Một số kinh nghiệm trong canh tác lúa, rau Màu và cây ăn trái đạt hiệu quả cao.

       Để canh tác lúa, rau màu và cây ăn trái (cây trồng) đạt hiệu quả cao cần thực hiện các nội dung như sau:

       1. Bố trí mùa vụ sản xuất

       - Đối với cây lúa: Chỉ nên bố trí 02 vụ trong năm để giảm áp lực dịch hại cây trồng, hạn chế đất bạc màu và đảm bảo đủ nước cho cây trồng.

       - Đối với cây rau màu: Chỉ nên bố trí 03-04 vụ trong năm và nên luân canh cây rau màu để giảm áp lực dịch hại cây trồng, hạn chế đất bạc màu và đảm bảo đủ nước cho cây trồng.

       - Đối với cây ăn trái: Nên bố trí trồng vào đầu mùa mưa khoãng tháng 5-6 dương lịch.

       2. Chọn giống cây trồng

       Các loại giống cây trồng phải được mua ở các cơ sở có uy tín, có nhãn mác rõ ràng. Ngoài ra có thể tự để giống nhưng phải qua khâu khử lẫn, chọn cây có năng suất cao, ít sâu bệnh, ít đỗ ngã.

       3. Bố trí thủy lợi, thủy nông nội đồng

       - Đối với cây lúa: Phải có bờ vùng theo từng khu vực để trữ nước ngọt tại chổ và tiêu thoát nước khi cần thiết (mỗi khu vực diện tích khoãng 100 ha) đồng thời phải có bờ thửa theo từng khuôn hộ gia đình để chủ động tưới, tiêu nước.

       - Đối với cây rau màu: Ở đất vườn nên lên liếp cao hơn so với mực nước cao nhất trong năm khoãng 4 tấc. Bố trí các mương xung quanh liếp để chủ động tưới tiêu nước. Ở chân đất ruộng nếu bố trí trồng rau màu vào mùa khô thì phải đào các mương dẫn nước ra ruộng từ trong vườn để chủ động tưới tiêu nước ( kích thước mương ngang 5 tấc, sâu 5 tấc dài tùy theo địa hình trồng).

       - Đối với cây ăn trái: Lên liếp cao hơn so với mực nước cao nhất trong năm khoãng 6 tấc. Bố trí các mương xung quanh liếp để chủ động tưới, tiêu nước.

Vườn chuối già Nam Mỹ ở U Minh - Cà Mau

       4. Sử dụng bón phân

       Bón phân hợp lý và đúng cách sẽ làm tăng năng suất cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, bón phân đúng cách còn đảm bảo chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường.

       -Chọn đúng loại phân

       + Cây cần phân gì bón đúng loại phân đó. Phân có nhiều loại, mỗi loại có những tác dụng riêng. Bón không đúng loại phân không những phân không phát huy được hiệu quả, mà còn có thể gây ra những hậu quả xấu.

       + Bón đúng loại phân là tính đến đặc điểm và tính chất của đất. Đất chua không bón các loại phân có tính axit. Ngược lại, trên đất kiềm không nên bón các loại phân có tính kiềm.

       - Bón đúng lúc

       + Nhu cầu đối với các chất dinh dưỡng của cây thay đổi tùy theo các giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Có nhiều giai đoạn sinh trưởng cây cần đạm nhiều hơn kali, có nhiều giai đoạn cây cần kali nhiều hơn đạm. Bón đúng thời điểm cây cần phân mới phát huy được tác dụng.

       + Để cây trồng sử dụng tốt các loại phân bón, tốt nhất là chia ra bón nhiều lần. Bón tập trung vào một lúc với nồng độ và liều lượng phân bón quá cao, cây không sử dụng hết, lượng phân bị hao hụt nhiều, có thể gây ra những tác động xấu đối với cây.

       - Bón đúng đối tượng

       + Trong một số trường hợp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt tạo nên nguồn thức ăn dồi dào cho sâu bệnh tích lũy và gây hại nặng. Càng bón thêm phân, cây sinh trưởng thêm, sâu bệnh lại phát sinh nhiều hơn và gây hại nặng hơn. Ở những trường hợp này, bón phân đạt mục tiêu là ngăn ngừa sự tích lũy và gây hại của sâu bệnh.

       + Bón phân trong một số trường hợp có tác dụng làm tăng khả năng chống chịu của cây trồng đối với các điều kiện không thuận lợi trong môi trường và với sâu bệnh gây hại. Đặc biệt, các loại phân kali phát huy tác dụng này rất rõ. Như vậy, bón phân không phải lúc nào cũng là để cung cấp thêm chất dinh dưỡng, thúc đẩy sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Có những trường hợp phải tác động theo chiều hướng ngược lại: cần kìm hãm bớt tốc độ tăng trưởng và phát triển của cây trồng, làm tăng tính chống chịu của chúng lên.

       - Đúng thời tiết, mùa vụ

       + Thời tiết có ảnh hưởng đến chiều hướng tác động và hiệu quả của phân bón. Mưa làm rửa trôi phân bón gây lãng phí lớn. Nắng gắt cùng với tác động của các hoạt động phân bón có thể cháy lá, hỏng hoa, quả.

       + Trong điều kiện khí hậu, thời tiết và sản xuất của nước ta đối với các loại cây ngắn ngày, mỗi năm có 3 - 4 vụ. Đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây trồng ở từng vụ có khác nhau, cho nên nhu cầu đối với các nguyên tố dinh dưỡng cũng như phản ứng đối với tác động của từng yếu tố dinh dưỡng cũng khác nhau. Lựa chọn đúng loại phân, dạng phân và thời vụ bón hợp lý để nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón.

       - Bón đúng cách

       + Có nhiều phương pháp bón phân: Bón vào hố, bón vào rãnh, bón rải trên mặt đất, hòa vào nước phun lên lá, bón phân kết hợp với tưới nước...

       + Bón phân chia làm nhiều loại: Bón lót, bón thúc đẻ nhánh, thúc ra hoa, thúc đậu quả, thúc mẩy hạt,...

       + Lựa chọn đúng cách bón cho cây trồng, cho vụ sản xuất, cho loại đất,... có thể làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón lên gấp nhiều lần. 

       - Bón phân cân đối

       Cây trồng có yêu cầu đối với các chất dinh dưỡng ở những lượng nhất định với những tỷ lệ nhất định giữa các chất. Thiếu một chất dinh dưỡng nào đó, cây sinh trưởng và phát triển kém, ngay cả những khi có các chất dinh dưỡng khác ở mức thừa thãi.

       Các nguyên tố dinh dưỡng không chỉ tác động trực tiếp lên cây mà còn có ảnh hưởng qua lại trong việc phát huy hoặc hạn chế tác dụng của nhau.

       Đối với mỗi loại cây trồng có những tỷ lệ khác nhau trong mức cân đối các yếu tố dinh dưỡng. Tỷ lệ cân đối này cũng thay đổi tuỳ thuộc vào lượng phân bón được sử dụng. Tỷ lệ cân đối giữa các nguyên tố dinh dưỡng cũng khác nhau ở các loại đất khác nhau.

       Bón phân không cân đối không những không phát huy được tác dụng tốt của các loại phân, gây lãng phí mà còn có thể gây ra những tác dụng không tốt đối với năng suất cây trồng và đối với môi trường.

        Bón phân cân đối có các tác dụng tốt là:

       + Ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của đất, bảo vệ đất chống rửa trôi, xói mòn.

       +Tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả của phân bón và của các biện pháp kỹ thuật canh tác khác.

       + Tăng phẩm chất nông sản.

       + Bảo vệ nguồn nước, hạn chế chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường.

       5.Trừ dịch hại

       - Sử dụng đúng thuốc

       Là dùng loại thuốc phù hợp nhất để phòng trừ dịch hại, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, an toàn thực phẩm và hiệu quả kinh tế.

       + Một loại thuốc BVTV thường chỉ phòng trừ được một hay một số loài dịch hại, chúng chỉ thích hợp với những điều kiện thời tiết, đất đai, canh tác, cây trồng nhất định.

       + Cần xác định loài dịch hại nào đang gây hại để chọn mua đúng loại thuốc thích hợp, trên nguyên tắc: Sâu bệnh nào - thuốc nấy. Nếu có nhiều loại thuốc khác nhau có cùng công dụng thì ưu tiên lựa chọn thuốc:

       + Ít độc nhất đối với người sử dụng.

       + Ít để lại dư lượng trên sản phẩm và ít gây hại đối với người tiêu dùng sản phẩm;

       + An toàn đối với cây trồng;

       + Ít gây hại đối với sinh vật có ích;

       + Không tồn lưu lâu trong đất, nước;

       + Phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu của địa phương.

        - Sử dụng đúng lúc

       Là dùng thuốc vào thời điểm mà hiệu quả phòng trừ dịch hại cao nhất, mang lại lợi ích kinh tế lớn nhất nhưng ít gây hại cho môi trường và sức khỏe con người nhất.

       + Khi phải tiến hành phun thuốc, cần phun lúc sâu hại chủ yếu đang ở giai đoạn tuổi nhỏ (tuổi 1-2), bệnh mới xuất hiện, cỏ dại còn non mẫn cảm với thuốc.

       +Không phun thuốc lúc cây dễ bị thuốc gây hại: Cây đang ra hoa, thời tiết quá nóng.

       + Không phun thuốc khi cây trồng dùng làm thực phẩm sắp đến ngày thu hoạch.

       - Sử dụng đúng liều lượng, nồng độ

       Là sử dụng với nồng độ và liều lượng đem lại hiệu quả phòng trừ dịch hại và hiệu quả kinh tế cao nhất đồng thời giảm thiểu tác hại do thuốc BVTV gây ra đối với môi trường, con người và sản phẩm.

       + Đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn để tính toán đúng lượng thuốc cần sử dụng và lượng nước để pha thuốc cho diện tích và đối tượng cây trồng cần xử lý. 

       + Cần phun hết lượng thuốc đã tính toán trên diện tích cần phun thuốc.

       -Sử dụng đúng cách (đúng kỹ thuật):

       Là sử dụng với kỹ thuật mang lại hiệu quả phòng trừ dịch hại và hiệu quả kinh tế tối ưu nhưng ít gây hại đến môi trường và sức khỏe con người nhất.

       + Phun đúng nơi dịch hại cư trú để dịch hại tiếp xúc với thuốc nhiều nhất.

       + Không phun, rãi khi gió quá mạnh, trời sắp mưa, trời nắng gắt, ngược chiều gió; đi đúng tốc độ; phun kỹ không để sót.

       + Luân phiên các loại thuốc có cơ chế tác động khác nhau để giảm tác hại của thuốc đến sinh vật và môi trường, giảm hình thành tính kháng thuốc của dịch hại.

       + Hỗn hợp thuốc phải đúng hướng dẫn ghi trên nhãn hoặc hỏi ý kiến cán bộ chuyên môn. Hỗn hợp phải dùng ngay trong ngày.

       - Đảm bảo thời gian cách ly của thuốc.

       6.Chăm sóc cây trồng

       - Đối với cây lúa: Cần theo dõi và khắc phục những hiện tượng bất thường như: Thiếu hoặc thừa dinh dưỡng, ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ, bị sâu bệnh.

       - Đối với cây rau màu:

        Cần theo dõi và khắc phục những hiện tượng bất thường như: Thiếu hoặc thừa dinh dưỡng, ngộ độc hữu cơ, ảnh hưỡng thuốc trừ cỏ, bị sâu bệnh.

       - Đối với cây ăn trái:

       Cần theo dõi và khắc phục những hiện tượng bất thường như: Thiếu hoặc thừa dinh dưỡng, bị thiếu hoặc thừa nước, bị sâu bệnh.

       7. Đối phó với thời tiết bất lợi

       - Khi thới tiết khô hạn: Cần theo dõi những hiện tượng bất thường khi thời tiết khô hạn như: Cây kém phát triển, lá vàng và bị cháy đọt (cây lúa). Cây không phát triển, phiến lá nhỏ và rũ xuống (cây rau màu, cây ăn trái). Cần tưới nước bổ sung, phun dinh dưỡng qua lá để giúp cây không mất sức.

       - Khi thới tiết mưa dầm:

       Cần theo dõi những hiện tượng bất thường khi thời tiết mưa dầm như: Cây kém phát triển, thân yếu (cây lúa) . Cây không phát triển, phiến lá nhỏ và rũ xuống, hoa và trái rụng  (cây rau màu, cây ăn trái). Cần thoát nước cho ra khỏi khu vực trồng (cây trồng), tạo các rãnh nhỏ trên liếp để đất không đóng váng ( cây rau màu, cây ăn trái)./.

Tác giả: Ks.Dương Khoa Văn