Một số lưu ý khi ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc sản, đặc thù tỉnh Cà Mau .

       Tỉnh Cà Mau có ba mặt tiếp giáp biển, hệ sinh thái rừng phong phú và đa dạng, hệ thống sông ngòi chằng chịt, có nhiều sông lớn và bãi bồi, đầm, ao, hồ,…nên thiên nhiên đã ưu đãi cho Cà Mau nhiều sản vật đặc sản ngon và hấp dẫn. Đặc sản Cà Mau là niềm tự hào cũng là nguồn thu nhập đáng kể của người dân địa phương. Một trong những đặc sản rất phổ biến của Cà Mau đó là tôm khô, cua biển, sò huyết, vọp, cá lóc, cá sặc rằn, bồn bồn, mật ong,… và các loại thủy hải sản được nuôi trồng và đánh bắt từ biển. Đây là lợi thế để Cà Mau thu hút khách du lịch cũng như xuất khẩu mang lại nguồn thu rất lớn cho người dân và ngân sách địa phương.

       Để giữ vững thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản, đặc thù tỉnh Cà Mau trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay là rất khó khăn vì tình trạng gian lận thương mại ngày càng tăng; hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng nhiều với những thủ đoạn rất tinh vi nên phần nào đã làm suy giảm uy tín, thương hiệu của các loại đặc sản. Việt Nam chúng ta đã gia nhập AFTA, WTO, CPTPP, EVFTA,… nên việc bảo vệ thương hiệu, uy tín cho sản phẩm đặc sản cả nước nói chung và Cà Mau nói riêng là hết sức cần thiết, rất quan trọng để người dân và doanh nghiệp cùng phát triển trong tình hình mới. Hiện tại, tỉnh Cà Mau đã có 19 nhãn hiệu cộng đồng đối với các sản phẩm đặc sản, đặc thù được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ (10 nhãn hiệu tập thể[1], 09 nhãn hiệu chứng nhận[2]). Một trong những giải pháp doanh nghiệp quan tâm, lựa chọn để bảo vệ thương hiệu của mình là giải pháp xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

       Trên thị trường hiện nay tồn tại khá nhiều giải pháp để truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Trong đó, phổ biến nhất là hai công nghệ dùng mã QR và mã số, mã vạch. Gần đây, mã QR đã được ứng dụng rộng rải khi nhiều chương trình, dự án xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Tuy nhiên, các thông tin hiển thị thông qua mã QR và mã số, mã vạch chủ yếu là thông tin do nhà phân phối trực tiếp cung cấp, còn thông tin về các nhà cung cấp phía trước của chuỗi cung ứng sẽ không có hoặc có cũng rất chung chung, không đầy đủ, chính xác, dẫn đến tính minh bạch của thông tin chưa được đảm bảo. Trong khi đó, Blockchain là giải pháp công nghệ khắc phục được những hạn chế nêu trên.

 

Cá khoai Cái Đôi Vàm – Sản phẩm đặc sản tỉnh Cà Mau, Ảnh- Tg

       Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống Blockchain đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin. Đặc biệt, Blockchain có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin. Hệ thống Blockchain bao gồm nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin. Các giao dịch dù nhỏ nhất như ở nông trại, nhà kho hay nhà xưởng đều có thể được giám sát hiệu quả và truyền đạt trên toàn bộ chuỗi cung ứng khi kết hợp với công nghệ IoT (Internet of Things). Hệ thống Blockchain thường được phân chia thành 3 loại: Public, Private và Permissioned, trong đó:

       - Public: Đây là hệ thống Blockchain mà bất kỳ ai cũng có quyền đọc và ghi dữ liệu trên Blockchain. Quá trình xác thực giao dịch trên Blockchain này đòi hỏi phải có hàng nghìn hay thậm chí là hàng vạn nút tham gia. Do đó để tấn công vào hệ thống Blockchain này là điều bất khả thi vì chi phí rất cao.

       - Private: Đây là hệ thống Blockchain cho phép người dùng chỉ được quyền đọc dữ liệu, không có quyền ghi vì điều này thuộc về một bên thứ ba tuyệt đối tin cậy. Bên thứ ba này có thể hoặc không cho phép người dùng đọc dữ liệu trong một số trường hợp. Bên thứ ba toàn quyền quyết định mọi thay đổi trên Blockchain. Vì đây là một Private Blockchain, cho nên thời gian xác nhận giao dịch khá nhanh vì chỉ cần một lượng nhỏ thiết bị tham gia xác thực giao dịch.

       - Permissioned: Hay còn gọi là Consortium, là một dạng của Private Blockchain nhưng bổ sung thêm một số tính năng nhất định, kết hợp giữa “niềm tin” khi tham gia vào Public và “niềm tin tuyệt đối” khi tham gia vào Private.

Công nghệ Blockchain có 3 phiên bản chính gồm:

       - Blockchain 1.0 – Tiền tệ và Thanh toán: Là phiên bản sơ khai và đầu tiên của Blockchain, ứng dụng chính của phiên bản này là các công việc liên quan đến tiền mã hoá: bao gồm việc chuyển đổi tiền tệ, kiều hối và tạo lập hệ thống thanh toán kỹ thuật số.

       - Blockchain 2.0 – Tài chính và Thị trường: Đây là phiên bản thứ 2 của Blockchain, ứng dụng của nó là xử lý tài chính và ngân hàng: mở rộng quy mô của Blockchain, đưa Blockchain tích hợp vào các ứng dụng tài chính và thị trường. Các tài sản bao gồm cổ phiếu, chi phiếu, nợ, quyền sở hữu và bất kỳ điều gì có liên quan đến thỏa thuận hay hợp đồng.

       - Blockchain 3.0 – Thiết kế và Giám sát hoạt động: Hiện tại đây đang là phiên bản cao nhất của Blockchain, với phiên bản này, công nghệ Blockchain sẽ vượt khỏi biên giới chỉ phục vụ cho lĩnh vực tài chính, và đi vào các lĩnh vực khác như giáo dục, chính phủ, y tế và nghệ thuật…

       Công nghệ Blockchain đang được nhiều bộ, ngành và ủy ban nhân dân một số tỉnh khuyến khích ứng dụng trong xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nói riêng và trong công tác quản lý ngành nói chung.  Phát biểu tại diễn đàn Blockchain 2018 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Xu hướng và tầm nhìn phát triển”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: “Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển các hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain thông qua các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về chính phủ điện tử, chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước về cách mạng công nghiệp 4.0 mà Bộ Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt”.

       Trên thực tế, công nghệ Blockchain đã và đang được nhiều nơi ứng dụng trong xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thông tin được kiểm soát chặt chẽ và liên tục, đáp ứng nhu cầu truy xuất thông tin về chuỗi cung ứng đối với khách hàng, phục vụ xuất khẩu hàng hóa được tốt hơn. Tuy nhiên, để ứng dụng thành công công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc sản, đặc thù ở Cà Mau, cần đáp ứng tốt một số nội dung sau:

       - Thứ nhất, tất cả các thành phần trong chuỗi khối Blockchain đều phải có đường truyền kết nối internet ổn định vì mỗi thành phần trong Blockchain đều phải cập nhật thông tin lên hệ thống liên tục theo thời gian thực.

       - Thứ hai, các thành phần trong chuỗi khối Blockchain phải sử dụng thành thạo công nghệ và cập nhật thông tin chính xác liên quan vào hệ thống vì trong Blockchain thông tin sau khi đã cập nhật vào hệ thống thì không có cách nào thay đổi được, chỉ có thể bổ sung thêm sau khi được sự đồng thuận của tất cả các thành phần trong hệ thống.

       - Thứ ba, mật khẩu bảo vệ trong hệ thống Blockchain phải bảo đảm an toàn vì nếu mật khẩu “yếu” rất có thể bị đánh cấp và làm sai lệch thông tin trong cả hệ thống.

       - Thứ tư, phải có cam kết trách nhiệm giữa các bên khi tham gia vào hệ thống như trách nhiệm, quyền lợi, độ tin cậy thông tin đầu vào – đầu ra để đảm bảo tính minh bạch, thống nhất trong toàn hệ thống.

       - Thứ năm, phải có sự hỗ trợ, hướng dẫn, động viên và tuyên truyền ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc từ chính quyền các cấp để các thành phần tham gia hệ thống Blockchain hiểu, cùng nhau xây dựng hệ thống Blockchain ổn định, an toàn, phát triển.    

[1] (i) Tôm khô Rạch Gốc, (ii) Mật ong U Minh Hạ, (iii) Cá khô bổi U Minh, (iv) Mắm cá lóc Thới Bình, (v) Cua Năm Căn, (vi) Cá chình – cá bống tượng Tân Thành, (vii) Cá khoai Cái Đôi Vàm, (viii) Bồn bồn Cái Nước, (ix) Chuối khô Trần Hợi, (x) Bánh phồng tôm Mũi Cà Mau.

[2] (i) Gạo tép hành, (ii) Gạo tài nguyên đục, (iii) Gạo một bụi lùn, (iv) Lúa sạch Thới Bình, (v) Chuối xiêm sinh thái, (vi) Mực Sông Đốc, (vii) Cá thòi lòi Đất Mũi, (viii) Cá bóp Hòn Chuối, (ix) Lúa sinh thái.

Thạc sĩ Đinh Hùng Anh