Khởi sắc cho nông nghiệp hàng hóa Cà Mau.

       Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế (giai đoạn 2015 - 2020), Nghị quyết Đại hội lần thứ XV, Đảng bộ tỉnh Cà Mau tiếp tục xác định: “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược; khai thác tốt, phân bổ hợp lý các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp chế biến; có chính sách đột phá phát triển vùng kinh tế nội địa, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế khu vực hệ sinh thái mặn, hệ sinh thái ngọt; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển vùng kinh tế ven biển và kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền đất nước”. Trong đó riêng cơ cấu Ngư, nông, lâm nghiệp đến năm 2020 chiếm 23% trong tổng sản phẩm GDP của tỉnh.

Thu mua lúa tại địa phương. Ảnh Tg

       Với đặc thù của một tỉnh mà ở đó nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp luôn chiếm ưu thế, thì việc tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghiệp chế biến và hàng hóa, đã mở ra hướng đi mới, luồng sinh khí mới cho nông dân trong tỉnh. Có thể nói, từ khi Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đi vào cuộc sống, sản phẩm nông nghiệp hàng hóa ở Cà Mau đã thật sự khẳng định vị thế của mình trên thị trường. Cây lúa tiếp tục được xác định là sản phẩm trồng trọt chính của tỉnh, tổng diện tích gieo trồng trong năm 2017 là 118.674 ha, năng suất lúa bình quân đạt 4,3 tấn/ha, sản lượng đạt gần 515.000 tấn, trong đó lúa hàng hóa chiếm hơn 90%, giá trị thu lãi về cho nông dân hàng chục tỷ đồng. Hơn 80% hộ nông dân trong tỉnh ngày càng tích cực hơn trong việc tiếp cận các giống lúa cấp xác nhận, giống lúa chất lượng cao. Nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa với qui mô trên 15.000 ha được quy hoạch theo mô hình cánh đồng mẫu, từ các giống lúa lai có chất lượng cao, từng bước tạo được dấu ấn cho “thương hiệu Cà Mau”. Việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp được tăng cường, trong đó phải kể đến việc tổ chức sản xuất cánh đồng lớn đã tạo được bước nhảy vọt cả về năng suất và chất lượng, hiệu quả. Qua đó bước đầu đã hình thành được các mô hình liên kết sản xuất theo chuổi giá trị sản phẩm lúa gạo.

       Điển hình như cánh đồng mẫu ở xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, với diện tích gần 1.000 ha. Mô hình này có nhiều ưu điểm đáng kể so với các cánh đồng truyền thống, bước đầu đã tạo được sự phấn khởi trong nhân dân. Ông Thái Minh Chiến, ở ấp Rạch Bàu, có 7,5 ha đất sản xuất lúa 2 vụ, nằm trong cánh đồng mẫu hồ hởi cho biết: “Ban đầu khi tham gia cánh đồng mẫu, áp dụng theo phương pháp sản xuất mới bà con chưa tự tin lắm, bởi vì từ bao đời nay, nông dân đã quen với lối canh tác truyền thống, chưa quan tâm nhiều đến quy trình, kỹ thuật sản xuất. Tuy nhiên, khi thu hoạch các trà lúa bội thu, vượt trội về năng suất và chất lượng hạt lúa, nông dân ai cũng phấn khởi”. Bà Nguyễn Thị Loan, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời khẳng định: “Tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp cánh đồng mẫu lớn đã thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân trong xã được hưởng nhiều cái lợi như: năng suất lúa tăng cao, lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần so với phương pháp canh tác truyền thống...”.

       Bên cạnh đó, việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo Quyết định số 66/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt đã định hướng phát triển cho các vùng ven đô thị huyện, thành phố sản xuất rau, củ, quả theo mô hình VietGap. Nhưng chủ lực vẫn là tập trung ở khu vực xã Khánh Lâm, huyện U Minh. Bước tiến mới này sẽ đưa Cà Mau vươn xa tới tầm hội nhập thị trường nông sản sạch, tạo mức thu nhập ổn định và bền vững cho nông dân trong tỉnh trở nên khá giàu hơn. Hiện nay Chính phủ cũng đã cho phép Cà Mau điều chỉnh quy hoạch và hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh; đồng thời với việc đề xuất bổ sung giai đoạn I, công nghệ cao thủy sản tại huyện Năm căn, với quy mô hơn 376 ha. Đối với ngành hàng chủ lực lúa chất lượng cao, các ngành tham mưu của tỉnh đang tiếp tục khảo sát, tiến hành điều tra thông tin thực trạng sản xuất lúa tại các huyện, trong đó tập trung chủ yếu là tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo các chuyên đề về kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao, liên kết sản xuất và chứng nhận lúa hữu cơ, VietGap và cả GlobaGap. Đáng chú ý, mô hình sản xuất lúa - tôm chất lượng cao, năng suất từ 3,5 đến 4,5 tấn/ha, giá lúa hàng hóa ổn định từ 6.000 đến 6.500đ/kg, đã mang lại giá trị lãi ròng cho nông dân từ 12 đến 16 triệu đồng/ha.

Cánh đồng mẫu lớn xã Khánh Bình huyện Trần Văn Thời. Ảnh Tg

       Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, cho biết: “Để hoàn thành mục tiêu của Đề án nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất tôm - lúa của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng cho những năm tiếp theo, tỉnh tranh thủ nguồn vốn của đề án, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương để từng bước đầu tư phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, xây dựng trạm bơm và hệ thống thủy lợi khép kín cho vùng sản xuất nông nghiệp cánh đồng mẫu lớn”.

       Có thể nói, ngoài con tôm, cây lúa, rau củ... thì các loại cây ăn trái như: cam, chuối thâm canh cũng đã có hàng trăm nông dân được tham gia tập huấn chuyển giao công nghệ. Chính nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào trong sản xuất, nên giá trị chuối hàng hóa của nông dân nâng lên hơn khoảng 20 triệu đồng/ha so với mô hình sản xuất cũ. Điều đó cho thấy, nông nghiệp hàng hóa ở Cà Mau hiện nay thật sự khởi sắc, khi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh trở thành điểm nhấn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh.

Phương Vũ