Luân canh một vụ lúa, một vụ tôm - Mô hình sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu ở Cà Mau.

       Nằm ở cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau có diện tích tự nhiên 522.119 ha, dân số hơn 1,2 triệu người. Sau hơn mười năm thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ nông - ngư - lâm nghiệp sang ngư - nông - lâm nghiệp, nông nghiệp, nông thôn Cà Mau đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và khá toàn diện.

       Cà Mau là địa phương có hai hệ sinh thái đặc trưng mặn, ngọt tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi tôm và trồng lúa, với hơn 300.000 ha nuôi trồng thủy sản, trên 80.000 ha đất sản xuất lúa. Sau nhiều năm thực hiện công tác khuyến nông, hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đã góp phần tăng nâng cao năng suất, sản lượng lúa và nuôi trồng thủy sản không ngừng phát triển. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất kết hợp với sản xuất đa canh đã trở thành hướng chuyển dịch có hiệu quả, mở ra triển vọng phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện và bền vững cho Cà Mau.

Mô hình Lúa-Tôm hiệu quả bền vững. Ảnh Tg

       Tuy nhiên, tỉnh Cà Mau đã và đang chịu tác động rất lớn của biển đổi khí hậu, nhất là tình hình xâm nhập mặn, nước biển dâng, hạn hán... ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân, đặc biệt là các vùng sản xuất lúa. Từ đó, Cà Mau đã dần hình thành và phát triển các loại hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó sản xuất tôm - lúa là một trong những mô hình sinh kế khá bền vững cho những vùng chuyên canh lúa trước đây bị nhiễm mặn.

       Sau khi có chủ trương chuyển dịch, đặc biệt từ khi Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ngành Nông nghiệp Cà Mau đã tập trung rà soát diện tích bị nhiễm mặn, sản xuất 2 vụ lúa kém hiệu quả để chuyển sang sản xuất 1 vụ tôm, 1 vụ lúa, đầu tư hạ tầng thủy lợi... tạo điều kiện để mô hình sản xuất lúa - tôm được triển khai và nhân rộng ở những nơi có điều kiện. Đặc biệt nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm, lúa tỉnh Cà Mau giai đoạn 2009 - 2012 và định hướng đến năm 2015”.

       Trung tâm Khuyến nông Cà Mau là một trong những đơn vị tham gia thực hiện Đề án, trong thời gian qua, đã triển khai nhiều hoạt động như thông tin, tuyên truyền, tư vấn, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật,  xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả,… nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Đặc biệt là xây dựng thành công những cánh đồng lớn luân canh lúa – tôm từ năm 2012 đến nay, đã từng bước làm chuyển biến nhận thức trong phát triển sản xuất của người dân, đã thay dần các tập quán sản xuất cá thể, nhỏ lẻ, hình thành liên kết cộng đồng, sản xuất có trách nhiệm, tạo được môi trường ổn định, thuận lợi cho sự phát triển của tôm và cây lúa, tiến tới việc sản xuất bền vững thân thiện với môi trường.

       Nông dân đã nhận thức được hiệu quả của việc trồng lúa trên đất nuôi tôm có tác dụng rất lớn đến môi trường sinh sống của con tôm, bộ rễ cây lúa sẽ cải tạo đất thông qua quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng, mùn bã hữu cơ, các chất thải của vụ tôm để phát triển, đồng thời qua đó giúp khoáng hóa lại mặt đất, trả lại độ phì nhiêu cho đất, do đó người trồng lúa chỉ bón một lượng phân nhỏ là đáp ứng được nhu cầu phát triển của cây lúa, cây lúa ít sâu bệnh, hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu quản lý dịch hại bằng phương pháp IPM, làm giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất lúa và chất lượng hạt gạo rất cao do rất ít sử dụng hóa chất.

       Việc trồng lúa cũng là biện pháp ngăn chặn và cách ly các loại virus, vi khuẩn gây hại cho tôm và làm suy giảm sự lưu chuyển của dịch bệnh từ đó sẽ hạn chế dịch bệnh trên tôm. Ngược lại, nuôi tôm sau vụ lúa con tôm sẽ sử dụng tất cả những phụ phẩm của cây lúa để lại sẽ giúp con tôm có nhiều thức ăn tự nhiên, nền đáy vuông được khoáng hóa nên các chất độc gây hại như: khí NH3, H2S..., cho tôm giảm từ đó hạn chế được tình trạng vùng nuôi tôm bị suy thoái do đất bị ngập mặn lâu, đồng thời giúp ngăn cắt mầm bệnh trong vuông nuôi, môi trường nuôi ổn định, khi nuôi tôm không cần sử dụng nhiều thuốc, hóa chất, hạn chế chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng cao.

       Có thể nói, mô hình tôm lúa được xem là bền vững đối với vùng bị xâm nhập mặn ở tỉnh Cà Mau. Năng suất lúa trung bình đạt 4- 4,5 tấn/ha, năng suất tôm đạt 300 - 500 kg/ha, lợi nhuận bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha/năm, nếu thời tiết thuận lợi, có thể đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.

       Đây chính là kết quả của sự kết hợp giữa kinh nghiệm của nông dân và nhà khoa học đã mang lại lợi ích, hiệu quả kinh tế rõ rệt, vừa đáp ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm, hài hòa với môi trường tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và đã tận dụng được 2 đối tượng nuôi trồng trong một hệ sinh thái, trên cùng một diện tích. Con tôm sống trong môi trường nước mặn vào mùa nắng, đến mùa mưa những thức ăn thừa, chất thải của con tôm sẽ được tận dụng dùng để làm phân cung cấp cho cây lúa, cây lúa sống sẽ hút chất dinh dưỡng, chất thải của tôm trước đó để phát triển, như vậy  nông dân vừa có tôm, vừa có lúa. Mặt khác, hệ thống canh tác luân canh lúa - tôm giúp hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo từng thời điểm và mùa vụ trong năm, thích ứng với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí tượng thủy văn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra được chuỗi sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm phù hợp với sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thêm thu nhập cho người nông dân Cà Mau.

       Mặc dù sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm ở Cà Mau đạt kết quả khả quan nhưng trong sản xuất vẫn còn gặp phải những khó khăn, đó là diễn biến thời tiết, ngày càng cực đoan, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc theo chiều hướng tiêu cực, trong khi đó sản xuất lúa ở Cà Mau hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, sản xuất vụ tôm đôi lúc chưa ổn định theo từng điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn xảy ra, chất lượng con giống không đảm bảo, khả năng tiếp nhận và áp dụng các kỹ thuật mới vào đồng ruộng của nông dân không đồng đều, một số người dân chưa thật sự quan tâm đến việc trồng một vụ lúa, chỉ trồng cho có, không chăm sóc để có năng suất và thu hoạch...

       Để phát triển mô hình luân canh tôm lúa theo hướng nâng cao hiệu quả, bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Cà Mau cần thực hiện tiếp tục các đồng bộ các giải pháp, cụ thể là:

       - Rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất lúa - tôm;

       - Điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, chính sách quản lý và sử dụng đất sản xuất lúa, chính sách phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm;

       - Tăng cường đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất, hệ thống quan trắc môi trường đảm bảo quản lý chất lượng nước phù hợp với trồng lúa, nuôi tôm;

       - Nâng cao năng lực sản xuất và quản lý chất lượng tôm giống, chọn, lai tạo các giống lúa chịu mặn, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với thổ nhưỡng từng địa phương;

       - Tăng cường tập huấn kỹ thuật, vận động thực hiện và nhân rộng việc ương tôm giống trước khi thả nuôi;

       - Xây dựng thương hiệu gạo sạch, tôm sạch, chất lượng cao để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm...

Trung tâm Khuyến nông Cà Mau