Mô hình sản xuất muối chất lượng cao ở Tân Thuận cần được nhân rộng để diêm dân nâng cao lợi nhuận và gắn bó hơn với nghề.

            Xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau có khoảng 80 hộ làm nghề muối, với diện tích trên 180 ha, chủ yếu tập trung tại ấp Lưu Hoa Thanh. Đây là xã duy nhất trong tỉnh Cà Mau làm muối hơn 30 năm nay.

            Sản xuất muối vất vả, cực nhọc, nhưng thu nhập thấp và không ổn định do công nghệ sản xuất lạc hậu, theo kiểu cha truyền con nối. Hầu hết các công đoạn làm muối ở đây vẫn duy trì theo phương pháp thủ công, truyền thống; cơ sở hạ tầng xuống cấp, không được tu sửa thường xuyên; lao động làm muối thiếu kiến thức khoa học - kỹ thuật nên sản lượng và năng suất không cao, chất lượng thấp do lẫn nhiều tạp chất, hàm lượng Natri clorua không đạt tiêu chuẩn dùng trong công nghiệp.

            Khâu tiêu thụ muối còn khá bấp bênh, nên việc “được mùa, mất giá” thường xảy ra. Bên cạnh đó, dưới tác động của biến đổi khí hậu,với những cơn mưa trái mùa làm cho việc sản xuất muối ở Tân Thuận là nghề có rủi ro cao, đời sống diêm dân hết sức khó khăn...Vì vậy, diêm dân mong chờ được đầu tư, tiếp thu khoa học công nghệ mới, để nâng cao năng suất, sản lượng muối, và hạ giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập.

            Năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đã thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất muối chất lượng cao” trên 01 ha, cho 01 hộ diêm dân là ông Trần Văn Ngộ thuộc Tổ hợp tác Đoàn kết, tại ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

            Mô hình thực hiện vào từ tháng 11 năm 2017 đến tháng 01 năm 2018, đã hỗ trợ ông Trần Văn Ngộ trải 1.545 m2 bạt HDPE ở sân kết tinh, hệ thống bơm nước (máy bơm và ống PVC) và chòi canh.

            Ngoài việc hướng dẫn diêm dân xây dựng Tổ hợp tác sản xuất muối sạch để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông đã hướng dẫn hộ thực hiện mô hình áp dụng phương pháp phơi nước muối đã cô đặc trên nền bạt HDPE, cải thiện chất lượng sản phẩm vì muối phơi trên nền bạt HDPE sẽ trắng và ít tạp chất hơn; Tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ thuật cho diêm dân trong mô hình (với 27 người tham dự) và ngoài mô hình (36 người tham dự).

            * Kết quả: Thời gian kết tinh cho 3 đợt tổng cộng 23 ngày, gồm:

            - Đợt 1: 08 ngày, sản lượng thu: 23.345 kg.

            - Đợt 2: 07 ngày, sản lượng thu: 21.200 kg.

            - Đợt 3: 08 ngày, sản lượng thu: 24.560 kg.

            Tổng cộng sản lượng muối thu: 69.105 kg

            * So với diện tích sản xuất muối đối chứng không trải bạt: Thời gian kết tinh cho 2 đợt tổng cộng 30 ngày, gồm:

            - Đợt 1: 15 ngày, sản lượng thu: 22.000 kg.

            - Đợt 2: 15 ngày, sản lượng thu: 22.000 kg.

            Tổng cộng sản lượng muối thu: 44.000 kg

Trải bạt trên sân kết tinh muối cho năng suất và chất lượng muối cao hơn so với trên nền đất

          Mô hình đạt kết quả tốt vì đã cải thiện được năng suất và chất lượng sản phẩm. Muối phơi từ sân trải bạt có năng suất cao hơn muối phơi từ sân đất truyền thống 25,105 tấn/ha (tăng 1,57 lần), vì phơi trên sân trải bạt đen hấp thu mạnh năng lượng bức xạ mặt trời, dẫn đến quá trình bốc hơi nhanh hơn sân kết tinh truyền thống nên nhanh khô và tránh được thất thoát trong khi phơi. Với ruộng trải bạt, thời gian thu hoạch từ 7 – 10 ngày, nhanh hơn so với không trải bạt khoảng 5 ngày. Chất lượng muối trên sân trải bạt cho hạt muối trắng tinh, khô chắc, lẫn ít tạp chất (muối sản xuất từ sân kết tinh truyền thống trắng ngà, nhiều tạp chất) nên giá bán được cao hơn từ 700 – 800 đồng/kg (tính tại thời điểm thu hoạch và bán cho Công ty CP Muối Bạc Liêu).

            Qua thực tế cho thấy chi phí làm sân kết tinh truyền thống khoảng 22.800.000 đồng/ha (chi phí cố định được tính khấu hao trong 5 năm là 4.560.000 đồng/năm); Chi phí làm sân phơi trải bạt HDPE khá cao, hết 151.800.000 đồng/ha (chi phí cố định được tính khấu hao trong 5 năm là 30.360.000 đồng/năm). Ngược lại, chi phí lưu động khi sản xuất muối đất khoảng 30.200.000 đồng/ha/năm, trong khi chi phí lưu động khi sản xuất muối bạt chỉ là 17.250.00 đồng/ha/năm (Sản xuất muối theo phương pháp truyền thống, từ khi cải tạo đồng muối đến khi có sản phẩm phải mất từ 15 - 20 ngày, thì sản xuất muối trải bạt chỉ mất khoảng từ 7 – 10 ngay là có muối cào. Nguyên nhân là do làm muối theo phương pháp trải bạt đã giúp lao động sản xuất muối giảm rất nhiều công sức và thời gian cho việc cải tạo đất (đầm đất), trong khi công việc đầm đất để sản xuất muối theo phương pháp truyền thống cần rất nhiều thời gian và công sức bỏ ra. Do đó, đối với việc sản xuất muối theo phương pháp trải bạt sẽ giảm số lao động so với phương pháp truyền thống. Vì vậy, chi phí lưu động trong sản xuất muối bạt thấp hơn muối đất).

Bảng so sánh hiệu quả kinh tế trong mô hình với ngoài mô hình:

STT

Hạng mục

Trong mô

hình (1)

Ngoài mô

hình (2)

Chênh lêch

(1) so với (2)

01

Năng suất muối (tấn/ha)

69,105

44,00

25,105

02

Giá bán (đồng/kg)

1.800

1.000

800

03

Tổng thu (đồng/ha)

124.515.000

44.000.000

80.515.000

04

Tổng chi (đồng/ha)

53.610.000

34.760.000

18.850.000

05

Lợi nhuận (đồng/ha)

70.905.000

9.240.000

61.665.000

Ghi chú: giá muối do Công ty CP Muối Bạc Liêu thu mua vào cuối năm 2017 đầu năm 2018).

            Từ bảng so sánh trên cho thấy, khi sử dụng sân kết tinh trải bạt trong mô hình cho lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình là 61.665.000 đồng/ha/năm. Như vậy, khoảng 2,5 năm sản xuất muối (01 vụ/năm) thì có thể hoàn vốn chi phí làm sân trải bạt.

            Tóm lại, “Mô hình sản xuất muối chất lượng cao” có khả năng nhân rộng và diêm dân dễ tiếp thu, vì mô hình không những cải thiện được năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn giảm chi phí lưu động cho sản xuất. Mô hình sản xuất muối trên sân kết tinh trải bạt có năng suất bình quân 69,105 tấn/ha, giá thành sản xuất muối kết tinh trên nền bạt là 775 đồng/kg, thời gian kết tinh muối trên sân trải bạt nhanh, năng suất đạt cao, sau khi trừ chi phí, người sản xuất có lãi 70.905.000 đồng/ha. Chất lượng muối được nâng lên, do đó dễ tiêu thụ, không bị tồn đọng. Mô hình đã góp phần tăng thu nhập cho hộ diêm dân tham gia thực hiện.

Diêm dân thu hoạch muối - Ảnh Tg

            Tuy nhiên, chi phí đầu tư cố định ban đầu cho sản xuất muối bạt khá cao so với muối đất, do phải đầu tư bạt nhựa (chi phí đầu tư vốn cố định (đã tính khấu hao) cao hơn 25.800.000 đồng/ha/vụ). Vì vậy, còn nhiều hộ diêm dân (đặc biệt là các hộ nghèo) chưa có khả năng chuyển từ sản xuất muối đất sang muối bạt, mặc dù nhận thức rõ hiệu quả của mô hình muối bạt.

            Mô hình có ý nghĩa và phù hợp với các hộ làm nghề muối ở xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, nếu được nhân rộng sẽ góp phần ổn định và phát triển làng nghề muối của địa phương, là cơ sở để chuyển dịch lao động và tái cơ cấu ngành tiểu thủ công nghiệp, phù hợp với một địa phương đang thực hiện xây dựng nông thôn mới. Mô hình cần được khuyến cáo và được sự quan tâm của các ngành, các cấp tạo điều kiện nhân rộng trong thời gian tới, để diêm dân có thể nâng cao lợi nhuận và gắn bó hơn với nghề./.

Nguyễn Bửu San – Trung tâm Khuyến nông Cà Mau