Khởi nghiệp ở Cà Mau cần vượt qua những điều kiện đặc thù.

       Các ngành chức năng tỉnh Cà Mau vừa có buổi tọa đàm “Startup: Kinh nghiệm thành công - Bài học thất bại” nhằm khơi dậy ý tưởng, gợi mở và giải đáp các vấn đề liên quan hoạt động khởi nghiệp. Đây là động lực, là sự hỗ trợ kịp thời để những người có ước mơ hoài bảo muốn tạo việc làm và làm giàu bằng chính bàn tay khối óc của mình ngay trên vùng đất quê hương giàu tiềm năng này.

       Cà Mau là vùng đất trẻ khá phong phú sản vật rừng, biển và cũng có thế mạnh trong lĩnh vực ngư – nông - lâm nghiệp, có thể tạo ra nhiều loại sản phẩm có giá trị để xuất đi các thị trường trong-ngoài nước, và với dân số cơ bản hơn 1,2 triệu người cùng lượng khách vãng lai không hề nhỏ, sẽ vừa là nơi cung cấp nguyên liệu, lao động, vừa là thị trường tại chổ lý tưởng, mà cũng là những yếu tố cần thiết cho những sản phẩm, công trình khởi nghiệp, nhất là đối với người trẻ tuổi ước mơ có việc làm, muốn làm giàu chính đáng bằng chính trí tuệ và công sức bản thân mình, đặc biệt là các sản phẩm hướng tới phục vụ, khai thác trong lĩnh vực du lịch.

Tọa đàm khởi nghiệp Cà Mau ngày 07/9/2018. Ảnh TQ

       Những khó khăn cản ngại mà cũng là cơ hội

       Tuy vậy, do Cà Mau là vùng đất cuối trời tổ quốc với mạng lưới đường bộ kém thuận tiện, nhiều nơi gần như chỉ một đường độc đạo chưa được nâng cấp hay kết nối tốt, nên việc đi lại vận chuyển cũng còn khá nhiều khó khăn. Vì thế có thể nói Cà Mau ở khá xa thị trường tiêu thụ lớn nên những sản phẩm khởi nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại trong việc quảng bá, tiếp thị và tiêu thụ để thu hồi vốn nhằm đánh giá hiệu quả và tính bền vững.

       Tuy là nơi giàu tài nguyên rừng biển nhưng các nguồn lợi chưa được khai thác hợp lý, thiếu khoa học, kỹ thuật, khả năng tái sinh hạn chế và đang dần cạn kiệt, nên rất cần những công trình khởi nghiệp giúp phục hồi lại các nguồn tài nguyên bên bờ vực, như các quy trình công nghệ chọn tạo, sản xuất giống cây con, hay những cơ sở kinh doanh giống đáp ứng tốt uy tín chất lượng, đảm bảo cho nhu cầu nuôi trồng của người dân có hiệu quả kinh tế. Do thiếu công nghệ thích hợp việc chế biến phần lớn các sản phẩm ngư nông nghiệp sau thu hoạch hiện nay cũng còn rất đơn điệu, chủ yếu là sơ chế, hoặc bán nguyên liệu thô, hiệu quả không cao, nên rất cần có những công trình khởi nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, bằng những giải pháp tồn trữ an toàn, hay công nghệ sơ chế, chế biến tinh xuất bán dùng được ngay để có thể bảo quản lâu, vận chuyển đến thị trường xa hơn, nhằm giúp nông dân khắc phục, gở “thế bí” vào mùa thu hoạch rộ tránh cảnh “được mùa rớt giá”.

       Là địa phương có trình độ dân trí thấp, lực lượng lao động tuy dồi dào nhưng có trình độ thấp, khả năng giao lưu, tiếp cận khoa học- công nghệ hạn chế, đa phần chỉ có tay nghề phổ thông, nên cũng rất cần những ý tưởng, cơ sở khởi nghiệp trong lĩnh vực đào tạo nghề, nhất là những nghề mới có hàm lượng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao.

Thực trạng khởi nghiệp ở Cà Mau đã qua

       Thời gian qua tuy cũng có nhiều người, tổ chức khởi nghiệp ở các lĩnh vực,  với quy mô khác nhau, trong đó có nhiều bạn trẻ, nhưng số người thành công, sản phẩm phát triển tốt, ổn định còn rất khiêm tốn, cũng có người không thành công. Phần lớn người chưa thành công thường là do thiếu thông tin, nắm thông tin không đầy đủ, hoặc thiếu vốn, thiếu khoa học công nghệ, kỹ thuật và mạnh ai nấy làm theo cảm tính riêng, rồi trở thành triệt tiêu nhau theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, và quan trọng là chưa định hướng đúng sản phẩm chủ lực, thiếu chiến lược phát triển phù hợp và chưa có sự tổ chức, liên kết, hợp tác nhau phù hợp, nên sản phẩm yếu về nhiều mặt, dẫn đến khó cạnh tranh và nhanh chóng mai một, ngưng trệ sản xuất.

       Hầu hết những sản phẩm khởi nghiệp tại địa phương chủ yếu sản xuất thủ công nhỏ lẻ, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản, nên chất lượng không đồng nhất, không ổn định, là do sản xuất chạy theo phong trào, chưa có sự tổ chức hợp tác, liên kết để hình thành chuỗi sản phẩm nhằm đảm bảo được uy tín nhiều mặt để có thị trường vững chắc và ổn định, nên còn phổ biến tình trạng khi lượng sản phẩm lớn thì không có thị trường, dễ gặp cảnh “đụng hàng dội chợ” dẫn đến thua lỗ theo kiểu “được mùa rớt giá”. Ngay cả những sản phẩm đã có thương hiệu lâu đời cũng chưa quản lý được chất lượng ổn định mà còn có sự gian dối về trọng lượng, giá cả, đánh tráo ruột, chủng loại, kích cở sản phẩm… chỉ vì lợi nhuận theo kiểu “ăn xổi ở thì” nên dần mất uy tín.

       Chính do sản xuất thủ công nhỏ lẻ nên vấn đề tiếp cận đảm bảo quy cách định lượng, tiêu chuẩn chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường về an toàn vệ sinh thực phẩm, về tính an toàn, bền vững trong sử dụng cũng là những cản ngại khó vượt qua.

       Từ những tồn tại nêu trên khiến cho sản phẩm khởi nghiệp chưa tạo được lòng tin đối với khách hàng sử dụng, người tiêu dùng, nên sự liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, doanh nhân lớn có tiềm lực tài chính, công nghệ và thị trường càng khó thực hiện và trở thành yếu tố không thành công trên thương trường.

       Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, những thành tựu khoa học kỹ thuật tuyệt vời từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, nếu biết tận dụng khai thác tốt sẽ giúp cho nhà khởi nghiệp có thể nắm bắt nhanh và đầy đủ hơn những thông tin hữu ích, để có quyết định đúng hướng, xử lý tốt các vấn đề về quản lý liên quan tới sản phẩm, công trình khởi nghiệp nhằm đi tắt đón đầu thành công trên thương trường.

       Những yêu cầu cho khởi nghiệp thành công

       Ở lứa tuổi nào, trình độ nào cũng đều có thể khởi nghiệp với lĩnh vực hay sản phẩm mà mình tâm huyết, điều quan trọng là có ý tưởng đúng, có quyết tâm thực hiện,và sản phẩm đó phải có tính khả thi, có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng để có đầu ra, có thị trường. Phải có quy trình công nghệ và khả năng về trang bị kỹ thuật theo hướng công nghiệp hóa, chuẩn hóa sản phẩm để giữ uy tín chất lượng, tạo được việc làm và có mạng lưới phân phối, đồng thời phải bảo vệ được vùng nguyên liệu để đảm bảo có nguồn hàng giao đúng hợp đồng.

       Địa phương cần có định hướng lĩnh vực, sản phẩm sẽ khuyến khích khởi nghiệp nhằm tạo thành sản phẩm thế mạnh của địa phương phù hợp với các nguồn nguyên liệu và nhu cầu của thị trường. Người khởi nghiệp cần có chiến lược phát triển, chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm và các vấn đề liên quan, phải luôn xây dựng lòng tin, củng cố uy tín bằng chất lượng để hỗ trợ quảng bá thương hiệu. Và để sản phẩm khởi nghiệp tồn tại bền vững, không lạc lối đơn độc trên thương trường, thì bên cạnh việc tiếp nhận chính sách khuyến khích, hỗ trợ, đầu tư và tổ chức hợp tác, liên kết từ phía nhà nước, chính bản thân người, tổ chức khởi nghiệp, doanh nghiệp cũng phải có sự tổ chức hợp tác, liên kết với mạng lưới chân rết phân phối và đề ra chính sách khuyến khích, hỗ trợ, đầu tư để tiêu thụ sản phẩm đã khởi nghiệp và phải thực hiện minh bạch, nghiêm túc.

       Trong điều kiện tỉnh Cà Mau hiện rất phong phú các loại hình sản xuất, kinh doanh, nhiều mô hình nuôi trồng và dồi dào nguồn nguyên liệu sản phẩm cây con, đặc biệt là nguồn nguyên liệu tôm cá, thủy hải sản, thì rất rộng đường cho người khởi nghiệp có thể chọn đúng các đối tượng, lĩnh vực sở trường để thành công, quan trọng là có ý tưởng đúng, sản phẩm phù hợp và có quyết tâm thực hiện.

Nguyễn Văn Thước