Một số công nghệ nuôi cá hiệu quả trên thế giới.

       1. Nuôi cá nhiều giai đoạn

       Nhiều nghiên cứu đã được các nhà khoa học tiến hành nhằm cải thiện chất lượng thịt cá nuôi. Mục tiêu là làm cho chất lượng thịt của cá nuôi phải cao hơn cá ngoài tự nhiên. Rất nhiều giải pháp đã được đặt ra, trong đó mô hình nuôi cá hai giai đoạn đang được áp dụng rất thành công.

Chất lượng thịt cá tráp được cải thiện khi nuôi nước biển sâu. - Ảnh St

       Công nghệ nuôi cá biển sâu đang được ứng dụng tại Nhật Bản, mô hình nuôi cho chất lượng thịt cá tráp Nhật ngon hơn và màu sắc đẹp hơn so với cá tự nhiên.

       Tận dụng áp lực nước, ở độ sâu càng sâu dưới tác dụng của áp lực nước giúp thịt cá săn chắc hơn, dày hơn, kết cấu thịt dai hơn. Ở độ sâu nhất định của mực nước hạn chế được tia cực tím ngăn chặn quá trình melanin hóa làm cho màu sắc của cá tươi hơn. Hiện giá thành của cá tráp nuôi biển sâu cao hơn 1.2 đến 1.5 lần so với cá nuôi bình thường.

       Cá tráp giống được đưa vào lồng nuôi ngoài khơi, nơi đến khi chúng đạt đến 300g, cá sau đó được đưa đến một cái lồng khác và nuôi ở đó cho đến khi chúng đạt 800g - 1kg. Sau đó chúng được chuyển đến lồng ba, nơi chúng ở cho đến khi chúng ở mức 1,8-2kg. Sáu tháng trước khi cá được bán khi cân nặng khoảng 1,3 - 1,6kg, cá được thả xuống độ sâu khoảng 50m và được cho ăn qua ống nạp. Sau sáu tháng, chúng được đưa lên mặt nước để chuẩn bị xuất bán, công đoạn này mất khoảng hai ngày, phải được thực hiện chậm và cẩn thận vì sự thay đổi đột ngột áp suất nước có thể làm vỡ bong bóng của cá. Cá được giám sát thông qua camera được thả xuống các lồng. Thức ăn cho cá gồm: bột tôm, bột mực và bột cá. Bột tôm có chất chống oxy hoá và astaxanthin, một carotenoid giúp cá có màu sắc đẹp hơn. Bột mực chứa axit glutamic và giúp sản xuất các enzym tiêu hóa.

Một số loại đậu dùng làm thức ăn tăng độ giòn của cá chép. Ảnh St

       Tại Việt Nam, nuôi cá hai giai đoạn được áp dụng đối với nuôi cá chép giòn. Nhằm tạo ra cá chép với chất lượng thịt giòn ngon so với cá chép bình thường. Giải pháp nuôi hai giai đoạn cho thấy hiệu quả nhất định. Giai đoạn đầu: cá được cho ăn bằng thức ăn bình thường để đảm bảo tăng trọng nhất định cho cá. Giai đoạn hai: cá được chuyển sang cho ăn bằng nhiều loại đậu khác nhau như: đậu tương, đậu nành, đậu hà lan, đậu phộng và đậu dâu tằm. Thực tế cho thấy cá chép được cho ăn bằng đậu giúp tăng độ giòn của cá. Cá chép giòn được bán với giá cao gấp 2-3 lần so với cá chép được nuôi với thức ăn bình thường.

       2.Công nghệ sông trong ao

       Nuôi cá theo công nghệ Mỹ tạo “sông trong ao” - trong ao làm trục sông có tường bê tông hoặc bạt nhựa ngăn nước; trong sông có sóng, có dòng chảy tuần hoàn để nước luôn lưu chuyển khắp ao, vừa thường xuyên đẩy gom chất thải từ cá xuống bể lắng cho máy hút dọn mỗi ngày, vừa đảm bảo môi trường nước ao nuôi luôn sạch. Đoạn “sông trong ao” nuôi cá có đáy thảm bê tông cứng, có máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy... đảm bảo đủ điều kiện sống tối ưu.

Mô hình tạo sông trong ao nuôi cá. - Ảnh Tg

       Kết quả sản xuất trên 2 ao: Thả 2,7 vạn con giống cá điêu hồng, trọng lượng giống 3 con/1kg, sau 4 tháng thu hoạch được 10 tấn cá/ao công nghệ Mỹ (năng suất cao gấp 3 lần cách nuôi cũ). Đồng thời điều kiện ao nuôi với dòng chảy giúp chất lượng cá ngon, thịt săn chắc hơn.

       3. Nuôi cá với sự kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước nuôi

       Môi trường nuôi có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cũng như mùi vị cá nuôi. Một phần chất lượng và mùi vị thịt cá bị ảnh hưỡng là do môi trường sống cùng với thức ăn có trong môi trường sống. Ví dụ, cá nóc Hổ (Takufugu rubripes) chứa độc tố cao là do hàm lượng tetrodotoxin có trong thịt cá, hàm lượng này là do vi khuẩn ở tầng đáy biển gây ra. Do đó, khi cá được nuôi trong môi trường được kiểm soát chất lượng nước hạn chế sự xuất hiện của vi khuẩn tầng đáy nên trong thịt cá không có hàm lượng tetrodotoxin.

       Từ thực tế trên các nhà khoa học Nhật Bản không ngừng nghiên cứu nhằm phát triển các mô hình nuôi với chất lượng cá nuôi tốt nhất. Nghiên cứu của giáo sư Massahiko Ariji thuộc trường đại học Kinki cho rằng chất lượng thịt cá tra có mùi là do các loại vi khuẩn trong môi trường sống của cá gây nên. Do đó, ông và các cộng sự tiến hành nuôi cá tra sử dụng nguồn nước ngầm sạch.

Cá da trơn có vị lươn được bán tại Nhật. - Ảnh St

       Kết quả nuôi trong môi trường nước sạch cho chất lượng và mùi vị thịt cá tương đương với lươn. Hiện nay, sản phẩm cá tra có mùi vị giống với lươn (tại Nhật gọi là Kabayaki) được bán tại hệ thống siêu thị Aeon của Nhật với giá khoảng 7.000 yên/suất. Thành công của nghiên cứu mở ra hướng đi mới cho cá tra Việt Nam, với sản lượng nuôi tương đối cao và là một trong những thị trường xuất khẩu ca tra lớn. Hướng tới cải thiện chất lượng thịt cá thông qua cải thiện chất lượng nước nuôi là hướng đi bền vững cho người nuôi cá tra tại Việt Nam.

       4. Nuôi cá kết hợp trong các mô hình nuôi tôm

       Mô hình này được áp dụng tại Việt Nam và một số nước như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia,... mô hình nuôi nhằm sử dụng cá để cải thiện môi trường nuôi, tạo ra chất lượng nước nuôi tốt nhằm phục vụ nuôi tôm.

       Hiện nay mô hình nuôi này đang cho thấy hiệu quả nhất định. Các hình thức nuôi kết hợp bao gồm:

       - Thả cá rô phi trong các lồng nuôi trong ao nuôi tôm thẻ, trong mô hình nuôi này các thường được thả từ 5-7 ngày trước khi thả tôm vào nuôi trong ao nuôi.

       - Thả bổ sung các loài cá khác nhau trong ao nuôi tôm thẻ hay tôm sú. Các loại cá được nuôi kết hợp như: cá rô phi, cá đối mục, cá măng, cá nâu,...

       - Thả cá trong các ao lắng nhằm lọc cặn bả và cải thiện chất lượng nước trước khi cấp vào ao nuôi tôm. Hình thức này cá được thả với mật độ dày hơn đồng thời có thể kết hợp thả nuôi nhiều loại cá khác nhau. Tại Thái Lan, sử dụng cá rô phi nhằm lọc chất cặn bả và cải thiện chất lượng nước ao nuôi, tiếp theo sử dụng cá chẽm nhằm hạn chế sự phát triển quá mức của cá rô phi.

       Một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hay tôm sú kết hợp thả cá nâu, cá đối mục hay cá rô phi bước đầu cho thấy hiệu quả và đang được áp dụng tại nhiều nơi như: Sóc Trăng, Bạc Liêu hay Cà Mau.

       5. Nuôi cá tuần hoàn khép kín

       Các công ty từ các ngành phi thủy sản đang tham gia vào hoạt động kinh doanh nuôi cá và tôm trên đất liền với hy vọng sản xuất các mặt hàng đặc sản ở các vùng xa biển. So với nuôi trồng thủy sản xa bờ thông thường, cá tôm nội địa trở nên thuận tiện hơn trong việc quản lý chất lượng cũng như sản lượng.

Một nhân viên Kitz kiểm tra bể nuôi cá tráp tại cơ sở tại quận Nagano. - Ảnh Tg

       Kitz, một nhà sản xuất van thuộc tỉnh Chiba, bắt đầu phát triển mô hình nuôi trong nhà với sự tuần hoàn nước sử dụng các sensor cảm biến để đo các chỉ tiêu môi trường nước và kiểm soát điều chỉnh chất lượng nước nuôi cho phù hợp. Hiện công ty đang thử nghiệm nuôi cá tráp và một số loài cá có giá trị khác. Hệ thống nuôi này gần như tự động hoàn toàn, hoạt động nuôi của nhà máy chỉ cần lao động của con người từ 1-2 giờ mỗi ngày.

       Với công nghệ tinh lọc nước của Kitz sử dụng nước lọc sau đó bổ sung các hóa chất cần thiết trong nước biển, sau đó lọc qua hệ thống lọc và lưu thông trong hệ thống nuôi. Trong hệ thống nuôi này việc kiểm soát chất lượng nước nuôi đóng vai trò quan trọng, quyết định thành công của vụ nuôi vì cá sống trong không gian nhỏ, mật độ nuôi cao dẫn đến dễ mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh.

       Sử dụng nguồn nước ngầm với nhiệt độ nước ổn định giúp cá tăng trưởng nhanh hơn, đồng thời với hệ thống lọc nước và kiểm soát nguồn nước cấp giúp hạn chế một số mầm bệnh trên cá nhất là các bệnh do ký sinh trùng. Trong tương lai thành công của mô hình nuôi mang lại giúp phát triển nuôi một số loài cá khác trong nội địa như: cá thu và cá saba. Hạn chế hiện nay của mô hình nuôi trong nội địa là chi phí nuôi cùng với chi phí điều hành cơ sở nuôi tương đối cao.

Hình ảnh của hệ thống nuôi cá ở Nhật Bản. - Ảnh Tg

        Các nhà khoa học Nhật Bản đang thí nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng với hệ thống nuôi tuần hoàn. Hiên tại, mô hình của công ty IMT cho năng suất 25 tấn tôm/năm. Dự tính trong tương lai công ty Nippon Suisan Kaisha một công ty thủy sản hàng đầu của Nhật sẽ phát triển mô hình hướng đến tăng năng suất 200 tấn/năm./.

 Huỳnh Như