấn/ha/vụ, trung bình là 44,5 tấn/ha/vụ và sản lượng từ 14 - 15 tấn, trung bình là 13,5 tấn). Đây là mức năng suất, sản lượng đạt không cao. Điều này là do ảnh hưởng của thời tiết, khi hậu và môi trường, nhất là độ mặn, độ kiềm giảm thấp, trong khi NH3 tăng cao.

       d. Hiệu quả kinh tế và xã hội

       d1.  Hiệu quả kinh tế

       Hiệu quả đạt được còn thấp, lợi nhuận chỉ đạt được 108,95 triệu đồng. Giá thành sản phẩm khoảng 94.000 đ/kg, cao hơn so với chỉ tiêu ban đầu đưa ra khoảng 18.000 đ/kg, điều này là do ảnh hưởng bất lợi của biến động thời tiết, môi trường làm tôm tăng trưởng chậm, thời gian nuôi kéo dài, hệ số FCR cao và giá thành các sản phẩm đầu vào cũng cao hơn so với thời điểm xây dựng đề cương Dự án.

       d2.  Hiệu quả xã hội

       Mặc dù kết quả thực hiện Dự án chỉ xấp xỉ đạt được mục tiêu, nhưng so với kết quả các hộ bên ngoài Dự án tại cùng thời điểm thì kết quả Dự án này cao hơn khá nhiều. Điều này chứng tỏ quy trình công nghệ Semi - biofloccó hiệu quả nhất định, mặc dù tôm phát triển chậm nhưng không xảy ra bệnh. Do vậy mô hình có thể nhân rộng cho các địa phương trong tỉnh.

       2.6. Kết luận và đề xuất

       a. Kết luận

       Năng suất bình quân thu được từ mô hình là 31,39 tấn/ha/vụ; sản lượng thu hoạch được 10,050 tấn; tỷ lệ sống bình quân là 80,29%; hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR) là 1,40 và lợi nhuận thu được là 108.950.000 đồng.

       Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh theo công nghệ Semi  Biofloc phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, do triển khai thực hiện vào thời điểm mùa mưa nên Biofloc phát triển không được tốt nên ảnh hưởng đến kết quả của dự án.

       b. Đề xuất

       - Ao nuôi tôm chân trắng thâm canh nên được xây dựng ở những vùng có điều kiện thuận lợi, thiết kế công trình và lắp đặt thiết bị hoàn chỉnh để thuận tiện trong công tác quản lý, vận hành.

       - Nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc nên thực hiện vào mùa nắng, không nên thả tôm nuôi vào những tháng mùa mưa để tránh ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, mưa nhiều làm biến động môi trường, cường độ ánh sáng thấp, Biofloc phát triển kém gây bất lợi cho tôm nuôi, hiệu quả sẽ không cao.

ThS. Nguyễn Văn Trung - Chi cục Thủy sản Cà Mau