Khi người nông dân bám đất.

       Không phải tha phương cầu thực mà được phát triển kinh tế gia đình ngay trên mảnh đất quê hương là điều mà nhiều hộ nông dân vùng nông thôn mong mỏi. Tuy đời sống còn gặp khó khăn nhưng đa phần nông dân vẫn mãn nguyện với cuộc sống thôn quê vì được sinh sống và nhìn thấy người thân gia đình cùng phấn đấu, bám đất đai quê hương để phát triển kinh tế gia đình.

       Từ khi chuyển về huyện U Minh sinh sống được hơn 8 năm qua, những gian khó ngày nào giờ đã được gia đình bà Võ Thị Diễu, 75 tuổi ở Ấp 12, xã Khánh Lâm, huyện U Minh chinh phục. Theo lời bà Diễu: “Nếu có chịu cực khổ thì đất đai chưa bao giờ phụ lòng người”.

       Chinh phục đất khó

       Cà Mau là quê hương thứ 2 của gia đình bà Diễu trước khi chuyển về đây sinh sống vào năm 1994. Quê gốc của vợ chồng bà ở tận huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Những năm đầu vào Cà Mau làm thuê, thu nhập chỉ đủ qua ngày nhưng gia đình bà vẫn quyết định chọn nơi đây để an cư lập nghiệp.

       Bà Diễu kể: “Tôi sinh được 7 con trai. Trước khi vào đây, vợ chồng cũng làm mướn, rồi đi biển. Bến Tre những năm đó đói khổ lắm. Làm quần quật suốt ngày mà không đủ lo cho cả gia đình 9 người, phải ăn bo bo, khoai để qua cơn đói. Thấy không sống nổi nên vợ chồng mới kiếm đường bỏ xứ mà đi, rồi trôi dạt đến Cà Mau”.

       Sau khi vào đây, vợ chồng bà tiếp tục với công việc làm thuê, từ làm cỏ đến giặm lúa, cắt lúa… miễn sao có cái ăn, cái mặc. Rồi từ huyện Trần Văn Thời, vợ chồng bà chuyển đến U Minh sinh sống và quyết định chọn nơi đây làm nơi lập nghiệp.

Gia đình anh Sơn dần ổn định kinh tế nhờ cần cù, chịu khó bám đất.

       “Lúc đầu về đây khổ lắm. Đất đai phèn nặng lại lởm chởm gốc tràm, cỏ sậy. Dân làm mướn mà giờ có được miếng đất rộng, ai mà không mừng. Thế là vợ chồng, con cái bắt tay vào làm cho đến tận bây giờ”, bà Diễu tâm tình.

       Mảnh đất 1,5 ha giờ là 1 ha rừng tràm, diện tích còn lại là những ao cá, 20 gốc dừa, khoảng 100 gốc chuối, mấy luống khổ qua, dưa leo, cà chua, đậu que… Thu nhập mỗi năm cũng hơn 70 triệu đồng.

       Anh Đào Văn Sơn, con trai út của bà Diễu, tâm sự: “Lúc mới về đây gia đình bắt tay ngay vô trồng rừng, rồi đào ao nuôi cá, trồng rẫy. Tuy giờ vẫn chưa trả dứt nợ vay của Nhà nước nhưng có được như vậy là gia đình tôi mãn nguyện rồi vì không phải đi làm mướn khắp nơi. Có cực chút nhưng đó là mảnh đất của mình. Thời gian thu hoạch rừng cũng gần đến, dự định chuyến này gia đình tôi trả nợ và cất lại căn nhà cho tươm tất”.

        “Xã Khánh Lâm hiện nay tuy còn nhiều khó khăn nhưng nhiều hộ dân nơi đây chịu khó làm ăn nên cuộc sống dần ổn định. Không phải đi xứ khác kiếm kế sinh nhai là điều mà người nông dân an tâm nhất. Nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn từ các cấp, các ngành mà người nông dân biết tận dụng đất đai canh tác, phát triển ngay trên mảnh đất quê hương”,  Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Lâm Dư Việt Bắc bày tỏ.

       Lấy ngắn nuôi dài

       Người nông dân luôn cần cù chịu khó, tìm đủ cách để phát triển kinh tế gia đình. Câu chuyện chăn nuôi tại hộ gia đình tưởng như đơn giản, nhưng theo bà Võ Minh Nguyệt, Ấp 2, xã Khánh Lâm thì phải mát tay mới được.


Bà Nguyệt luôn chủ động sản xuất phát triển kinh tế gia đình.

       Bà Nguyệt chia sẻ: “Giờ mà cứ dựa hết vào cây lúa thì làm sao đủ sống. Nghĩ coi, mỗi năm 2 vụ mà chưa chắc trúng hết. Trồng lúa nào chi phí phân, thuốc đủ thứ, tiền mướn nhân công, chưa kể gần đây thời tiết thất thường, sâu bệnh hoành hành. Thấy không thể trông chờ vào cây lúa nên gia đình tôi quyết định đầu tư vào chăn nuôi. Mình nuôi theo kiểu truyền thống nên nhẹ chi phí đầu tư”.Từ việc nghĩ đơn giản là chăn nuôi gà vịt để gia đình đãi khách, nhưng không ngờ những con gà, con vịt của bà Nguyệt lại trở thành nguồn thu nhập ổn định trong gia đình. Nhà bà có 1,4 ha đất nhưng đa phần trồng lúa, chỉ có khoảng 2 ngàn mét vuông là để chăn nuôi gà vịt.

       Mưa nuôi vịt, nắng nuôi gà là cách gia đình bà Nguyệt tăng thu nhập. Một năm 3 vụ nuôi gà, 2 vụ vịt với gần 400 con, gia đình bà thu nhập từ 70-80 triệu đồng. Con giống có sẵn và nguồn thức ăn đơn giản nên chi phí ít hơn so với trồng lúa. Ngoài thức ăn bán sẵn trên thị trường, gia đình bà còn có thể phụ thêm thức ăn từ lúa, chuối để gà vịt đạt trọng lượng nhanh hơn.

       11 năm chăn nuôi gà vịt, đối với bà, việc chăn nuôi chính là nghề tay trái nhưng hiện nay lại trở thành nguồn thu nhập ổn định. Bà Nguyệt tâm sự: “Tôi cũng tham gia hội phụ nữ nên hay khuyến khích chị em địa phương tận dụng đất trống chăn nuôi, trồng trọt. Chăn nuôi nhanh lấy lại vốn và nguồn thu nhập này có thể lấy ngắn nuôi dài để chờ thu hoạch cây lúa. Nông dân cần cù, chăm chỉ, biết uyển chuyển trong sản xuất thì dù như thế nào vẫn có thể phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương”./.

Hằng My