Lồng ghép giáo dục về tài nguyên môi trường biển đảo cho trẻ mẫu giáo

       1. Đặt vấn đề

       Giáo dục bảo vệ tài nguyên môi trường biển đảo cho học sinh cần thực hiện từ khi các em học mẫu giáo. Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia trong và ngoài ngành giáo dục cũng như các giáo viên mầm non. Tuy nhiên, thực tế ở các trường mầm non, giáo dục tài nguyên môi trường biển đảo chỉ được đưa vào một số tiết học và hoạt động ngoại khoá, giáo viên chưa thực sự khéo léo trong việc lồng ghép thường xuyên chủ để này vào trong các bài giảng. Tài nguyên môi trường biển đảo có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người. Trẻ mầm non là thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Tuy nhiên, trẻ chưa có nhiều cơ hội được làm quen, tìm hiểu về tài nguyên môi trường biển đảo. Do đó ý thức, thói quen, hành vi bảo vệ tài nguyên môi trường biển đảo chưa hình thành trong cộng đồng học sinh. Đề tài “Lồng ghép giáo dục về tài nguyên môi trường biển đảo cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi thông qua các hoạt động” được thực hiện nhằm mục đích trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về tài nguyên môi trường biển đảo mà thông qua đó còn giáo dục các em tình yêu quê hương, đất nước, đặc biệt là tình yêu biển đảo; biết công lao to lớn của các chú bộ đội ngày đêm canh giữ đất, trời, biển, đảo xa, giữ hòa bình cho quê hương, đất nước để các cháu được vui chơi, học tập; bước đầu hình thành cho trẻ ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường biển đảo Việt Nam.

Giờ học ngoại khóa của trường mầm non Hương Tràm

       2. Chuẩn bị của giáo viên

       - Sưu tầm, tìm hiểu các tài liệu về tài nguyên và môi trường biển đảo.

       - Sưu tầm đủ đồ dùng, đồ chơi về sinh vật biển: tôm, cua, cá, mực, sao biển, tảo biển, san hô…

       - Máy vi tính, máy chiếu, máy ảnh.

       3. Một số phương pháp lồng ghép giáo dục về tài nguyên môi trường biển đảo cho trẻ mẫu giáo thông qua các hoạt động

       3.1 Phương pháp quan sát

       Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin soạn giáo án điện tử để trình chiếu cho trẻ xem một số hình ảnh, video liên quan đến tài nguyên môi trường biển đảo như hình ảnh một số bãi biển, đảo, du lịch biển, lợi ích của biển các hoạt động trên biển, ô nhiễm môi trường biển... tạo cơ hội để trẻ sử dụng những kinh nghiệm đã có vào việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống của trẻ.

       3.2 Dùng câu hỏi đàm thoại

       Với từng bài dạy tôi đưa ra hệ thống câu hỏi đã chuẩn bị có tính lôgic, chính xác, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu để đàm thoại với trẻ một cách sôi nổi theo phương trâm: “lấy trẻ làm trung tâm” để phát huy trí tưởng tượng, những cảm xúc của trẻ, tính liên hệ thực tiễn, đồng thời khích lệ trẻ suy nghĩ, chia sẻ ý tưởng, bộc lộ cảm xúc. Từ đó giáo dục cho trẻ có ý thức, hành vi, thói quen bảo vệ tài nguyên môi trường biển đảo.

        3.3 Phương pháp trò chơi

       Trò chơi được xem là kỹ năng, là nhu cầu không thể thiếu trong các sinh hoạt và hoạt động tập thể với trẻ mầm non hiện nay. Trò chơi còn là một phương tiện giáo dục giúp trẻ dễ tiếp thu nhất nhờ các tình huống chơi hấp dẫn đồng thời giúp trẻ củng cố, chính xác hoá các biểu tượng, phát triển ngôn ngữ và hình thành các biểu tượng mới, rèn luyện con người nâng cao phẩm chất và hình thành nhân cách, xây dựng đức tính tốt.

       3.4 Tuyên truyền, vận động phụ huynh cùng tham gia giáo dục trẻ

       Ở lứa tuổi mầm non, trẻ học bằng phương pháp soi gương nên người lớn luôn luôn là tấm gương sáng cho trẻ noi theo.Tuyên truyền, vận động phụ huynh về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên môi trường biển đảo trong cuộc sống hàng ngày; nhắc nhở phụ huynh cùng tham gia thực hiện bằng khẩu hiệu “Hãy phủ xanh ngôi nhà của chúng ta” bằng biện pháp trao đổi trực tiếp, trao đổi qua bảng tuyên truyền của lớp.

       Tôi cũng phát động phong trào thu gom phế liệu để làm đồ dùng đồ chơi. Phụ huynh học sinh cũng rất ủng hộ, cô và trò cùng làm được nhiều đồ dùng, đồ chơi bổ sung vào các góc. Tôi nghĩ đó là con đường ngắn nhất để giáo dục trẻ bảo vệ môi trường.

       3.5 Nâng cao ý thức tự bồi dưỡng về tài nguyên môi trường biển đảo

       Với phương châm “mỗi người giáo viên là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo” tôi nghĩ rằng trước tiên chúng ta phải không ngừng học hỏi, tìm hiểu, theo dõi cập nhật thông tin về tình hình tài nguyên môi trường biển đảo của nước ta đang ngày càng diễn biến phức tạp. Để từ đó giáo viên có được những thông tin hữu ích để truyền đạt lại cho thế hệ học sinh thân yêu.

       4. Tổ chức lồng ghép một số phương pháp giáo dục bảo vệ tài nguyên môi trường biển đảo thông qua hoạt động học: Khám phá môi trường xung quanh về chủ đề quê hương đất nước

        * Hoạt động 1: Gây hứng thú

       - Cô cho trẻ hát bài “Chú bộ đội hải quân”

       - Các con vừa hát bài hát nói về ai?

       - Các con đã nhìn thấy chú bộ đội hải quân bao giờ chưa?

       - Nhìn thấy ở đâu? Hãy kể về các chú bộ đội hải quân mà các con nhìn thấy?

       - Chú bộ đội hải quân làm nhiệm vụ gì?

       - Giáo dục trẻ phải biết yêu quý kính trọng chú bộ đội hải quân, yêu quý, bảo vệ biển đảo quê hương…

       * Hoạt động 2: Ta cùng khám phá

       * Cho trẻ quan sát hình ảnh về biển đảo Việt Nam, một số khu du lịch biển, các nghề trên biển.

       - Cô trò chuyện và hỏi trẻ:

       - Các con chú ý nhìn xem cô có những hình ảnh gì?

       - Con đã được đi dụ lịch ở những bãi biển, hòn đảo nào?

       - Biển, đảo đó ở tỉnh/thành phố nào? Ở biển có những gì?

       - Những phương tiện giao thông nào đi lại trên biển?

       - Con có được tắm biển không? Con thấy sóng biển như thế nào?

       - Mọi người đã làm gì khi ở biển?

       *  Ích lợi của biển đảo là gì?

       Cô gợi ý một số trẻ trả lời:

       - Biển cung cấp gì cho chúng ta?

       - Cung cấp nguyên liệu để làm gì?

       - Còn phát triển nghề gì nữa?

       + Cung cấp thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho con người (Cá, cua, tôm…)

       + Cung cấp nguyên liệu để làm thuốc chữa bệnh cho con người (Rong, tảo)

       +  Khu du lịch để tham quan, nghỉ ngơi, tắm mát

       - Phát triển các nghề gì? (Nuôi tôm, cá, cua, nghề đánh bắt cá, chế biển nước mắm, cá tôm đông lạnh, nghề làm muối từ biển…)

       - Giao thông trên biển giúp mọi người như thế nào?

       (Giúp mọi người và tàu thuyền đi lại, cảng biển nơi bốc dỡ hàng hóa)

       - Cung cấp nguồn năng lượng sạch

       + Gió giúp tàu thuyền chạy trên biển

       + Biển có các mỏ dầu

       * Cho trẻ quan sát hình ảnh về cách đánh bắt cá bằng mìn, các dãy san hô bị chết do nước thải của các nhà máy đổ thẳng ra biển…

       - Vừa rồi các con đã được xem hình ảnh môi trường biển đảo bị ô nhiễm, vậy điều gì sẽ xảy ra nếu môi trường biển đảo bị ô nhiễm ngày càng nặng? (Làm suy giảm nguồn lợi thủy sản do sinh vật biển bị chết; bãi biển bị ô nhiễm ảnh hưởng đến ngành du lịch…)

       - Bạn nào giỏi cho cô biết nguyên nhân gây ô nhiễm làm ảnh hưởng biển đảo? (Do rác thải: Rác thải của mọi người khi đi du lịch xả xuống biển, do rác thải của các khu công nghiệp, rác thải sinh hoạt của người dân không được xử lý đổ thẳng ra biển; do tràn dầu: Tàu bè đi lại trên biển làm tràn dầu, hoặc những vụ chìm tàu, đắm tàu do bão, lốc…; do chặt phá cây: con người chặt phá cây trồng ven biển; do con người khai thác cạn kiệt tài nguyên biển: đánh bắt cá tùy tiện, khai thác các loài tảo, rong biển quá mức … làm cạn kiệt tài nguyên biển, một số loài động thực vật biển có nguy cơ bị tuyệt chủng)

       - Khi ra biển chơi thấy có nhiều rác ở đó con sẽ làm gì?

       - Nếu thấy một bạn nhỏ đang vứt rác ra biển, con sẽ nói gì với bạn? 

       - Tại sao cần tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường biển đảo?

       (Vì như vậy biển đảo sẽ sạch, đẹp không bị ô nhiễm, con người có thể đi đến nhiều các khu du lịch để tham quan, nghỉ ngơi, tắm mát mà không sợ bị bẩn, các loại động thực vật trên biển sẽ không bị chết mà sinh sôi, phát triển cung cấp nhiều thức ăn dưỡng chất và nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh cho con người)

       - Vậy chúng ta phải làm gì bảo vệ môi trường biển đảo? (Phải biết trồng nhiều cây xanh, không vức rác bừa bãi khi đi tham quan du lịch, không đánh bắt bừa bãi, không vức xác động vật chết xuông sông, xuống biển…)

       * Hoạt động 3: Trò chơi “Chọn đúng theo yêu cầu của cô”

       Mục đích giúp trẻ nhận biết lợi ích của biển, rèn luyện khả năng nhanh nhẹn của trẻ.

       + Cách chơi: Chia trẻ làm 3 đội, mỗi đội có 1 tấm bảng gắn tranh về biển, 1 rổ đựng tranh lô tô về sinh vật sống dưới biển, các nghề trên biển, khu du lịch biển. Ví dụ khi cô yêu cầu đội 1 gắn tranh về cảnh du lich trên biển thì đội đó phải  gắn tranh đúng theo yêu cầu của cô. Khi có hiệu lệnh của cô thì bạn đầu hàng sẽ chọn tranh cần gắn lên bảng và chạy về phía sau cùng của đội, tương tự bạn thứ 2 cũng vậy cho đến khi hết giờ chơi.                 

       + Luật chơi: Đội nào gắn đúng và nhiều sẽ là đội thắng cuộc. 

       Tính hiệu quả và khả thi

       Qua thời gian thực hiện sáng kiến lồng ghép giáo dục tài nguyên và môi trường biển đảo cho 40 trẻ 5-6 tuổi lớp Lá 3 Trường Mầm non Thị trấn Năm Căn thu được kết quả sau:

STT

Chỉ tiêu khảo sát

Trước khi lồng ghép

Sau khi lồng ghép

Số lượng

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %

1

Biết tên 1 số bãi biển, đảo nổi tiếng của nước ta

14

35

36

90

2

Biết chăm sóc và bảo vệ cây

26

65

37

92.5

3

Biết giữ gìn trật tự vệ sinh công cộng, vệ sinh trường lớp

23

57,5

34

85

4

Biết cất dọn đồ dùng, đồ chơi đúng nơi quy định

22

55

40

100

5

Không vứt rác ra đường, biết gom rác vào thùng rác

25

62,5

40

100

       Như vậy, sau khi áp dụng các phương pháp lồng ghép giáo dục tài nguyên môi trường biển đảo cho trẻ thông qua các hoạt động học, phân tích các chỉ tiêu khảo sát cho thấy trẻ đã có sự chuyển biến rõ rệt. Số trẻ biết tên một số bãi biển, đảo nổi tiếng của nước ta tăng từ 14 lên 36 trẻ. Trẻ biết chăm sóc và bảo về cây tăng thêm 11 trẻ. Tỉ lệ trẻ biết giữ gìn trật tự vệ sinh công cộng, vệ sinh trường lớp tăng 27,5%. Tất cả 100% trẻ đều biết cất dọn đồ dùng, đồ chơi đúng nơi quy định và biết không vứt rác ra đường, biết gom rác vào thùng rác. Bên cạnh đó, trẻ được khích lệ trí tưởng tượng, sự tò mò, trẻ có hứng thú học, tiếp thu kiến thức nhanh. Trẻ có ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Và trẻ bước đầu có khái niệm về tài nguyên môi trường biển đảo của nước ta và phát triển tình yêu quê hương đất nước.

       Kết luận

       Từ những việc làm cụ thể và những kết quả đã đạt được tôi thấy rằng để làm tốt công tác giáo dục và bảo vệ tài nguyên môi trường biển đảo trong trường mầm non giáo viên không những phải nắm chắc nội dung này, mà phải biết vận dụng các phương pháp giáo dục một cách linh hoạt và thực hiện nghiêm túc, phải giáo dục trẻ một cách thường xuyên, tạo cơ hội để trẻ được tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Điều quan trọng, giáo viên phải luôn gương mẫu cho trẻ làm theo, luôn có ý thức hướng dẫn và nhắc nhở trẻ kiên trì thực hiện những việc làm hàng ngày có ý nghĩa bảo vệ môi trường. Là một người giáo viên mầm non tôi nhận ra một điều thật quan trọng trong công việc của mình là cần phải giáo dục cho trẻ ngay từ bậc học mầm non ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ tài nguyên môi trường biển đảo. Điều này vô cùng quan trọng trong đời sống của trẻ sau này, đó là nền tảng cho sự hiểu biết về toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, bảo vệ và phát triển bền vững biển đảo Việt Nam.

Mai Thị ThắmTrường Mầm non Thị trấn Năm Căn