Nghề nuôi cá Chình ở Cà Mau – Tiềm năng phát triển và thách thức

Nghề nuôi cá chình ở Việt Nam khởi đầu từ những năm 2000. Loài nuôi chủ yếu là cá chình hoa (Anguilla marmorata) và cá chình mun (Anguilla bicolor pacifica) trong đó cá chình hoa chiếm 90 - 95% được nuôi ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên.Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi trong lồng, trong ao hoặc bể xi măng với thức ăn chủ yếu là cá tạp, tôm tép. Diện tích lồng 1 - 3m2, mật độ thả 30 - 50 con/m2, năng suất đạt khoảng 30 - 50 kg/m2 lồng. Tại Khánh Hoà chủ yếu nuôi cá chình trong bể xi măng, trong ao và nuôi lồng. Tại Quảng Trị, nuôi lồng trên sông, trong hồ chứa diện tích lồng 3 - 4m2, mật độ thả 50 - 100 con/m2. Tại các tỉnh thành khu vực phía nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, cá chình hoa được nuôi trong lồng nổi hiện nay cũng khá phổ biến.

 Ở tỉnh Cà Mau hình thức nuôi cá chình trong ao đất đang phát triển mạnh. Theo thông tin từ Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2015 đã có khoảng 800 – 1.000 ha nuôi cá chình thương phẩm, với diện tích ao nuôi từ 300 – 1.000m2. Với hàng ngàn hộ nuôi tập trung ở các vùng nuôi như Tân Thành – Thành phố Cà Mau và các huyện vùng ngọt hóa như U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi trong ao đất, mật độ nuôi rất thưa từ 2 – 3m2/con. Thức ăn chủ yếu sử dụng để nuôi cá chình là các loại cá nhỏ, cá tạp, cá phi, ốc bưu vàng, các loài này được cắt nhỏ để cho ăn. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá chình hoa (Anguilla marmorata). Cỡ giống người dân thả nuôi từ 30 - 50g/con và sau 12 tháng nuôi, cá chình có thể đạt tới 500 - 700g/con, tỷ lệ sống đạt 50 - 60%. Nếu thời gian nuôi kéo dài đến 24 tháng cá có thể đạt 2 – 3kg/con. Do cá chình hiện nay chưa sản xuất được giống nhân tạo, nên nguồn giống chủ yếu được đánh bắt từ tự nhiên, vì vậy tỷ lệ hao hụt cao.

  So với cá bống tượng, cá chình có giá bán ổn định hơn, dao động từ 420.000 - 480.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm. Chính vì vậy mà đối tượng nuôi nầy được người dân chọn nuôi để phát triển kinh tế hộ gia đình. Bình quân để nuôi được 1 kg cá chình thương phẩm hệ số thức ăn cần cung cấp cho cá khoảng 12 kg cá mồi. Với giá cá mồi hiện nay bình quân 12.000 đồng/kg (cá phi), cộng với tiền con giống dao động từ 80.000 – 100.000 đồng/con và các chi phí khác người nuôi vẫn đảm bảo có lợi nhuận khá.

 Cá chình có tiềm năng để phát triển rất lớn ở Cà Mau, do diện tích nuôi có thể mở rộng ở các huyện trong tỉnh. Nguồn thức ăn được tận dụng từ các loại cá tạp ở các vuông nuôi tôm, nuôi cá phi làm thức ăn cho cá chình. Tuy nhiên, cái khó của người nuôi hiện nay là con giống còn khá đắt, chất lượng cá giống không ổn định nên tỷ lệ sống thấp làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi. Mật độ nuôi còn thưa chưa tận dụng được hết khả năng về đất đai của người dân. Để tận dụng hết tiềm năng của các địa phương trong tỉnh, cần thử nghiệm mô hình nuôi cá chình thương phẩm mật độ cao nhằm phổ biến và nhân rộng cho người dân. Mô hình nầy đã được triển khai ở các tỉnh trong khu vực phía nam, gần nhất là huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đã ương nuôi cá chình trong ao đất, mật độ 2 – 3con/m2 mang lại hiệu quả cao.

 Một tin vui cho người nuôi cá chình ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay là công nghệ ương cá chình giống đã được thực hiện thành công. Việc ương cá chình giống từ kích cỡ 6.000 con/kg (cá bạch tử) lên thành cá giống cỡ 30 – 40 con/kg đã được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III thực hiện thành công và chuyển giao công nghệ cho nhiều địa phương thực hiện. Trong thời gian tới khó khăn về vấn đề con giống chắc chắn sẽ được giải quyết, người nuôi sẽ chủ động hơn về con giống, chất lượng và tỷ lệ sống sẽ cao hơn con giống thu gom từ tự nhiên.

 Với việc phát triển của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi thủy sản, hiện nay thức ăn tổng hợp phục vụ cho việc ương và nuôi thương phẩm cá chình cũng đã thành công. Việc sử dụng thức ăn tổng hợp sẽ giúp người nuôi chủ động hơn so với sử dụng thức ăn tươi sống, giảm được công lao động và chủ động trong việc nuôi cá với mật độ cao. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III cũng đã sản xuất thử nghiệm thành công thức ăn tổng hợp cho cá chình, nhằm thay thế thức ăn nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan có giá thành cao. Sản phẩm thức ăn nầy sẽ được sản xuất đại trà và thương mại hóa cung cấp cho người nuôi cá chình trong thời gian tới.

 Trong những năm vừa qua, giá cá chình thương thương phẩm có lúc bị giảm giá, do phụ thuộc xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Thương lái ép gía mua cá nên có những thời điểm gía cá không cao. Vào tháng 3/2015, Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Hồng Dân và Công ty Seil Yangmang Hàn Quốc đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến cá chình xuất khẩu tại ấp Ninh Lợi, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu với quy mô 8.000m2, tổng vốn đầu tư ban đầu cho nhà máy trên 60 tỷ đồng. Dự kiến khi đi vào hoạt động, nhà máy có công suất 7 tấn cá nguyên liệu/ngày cho ra 4,5 tấn cá thành phẩm. Theo kế hoạch, thời gian thi công và đưa nhà máy đi vào hoạt động chậm nhất là trong quý 1/2016. Sản phẩm cá chình của nhà máy sẽ được xuất khẩu sang Hàn Quốc.

 Việc xây dựng nhà máy chế biến cá chình xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, không chỉ mở ra hướng đi mới trong chế biến xuất khẩu cá chình mà còn góp phần mở rộng vùng nuôi để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy. Đẩy mạnh hợp tác với Hàn Quốc ứng khoa học kỹ thuật nuôi cá chình thâm canh mật độ cao, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân tại các địa phương lân cận.  Theo ông Võ Văn Út – Bí thư Huyện ủy huyện Hồng Dân, tiếp theo sau nhà máy chế biến cá chình xuất khẩu Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Hồng Dân sẽ tiếp tục hợp tác với đối tác Hàn Quốc, để xây dựng nhà máy chế biến thức ăn cho cá chình.

 Với những tiến bộ của khoa học công nghệ được ứng dụng trong ương giống, sản xuất thức ăn tổng hợp và chế biến xuất khẩu cá chình, hy vọng trong thời gian tới nghề nuôi cá chình ở Cà Mau sẽ vượt qua điệp khúc được mùa mất giá. Bỏ qua những khó khăn thách thức, phát huy hết tiềm năng, nghề nuôi cá chình ở tỉnh Cà Mau sẽ có bước phát triển, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ks. Nguyễn Đình Văn

                                                            PGĐ Trung tâm Thông tin & Ứng dụng KHCN