Ngành mía đường Việt Nam cần cơ cấu lại để thích ứng biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế thế giới

        I. Tình hình chung

        Chương trình mía đường Việt nam được khởi động kể từ năm 1995, được coi là chương trình khởi đầu công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, một Chương trình mang tính kinh tế xã hội. Tuy trải qua giai đoạn đầu tư phát triển vừa thuận lợi, vừa khó khăn như: thời kỳ khởi động vừa tạo dựng vùng nguyên liệu, vừa xây dựng cơ bản các nhà máy, vừa sản xuất bất cập về vùng nguyên liệu với công suất thiết kế nhà máy. Thời kỳ vượt qua khó khăn trong bối cảnh vừa đầu tư sản xuất vừa phải chịu tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực và châu Á; thời kỳ gắn sắp xếp đổi mới các nhà máy đường theo hướng cổ phần hóa với giải quyết khó khăn về tài chính, ngành mía đường dần khẳng định vị thế trong công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, ngành mía đường cần cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thích ứng biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế quốc tế.

        Hiện tại, ngành mía đường Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng, đối diện với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường đường thế giới khi mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng, tiến tới phi thuế quan (thuế nhập khẩu 0%). Mặc dầu đã tạo được các vùng nguyên liệu tập trung song thực chất bên trong vẫn là quy mô hộ nhỏ lẻ, năng suất và chất lượng mía thấp, giá thành nguyên liệu cao; hệ thống các nhà máy chế biến hầu hết công suất nhỏ, công nghệ trung bình, cơ cấu sản phẩm thiếu cân đối, chưa đa dạng hóa phát huy lợi thế tổng hợp của ngành công nghiệp sản xuất đường mía; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ hàng hóa còn nhiều bất cập; công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa được chú trọng đúng mức.

Nguy cơ vùng nguyên liệu mía cà mau sẽ không còn. Ảnh: báo nongnghiep.vn

        Mặc dù ngành đường đã trải qua nhiều biến động, nhưng do yêu cầu về sản xuất và điều kiện tự nhiên cần phải phù hợp với đặc tính sinh trưởng của mía, củ cải đường... nên các khu vực sản xuất đường chính trên thế giới không có nhiều thay đổi. Ngày nay, đường mía được sản xuất chủ yếu ở Brazil và các quốc gia Châu Á, đường củ cải được sản xuất chủ yếu ở Châu Âu, Nga và Mỹ. Vụ 2015/2016 thế giới sản xuất được 172,15 triệu tấn đường từ 4,5 triệu ha củ cải và 27,0 triệu ha mía tại hơn 123 quốc gia, xuất khẩu được 54,87 triệu tấn. Riêng Brazil đã chiếm khoảng 21% tổng sản lượng sản xuất và 45% sản lượng đường xuất khẩu toàn cầu. Hiện nay, các quốc gia ảnh hưởng lớn nhất đến ngành đường thế giới (xét theo tỷ trọng về sản lượng) là:

        - Về sản xuất: Brazil (21%), Ấn Độ (17%), EU (9%).

        - Về tiêu thụ: Ấn Độ (15%), EU (11%), Trung Quốc (10%).

        - Về xuất khẩu: Brazil (45%), Thái Lan (15%), Úc (7%).

        - Về nhập khẩu: Trung Quốc (11%), EU (6%), Mỹ (6%).

        II. Thực trạng ngành mía đường Việt Nam

        2.1. Về phát triển vùng mía nguyên liệu

        + Tốc độ phát triển bình quân 1980-1994 là 2,45%; năm 1994, cả nước có 150.000 ha, năng suất bình quân đạt 42 tấn/ha với sản lượng mía 6,3 triệu tấn.

        + Vụ 2015 - 2016: diện tích mía cả nước là 284.367 ha, năng suất mía bình quân cả nước đạt 64,4 tấn/ha, sản lượng mía cả nước được 18,3 triệu tấn. Diện tích vùng nguyên liệu tập trung là 272.805 ha.

Bảng 1: Thống kê diện tích cây hàng năm giai đoạn 2005-2014

ĐVT: 1.000ha

Năm

Tổng số

Cây lương thực

Cây CN hàng năm

Tổng số

Mía

Tỷ lệ (%)

2005

10.818,8

8.383,4

861,5

266,3

30,9

2006

10.868,2

8.359,7

841,7

288,1

34,2

2007

10.894,9

8.304,7

846,0

293,4

34,7

2008

11.156,7

8.542,2

806,1

270,7

33,6

2009

11.047,1

8.527,4

753,6

265,6

35,2

2010

11.214,3

8.615,9

797,6

269,1

33,7

2011

11.420,5

8.777,6

788,2

282,2

35,8

2012

11.537,9

8.918,9

729,9

301,9

41,4

2013

11.709,3

9.073,0

730,1

309,4

42,4

2014

11.655,1

8.992,2

725,5

305,0

42,0

Nguồn: Niên giám thống kê năm 2014

        2.2. Năng suất và sản lượng mía tăng khá

        Trong vòng 10 năm (2007 – 2016) năng suất mía tại ruộng tăng trưởng khá, đạt 1,57%/năm; năm 2015 bình quân cả nước đạt 64,4 T/ha. Giá thu mua mía cho nông dân các vùng trên phạm vi cả nước tăng 2,65 lần, những hộ nông dân sản xuất giỏi lợi nhuận từ sản xuất mía lên đến trên 30%. Trong 5 năm gần đây giá mía 10 CCS giữ ổn định 900.000 – 1,1 triệu đồng/tấn, tạo doanh thu từ cây mía đạt từ 15 – 18 nghìn tỷ đồng/năm.

        2.3. Mặc dầu đã có những tiến bộ, song sản xuất mía nguyên liệu chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả từ sản xuất mía chưa cao.

        - Về giống mía: Trong sản xuất mía, giống mía giữ vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất mía, số vụ gốc, chữ đường trong mía. Công tác nghiên cứu và phát triển, chuyển giao giống mía mới phủ khoảng 50% diện tích; cơ cấu giống chưa phù hợp với thực tế của từng vùng cũng như xu hướng biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề. Từ năm 1996 đến nay có 37/75 giống do Viện nghiên cứu mía đường tuyển chọn (từ nguồn nhập nội hoặc lai tạo).

        - Năng suất, chất lượng mía thấp: Năm 2015 bình quân đạt 64,4 T/ha, thấp hơn 7% so với mức bình quân của thế giới. Ở vùng ĐBSCL đất tốt, đủ nước tưới nên năng suất mía rất cao, có những ruộng mía đạt trên 200T/ha nhưng diện tích trồng không nhiều.

        Trong suốt 22 năm qua, chữ đường mía bình quân đưa vào ép chỉ giao động trên dưới 10 CCS, trong khi đó chữ đường ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc đạt từ 12 – 14 CCS.

        - Kỹ thuật canh tác lạc hậu:

        Phần lớn diện tích trồng mía là sở hữu của nông dân (quy mô hộ), nên mặc dầu là vùng nguyên liệu tập trung song quy mô vẫn nhỏ lẻ, phân tán, hạ tầng cơ sở yếu kém. 80% điện tích trồng mía là vùng đất đồi, tưới nhờ nước trời, bón phân mất cân đối.

        Phân bón: Các vùng có ký hợp đồng đầu tư tiêu thụ sản phẩm với nhà máy đường thường được ứng trước phân bón từ đầu vụ. Tính từ thời điểm đầu năm 2015 đến cuối năm 2016, phân kali, lân, đạm lần lượt giảm 19%, 27%, 78%. Nhờ đó, chi phí sản xuất mía nguyên liệu được tiết kiệm hơn so với năm 2015.

        Cơ giới hóa: CGH sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí, có thể giảm được 25-30% chi phí làm đất và 55-56% chi phí thu hoạch so với lao động thủ công truyền thống.

        Hiện mức độ CGH trong sản xuất mía ở nước ta còn thấp, chỉ khoảng 10-20%, cơ giới hóa khâu thu hoạch vẫn là một thách thức lớn. Nguyên nhân cơ bản là do địa hình thiếu bằng phẳng, việc tích tụ đất đai hình thành cánh đồng lớn gặp nhiều trở ngại, diện tích canh tác quy mô hộ chỉ bình quân 0,6 – 0,8 ha/hộ. Hầu hết ruộng mía cày không đảm bảo độ sâu chỉ từ 15 – 20cm trong khi rễ cây mía có thể ăn sâu đến 40 – 60cm.

        Vì CGH thấp dẫn đến chi phí lao động chiếm đến 28% tổng chi phí mía nguyên liệu. Với mức độ sử dụng lao động thủ công lớn, tình hình chi phí tiền lương ngày càng gia tăng đã gây áp lực lên giá thành sản xuất mía.

        Tưới tiêu: Nước chiếm trên 70% khối lượng cây mía, vì vậy việc cung cấp đủ nước sẽ giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất cao. Nếu áp dụng kỹ thuật tưới hữu hiệu, năng suất mía có thể tăng lên đến 100 tấn/ha. Tuy vậy, hiện nay tổng diện tích mía được tưới ở nước ta mới chỉ đạt 16.726 ha (bằng 6% tổng diện tích mía cả nước).

        Công lao động đã chiếm đến 28% giá trị cây mía (biểu đồ 1).

        Thu mua: Nước ta không có quy định giá sàn mua mía, song các Nhà máy đường đều mua mía cho nông dân với giá tương đương từ 65–70 kg đường/01 tấn mía 10 CCS để chia sẻ thêm thu nhập cho người trồng mía và ổn định phát triển vùng nguyên liệu.

        Theo Bộ NN&PTNT, vụ 2015/2016, nếu tính bình quân cho 3 miền Bắc, Trung và Nam và một gốc mía sẽ cho 3 vụ là 1 vụ tơ + 2 vụ gốc thì chi phí đầu tư tương đối đầy đủ cho 1 ha mía tơ là khoảng 50 triệu; cho 1 ha mía gốc khoảng 36 triệu/ha; trung bình lại mỗi vụ là 40,6 triệu đồng/ha. Với năng suất bình quân là 65 tấn/ha, thì lãi chỉ đạt khoảng 20 triệu đồng/ha/năm. (quy mô hộ chỉ bình quân 0,6 – 0,8 ha/hộ).

        Công tác thu mua mía còn nhiều bất cập:

        - Vụ 2015/2016, năng suất mía bình quân thống kê tại ruộng trên 64 tấn/ha, trong khi năng suất mía bình quân khi về đến nhà máy khi tính toán lại chỉ còn 56 tấn/ha (hao hụt 8 T/ha, do thời gian từ lúc thu hoạch tại ruộng đến khi vào ép quá dài). Từ đó cho thấy, có một sự chênh lệch đáng kể do những tổn thất sau thu hoạch mía.

        - Tình trạng mua xô, mua qua thương lái vẫn còn tiếp diễn nên vẫn chưa khuyến khích được những người trồng mía có chất lượng tốt, tạp chất trong mía nguyên liệu ở nhiều nhà máy vẫn còn cao, việc xác định chữ đường CCS cũng còn nhiều bất cập.

Biểu đồ 1: Cơ cấu chi phí trồng mía của nộng hộ VN vụ 2013-2014

        Thu hồi, chế biến các phụ phẩm đường: Việc sản xuất phụ phẩm sẽ giúp gia tăng thêm khoảng 20% doanh thu (như trường hợp của tập đoàn KSL Thái Lan, trong cơ cấu doanh thu năm 2016 các phụ phẩm chiếm 20%; ethanol và điện chiếm tỷ trọng cao nhất lần lượt là 12,3% và 4,9%; mật rỉ 2%, phân bón 0,03%), đồng thời giúp giảm giá thành đường từ 7- 10%.

        Việt Nam hiện chỉ có 09/41 nhà máy đường sản xuất điện sinh khối thương phẩm. Trong cơ cấu doanh thu của các doanh nghiệp ngành đường niêm yết, trên 90% đến từ sản xuất đường, 2-4% đến từ mật rỉ và 1-2% từ điện, phần còn lại thuộc về doanh thu khác.

        Nguyên nhân cơ bản của những yếu kém trên là:

        (i) Công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu chưa tốt. 80% tổng diện tích mía cả nước là đất đồi núi, nhiều vùng độ dốc lớn, không có khả năng tưới, khó áp dụng cơ giới hóa.

        (ii) Nghiên cứu khoa học – công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác nghiên cứu, chuyển giao giống cho sản xuất (3 cấp sản xuất giống) chưa được quan tâm đúng mức. Kinh phí đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mía đường ở Việt Nam hiện quá thấp, chỉ bằng khoảng 3-6% so với mức bình quân ở các nước sản xuất mía đường trên thế giới.

        (iii) Tổ chức sản xuất, thu hoạch chưa tốt: Quy mô sản xuất mía còn manh mún, nhỏ lẻ; liên kết giữa các hộ nông dân hạn chế. Công tác thu hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, việc tổ chức thu mua chưa tốt, dẫn đến tổn thất cả về sản lượng và cả chất lượng do bị hao hụt chữ đường.

        Hệ quả là giá mía nguyên liệu cao, chiếm 70-80% giá thành sản xuất đường. Với giá mía đưa vào chế biến từ 900.000 -1,1triệu đ/tấn, chi phí giá nguyên liệu mía trong giá thành sản xuất đường khoảng 8.000 - 10.000 đ/kg, cao hơn Thái Lan khoảng 2.000-3.000 đ/kg. (giá mía nguyên liệu đưa vào chế biến của Thái Lan ở mức 30-35 USD/tấn, quy ra chi phí giá nguyên liệu mía trong giá thành sản xuất đường khoảng 6.000-7.000 đ/kg).

        2.4. Việc đổi mới công nghệ, nâng cao công suất chế biến cùng với sự phát triển tương ứng của vùng nguyên liệu.

        Trong giai đoạn từ sau 2005 các nhà máy đã quan tâm đầu tư chiều sâu, trình độ công nghệ, thiết bị đã từng bước được nâng cao và hiện đại hóa theo các nước tiến tiến (Nhật Bản, Úc, Đan Mạch, Pháp và Đài Loan,..) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế thế giới.


Bảng 2: Vị thế mía đường Việt Nam so với thế giới

 

STT

 

Khu vực

DT (ngàn ha)

SL mía (triệu tấn)

NS mía (T/ha)

SL đường (triệu tấn)

NS đường (T/ha)

Tmía/

Tđường

Độ dài vụ SX

Số Nhà máy

CS thiết kế (TMN)

1

Brazil

9.900

661

67

35,0

8,5

8

250

430

 

2

Ấn Độ

5.039

353

70

27.0

5,4

13

120

 

 

3

Tr.Quốc

1.848

130

70

9,8

5,3

13

90

233

940.000

4

TháiLan

1.394

107

77

11,5

8,3

9

120

51

940.000

5

Pakistan

1.157

68

59

5,2

4,5

13

NA

 

 

6

Mexico

816

59

73

6,0

7,3

10

155

 

 

7

Indonesia

480

29

61

2,5

5,3

12

200

 

 

8

Philipin

443

32

73

2,3

5,2

14

NA

27

200.000

9

Colombia

410

39

95

2,4

5,9

16

265

 

 

10

Úc

393

33

84

4,8

12,2

7

140

 

 

11

Aghentina

374

23

62

2,1

5,6

11

NA

 

 

12

Nam Phi

315

18

57

2,1

6,7

 

NA

 

 

13

Mỹ

343

28

82

7,4

21,4

4

110

 

 

14

Việt Nam

284

18

65

1,4

4,9

12

180

41

150.000

 

Thế giới

26.954

1.842

68

167,5

6,2

 

 

 

 

Nguồn: Hiệp Hội Mía đường VN 2018

        Tuy vậy, quy mô và trình độ chế biến còn hạn chế; cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý.

        - Theo kinh nghiệm của ngành đường thế giới, thông thường một nhà máy phải có công suất từ 6.000 tấn mía/ngày trở lên thì mới đạt được lợi thế về quy mô. Hiện tại, Việt Nam chỉ có 8 nhà máy có công suất ép lớn hơn 6.000 tấn mía/ngày, chiếm 47,1% tổng công suất. Nhà máy có công suất ép trên 6.000 tấn mía/ngày như: An Khê (18.000); KCP (10.000); Lam Sơn (10.000); TTC (10.000); Khánh Hòa (9.000).

        - Tổ chức chế biến chưa tốt, tổn thất sau thu hoạch lớn. Mặc dầu năng suất mía tại ruộng cao, song khi đưa vào ép năng suất đường chỉ đạt dưới 5,0 tấn đường/ha thấp hơn nhiều so với các nước: Thái Lan 7,7 tấn/ha; Ấn Độ 6,7 tấn/ha; Trung Quốc 7,5 tấn/ha; Úc 12,5 tấn/ha, Brazil 11,8 tấn/ha.

        - Cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý. Trong khi Thế giới chỉ tồn tại 2 loại sản phẩm chính là đường tinh luyện RE (Refined Extra) và đường thô (Row Suger) thì hiện tại ở nước ta tồn tại 4 loại đường chính: đường trắng (RS-Refined Standard), đường tinh (RE-Refined Extra), đường vàng và đường thô. Trong đó, đường RE và RS chiếm trên 90% sản lượng đường thương phẩm cả nước. Điều này sẽ khó tạo khả năng xuất khẩu đường của nước ta (chủ yếu đường xuất khẩu là đường thô).

        Giá thành sản xuất đường ở nước ta còn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Năm 2015, giá đường của Nam Phi là 251USD/T; Brazil: 300 USD/T; Australia: 273 USD/T; Thái Lan: 357 USD/T; Ấn Độ: 441 USD/T và Việt Nam là 518 USD/T.

        2.5. Vấn đề đa dạng hóa sản phẩm, tận dụng phụ phẩm chưa được quan tâm đầu tư để phát huy hiệu quả tổng hợp từ sản xuất đường.

        Với sản lượng mía ép hàng năm khoảng 15 triệu tấn, bên cạnh sản phẩm chính khoảng 1,5 triệu tấn đường, còn một lượng lớn các phế phụ phẩm (bã mía, mật rỉ, bã bùn) có thể tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, bù vào các chi phí sản xuất đường, giúp hạ giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, đến nay sản xuất các sản phẩm sau đường và bên cạnh đường hướng đến GTGT cao có tiềm năng lớn nhưng thực tế mới tận dụng được dưới 30%.

        Quy mô sản xuất ngành mía đường của Việt Nam chỉ bằng 16% quy mô của Thái Lan và gần tương đồng với quy mô của Philippines. Năng suất trồng mía của Việt Nam cũng còn hạn chế, chỉ đạt 65 tấn/ha, thấp hơn so với trung bình của thế giới (68 tấn/ha) và các nước sản xuất mía lớn như Brazil (67 tấn/ha), Ấn Độ (70 tấn/ha), Trung Quốc (70 tấn/ha) và Thái Lan (77 tấn/ha). Bên cạnh đó, mức tiêu hao mía trong quá trình sản xuất đường của nước ta cũng còn rất cao, lên đến 12 tấn mía để sản xuất ra 1 tấn đường, trong khi các nước khác tỷ lệ này thấp hơn nhiều, ở Thái Lan và Brazil chỉ khoảng 8-9 tấn mía cho 1 tấn đường.

        2.6. Những trở ngại cho ngành mía đường VN trong thời gian tới

        - Hội nhập: khó khăn lớn nhất của ngành mía đường sắp tới đến từ hội nhập kinh tế với khu vực ASEAN. Sắp tới thực hiện hiệp định thương mại tự do trong khu vực Đông Nam Á (ATIGA), hiện nay, hầu hết các nước ASEAN đã thực hiện giảm thuế về 0% theo hiệp định ATIGA cho mặt hàng đường, ngoại trừ Philippin (5%), Indonesia (5-10%) và Myanma (0-5%), Cam-pu-chia và Việt Nam (5%). Theo lộ trình cam kết, đến năm 2020, thuế này phải giảm về 0% và đến đầu năm 2018, hạn ngạch nhập khẩu đường thô, đường trắng và đường tinh luyện trong khối sẽ được xóa bỏ. Ngành phải cạnh tranh trực tiếp với đường Thái Lan, nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới. Trong khi giá thành đường của Việt Nam hiện đang cao hơn 45% so với đường của Thái Lan.

        - Đường nhập lậu: do giá đường ở thị trường trong nước rất cao, vì vậy tình hình đường nhập lậu từ Thái Lan vào nước ta ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến cung cầu và giá đường trong nước.

        - Thời tiết: biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, diện tích mía bị ảnh hưởng bởi El-Nino và La-Nina gây sụt giảm sản lượng và chất lượng mía.

        - Biến động vùng nguyên liệu: Diện tích mía nguyên liệu không ổn định, do cạnh tranh với các cây trồng, vật nuôi khác và việc chậm trễ thu mua của nhà máy đường làm cho một số ruộng mía (Đồng bằng sông Cửu Long) bị qua lứa, trổ cờ làm thiệt hại lớn làm cho nông dân không an tâm, diện tích ngày càng sụt giảm.

        III. Giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam thích ứng biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế thế giới

        Để phát triển ngành mía đường trong thời gian tới cần phải cơ cấu lại ngành thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế thế giới, cốt lõi là: ổn định vùng mía nguyên liệu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, tăng năng suất, tăng chất lượng, tận dụng tốt các phụ phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh...

        3.1. Quy hoạch vùng nguyên liệu theo lợi thế vùng và thích ứng biến đổi khí hậu

        Năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao nhiệm vụ cho Cục Chế biến Nông lâm thuỷ sản - Nghề muối chủ trì thực hiện việc rà soát quy hoạch ngành mía đường Việt Nam, nhằm đánh giá việc thực hiện Quyết định 26/ QĐ-TTg và điều chỉnh nội dung quy hoạch sát đúng với tình hình mới, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu: khô hạn, ngập úng, xâm nhập mặn...

        Nâng cao chất lượng quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng nhà máy đường. Đất trồng mía phải đảm bảo độ bằng phẳng tương đối, thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và các yếu tố tự nhiên (nước tưới, độ pH...) đảm bảo cho sự phát triển của cây mía. Hạn chế việc quy hoạch diện tích trồng mía 1 vụ, giá thành nguyên liệu cao; ưu tiên chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng mía đặc biệt là quỹ đất lúa một vụ.

        Điều kiện tiên quyết để ổn định quy hoạch vùng sản xuất mía trong dài hạn là cây mía phải chứng tỏ được khả năng cạnh tranh so với cây trồng khác, thu nhập/ha của người trồng mía ngày càng được cải thiện thông qua việc áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả.

        - Ủy ban nhân dân các tỉnh có nhà máy đường chỉ đạo các nhà máy, cơ sở chế biến mía đường phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu mía của đơn vị phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt; cập nhật đồng bộ quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường của đơn vị mình vào các quy hoạch chuyên ngành của tỉnh.

        - Người sản xuất trồng mía trong vùng chuyên canh theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt được các doanh nghiệp sản xuất đường ký kết hợp đồng đầu tư, mua bán mía nguyên liệu và có trách nhiệm thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng đã ký. Người sản xuất mía theo hợp đồng đã ký được hưởng các chính sách khuyến khích hỗ trợ của Nhà nước và hỗ trợ của doanh nghiệp sản xuất đường để xây dựng vùng nguyên liệu và được doanh nghiệp sản xuất đường bảo hiểm giá trong tiêu thụ mía.

        - Doanh nghiệp sản xuất đường có trách nhiệm đàm phán ký kết hợp đồng đầu tư, mua mía nguyên liệu của người sản xuất mía trong vùng nguyên liệu được quy hoạch cho doanh nghiệp. Phải mua hết mía nguyên liệu theo hợp đồng đã ký, có kế hoạch mua mía đúng thời điểm đã cam kết. Phân chia lại lợi ích cho người sản xuất mía nguyên liệu trong trường hợp giá bán đường bình quân cả niên vụ cao hơn giá dự kiến từ đầu vụ sản xuất. Chủ trì thống nhất với người sản xuất mía xây dựng dự thảo hợp đồng đầu tư, mua bán mía nguyên liệu.

        - Các nhà máy đường khi được đầu tư xây dựng mới, mở rộng công suất, di chuyển nhà máy đường, ngoài việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư và xây dựng, còn phải bảo đảm nằm trong quy hoạch phát triển sản xuất mía đường và được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép; Phải áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; Công suất của nhà máy sản xuất đường từ mía phải tương ứng với vùng nguyên liệu được quy hoạch.

        3.2. Ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất mía

        Mía nguyên liệu là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp sản xuất đường. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã có những nỗ lực nhất định nhằm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía, hợp tác với nông dân qua việc ký hợp đồng hỗ trợ giống, đầu tư vốn và công nghệ cũng như bao tiêu đầu ra. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất mía nguyên liệu. Phấn đấu trong giai đoạn 2018 - 2030, năng suất mía bình quân đạt 75 - 80 tấn/ha; chữ đường bình quân 11-12 CCS.

Nhiều năm nay người dân huyện Thới Bình đã “xé rào” chuyển qua làm mô hình lúa – tôm. Ảnh: báo nongnghiep.vn.

        3.2.1. Về Giống:

        Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về giống mía:

        - Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam, các Trung tâm nghiên cứu giống mía vùng chủ động phối hợp với Nhà nước và các doanh nghiệp đề xuất việc nhập khẩu các giống tốt, chất lượng cao để khảo nghiệm, chọn tạo những bộ giống mới, phù hợp đưa vào sản xuất. Các doanh nghiệp sản xuất đường chủ động việc nhân giống, cung cấp cho trồng mới hàng năm đối vùng nguyên liệu mía đã quy hoạch cho nhà máy; khuyến khích người dân tích cực thay thế giống mía tốt có năng suất, chất lượng cao.

        - Bố trí cơ cấu giống mía rải vụ thu hoạch đảm bảo đúng thời điểm mía chín để giảm thời gian ép trung bình của mỗi nhà máy, giảm chi phí trung gian. Định hướng chung về tỷ lệ giống chín sớm khoảng 25%, chín muộn 25% và chính vụ 50%.

        - Xây dựng các Trung tâm giống mía, trình diễn giống và tiến bộ kỹ thuật canh tác mía, xây dựng phòng nuôi cấy mô (áp dụng nông nghiệp công nghệ cao) tại một số nhà máy lớn, trung tâm vùng như các mô hình: Trung tâm ứng dụng công nghệ cao của Công ty CP mía đường Lam Sơn; Trung tâm nghiên cứu ứng dụng mía đường (SDRC) của Tập đoàn TTC.

        3.2.2. Kỹ thuật canh tác

        - Áp dụng các quy trình kỹ thuật thâm canh cho từng loại giống mía, phù hợp với từng địa bàn. Bộ phận nông vụ các nhà máy đường phối hợp với ngành nông nghiệp hướng dẫn, chuyển giao các quy trình thâm canh mới cho nông dân để nâng cao hiệu quả trong sản xuất mía.

        - Phát hiện sớm và tập trung nghiên cứu, xử lý dứt điểm không cho lây lan một số sâu bệnh nguy hiểm phát sinh như sâu đục thân 4 chấm, bệnh chồi cỏ mía... Thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM không để dịch bệnh phát sinh và phát triển. Nghiên cứu sử dụng biện pháp đấu tranh sinh học (thiên địch) đối với các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn.

        - Tiến hành nghiên cứu, xây dựng quy trình canh tác mía hiệu quả trên đất đồi dốc để giảm tình trạng thoái hóa đất do canh tác thủ công.

        - Đổi mới kỹ thuật canh tác, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, trồng, tưới, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển... để đảm bảo thời vụ, giảm chi phí sản suất. Trong khâu làm đất chuyển từ khâu làm đất truyền thống sang kỹ thuật làm đất tiên tiến (cày không lật, cày ngầm, cày sâu 40 -60cm,...) để thích ứng và hạn chế ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu, hạn hán, tăng độ phì và bảo vệ đất.

        - Áp dụng phương pháp bón phân theo hình thức bón theo dinh dưỡng của đất, bón tiết kiệm nâng cao hiệu quả phân bón.

        - Tưới tiêu: Đầu tư thủy lợi và hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất

        + Tưới chủ động cho mía là biện pháp hữu hiệu để tăng năng suất, có thể tăng đến 10T/ha. Cần tăng cường đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống thủy lợi đối với từng vùng, từng địa bàn khác nhau, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về tưới tiết kiệm. Tận dụng cơ sở hạ tầng trên đất ruộng bằng để phát triển mía hiệu quả đặc biệt là diện tích chuyển đổi từ đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng mía.

        + Đa dạng hóa các hình thức tưới mía như: tưới ngầm, tưới tràn, tưới phun,... phù hợp với điều kiện nguồn nước của từng vùng, từng địa phương, nhằm nâng diện tích trồng mía có tưới (hiện nay chỉ đạt 16.726 ha, bằng 6% tổng diện tích mía cả nước).

        + Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, bến bãi... phục vụ sản xuất và vận chuyển mía nguyên liệu.

        3.2.3. Phát huy hiệu quả tổng hợp của sản xuất đường thông qua việc tận dụng tốt phế, phụ phẩm.

        Đa dạng hóa sản phẩm, phát huy hiệu quả tổng hợp, tạo giá trị gia tăng có vai trò quan trọng để hạ giá thành sản xuất đường, giảm chi phí mía trong giá thành, đồng thời cũng là cơ sở để phân phối lại lợi nhuận cho nông dân tham gia vào chuỗi giá trị.

        Điện từ bã mía: các nhà máy đường tiếp tục đầu tư chiều sâu hệ thống lò hơi, tuốc bin và máy phát điện hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất điện bã mía.

        Sản xuất ethanol từ mía và mật rỉ: Thúc đẩy chương trình sử dụng nhiên liệu sinh học, đồng thời, ngành đường chủ động xây dựng đề án sản xuất đường mía kết hợp với sản xuất nhiên liệu sinh học. Đây là hướng tích cực tạo “đầu ra” cho cây mía, đồng thời giúp ngành đường điều tiết sản lượng đường sản xuất hàng năm một cách chủ động.

        Ngoài ra, các nhà máy đường tiếp tục sử dụng bã bùn làm phân bón vi sinh phục vụ cho canh tác mía; đệm sinh học phục vụ chăn nuôi; ván gỗ ép từ bã mía; gạch không nung từ tro lò v.v...

        Theo tính toán của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group), nếu tận dụng tốt các phế phụ phẩm có thể giảm 12% chi phí sản xuất/kg đường; tỷ trọng doanh thu sản phẩm cạnh đường có thể đạt đến trên 15%.

        Tóm lại

        Trong thời gian tới, đầu tư, phát triển sản xuất mía đường phải căn cứ vào thị trường. Nhu cầu thị trường sẽ điều chỉnh sản xuất về số lượng, chất lượng sản phẩm. Hình thành mô hình tăng trưởng theo hướng tổ chức lại sản xuất từ quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phát huy lợi thế so sánh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế tư nhân hình thành các tập đoàn lớn đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

        - Các doanh nghiệp cần nhanh chóng ứng dụng khoa học công nghệ làm nền tảng để nâng cao hiệu quả sản xuất mía đường, đa dạng hóa sản phẩm, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hạ giá thành sản xuất đảm bảo tính cạnh tranh. Vì thời gian tới, thực hiện hiệp định thương mại tự do trong khu vực Đông Nam Á (ATIGA). Hiện nay, hầu hết các nước ASEAN đã thực hiện giảm thuế về 0% theo hiệp định ATIGA cho mặt hàng đường, ngoại trừ Philippines (5%), Indonesia (5-10%) và Myanma (0-5%), Campuchia và Việt Nam (5%).

        Theo lộ trình cam kết, đến năm 2020, thuế này phải giảm về 0% và đến đầu năm 2018, hạn ngạch nhập khẩu đường thô, đường trắng và đường tinh luyện trong khối sẽ được xóa bỏ, sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt./.

 TS. Lê Văn Bảnh