Làm phân bón từ rác

Tận dụng nguồn rác thải từ sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, nhiều mô hình trồng rau, cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xử lý, chế biến thành phân bón để bón cho cây. Việc biến rác thải hữu cơ trở thành nguồn “thức ăn” giàu dinh dưỡng không chỉ giúp cây phát triển tốt mà còn tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần làm sạch môi trường.

Mô hình ủ phân vi sinh làm từ rác thải hữu cơ của gia đình bà Nguyễn Thị Nhài, thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng (Yên Lạc) góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường. Ảnh: Nguyễn Lượng

Tiết kiệm chi phí phân bón cho cây trồng...

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Sở TN&MT, hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 830 tấn/ngày, trong khi đó, tỷ lệ thu gom rác thải ở khu vực đô thị đạt 94%, khu vực nông thôn chỉ đạt 74%.

Tình trạng xử lý rác thải tại một số khu dân cư còn phức tạp, việc phân loại và xử lý rác vẫn theo phương thức thủ công, thiếu chuyên nghiệp; nhất là các khu vực nông thôn, một số nơi chưa có lò đốt rác, dẫn đến rác ùn ứ lâu ngày, gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng đó, một số trang trại, hộ gia đình trồng rau, cây ăn quả đã tận dụng một số loại rác thải hữu cơ, ủ thành phân để bón cho cây trồng. Giải pháp này được đánh giá là “nhất cử lưỡng tiện”, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình trồng nho Hạ đen, bưởi và dưa lưới trên diện tích 2 ha, ở thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng (Yên Lạc), chị Nguyễn Thị Nhài, chủ mô hình cho biết: “Sau khi tham quan, tìm hiểu phương pháp ủ rác bằng men vi sinh vật để tạo phân bón tại Trường đại học Nông - Lâm Bắc Giang, vợ chồng tôi quyết định thử nghiệm triển khai mô hình này tại trang trại của gia đình.

Từ kiến thức học được, chúng tôi bắt đầu thu mua rơm, rạ, cá thải tại các ao, đầm trên địa bàn và tận dụng một số loại rác thải hữu cơ trong sinh hoạt hàng ngày của gia đình để làm nguyên liệu ủ phân.

Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, hiệu quả không đạt được như mong muốn. Sau 2 lần thất bại, hiện nay, mỗi tháng, tôi đều thu mua gần 200 kg cá thải về để ủ phân. Vụ mùa vừa qua, tôi thuê nhân công đi thu gom thêm hàng chục tấn rơm, rạ về làm nguyên liệu.

Tùy từng loại nguyên liệu, nếu là rơm, rạ, thực vật chỉ cần ủ từ 3 - 4 tháng, với cá và các loại thịt hữu cơ, thời gian ủ từ 5 - 6 tháng. Với việc tận dụng rác thải để ủ phân, mỗi năm, gia đình tôi tiết kiệm được gần 50% chi phí phân bón cho cây, mà loại phân bón này được đánh giá là giàu chất dinh dưỡng”.

Được biết, năm 2019, sau khi trừ các chi phí, 2 ha cây ăn quả thu về cho gia đình chị Nhài hơn 400 triệu đồng. Đã có nhiều người tìm đến trang trại của gia đình chị để học hỏi phương pháp ủ phân vi sinh từ rác. Gia đình cũng có ý định truyền đạt, nhân rộng mô hình này tại các địa phương lân cận, trước mắt sẽ hỗ trợ người dân xã Tam Hồng nhân rộng mô hình.

... đến bảo vệ môi trường sống

Không chỉ mô hình trang trại với quy mô lớn, ngay tại các hộ gia đình trồng rau màu với quy mô nhỏ, một số hộ cũng đã áp dụng mô hình ủ phân từ rác. Gia đình anh Đỗ Tiến Thành, ở tổ dân phố Thanh Giã 1, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) là một trong số đó.

Tận dụng rác thải sinh hoạt hàng ngày của gia đình, anh Thành đã xây dựng mô hình ủ phân bằng men vi sinh phục vụ cho việc trồng rau sạch trên sân thượng. Theo chia sẻ của anh: “Từ thực tế nhiều trường hợp lạm dụng hóa chất để trồng rau xanh cung ứng ra thị trường, gây nguy hại cho người tiêu dùng, năm 2017, tôi bắt đầu triển khai mô hình tháp rau xanh trên sân thượng, cung cấp rau sạch cho bữa ăn gia đình.

Sau khi tìm hiểu phương pháp ủ phân vi sinh từ rác thải hữu cơ, nhận thấy lợi ích kép mà giải pháp này mang lại, tôi đã nghiên cứu, chế tạo thùng ủ rác để bón cho rau. Hàng ngày, các loại rác như rau, củ, quả hỏng; bã chè, cà phê; vỏ trái cây, cuống rau; cơm thừa canh cặn của gia đình... thậm chí lá cây rụng cũng được tôi thu gom để ủ phân. Sau khi trộn rác với men vi sinh, thời gian ủ vào khoảng 2 tháng. Sau mỗi lần thu hoạch, chỉ cần trồng cây trên đất đã thu hoạch, tưới nước và bón bổ sung phân vi sinh lấy từ quá trình ủ rác mà không cần dùng thêm bất cứ loại phân bón nào khác”.

Từ ngày áp dụng mô hình trồng rau sạch bằng phân vi sinh làm từ rác, gia đình anh Thành vừa có rau sạch để ăn, lại tận dụng được nguồn rác thải bỏ đi, tiết kiệm được chi phí, giảm tải gánh nặng cho đơn vị dọn vệ sinh môi trường. Qua theo dõi, lượng rác thải của gia đình anh giảm đáng kể, từ 2 kg/ngày xuống còn khoảng 0,2 kg/ngày.

Từ những lợi ích thiết thực mà mô hình đem lại, anh Thành hy vọng trong thời gian tới, mô hình của mình sẽ được nhiều người biết đến và nhân rộng, bởi mô hình rất dễ áp dụng, lại an toàn cho sức khỏe, bảo vệ môi trường, thích hợp với người dân thành phố có nhu cầu trồng rau màu trên diện tích đất nhỏ hẹp.

Theo đánh giá từ Sở TN&MT, mô hình trồng rau, cây ăn quả bằng phân vi sinh làm từ rác giúp mỗi gia đình giảm từ 70 - 80% lượng rác thải hữu cơ phải chôn lấp hoặc thu gom, xử lý. Đồng thời, việc áp dụng mô hình cũng thể hiện ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người, giúp người dân tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, chi phí sản xuất, đảm bảo môi trường sống từ những điều nhỏ nhất của cuộc sống.

Hoàng Sơn

Nguồn: http://vietlinh.vn/tin-tuc/2020/tam-nong-2020-s.asp?ID=258