Kết quả thực hiện dự án: “Ứng dụng công nghệ sinh học để nhân giống cây Keo lai (Acacia hybrid) bằng phương pháp nuôi cấy mô tại tỉnh Cà Mau”.

       I. ĐẶT VẤN ĐỀ

       Keo lai (Acacia hybrid) là tên gọi của giống lai tự nhiên giữa Keo lá tràm (Acacia Auriculiformis) và Keo tai tượng (Acacia Mangium) và được tuyển chọn từ những cây đầu dòng có năng suất cao. Cây Keo lai có nguồn gốc xuất xứ ở Australia, được trồng phổ biến ở Đông Nam Á. Riêng ở Việt Nam, Keo lai được trồng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Keo lai là loài cây trồng quan trọng và rất có triển vọng trong nhiều chương trình trồng rừng ở Việt Nam, diện tích trồng Keo lai ở nước ta đạt hơn 517.000 ha, rừng trồng Keo lai sau 6 - 8 năm có thể thu được 150 - 200 m3 gỗ/ha, nhiều nơi có thể hơn 250 m3/ha. Tại tỉnh Cà Mau, Keo lai được đưa vào trồng chính thức trên địa bàn vùng U Minh Hạ vào năm 2009, đến nay tổng diện tích trồng Keo lai của tỉnh đạt 8.500 ha. Theo Đề án tái cơ cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 về rừng trong vùng hệ sinh thái ngọt thì tổng diện tích keo lai là 12.000 ha. Cây Keo lai được xác định là một trong năm ngành hàng sản xuất chủ lực của tỉnh Cà Mau.

       Những năm gần đây, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về công nghệ tế bào thực vật trong công tác chọn giống cây rừng đã được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam nuôi cấy mô tế bào thực vật đã được phát triển từ những năm 70. Tuy nhiên, các ứng dụng về nuôi cấy mô trong lâm nghiệp còn nhiều hạn chế về kỹ thuật, quy mô, vốn đầu tư, dẫn đến giá thành cây con từ nuôi cấy mô cao hơn nhiều so với cây giâm hom và cây ươm từ hạt, do đó diện tích rừng trồng từ cây cấy mô chưa nhiều. Mặc dù vậy, với các ưu điểm vượt trội của cây Keo lai cấy mô như: có thể sản xuất quanh năm không phụ thuộc vào mùa vụ, cần ít diện tích sản xuất, cây giống sản xuất ra hoàn toàn sạch bệnh, đồng nhất về mặt di truyền, có độ trẻ hóa cao và có bộ rễ giống như cây con từ hạt nên có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt hơn trên hiện trường, nên trong thời gian tới cây con sản xuất từ nuôi cấy mô sẽ được chọn lựa trong sản xuất lâm nghiệp. Chính vì vậy, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ Cà Mau được giao chủ trì thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ sinh học để nhân giống cây Keo lai (Acacia hybrid) bằng phương pháp nuôi cấy mô tại tỉnh Cà Mau”.

       2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

       2.1. Thời gian: 24 tháng

       2.2. Địa điểm: Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ Cà Mau.

       Dự án được triển khai thực hiện với mục tiêu đề ra như sau: (i) Nhận chuyển giao quy trình, kỹ thuật công nghệ nhân giống cây Keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô. (ii) Hoàn thiện quy trình nhân giống cây Keo lai nuôi cấy mô phù hợp với điều kiện phòng thí nghiệm và chăm sóc cây con ngoài vườn ươm đến giai đoạn xuất vườn.

       3. KẾT QUẢ DỰ ÁN

       3.1. Tiếp nhận và làm chủ quy trình kỹ thuật nhân giống cây Keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô từ Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm nghiệp Tây Nam Bộ chuyển giao

Phòng nuôi cấy mô thực vật thực hiện dự án. Ảnh Tg

       Việc chuyển giao và tiếp nhận quy trình kỹ thuật nhân giống cây Keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô được thực hiện thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ. Hình thức chuyển giao gồm 02 giai đoạn: đào tạo lý thuyết và đào tạo thực hành tại phòng thí nghiệm và vườn ươm cây giống. Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm nghiệp Tây Nam Bộ là đơn vị chuyển giao công nghệ, cử cán bộ trực tiếp đến Phòng Nuôi cấy mô của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN Cà Mau để tập huấn lý thuyết và hướng dẫn thực hành cụ thể từng khâu trong quy trình kỹ thuật chuyển giao. Bên cạnh đó, đơn vị chuyển giao công nghệ còn cung cấp các tài liệu kỹ thuật có liên quan phục vụ cho công tác tiếp nhận, nghiên cứu và phát triển các giống Keo lai cấy mô. Kết quả: đã có 04 cán bộ, viên chức, trong đó có chủ nhiệm dự án cùng 02 cán bộ kỹ thuật (thạc sĩ, kỹ sư); 01 kỹ thuật viên chăm sóc cây giống tham dự khóa đào tạo, tập huấn về quy trình quản lý, quy trình kỹ thuật sản xuất giống cây Keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô. Việc đào tạo, tập huấn được hướng dẫn thực hiện từ lý thuyết, kết hợp với nghiên cứu tài liệu kỹ thuật, đến thực hành thực tế từ khâu chọn mẫu cấy, pha môi trường, và các công đoạn trong phòng thí nghiệm đến vườn ươm cây giống.

       3.2. Sản xuất thử nghiệm giống Keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật.

       Quy mô sản xuất thử nghiệm là 5.000 cây Keo lai giống, với kích thước trung bình của cây khi ra bầu từ 4 - 6 cm. Địa điểm sản xuất thử nghiệm tại phòng nuôi cấy mô và vườn ươm cây giống của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN Cà Mau.

       Các dòng Keo lai được chọn để sản xuất thử nghiệm gồm: Dòng AH7, dòng BV32: Mẫu cấy được lấy tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời thuộc Trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp. Dự án đã sản suất được 5.624 cây giống Keo lai cấy mô thuộc 2 dòng Keo lai AH7 và BV32, đây là những dòng Keo lai được đánh giá có ưu điểm nổi bật nhất hiện nay. Đây là nguồn cây giống đầu dòng, sạch bệnh mang những đặc tính di truyền đã được dự án chọn lọc từ ngoài tự nhiên. Cây giống đạt tiêu chuẩn cây đầu dòng, có thể trồng thành vườn giống lấy hom nhân giống vô tính bằng phương pháp giâm hom, phục vụ cho trồng rừng sản xuất. Mặt khác giống Keo lai cấy mô của dự án sản xuất đã được tuyển chọn từ các dòng bố mẹ tại địa phương, phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của vùng đất Cà Mau sẽ cho hiệu quả kinh tế cao khi đưa vào thực tế sản xuất.

       3.3. Biên soạn quy trình chọn và nhân giống cây Keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương

       Thông qua quá trình chuyển giao công nghệ, đơn vị chuyển giao phối hợp với cơ quan chủ trì và chủ nhiệm dự án tổ chức biên soạn hoàn chỉnh bộ tài liệu hướng dẫn Quy trình kỹ thuật sản xuất giống Keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô tại tỉnh Cà Mau. Trong suốt quá trình thực hiện dự án, chủ nhiệm và cán bộ tham gia dự án phối hợp với đợn vị chuyển giao công nghệ, tiến hành theo dõi, ghi chép, thống kê và phân tích kết quả của từng công đoạn trong quy trình công nghệ áp dụng; đồng thời đúc kết biên soạn hoàn chỉnh Quy trình nhân giống cây Keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô tại tỉnh Cà Mau. Quy trình công nghệ này, đã được áp dụng vào thực tế sản xuất thành công, thông qua kết quả đạt được của dự án. Đây là bộ tài liệu dùng chung để phục vụ công tác nhân giống và phát triển cây Keo lai cấy mô tại tỉnh Cà Mau.

Sự phát triển của cây keo lai ngoài vườn ươm. Ảnh Tg

       Thành công của Dự án góp phần nhân nhanh các dòng Keo lai đã được chọn lọc, tăng sự đồng đều của rừng trồng từ đó tăng năng suất và chất lượng gỗ trồng rừng từ cây nuôi cấy mô. Khi chất lượng rừng trồng được nâng cao, thu nhập người dân được cải thiện sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng góp cho xã hội. Dự án tạo tiền đề để phổ biến và nhân rộng thêm việc trồng rừng bằng cây Keo lai cấy mô cho các hộ, đơn vị tư nhân và các công ty lâm nghiệp, góp phần đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để trồng và phát triển các giống cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế, phù hợp với vùng đất U Minh Hạ. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông lâm nghiệp tạo ra bộ mặt mới trong việc ứng dụng công nghệ sản xuất cây giống chất lượng cao của tỉnh nhà. Dự án còn mang lại các lợi ích xã hội khác như: khai thác tiềm năng lợi thế đất lâm nghiệp, tăng sản phẩm cho xã hội, làm thay đổi lớn về nhận thức trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng của các hộ dân cư được giao đất và nhận khoán đất rừng trên khu vực lâm phần và xung quanh vùng U Minh Hạ.

       Thông qua kết quả triển khai sản xuất thử nghiệm của dự án, đến nay cơ quan chủ trì đã làm chủ toàn bộ Quy trình công nghệ nhân giống Keo lai bằng phương pháp cấy mô. Trong thời gian tới, cơ quan chủ trì dự án sẽ tiếp tục duy trì, chăm sóc, quản lý để tiến hành sản xuất giống Keo lai cây mô trên quy mô lớn để cung ứng cho nhu cầu trồng rừng của tỉnh Cà Mau; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản xuất theo hướng tác động khoa học công nghệ ngày càng sâu hơn, để giảm giá thành sản xuất cây giống; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

       Bên cạnh đó, tiềm năng để phát triển và nhân rộng mô hình trồng rừng Keo lai bằng cây giống cấy mô tại vùng U Minh Hạ - Cà Mau là hoàn toàn có tính khả thi. Do hiện nay, khu vực đất trồng rừng sản xuất của người dân và doanh nghiệp trên vùng U Minh Hạ - Cà Mau có diện tích rất lớn. Nhưng nhiều năm qua, ở đây chưa có nhiều mô hình trồng Keo lai bằng giống cấy mô, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn cho người dân. Theo Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh Cà Mau, đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau phê duyệt tại Quyết định số 1605/QĐ-UBND ngày 24/10/2014. Theo đó đến năm 2020, sẽ giữ ổn định diện tích đất quy hoạch cho bảo vệ và phát triển rừng là 114.305 ha. Trong đó, đất rừng sản xuất 62.204 ha. Vùng U Minh Hạ sẽ phát triển trồng rừng thâm canh từ 18.000 - 20.000 ha, trong đó Keo lai, Keo lá tràm chiếm khoảng 60%, còn lại là trồng Tràm bản địa. Do đó, với kết quả đạt được của dự án sẽ là nền tảng để khuyến khích người dân áp dụng và phát triển và nhân rộng mô hình trồng Keo lai bằng giống cấy mô trong thời gian tới. Dự án cũng sẽ góp phần tích cực trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao của ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau tại Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 10/4/2017 của UBND tỉnh Cà Mau về việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học tỉnh Cà Mau giai đoạn 2017 - 2020.

Cây keo lai đang phát triển tốt trên vùng đất U Minh Hạ. Ảnh ST

Thúy Huỳnh