Một số sản phẩm có thể được tạo ra từ thân cây chuối phù hợp với điều kiện tỉnh Cà Mau

       Tỉnh Cà Mau có diện tích trồng chuối lớn thứ hai trong khu vực ĐBSCL, với 5.500 ha, năng suất bình quân 12 - 13 tấn/ha/năm, tập trung chính ở 3 huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình (chiếm trên 90% diện tích trồng chuối của tỉnh), chủ yếu là chuối Xiêm trắng và Xiêm đen. Hàng năm, các hộ trồng chuối cung cấp cho thị trường trên 70.000 tấn, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trồng chuối. Trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, cây chuối là một trong những ngành hàng nông sản chủ lực của tỉnh, bởi cây chuối được xác định là ngành hàng hứa hẹn sẽ tạo ra bước đột phá cho nền nông nghiệp của tỉnh bởi đáp ứng được các tiêu chí về điều kiện thổ nhưỡng, có khả năng phát triển thành vùng nguyên liệu lớn cũng như nhu cầu thị trường. Cây chuối đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm nguồn thu nhập thường xuyên, tạo thêm việc làm, ổn định đời sống cho hàng ngàn hộ dân. Sản phẩm chuối Cà Mau được thương lái, người tiêu dùng ở các địa phương của cả nước đánh giá cao về chất lượng (trái to đặc ruột, độ Brix cao,…), ngon khi ăn tươi sống hoặc chế biến thành các sản phẩm như chuối sấy, chuối ép khô, bột chuối.

       Hiện trong tỉnh Cà Mau có khoảng 20 cơ sở thu mua chuối tập trung chủ yếu tại huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời, sản lượng tiêu thụ khoảng 10.000 tấn chuối tươi/năm. Có 04 cơ sở thu mua chuối chế biến, tiêu thụ khoảng 5.800 tấn chuối tươi/năm, 1.300 tấn chuối khô/năm, chưa có cơ sở chế biến bột chuối; khoảng 200 hộ sản xuất và kinh doanh chuối khô, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh, Campuchia, một số tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL, hầu như không có kênh xuất khẩu. Thị trường tiêu thụ chuối và các sản phẩm được chế biến từ chuối ở Cà Mau có chiều hướng tăng đều theo từng năm, góp phần mang lại nguồn thu ổn định, đảm bảo cuộc sống của người dân trồng chuối trong tỉnh, đặc biệt là ở ba huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời. Định hướng trong thời gian tới, Cà Mau sẽ xây dựng vùng thâm canh chuối tập trung sản xuất theo VietGAP quy mô khoảng 2.000 ha, đưa năng suất chuối 20 tấn/ha/năm, sản lượng 108.000 tấn/năm; Phối hợp với doanh nghiệp xây dựng mô hình canh tác chuối theo chuỗi giá trị nhằm nâng giá trị cây chuối; Xây dựng thương hiệu chuối xiêm đặc sản Cà Mau; Nghiên cứu sơ chế, chế biến, bảo quản đa dạng sản phẩm chuối đáp ứng nhu cầu thị trường như: chuối sấy khô, chuối ép khô, bột chuối, chuối tươi,…

       Hiện nay, người dân trồng chuối chủ yếu là khai thác buồng, bắp, lá (đối với lá chuối thì số lượng khá hạn chế), còn thân chuối đa phần bỏ đi sau khi thu hoạch buồng, thân chuối sẽ tự phân hủy trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, đối với một số quốc gia thì thân cây chuối được tận dụng và chế tạo ra một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường, phục vụ cuộc sống  ngày càng tốt hơn. Để khai thác tối đa hiệu quả nguồn lợi từ cây chuối, sau đây là một số ứng dụng được làm từ thân cây chuối ở một số nước trên thế giới mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân trồng chuối ở Cà Mau có thể nghiên cứu, khai thác để làm ra các sản phẩm hữu ích, đó là:

       - Dệt chiếu

       Những sản phẩm sáng tạo như giày dép, chén bát, ly, thìa, túi xách…làm từ bẹ chuối khô  đã trở thành kế sinh nhai của người nghèo tại các quốc gia trồng nhiều chuối như Ấn Độ. Đặc biệt 10% trong số 500.000 ha chuối tại quốc gia này được sử dụng sản xuất các loại sợi để làm chiếu, dệt vải hoặc đan lát thành các sản phẩm thủ công vì độ bền của sợi chuối rất cao, mềm và dễ gia công.

       Chiếu làm từ sợi chuối thường mềm, sạch, bóng, bền, đẹp, hoa văn bắt mắt, giảm đau lưng nên được người tiêu dùng ưa chuộng hơn so với các loại chiếu nhựa, chiếu cói hay chiếu từ các vật liệu khác. Hiện nay, Eco Green Unit – một tổ chức xã hội tại Ấn Độ đã triển khai thực hiện dự án sản xuất các sản phẩm thủ công từ thân chuối, trong đó có chiếu sợi chuối để mang lại sinh kế và tăng thu nhập cho bà con nông dân tại các vùng nông thôn Ấn Độ.

       - Làm giấy và gỗ ép

       Công ty Papyrus ở Australia đã phát triển công nghệ sản xuất giấy và bìa cứng từ sợi thân cây chuối. Giấy làm từ sợi thân cây chuối có khả năng chống thấm nước và bền gấp 3.000 lần so với giấy làm từ bột gỗ, vì thế có thể sử dụng để làm bao bì, vật liệu xây dựng hoặc để sản xuất một số mặt hàng như cặp, túi xách, mũ, quần áo, đồ gia dụng. Hiện Papyrus đang phối hợp với Trường Đại học Western Sydney phát triển quy trình tẩy trắng nhằm biến “giấy chuối” thành giấy sử dụng trong văn phòng.

       Ngoài sản phẩm giấy, Công ty Papyrus còn đi tiên phong phát triển thân chuối thành một loại gỗ ép đặc biệt có thể thay thế làm đồ nội thất. Các sản phẩm gỗ ép làm từ bẹ chuối có khả năng chống nước tự nhiên, khả năng chống cháy và kháng UV, mang đến độ bền cho ngôi nhà của bạn.

       Cùng với Papyrus thì Green Banana Paper – một startup tại đảo Kosrae, Liên bang Micronesia cũng đã khởi nghiệp với các sản phẩm độc đáo làm từ sợi chuối như ví, giấy, danh thiếp…

Gỗ ép được làm từ thân chuối, nguồn: https://bizc.vn

       - Đồ thủ công mỹ nghệ

       Những kiệt tác thủ công mỹ nghệ làm từ sợi chuối có nguồn gốc từ ngôi làng Anegundi (gần Karnataka, Ấn Độ) và từ lâu đã trở thành truyền thống văn hóa đặc biệt của người dân nơi đây.

       Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ sợi chuối như thảm, túi xách, ví, bình hoa…rất được du khách ưa chuộng vì độ bền đẹp, tính thẩm mỹ cao, lại an toàn thân thiện môi trường, thể hiện sự sáng tạo tuyệt vời của con người.

       Hiện nay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ chuối được các tổ chức phi chính phủ tại Anegundi khuyến khích và phát triển mạnh, qua đó góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống của người dân trong làng.

Sản phẩm thủ công được chế biến từ thân chuối, nguồn: https://bizc.vn

       - Quần áo

       Vải sợi từ tơ chuối đã có mặt trong văn hóa Nhật Bản và nhiều nước Đông Nam Á từ đầu thế kỷ 13. Các sợi chuối được chia thành hai loại: sợi bên trong mịn hơn dùng để dệt quần áo; sợi bên ngoài thô, dày được sử dụng để làm giỏ, túi xách, thảm…Sợi chuối mịn được xem là chất liệu có giá trị ngang với lụa và theo truyền thống chỉ được dùng để dệt thành quần áo trang trọng cho giới giàu có tại Nhật Bản.

       Ngày nay người dân địa phương tại Okinawa – một tỉnh cực nam của Nhật Bản đã sáng chế ra loại vải truyền thống có tên Bashofu hay còn gọi là vải sợi chuối – đại diện cho nghề dệt của Okinawa. Xơ chuối dệt thành vải được tách thành sợi từ thân chuối nên có độ mềm, mịn, thoáng mát, hút mồ hôi, rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Quần áo được làm từ thân cây chuối, nguồn: https://style-republik.com

       - Bao bì thực phẩm

       Đựng thức ăn trên lá chuối hoặc sử dụng lá chuối để bọc thực phẩm đã được con người biết đến từ hàng trăm năm trước. Tuy nhiên cho đến nay phương thức dân dã này vẫn được nhiều cửa hàng, người tiêu dùng tại nhiều quốc gia châu Á sử dụng bởi tính thân thiện với môi trường, góp phần thay thế cho các loại nhựa dẻo dùng một lần. Đặc biệt lá chuối có một lớp phủ sáp có mùi thơm và hương vị tinh tế nhưng khác biệt nên khi thức ăn nóng được đặt trên lá, lớp sáp tan chảy và hòa quyện hương vị vào khiến thức ăn có vị ngon hơn.

       Tài liệu tham khảo:

https://bizc.vn/than-cay-chuoi-va-nhung-ung-dung-doc-dao-kho-tin

https://style-republik.com/dau-chi-co-soi-to-lam-tu-sen-the-gioi-con-co-soi-to-lam-tu-chuoi

https://vnexpress.net/thoi-su/che-tao-do-thu-cong-tu-cay-trong-3599645.html

http://baocamau.com.vn/kinh-te/xay-dung-chuoi-lien-ket-nang-cao-gia-tri-cay-chuoi-45713.html

Tác giả: ThS.Đinh Hùng Anh