Khoa học và công nghệ đi vào thực tiễn đời sống.



       Việc nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) có đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội. Để làm được điều này, những năm qua, Sở KH&CN tích cực thực hiện đặt hàng nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ. Nhiều đề tài nghiên cứu phát huy hiệu quả trong thực tế, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.

       Nghiên cứu đồng bộ trong nhiều lĩnh vực

       Theo báo cáo của Sở KH&CN, trong 2 năm 2018 và 2019 tỉnh đã tổ chức xét duyệt 38 đề tài, dự án. Thông qua các đề tài, dự án đã hỗ trợ xây dựng, nhiều mô hình nuôi trồng thuỷ sản với các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt là mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh toàn đực tại xã Tân Bằng, huyện Thới Bình và Khánh Thuận, huyện U Minh. Dự án đã ứng dụng quy trình sản xuất sinh học trong mô hình. Kết quả trong điều kiện sản xuất thì hiệu quả mô hình lúa - tôm trong dự án cao hơn bên ngoài 30%. Từ kết quả trên, huyện Thới Bình đã tổ chức tiếp nhận, nhân rộng quy trình công nghệ và triển khai nhân rộng ra 250 ha, năm 2017; Năm 2018 tăng lên 350 ha, tăng gấp 7 lần diện tích thực nghiệm. Và hiện nay mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi tôm càng xanh toàn đực tăng lên trên 15 ngàn ha trong toàn tỉnh, riêng huyện Thới Bình có trên 1.200 ha.

       Phó giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Văn Quân cho biết, đối với 3 đề tài phục tráng 6 giống lúa mùa, bao gồm Một bụi đỏ, Một bụi lùn, Tép hành, Tài nguyên, Ba bông mẵn, Một bụi bờ liếp thuộc nhóm lúa mùa đặc thù của tỉnh được Sở KH&CN đặt hàng nghiên cứu, tuyển chọn, phục tráng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Kết quả đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất và nhân rộng qua từng năm. Năm 2016 chỉ cung ứng giống xác nhận 14,8 tấn, đến năm 2017 tăng lên 160 tấn và năm 2018 cung ứng trên 196 tấn, đáp ứng nhu cầu sản xuất trên 7.432 ha, sản lượng lúa trên 26 ngàn tấn.

       Từ các đề tài, dự án đã được triển khai, nhiều nguồn gen quý, nhiều công nghệ tiên tiến được lưu giữ trước nguy cơ tuyệt chủng như giống gà nhạn chân xanh, chó vện, ứng dụng công nghệ nhân giống invitro, tạo giống cây sạch bệnh trên cây lâm nghiệp… Đây là cơ sở quan trọng cung cấp cho các nhiệm vụ chọn tạo giống cây trồng, đánh giá khả năng thích ứng, khả năng kháng sâu bệnh và hoàn thiện các kỹ thuật canh tác.

       Hiệu quả thực tế cao

       Theo đánh giá của Sở KH&CN, trong số 30 đề tài, dự án KH&CN đã được nghiệm thu trong năm 2018 và 2019, có 8 đề tài xếp loại khá, 16 đề tài dự án xếp loại đạt, 4 đề tài dự án xếp loại trung bình. Trên 70% các đề tài, dự án đã nghiệm thu được chuyển giao ứng dụng vào sản xuất và đời sống hiệu quả, luôn bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Đề tài ứng dụng công nghệ sinh học phân tử trong lai tạo chọn giống,  kết quả đã chọn được giống lúa  cao sản Cà Mau 1 và Cà Mau 2.

       Từ mô hình này, ông Phạm Văn Khoa, ấp Cái Giếng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái nước thực hiện thành công 3 vụ tôm liền trên diện tích ao 3 ngàn mét vuông. Ông Khoa cho biết, do ít đất sản xuất, trước đây cuộc sống gia đình khó khăn, từ khi thực hiện dự án đem lại lợi nhận trên 320 triệu đồng/3 vụ nuôi.Trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, dự án thể hiện rõ tính hiệu quả nhất sau khi chuyển giao là dự án nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng quy mô nông hộ, ứng dụng công nghệ sinh học, phù hợp với nông hộ ít đất sản xuất. Đây là cơ sở để khắc phục, chuyển đổi các hộ nuôi tôm thâm canh trong ao đất kém hiệu quả sang mô hình này. Qua đó mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân, hướng tới nuôi tôm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án nghiên cứu này đã chỉ ra tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi phù hợp ở địa phương. Con tôm thẻ chân trắng có khả năng thích nghi rộng, ít bệnh, sức chịu đựng tốt với các điều kiện môi trường, có thể nuôi với mật độ cao, sinh trưởng nhanh, có giá trị kinh tế.

       Ðể hoạt động KH&CN phát huy vai trò là đòn bẩy trong sản xuất, Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Thanh Triều nhận định, cần huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội, trong đó ngân sách Nhà nước ưu tiên hỗ trợ thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ KH&CN về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ngành KH&CN cần quyết liệt đổi mới trong triển khai hoạt động nghiên cứu, chuyển giao kết quả KH&CN vào sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân ứng dụng KH&CN cao trong sản xuất nông nghiệp.

       Để thúc đẩy phát triển hoạt động KH&CN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Phó giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Văn Quân đề xuất: HĐND và UBND tỉnh xem xét trình Chính phủ đảm bảo mức kinh phí chi ngân sách hàng năm cho lĩnh vực KH&CN ít nhất 2% tổng chi ngân sách của địa phương để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho tổ chức KH&CN, hỗ trợ việc nghiêm cứu ứng dụng và đổi mới công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, cần thiết nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

       Ông Quân cho biết thêm, những năm qua, việc phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN hàng năm cho các huyện, thành phố rất thấp, khoảng 700 triệu đồng/năm. Để hoạt động KH&CN cấp huyện ngày càng phát huy hiệu quả sâu rộng, thời gian tới, UBND các địa phương cần tập trung thực hiện nhiều mô hình theo chuỗi giá trị cho một số sản phẩm ưu tiên nhằm tạo ra sản phẩm cuối cùng có giá trị và sức cạnh tranh cao. Cùng với đó, ưu tiên và huy động nhiều nguồn lực xây dựng, phát triển thương hiệu để tạo dựng chỗ đứng cho các sản phẩm có thế mạnh của địa phương./.

Trung Đỉnh

Nguồn tin: baocamau.com.vn