Khảo sát giá trị tiềm năng sinh thái điển hình ở vườn chim tự nhiên huyện thới bình, tỉnh Cà Mau


1. Đặt vấn đề

       Nằm về hạ nguồn sông MêKông, Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh với những địa chỉ mang đậm dấu ấn thiên nhiên hoang dã. Nhờ đó đã thu hút số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước tham quan, nghỉ dưỡng. Ngoài những điểm du lịch thu hút khách truyền thống như Mũi Cà Mau, Hòn Đá Bạc, Vườn quốc gia U Minh Hạ, v.v.. còn có sự đóng góp không nhỏ các vườn chim tự nhiên. Từ đó, cho thấy vai trò và sự cần thiết tăng cường bảo vệ các khu rừng tự nhiên với sự đa dạng các loài động vật có giá trị bảo tồn cũng như ý nghĩa về mặt giáo dục, giải trí. Để thực hiện điều này đòi hỏi sự quan tâm nghiên cứu đánh giá hiện trạng và ước lượng giá trị của các nguồn tài nguyên vô giá này. Trong đó, khảo sát giá trị tiềm năng và dịch vụ sinh thái nhằm định giá sự hài lòng và mức chấp nhận của người tham quan. Có thể thấy, việc chi trả dịch vụ hệ sinh thái sẽ mở ra hướng phát triển phục vụ công tác bảo tồn, khai thác bền vững tài nguyên. Xem xét khu vực huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau, có sự đa dạng các vườn chim tự nhiên và đây cũng là địa điểm thu hút khách du lịch tham quan, thưởng ngoạn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chưa có nghiên cứu chi tiết nhằm đánh giá tiềm năng và ước tính giá trị có thể chấp nhận bởi cộng đồng người tham gia. Trước những thực trạng và thách thức tại vườn chim cần tiến hành xây dựng, cải tạo lối đi tham quan an toàn và thân thiện môi trường; xây dựng một số điểm phục vụ hoạt động ngắm chim; đầu tư hệ thống cung ứng các dịch vụ bổ trợ; tái tạo các điểm nhấn trong khu vực vườn chim; bổ sung các bảng cung cấp thông tin về nguồn tài nguyên đa dạng sinh học. Xuất phát từ đó, đề tài “Khảo sát giá trị tiềm năng sinh thái điển hình ở vườn chim tự nhiên huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau” được tiến hành nhằm đánh giá tiềm năng và khảo sát khả năng cung ứng dịch vụ sinh thái tại vườn chim tự nhiên tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

       2. Phương pháp nghiên cứu

       2.1. Đối tượng nghiên cứu

Hình 1. Sự đa dạng các loài chim cò

       Nghiên cứu được thực hiện tại vườn chim tự nhiên xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau và cộng đồng khách du lịch tham quan. Về điều kiện tự nhiên khu vực nghiên cứu có đặc điểm khí hậu đặc trưng phân mùa của khí hậu miền Tây Nam Bộ. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm 2.000 - 2.200mm, lượng mưa trong mùa mưa chiếm tới 90% lượng mưa cả năm, mưa tập trung vào các tháng 8, tháng 9 và tháng 10. Nhiệt độ trung bình năm 26,6C, độ ẩm không khí trung bình 85-86%.

       2.2. Phương pháp nghiên cứu

       2.2.1. Phương pháp thu thập số liệu thứ cấp

       Phương pháp tiến hành thu thập các số liệu thứ cấp từ các cơ quan quản lý địa phương huyện Thới Bình. Cụ thể, tiến hành thu thập số liệu kinh tế- xã hội và môi trường địa phương tại các Sở, Phòng, Ban ngành như Niên giám thống kê tỉnh; Báo cáo hoạt động kinh doanh vườn chim tự nhiên; Điều kiện kinh tế xã hội tỉnh Cà Mau.

       2.2.2. Phương pháp khảo sát thực địa và đánh giá tiềm năng    

       Tiến hành khảo sát thực địa tìm hiểu hiện trạng vườn chim xã Biển Bạch Đông, khảo sát tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Phân tích, đánh giá tiềm năng giá trị du lịch sinh thái vườn chim đối với các tiêu chí như cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên đa dạng sinh học, mức độ hấp dẫn, bền vững, v.v.. Quá trình điều tra khảo sát thực địa được tiến hành nhằm xem xét tình trạng du khách, khảo sát giá trị vườn chim. Trong đó, nghiên cứu sử dụng thang đo Likert 5 giá trị (1)_Phong phú/Hấp dẫn ít nhất à (5)_Phong phú/hấp dẫn nhiều nhất.

       Trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia thiết kế bảng hỏi, nghiên cứu sử dụng bảng hỏi để tìm kiếm câu trả lời dựa trên phỏng vấn ngẫu nhiên 200 đáp ứng viên là khách du lịch tham quan. Các câu hỏi được thiết kế với nhiều hình thức như câu hỏi đóng (chọn lựa đáp án), câu hỏi mở (phân tích chuyên sâu) liên quan đến mức tiềm năng sinh thái.

       2.2.3. Phương pháp thống kê và xử lý số liệu

       Các số liệu được tính toán tần suất, giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, giá trị min-max. Quá trình xử lý thống kê và phân tích số liệu bằng phần mềm SPSS 13.0.

       3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

       3.1. Đánh giá mức độ nhận thức của khách du lịch

       Đánh giá nhận thức của khách du lịch cho thấy mức độ khá cao của cộng đồng trong việc nhận thức vai trò, giá trị của tài nguyên thiên nhiên và du lịch sinh thái. Khảo sát kết quả nhận biết về việc bảo vệ môi trường, vai trò hệ sinh thái và tác động tiêu cực có giá trị trung bình lần lượt là 1,6450 (SD=0,84412); 1,9050 (SD=0,92208); và 1,8950 (SD=0,79190). Cụ thể hơn, phân phối tần suất về vai trò của hệ sinh thái nói chung và của tài nguyên rừng, đa dạng sinh học nói riêng và các tác động tiêu cực của việc mất rừng, suy thoái đa dạng sinh học được thể hiện ở Bảng 2.

Bảng 1. Nhận thức của khách du lịch

 

N

Nhỏ nhất

Lớn nhất

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Nhận biết

200

1,00

4,00

1,6450

0,84412

Vai trò hệ sinh thái

200

1,00

4,00

1,9050

0,92208

Tác động tiêu cực

200

1,00

4,00

1,8950

0,79190

Bảng 2. Vai trò của hệ sinh thái và tác động tiêu cực mất đa dạng sinh học

 

Tần suất

Phần trăm, %

Phần trăm tích lũy, %

Vai trò

 

 

 

Điều hòa khí hậu

83

41,5

41,5

Cải thiện chất lượng môi trường

65

32,5

74,0

Phục vụ nhu cầu của con người

40

20,0

94,0

Nghiên cứu khoa học, giải trí, nghỉ dưỡng

12

6,0

100,0

Tác động tiêu cực

Lũ lụt, hạn hán

66

33,0

33,0

Thiệt hại kinh tế

97

48,5

81,5

Xói mòn đất và mất dinh dưỡng

29

14,5

96,0

Khác

8

4,0

100,0

       Như vậy, vai trò của hệ sinh thái rừng được đánh giá với tần suất lần lượt: Điều hòa khí hậu (41,5%), Cải thiện chất lượng môi trường (32,5%), Phục vụ nhu cầu của con người (20,0%), Nghiên cứu khoa học, giải trí, nghỉ dưỡng (6,0%). Trong khi đó, các tác động tiêu cực của việc mất rừng, suy thoái đa dạng sinh học được đánh giá với mức độ cao nhất lần lượt đối với vấn đề Lũ lụt, hạn hán tăng cường (33,0%) và Thiệt hại về các giá trị, lợi ích kinh tế (48,5%). Ngoài ra, việc xói mòn đất và mất dinh dưỡng đất cũng góp phần quan trọng với tần suất 14,5%. Từ đó có thể thấy nhận thức khá tốt của cộng đồng khách du lịch tại vườn chim tự nhiên ở Thới Bình.

       3.2. Tiềm năng sinh thái vườn chim tự nhiên xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình

       Nằm ở vị trí xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình của tỉnh Cà Mau, vườn chim tự nhiên nơi đây có sự quy tụ nhiều giống loài, với số lượng hàng chục ngàn con sinh sống, hiện trở thành điểm tham quan cho người dân trong và ngoài tỉnh. Với sự đa dạng hệ thực vật tre, trúc và một số cây địa phương (mắm, đước) đã thu hút các loài chim như còng cọc, vạc, diệc, điên điển, v.v... trú ngụ.

Hình 2. Nét đẹp đặc trưng của vườn chim hoang dã

       Sự đa dạng vườn chim tự nhiên xã Biển Bạch Đông cho thấy sự phong phú các loài chim cò khác nhau ở Cà Mau. Do có hệ sinh thái ngập mặn đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long nên nhiều loài chim quý hiếm cư trú và sinh sản, tạo nên cảnh tượng thu hút khách thập phương. Bảng 3 mô tả tiềm năng sinh thái tại vườn chim thông qua quá trình khảo sát du khách. Trong đó, trị số trung bình biến quan sát chất lượng môi trường và giá trị đa dạng sinh học khá cao và lần lượt ứng với 4,0400 (SD=0,76900) và 3,7500 (SD=0,85508).

Bảng 3. Tiềm năng sinh thái vườn chim

 

N

Nhỏ nhất

Lớn nhất

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Chất lượng môi trường

200

1,00

5,00

4,0400

0,76900

Giá trị đa dạng sinh học

200

1,00

5,00

3,7500

0,85508

Bảng 4. Phân phối tần suất giá trị vườn chim

 

Tần suất

Phần trăm, %

Phần trăm tích lũy, %

Chất lượng môi trường

 

Hoàn toàn không không tốt

3

1,5

1,5

Không tốt

8

4,0

5,5

Trung bình

13

6,5

12,0

Tốt

130

65,0

77,0

Rất tốt

46

23,0

100,0

Giá trị đa dạng sinh học

Hoàn toàn không cao

4

2,0

2,0

Không cao

11

5,5

7,5

Trung bình

47

23,5

31,0

Cao

107

53,5

84,5

Rất cao

31

15,5

100,0

       Bảng phân phối tần suất cho thấy mức độ đánh giá của cộng đồng về tình trạng chất lượng môi trường tại vườn chim có kết quả ứng với mức tốt và rất tốt chiếm tỷ lệ cao vượt trội (tương ứng 65,0 và 23,0%). Mức độ đánh giá không tốt chiếm tỷ lệ khá thấp, với 4,0%. Đối với giá trị tài nguyên và đa dạng sinh học tại vườn chim cũng cho thấy mức độ trung bình, cao và rất cao ứng với 23,5; 53,5 và 15,5%. Như vậy, khảo sát chất lượng môi trường và giá trị tài nguyên của vườn chim chỉ ra tiềm năng to lớn của vườn chim tự nhiên và có thể đáp ứng các nhu cầu du lịch sinh thái. Ngoài ra, đánh giá mức độ hài lòng của du khách với dịch vụ sinh thái tại vườn chim chỉ ra điểm số trung bình mức hài lòng tổng thể, tính đặc trưng, đa dạng, hấp dẫn và sự phục vụ lần lượt 3,8150 (SD=0,89149); 3,8000 (SD=0,92427); 4,0050 (SD=1,07272); 3,8700 (SD=0,99904). Kết quả cho thấy sự đánh giá cao và hài lòng với các giá trị vườn chim mang lại đối với du khách.

Bảng 5. Thống kê mức hài lòng đối với dịch vụ tại vườn chim

Sự hài lòng

N

Nhỏ nhất

Lớn nhất

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Hài lòng

200

1,00

5,00

3,8150

0,89149

Đặc trưng

200

1,00

5,00

3,8000

0,92427

Đa dạng

200

1,00

5,00

4,0050

1,07272

Hấp dẫn

200

1,00

5,00

3,8700

0,99904

       Phân phối tần suất lựa chọn các mức độ về mức độ hài lòng và đánh giá của du khách cho thấy phần lớn các sự đánh giá ở ngưỡng hài lòng và rất hài lòng đối với các lợi ích, tiềm năng từ vườn chim. Mức độ hài lòng về tính đa dạng của vườn chim được thể hiện với 34,5 và 40,0% ở mức độ hài lòng trở lên.

Bảng 6. Mức độ hài lòng với tính hấp dẫn của vườn chim

 

Tần suất

Phần trăm, %

Phần trăm tích lũy, %

Mức độ

 

 

 

 

 

Rất không hài lòng

6

3,0

3,0

Không hài lòng

11

5,5

8,5

Trung bình

45

22,5

31,0

Hài lòng

79

39,5

70,5

Rất hài lòng

59

29,5

100,0

Tổng

200

100,0

 

       Đối với mức độ hài lòng về đặc tính hấp dẫn cho thấy tỷ lệ cao ở mức hài lòng (thang điểm 4) và rất hài lòng (thang điểm 5) là 39,5 và 29,5%. Tương tự, sự phục vụ của vườn chim cũng được du khách hài lòng và đánh giá cao. Các điểm số trung bình khảo sát mức độ hài lòng với các giá trị của vườn chim được thể hiện ở Hình 3.

 

Hình 3. Trị số trung bình mức hài lòng giá trị vườn chim

       Từ kết quả nghiên cứu chỉ ra vai trò và sự cần thiết tham gia của khách du lịch vào việc tăng cường dịch vụ cung ứng các nhu cầu khách tham quan. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở vững chắc cho sự phát triển và đề ra các giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, trước mắt cũng cần xem xét các nhóm giải pháp quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học gắn liền hoạt động sinh kế bền vững ở địa phương.

       4. Kết luận

       Nghiên cứu đánh giá các giá trị tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt sự đa dạng các loài chim cò từ nhiên ở Thới Bình. Trên cơ sở đó, phân tích và chỉ ra bức tranh khái quát khả năng cung ứng dịch vụ du lịch sinh thái, phục vụ du khách tham quan thưởng ngoạn và giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường. Về mức độ phong phú, đa dạng các loài chim tự nhiên và thực vật cho thấy sơ bộ các giá trị tiềm năng tài nguyên thiên nhiên. Mô tả tiềm năng sinh thái tại vườn chim qua khảo sát du khách bằng biến quan sát chất lượng môi trường và giá trị đa dạng sinh học khá cao, lần lượt ứng với 4,0400 (SD=0,76900) và 3,7500 (SD=0,85508). Phân phối tần suất cho thấy mức độ đánh giá của cộng đồng về tình trạng chất lượng môi trường tại vườn chim đạt kết quả mức tốt và rất tốt chiếm tỷ lệ cao vượt trội. Kết quả nghiên cứu mở ra hướng phát triển chi trả dịch vụ hệ sinh thái nhằm phục vụ công tác bảo tồn, khai thác bền vững các nguồn tài nguyên đa dạng sinh học. Đây là mô hình kiểu mẫu giúp phát triển kinh tế địa phương, duy trì sự đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên môi trường bền vững./.

Nguyễn Hoàng Phương, Nguyễn Minh Kỳ

Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh