Liên kết hợp tác để hướng đến sản xuất được bền vững.

       Hiện nay xu thế tiêu dùng nông sản trên thế giới hay người dân trong nước có mức sống cao, có kiến thức và quan tâm sức khỏe đều hướng đến nông sản sạch, nông sản hữu cơ nhằm đáp ứng được những yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, nên người sản xuất trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, họ hướng đến sản xuất nông sản sạch và bền vững bằng nhiều hình thức hợp tác mới.

       Sản xuất nông sản sạch, bền vững sẽ bao gồm nhiều vấn đề phải vượt qua, như tạo ra sản phẩm hàng hóa sạch có tính cạnh tranh, giá thành thấp, chất lượng cao, bảo vệ được môi trường, môi sinh trong các khâu sản xuất nhằm đạt hiệu quả kinh tế và lợi ích xã hội nhiều mặt; có nhãn hiệu được bảo hộ và dần hình thành thương hiệu uy tín để có thị trường ổn định.

       Tỉnh Cà Mau ta có cơ cấu là ngư nông lâm nghiệp- công nghiệp- dịch vụ, mà nông dân đang chiếm đa số, có vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên dù được thiên nhiên ưu đãi, tùy đối tượng cây con nông dân tỉnh Cà Mau có thể bố trí sản xuất theo mùa quanh năm và năng suất cây trồng vật nuôi luôn thu được khá cao, nhưng hiệu quả kinh tế thường không cao, hay gặp cảnh được mùa mất giá, đụng hàng dội chợ…, là do thiếu sự tổ chức bài bản, hợp lý theo hướng sản xuất bền vững bằng sự liên kết chuỗi sản phẩm phù hợp.

       Sản xuất bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp ngày nay cần được hiểu là phải tạo ra không chỉ những sản phẩm nông sản hàng hóa sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn phải đảm bảo được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, duy trì được nguồn nguyên liệu có tính đa dạng sinh học cao trong suốt quá trình canh tác, thu hoạch, tồn trữ, bảo quản và chế biến… để duy trì tái sản xuất nhằm đảm bảo có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững và đạt hiệu quả kinh tế. Từ đó sẽ đảm bảo được lợi ích nhiều mặt cho xã hội, mà để đạt được các tiêu chí này thì yếu tố tổ chức sản xuất là rất quan trọng.

Phân bón đầu trâu được sử dụng nhiều cho cánh đồng mãu lớn

       Bởi lẽ, nông sản hàng hóa sạch là không tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, kim loại nặng, kháng sinh, chất kích thính tăng trưởng tế bào… Vì thế trong suốt các quá trình canh tác, nuôi trồng, các khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến…cần hạn chế, tránh sử dụng các loại trên, và cũng cần đề phòng, khắc phục không để bị chúng nhiểm vào sản phẩm. Nhưng muốn đạt được các vấn đề kỳ vọng này thì một hộ cá nhân, một doanh nghiệp hay một tổ chức sản xuất đơn độc, nhỏ lẻ sẽ khó có thể thực hiện thành công, mà cần phải có sự tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi sản phẩm để có sự giám sát, kiểm tra, nhắc nhở nhau về tất cả các mặt liên quan đến chất lượng sản phẩm của tổ chức theo các quy chế, quy trình quản lý đã được soạn thảo, ban hành thống nhất thì mới đảm bảo cho việc sản xuất kinh doanh đạt mục tiêu bền vững.

       Nông nghiệp Cà Mau rất phong phú về chủng loại các sản phẩm hàng hóa, nhiều thứ đã có nhãn hiệu được bảo hộ và thành thương hiệu có tiếng, như tôm khô, cá khô bổi, cá khô khoai, mật ong, dưa bồn bồn, mắm cá lóc… Nhưng chuyện đảm bảo chất lượng ổn định, an toàn, bền vững và việc khai thác phát huy chưa được tốt như mong muốn, là do thiếu khâu tổ chức hợp tác phù hợp trong sản xuất, thiếu sự liên kết theo chuỗi hợp lý trong chế biến, tiêu thụ, và lợi nhuận phân bổ không công bằng giữa các thành viên thực hiện từng khâu trong chuỗi, nên chưa quản lý tốt được chất lượng sản phẩm, thị trường không ổn định, hiệu quả kinh tế còn thấp, từ đó thu nhập và đời sống người nông dân trực tiếp sản xuất chưa cao.

       Giải pháp

       Để bảo vệ tính bền vững trong sản xuất nông ngư nghiệp thì từng địa phương căn cứ lợi thế riêng cần có hướng quy hoạch sản phẩm, vùng canh tác sản xuất, thị trường sẽ tiêu thụ, mùa vụ xuất bán phù hợp... Rồi chọn mô hình hợp tác phù hợp tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết thành chuỗi sản phẩm và có sự phân công từng công đoạn sản xuất theo lợi thế riêng… Và điều quan trọng nhất là cần chọn người đứng đầu tổ chức sản xuất đó phải có kiến thức, nhiệt tình, có trình độ về nhiều mặt, có đầu óc tổ chức, tầm nhìn kinh tế, xã hội…

       Khi có sự tổ chức liên kết phù hợp trong các quá trình sản xuất tiêu thụ, thì vì mục tiêu chung các thành viên ở các khâu sản xuất sẽ có sự kiểm soát, giám sát, nhắc nhỡ, hỗ trợ nhau để ngăn chặn các hành vi sẽ khiến sản phẩm không đạt các tiêu chuẩn chất lượng như yêu cầu.

       Và cần có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư nhiều mặt nhất là ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ và công nghệ thông tin vào các khâu sản xuất.

       Biện pháp trước mắt

       Phải tổ chức cho nông dân tham quan học tập tìm hiểu ở nhiều nơi có mô hình sản xuất bền vững, hiệu quả, hay tham quan siêu thị, chợ hiện đại để có nhận thức mới về nhu cầu, xu hướng tiêu dùng mới, cho họ tham dự hội thảo, tham quan mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất hữu cơ, dự các lớp tập huấn kỹ thuật…

       Khi về địa phương cần tổ chức tọa đàm, họp dân, họp thành viên tổ hợp tác, xã viên, sinh hoạt câu lạc bộ theo chuyên đề hữu ích, hay hội nghị cơ sở để bàn bạc hướng sản xuất mới, trao đổi kinh nghiệm sản xuất theo hướng làm ăn lớn bền vững cho từng loại cây con, từng mùa vụ, tùy từng thị trường và có phân công cho từng nông hộ thành viên tùy lợi thế, điều kiện riêng một cách hài hòa, phù hợp./.

Mục đồng