Một số giải pháp nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc khmer trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

       1. Thực trạng đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Cà Mau

       Trong bối cảnh đất nước ta đang tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; đồng thời, xuất hiện những khó khăn, thách thức mới đan xen. Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để các dân tộc trong nước cùng phát triển trong quá trình phân công và sử dụng lao động, sử dụng tài nguyên, tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại.                                                                    

       Bên cạnh đó, có thể phát sinh những tiêu cực tác động đến nhiều mặt trong đời sống của đồng bào các dân tộc, đó là sự phân hóa giàu nghèo, chênh lệch về thu nhập, đạo đức xã hội xuống cấp, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc bị mai một, môi trường sinh thái đang bị xâm hại nghiêm trọng; các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng âm mưu “Diễn biến hòa bình”, chúng lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc chế độ, kích động, chống lại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Đây cũng là những vấn đề cần được quan tâm và chú trọng nhiều hơn trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

       Người Khmer vốn rất cần cù, chịu đựng gian khó, nhưng trình độ mọi mặt còn thấp. Đặc điểm của đồng bào Khmer ở Cà Mau là trên 90% dân số sống ở nông thôn, cư trú thành những cụm dân cư tương đối biệt lập với cộng đồng các dân tộc khác, cũng có một bộ phận đồng bào sống xen kẽ với người Kinh, Hoa còn một số hộ sinh sống rải rác ở vùng sâu, vùng xa và ở ven các kênh rạch. Do ảnh hưởng sâu sắc bởi Phật giáo Tiểu thừa, nên trong triết lý sống của người Khmer thường thiên về các giá trị tinh thần hơn vật chất. Đa phần người dân tộc Khmer thích một cuộc sống an lành, không đua chen để làm giàu. Họ thích thảnh thơi, an nhàn hơn so với các dân tộc khác. Công việc làm ăn đều trông chờ ở số phận. Họ tin rằng có phận, có phước mới làm giàu được, vì thế họ ít chịu tìm hiểu làm thế nào để nâng cao năng suất, thu hoạch có kết quả nhiều như người Kinh, người Hoa. Hầu hết họ thiên về đời sống tinh thần hơn vật chất, họ tin ở kiếp sau, kiếp này chỉ là sống tạm.

       Người Khmer sẵn sàng đóng góp tiền của, công sức để xây dựng những ngôi Chùa khang trang, lộng lẫy, trong khi họ chấp nhận cuộc sống nghèo túng trong những căn nhà lụp xụp. Họ cũng sẵn sàng vay nợ để tổ chức các lễ hội truyền thống, ma chay, tiệc cưới long trọng, hoặc đóng tiền để con em họ được vào chùa tu v.v...Chính triết lý sống như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người Khmer (Trang Thiếu Hùng, 2014).

       Từ thực tiễn đời sống của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Cà Mau như hiện nay, cần rà soát, điều tra các yếu tố tác động dẫn đến nghèo ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer để tham mưu xây dựng chính sách giảm nghèo phù hợp với trình độ, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng đồng bào dân tộc Khmer với các yếu tố như:

       - Về trình độ sản xuất:

       Người Khmer vốn có lịch sử hình thành, kỹ thuật sản xuất, phong tục tập quán, bản sắc văn hoá riêng; hầu hết họ đều sử dụng tiếng Việt như là ngôn ngữ thứ hai. Đa phần chủ hộ cũng như các thành viên lớn tuổi thường không biết tiếng Việt, họ giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc. Đây cũng là khó khăn của họ khi hoà nhập vào cuộc sống cũng như phát triển kinh tế gia đình. Mỗi hộ trung bình có từ 4 đến 5 thành viên, trong đó có từ 2 đến 3 lao động. Người Khmer vốn rất cần cù, chịu đựng tốt gian khó, nhưng trình độ mọi mặt còn thấp. Từ đó, xuất phát về trình độ sản xuất của đồng bào dân tộc Khmer là rất thấp.

       - Kinh tế hộ Khmer mang nặng tính tự cung, tự cấp:

       Hộ Khmer tồn tại lâu đời với phương thức canh tác truyền thống trên những vùng đất bị chia cắt, ruộng đất manh mún. Phần lớn sản xuất của họ phụ thuộc vào thiên nhiên. Những năm mưa thuận, gió hoà thì được mùa, những năm thời tiết không thuận lợi thì đời sống bà con gặp nhiều khó khăn.

Mô hình nuôi dê giúp ông Thạch Kul (xã Tân lộc Bắc huyện Thới Bình)   

vươn lên thoát nghèo - Ảnh: Tg

       Do điều kiện sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu, trình độ hạn chế, cộng với “sức ỳ” của tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nên hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận người dân tộc Khmer còn mang tính tự phát. Họ sản xuất ra trước hết là để thỏa mãn nhu cầu bản thân, còn lại mới đem bán để mua về các sản phẩm khác. Mặc dù sản xuất hàng hóa vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có bước phát triển, nhưng vẫn còn một bộ phận bà con chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất khép kín tự cung, tự cấp.

       - Cơ cấu kinh tế hộ với nông nghiệp là nền tảng:

       Sản xuất nông nghiệp chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế và có ảnh hưởng to lớn trong các mặt sinh hoạt văn hoá, xã hội, tôn giáo…của người Khmer. Nghề nghiệp chính của hộ đồng bào dân tộc Khmer là trồng lúa khoảng 54%, trồng trọt hoa màu chiếm 9%, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản khoảng 18%, buôn bán 3% và một bộ phận đồng bào đi làm thuê, làm mướn, chiếm khoảng 16% dân số dân tộc Khmer. Trong sản xuất nông nghiệp, người Khmer có truyền thống sản xuất và kỹ thuật canh tác khá phong phú. Đó chính là kết quả của người nông dân Khmer trong quá trình chinh phục thiên nhiên vùng ĐBSCL và sự giao lưu văn hoá với các dân tộc anh em cùng định cư trong vùng. Tuy nhiên, sản xuất còn mang tính độc canh cây lúa, chưa sử dụng hết tiềm năng đất đai và nguồn lao động dồi dào ở vùng nông thôn. 

       Ngoài sản xuất nông nghiệp, người Khmer còn có một số hoạt động kinh tế khác. Tuỳ từng vùng, từng thời điểm nhất định mà các hoạt động như tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ được người nông dân Khmer tranh thủ làm thêm, vừa tận dụng thời gian nhàn rỗi, vừa tăng thu nhập cho gia đình.

       Sản xuất tiểu thủ công nghiệp của người Khmer chủ yếu là cung cấp những vật dụng trong sinh hoạt gia đình. Nghề thủ công được người Khmer thực hiện trong những lúc rảnh rỗi công việc đồng áng và gắn với những sinh hoạt gia đình. Một số sản phẩm thủ công cổ truyền được tiêu thụ trên thị trường như chiếu, đan mây tre... Trong lĩnh vực thương nghiệp, số lượng người Khmer sống bằng nghề buôn bán rất ít. Trong lĩnh vực này, người Khmer chủ yếu là buôn bán nhỏ với các cửa hiệu tạp hoá, dịch vụ ăn uống, v.v.. vừa ít vốn lại ít hàng. Một số vừa bán hàng vừa sản xuất nông nghiệp hoặc làm dịch vụ nhỏ như sửa xe, làm nhân công các xưởng sửa chữa, nhân công xí nghiệp, nhà máy. Như vậy, đặc trưng nổi bật nhất của kinh tế hộ Khmer là kinh tế nông nghiệp đóng vai trò nền tảng, chi phối. Các hoạt động khác tuy có bước phát triển, nhưng còn mang tính chất nhỏ lẻ, chưa phổ biến và hiệu quả chưa cao.

       - Quy mô sản xuất nhỏ:                                     

       Diện tích đất sản xuất vùng đồng bào Khmer bình quân là 0,3 ha/người. Trong đó, số hộ không đất và thiếu đất sản xuất ngày càng gia tăng. Ngoài ra, hộ Khmer có tập quán truyền thống là đất nông nghiệp mang tính sở hữu chung của nhiều hộ trong cùng dòng họ, không có sự phân chia rõ ràng; cùng 1 mảnh đất nhưng nhiều hộ canh tác, mỗi hộ được giao cho làm 1 vụ hoặc 1 năm, sau đó chuyển sang hộ khác; nhưng mỗi hộ đều tự nhận toàn bộ mảnh đất đó là do mình làm chủ. Do tập quán này mà việc canh tác của mỗi hộ không liên tục, đất đai không được quan tâm cải tạo, dễ phát sinh tranh chấp do không xác định được hộ làm chủ thật sự [73]. Bên cạnh diện tích đất bình quân thấp, khả năng tích tụ và tập trung vốn của hộ dân tộc Khmer còn nhiều hạn chế. Do vậy, hộ dân tộc Khmer thường xuyên hoạt động trong tình trạng thiếu vốn. Mặc dù hệ thống ngân hàng có cố gắng, nhưng mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu vốn của bà con, còn lại họ phải đi vay của tư nhân với lãi suất cao. Vì vậy, năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất thấp, tích luỹ không cao, hạn chế khả năng tái sản xuất mở rộng của hộ.

Anh Thạch Dũng (xã Tân Thuận huyện Đầm Dơi) cũng ổn định kinh tế gia đình nhờ mô hình nuôi dê - Ảnh: Tg

       - Thu nhập và mức sống thấp:   

       Là những cư dân nông nghiệp, nên thu nhập chính của người Khmer chủ yếu do hoạt động trồng trọt, chăn nuôi mang lại. Các hộ có thu nhập từ hoạt động tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ hoặc làm thuê chiếm tỷ trọng thấp. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thu nhập của đại bộ phận bà con dân tộc đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, so với các dân tộc khác, thu nhập của người Khmer cơ bản vẫn còn thấp. Tỷ lệ nghèo của người Khmer luôn cao hơn so với các dân tộc khác. Năm 2016, số hộ Khmer nghèo ở Cà Mau chiếm 30,87%, trong đó nhiều hộ có hoàn cảnh rất khó khăn. Thu nhập thấp, ý thức tiết kiệm chưa cao, do vậy đa phần thu nhập của họ thường chỉ để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt gia đình, ít chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh hay cho con em ăn học. Đó cũng chính là lý do giải thích tại sao kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc còn kém phát triển, đời sống vật chất và tinh thần vùng đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn thấp.

       Trong những năm qua, công tác giảm nghèo của tỉnh tuy đạt kết quả nhất định, song chưa bền vững. Mặc dù, tỷ lệ hộ nghèo có giảm, nhưng tốc độ giảm nghèo vẫn chậm và số người nghèo vẫn còn chiếm tỷ lệ rất cao.

       2. Đời sống hộ nghèo, cận nghèo của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Cà Mau, thực tiễn qua điều tra xã hội học

       Qua kết quả điều tra xã hội học, đã cho chúng ta thấy rằng: Thực trạng và nguyên nhân nghèo của đồng bào dân tộc Khmer ở Cà Mau hiện nay, để chúng ta có những chủ trương, chính sách tác động phù hợp đến đời sống của đồng bào dân tộc Khmer như: hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề, nhằm giải quyết được việc làm, tạo thu nhập cho đồng bào dân tộc góp phần giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn của tỉnh.

       Tuy nhiên, tỷ lệ người bỏ học và chỉ dừng lại ở cấp tiểu học, trung học cơ sở vẫn còn cao. Nguyên nhân chính là do khó khăn về kinh tế, do không theo nổi chương trình học, phải đi làm kiếm tiền phụ thêm thu nhập cho gia đình; ngoài ra còn do lớn tuổi so với lớp đang học, bệnh tật,... tình trạng trình độ học vấn thấp qua khảo sát các hộ Khmer nghèo cho thấy đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho họ có thu nhập thấp và không ổn định. Lao động của họ chủ yếu là lao động giản đơn, không có tay nghề và bằng cấp, không đáp ứng được về trình độ trong tuyển dụng lao động và việc tiếp cận các thông tin rất hạn chế,... chính vì vậy, công việc của họ bấp bênh và thu nhập không ổn định. Đây là khó khăn lớn đối với người lao động, làm cho họ mãi luẩn quẩn trong vòng đói nghèo.                                                           

       Nghề nghiệp chính hiện nay: Trong cơ cấu việc làm của 860 hộ Khmer nghèo, 240 hộ cận nghèo (trong đó bao gồm một bộ phận dưới độ tuổi lao động) qua khảo sát cho thấy đồng bào dân tộc Khmer hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng lúa, rau màu, nuôi heo, gà, vịt...) và làm thuê (làm phụ hồ, làm cỏ, bón phân, phun thuốc sâu, khuân vác, cấy mướn, cắt lúa mướn, giúp việc gia đình) chiếm tỷ lệ cao. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và lao động làm thuê chiếm 80,8%, còn lại tập trung ở các ngành nghề khác (Bảng câu hỏi số 10). Thực trạng này cũng là một trong những yếu tố lý giải cho nguyên nhân đời sống đồng bào dân tộc Khmer trong vùng gặp nhiều khó khăn bởi: đối với lao động sản xuất nông nghiệp, khó khăn lớn nhất là giá đầu vào và đầu ra trong sản xuất không ổn định cùng với tình hình thiên tai, dịch hại trong những năm gần đây xảy ra liên miên... làm ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ; đối với lao động làm thuê cũng khó khăn không kém, như đã phân tích, phần lớn lao động có trình độ học vấn, chuyên môn thấp, chủ yếu xuất phát từ nghề nông, vì vậy họ thường không đáp ứng được yêu cầu công việc của người thuê mướn, đồng thời do trình độ học vấn, chuyên môn thấp cũng ảnh hưởng phần nào đến nhận thức của người lao động, họ thiếu định hướng mục tiêu việc làm nên không có tính gắn bó cao trong công việc, dẫn đến tình trạng bỏ việc, nhảy việc làm thường xuyên.

       Thông qua khảo sát, điều tra và phân tích cho thấy, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở Cà Mau qua nghiên cứu vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đây sẽ là lực cản lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và với dân tộc Khmer nói riêng, đồng thời cũng là những yếu tố cần tập trung giải quyết trong quá trình xóa đói giảm nghèo bền vững ở khu vực, cũng như tại Cà Mau. Chính vì vậy, việc tìm ra hệ thống các giải pháp phù hợp góp phần thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo hiệu quả đối với bộ phận người nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nghèo nói riêng một cách bền vững là rất quan trọng và cần thiết. Việc thực hiện các nhóm giải pháp đề xuất đồng bộ, linh hoạt là điều kiện, cơ sở và cũng là chìa khóa nhằm thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong giai đoạn hội nhập và phát triển.

        - Về trình độ sản xuất: Qua kết quả điều tra xã hội học cho thấy, trình độ dân trí nói chung, trình độ kiến thức, hiểu biết pháp luật nói riêng của đồng bào dân tộc Khmer còn tương đối thấp, khiến cho đồng bào dân tộc Khmer gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền con người, thực hành và phát huy quyền dân chủ, trong tiếp cận các chương trình mục tiêu (Chương trình 135), chính sách tín dụng, chính sách pháp luật dành cho đồng bào dân tộc, trong sử dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của đồng bào dân tộc. Tình trạng đó đã và đang là lực cản đối với đồng bào dân tộc Khmer trong hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

       - Về an ninh, điều kiện lao động và sản xuất: Qua tổng hợp điều tra cho thấy, hiện nay đồng bào dân tộc Khmer nghèo không có đất sản xuất, thiếu tư liệu và phương tiện sản xuất, không có vốn để đầu tư sản xuất và tái sản xuất, dẫn đến thất nghiệp và không có việc làm trong đồng bào dân tộc Khmer nghèo hiện nay là rất lớn, chỉ có số ít làm thuê mùa vụ. Bên cạnh đó, ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống, các thế lực thù địch vẫn có những âm mưu thâm độc, chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, bằng chiêu bài “dân chủ - nhân quyền”, lợi dụng trình độ hiểu biết pháp luật của đồng bào dân tộc còn thấp để tuyên truyền, xúi giục, kích động, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra những nguyên cớ làm mất ổn định chính trị và tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

       3. Những nguyên nhân nghèo của đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Cà Mau thông qua kết quả điều tra xã hội học

       Trong những năm qua, Cà Mau tuy đã có những bước phát triển khá nhanh trên nhiều lĩnh vực, nhưng vẫn là một trong những địa phương nghèo của cả nước, mức sống giữa thành thị và nông thôn có sự chênh lệch lớn, sự phân hóa giàu nghèo đang diễn ra ngày càng gay gắt. Đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo cao. Qua điều tra xã hội học đối với đồng bào dân tộc Khmer nghèo nằm trên địa bàn 44 xã, phường, thị trấn. Kết quả cho thấy nguyên nhân dẫn đến nghèo của đồng bào dân tộc Khmer hiện nay là do:

       -  Thứ nhất, cơ sở hạ tầng của các xã đặc biệt khó khăn (xã 135) trong tỉnh đã được cải thiện, song nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất hàng hóa. Đường giao thông đã được cải thiện, nhưng đi lại, giao thương, vận chuyển tại một số vùng còn khó khăn khiến cho giá thành vật tư, nguyên vật liệu còn cao; hàng hóa, sản phẩm làm ra không có tính cạnh tranh. Hệ thống thủy lợi chỉ mới đáp ứng cho sản xuất nông nghiệp, quy mô nhỏ của hộ gia đình, chưa phục vụ được nhu cầu sản xuất lớn và cho công nghiệp, thủy sản. 

       -  Thứ hai, nguồn lực cho tăng trưởng còn hạn chế, nguyên nhân chính dẫn đến nghèo được tập trung cao nhất là thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất và đầu ra sản phẩm không ổn định. Nguồn vốn dành cho công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer; việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho xã như điện, đường, trường, trạm… đã được chú trọng thực hiện nhưng chưa bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng; kinh phí hướng dẫn cách làm ăn còn thấp, mới chỉ vươn tới một tỷ lệ nhỏ các hộ nghèo; vốn cho vay để tạo điều kiện sản xuất kinh doanh còn hạn hẹp, mức vay còn ít, không đủ đáp ứng cả về lượng vốn cũng như số người cần vay.

- Thứ ba, cơ cấu phát triển kinh tế và cơ cấu lao động còn lạc hậu. Sản phẩm làm ra thường cung cấp dưới dạng thô, chưa qua xử lý, chế biến để làm tăng giá trị sản phẩm, vì vậy thu nhập của người dân còn thấp; lao động của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, thông qua khảo sát, điều tra cho thu nhập số liệu, thì hiện nay đồng bào dân tộc Khmer không có việc làm ổn định, đa số làm thuê theo mùa vụ, hoặc ai thuê gì làm nấy, thu nhập không ổn định làm cho cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn; không có điều kiện tiếp cận lao động nghề, nhằm tạo thu nhập cho gia đình để thoát nghèo.

       - Thứ tư, song song đó, công tác xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách giữa người nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều và người thuộc diện khó khăn cách nhau không xa. Những người được xác định là thoát nghèo thì cuộc sống chưa được cải thiện một cách căn bản, nguy cơ tái nghèo cao, đa số hộ đồng bào đều thiếu đất sản xuất, không có tư liệu để sản xuất.

       -  Thứ năm, nguồn nhân lực còn hạn chế (chất lượng cũng như số lượng). Trình độ dân trí tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; kỹ năng nghề nghiệp hạn chế nên việc tiếp thu và áp dụng kỹ thuật, khoa học, công nghệ, phương pháp sản xuất tiến bộ rất khó khăn, do vậy chất lượng làm việc không cao, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường; qua điều tra cho thấy các vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống, thường họ được mùa thì mất giá, sản phẩm không tiêu thụ được.

       - Thứ sáu, nhận thức về yêu cầu nỗ lực của bản thân, gia đình người nghèo trong tiến trình xóa đói giảm nghèo bước đầu có chuyển biến, song vẫn còn một bộ phận trông chờ, ỷ lại; tâm lý chịu khổ chứ không chịu khó vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân, đặc biệt là trong đồng bào Khmer. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của đồng bào dân tộc Khmer vẫn chiếm tỷ lệ rất cao so với dân tộc khác trên địa bàn của tỉnh Cà Mau.

        - Thứ bảy, Sự thay đổi và tác động của yếu tố dân số: Tập quán du canh và dân số có mối liên hệ chặt chẽ. Trước đây dân số ít, áp lực lên đất đai chưa nhiều, du canh còn có thể là hình thức thích hợp với một số cộng đồng dân cư ở một số vùng nhưng chỉ ở mức độ duy trì cuộc sống. Cùng với sự phát triển là quá trình gia tăng dân số tự nhiên, với tỷ lệ trên 2% /năm và gia tăng cơ học lớn.

       Các cuộc khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới ở phía Bắc những năm đầu thập kỷ 60; xây dựng các nông lâm trường và vùng kinh tế mới, điều chuyển dân cư, nhập cư, di cư tự do ở phía Nam, nhất là ở Tây Nguyên những năm cuối thập kỷ 70 đến đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX đã tạo nên sức ép lớn đối với đất đai. Trong khi đó các cộng đồng dân cư tại chỗ không kịp thích ứng với quá trình thay đổi này cũng là những nguyên nhân gây nên tình trạng du canh, du cư và nhu cầu cần hỗ trợ định canh, định cư mới. Do tập quán của đồng bào dân tộc Khmer thích sống du canh, du cư. Vì vậy đa số đồng bào Khmer được cấp đất sản xuất thì không bao lâu đất được cấp họ không sản xuất mà bán hoặc cầm cố.   

 

       4. Đề xuất một số giải pháp góp phần giải quyết vấn đề “cấp bách” của đồng bào Khmer ở Cà Mau

       - Một là, giảm nghèo phải gắn với tăng trưởng kinh tế (TTKT) và là một bộ phận của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

       Quan điểm này phản ánh quá trình nhận thức và xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa TTKT và giảm nghèo ở Việt Nam. Từ thực tiễn nước ta đi lên CNXH với điểm xuất phát thấp, là một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, tỷ lệ người nghèo cao thì vấn đề TTKT phải gắn liền với giảm nghèo là một việc làm cấp thiết. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, không có TTKT thì không có cơ hội nâng cao thu nhập cho mọi người dân, số lượng người nghèo tuyệt đối sẽ gia tăng, quan điểm này được đánh giá hiệu quả nhất trong thực hiện giảm nghèo.

       - Hai là, giảm nghèo phải gắn liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội (CBXH), thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo đến mức có thể trong nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN.

       Trong nền KTTT, phân hóa giàu nghèo là hệ quả tất yếu. Do đó, việc thực hiện giảm nghèo là nhằm hạn chế bớt sự phân hóa quá mức cho phép. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ rằng hạn chế sự phân hóa giàu nghèo ở đây không có nghĩa là cào bằng, lấy của cải từ người giàu chia cho người nghèo mà phải trên quan điểm phát triển, tức là khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp, đồng thời tạo cơ hội cho mọi người tham gia phát triển kinh tế, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, về mức sống giữa các vùng, các dân tộc và các tầng lớp dân cư, từng bước giảm dần số lượng người nghèo. Đồng thời, qua đó là tăng cường phát triển quỹ xóa đói giảm nghèo (XĐGN) đi đôi với việc quản lý chặt chẽ, đầu tư đúng đối tượng và có hiệu quả về các chương trình giảm nghèo nhằm hướng tới xã hội công bằng và ngày càng tiến bộ hơn.

       - Ba là, giảm nghèo một cách bền vững để giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội trong quá trình phát triển.

       Nghèo đói đe dọa đến sự sống của loài người, bởi ngày nay đói nghèo đã trở thành một vấn đề toàn cầu có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng. Nếu sự bất ổn chính trị, xung đột, chiến tranh là một trong những nguyên nhân đẫn đến nghèo đói, thì đến lượt nó lại là nhân tố có khả năng gây ra những bất ổn chính trị và trầm trọng hơn có thể dẫn tới chiến tranh, không chỉ trong phạm vi một quốc gia mà cả khu vực và thế giới.

       Nghèo đói, bất công cũng là một trong những nguyên nhân của nhiều vấn đề chính trị - xã hội như: tội phạm quốc tế; bất ổn chính trị. Nghèo đói cộng với thiếu hiểu biết kéo theo đó là gia tăng dân số, cạn kiệt nguồn nước, khan hiếm nguồn năng lượng; bệnh dịch (nhất là đại dịch HIV/AIDS) ngày càng tràn lan, khó kiểm soát; môi trường sống bị ô nhiễm và hủy hoại nghiêm trọng; tình trạng suy dinh dưỡng cấp độ cao, nạn thất học và cái chết luôn thường trực... Đó chính là những hậu quả lâu dài của sự tác động qua lại giữa nghèo đói với các vấn đề chính trị - xã hội.

       Chính vì vậy, thực hiện giảm nghèo một cách hiệu quả và bền vững sẽ không chỉ giúp nâng cao cuộc sống cho người dân mà còn mang lại sự ổn định chính trị - xã hội cho các quốc gia.

       - Bốn là, kết hợp chặt chẽ các biện pháp: tuyên truyền vận động, kinh tế, văn hoá giáo dục, đào tạo nghề…; tăng cường và đa dạng hoá các nguồn lực trong công tác giảm nghèo.

       Giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, là vấn đề mang tính liên ngành. Do đó, để thực hiện tốt chủ trương này cần có sự phối hợp đồng bộ của cả ba yếu tố: vai trò của Nhà nước với toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức đoàn thể; trách nhiệm của cộng đồng, của toàn xã hội. Ngoài ra, yếu tố đặc biệt và quan trọng nhất là ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo của bản thân người nghèo, trong đó đặc biệt chú trọng là đồng bao dân tộc Khmer.

       Đối với đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL, những quan điểm này đã được cụ thể hóa thành mục tiêu chung: Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng ở khu vực ĐBSCL và ưu tiên phát triển ở địa bàn vùng dân tộc; giảm nghèo bền vững nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.

ThS. Nguyễn Duy Trường