“Ngôi nhà chung” của những “kỹ sư chân đất"

Thời gian qua, những “kỹ sư chân đất” trên địa bàn huyện Châu Phú đã có nhiều sáng tạo kỹ thuật được công nhận và mang lại hiệu quả thiết thực khi áp dụng vào sản xuất nông nghiệp và đời sống, như: Máy tưới rẫy, hệ thống rải và đùa lúa trong lò sấy, máy rải phân, xe phun thuốc cải tiến, máy phát điện mini, rập chuột cải tiến… Xuất phát từ sự mong mỏi có được một nơi để giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau của những nông dân đam mê sáng tạo và được sự thống nhất của chính quyền địa phương, tháng 6 vừa qua, CLB nông dân sáng tạo kỹ thuật Nông Phú đã được thành lập, phù hợp với nguyện vọng của những “kỹ sư chân đất” trên vùng đất này.

Nhiều năm qua, với những sáng kiến ứng dụng hiệu quả trong việc trồng cây đậu bắp Nhật, ông Nguyễn Văn Dũng (ấp Bình Phú, xã Bình Thủy, Châu Phú) được tin tưởng giao nhiệm vụ Chủ nhiệm CLB nông dân sáng tạo kỹ thuật Nông Phú. Ông Dũng chia sẻ: “13 thành viên của CLB là những người có chung niềm đam mê sáng tạo, luôn muốn sáng kiến ra những giải pháp hữu ích để phục vụ đời sống và sản xuất. Câu lạc bộ thành lập nhằm phát huy hơn nữa khả năng sáng tạo của từng thành viên và tạo cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm để mọi người có điều kiện thực hiện những ý tưởng sáng tạo kỹ thuật áp dụng vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Không chỉ biết gắn bó với làng quê, miệt mài với cuộc sống ruộng đồng “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, những thành viên của CLB nông dân sáng tạo kỹ thuật Nông Phú đã minh chứng, nông dân thời hội nhập biết hòa cùng sự phát triển của đất nước bằng sự sáng tạo từ thực tế đồng ruộng. “Từ khi thành lập đến nay, CLB nông dân sáng tạo kỹ thuật Nông Phú luôn duy trì hoạt động sinh hoạt hàng tháng. Tháng 10 này, CLB của chúng tôi sẽ tổ chức 2 buổi hội thảo tại xã Bình Thủy và Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú), để giới thiệu các sản phẩm, giải pháp hữu ích do những thành viên CLB sáng tạo từ năm 2010 đến nay, giúp bà con nông dân hiểu rõ để ứng dụng vào sản xuất và đời sống hàng ngày”- ông Dũng thông tin.

Ông Trần Văn Phước (ấp Hưng Phú, xã Đào Hữu Cảnh, Châu Phú)- người đã chế tạo ra chiếc rập bẫy chuột độc đáo, bày tỏ: “Tham gia CLB không chỉ giúp nông dân chúng tôi có điều kiện chia sẻ, góp ý cho nhau về những sáng tạo kỹ thuật, mà chúng tôi còn được phổ biến về những quy định, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với những sáng tạo. Từ đó, chúng tôi có điều kiện thuận lợi để phát triển những sáng kiến của mình. Ngoài ra, những buổi sinh hoạt hàng tháng tại CLB còn tạo động lực để chúng tôi phấn đấu hơn nữa trong sáng tạo”.

MỸ LINH (Báo An Giang)