Nhìn lại vai trò KHCN trong tiến trình phát triển nông nghiệp trước và sau 30/4/1945

Những năm qua hoạt động khoa học – công nghệ luôn tích cực phục vụ phát  triển kinh tế và nâng cao đời sống xã hội, xem đó là động lực quan trọng giúp giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong sản xuất – đời sống, nhất là trên lĩnh vực ngư nông lâm nghiệp, đặc biệt là trong tổ chức sản xuất, khai thác các tiềm năng đất đai, rừng, biển của tỉnh, đã góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế, ổn định đời sống nông thôn. 

Cà Mau vốn là vùng đất trẻ do phù sa sông biển bồi lắng tạo nên. Thời sơ khai, sinh cảnh chủ yếu là rừng sú, vẹt ngập mặn với hai loại cây đặc trưng là mắm và đước, rất giàu sản vật biển, và sau đó theo quá trình diễn thế tự nhiên đất phù sa bồi lắng cao dần thành rừng hỗn giao ngập lợ - ngọt theo mùa với các hệ sinh thái hết sức đa dạng và phong phú về mặt sinh học. Qua bao thời dâu bể, nhất là từ sau ngày 30/4/1975 khi Miền Nam được hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước đến nay vùng đất trẻ này không ngừng thay da đổi thịt để có được dáng dấp “nông thôn mới” sinh động như hiện hữu là có sự đóng góp, khơi màu của ngành khoa học.

Những điều kiện tự nhiên, bối cảnh kinh tế xã hội thời xa xưa 

Suốt trong quá trình hình thành và phát triển cho đến trước năm 1975 cư dân trên vùng đất này sinh sống bằng các nghề nông – ngư - lâm nghiệp, nhưng chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng biển. Buổi đầu họ khai thác các sản vật rừng biển bằng các loại công cụ lao động thô sơ mang tính “săn bắt hái lượm” theo kiểu truyền thống là chính. Về sau, đặc biệt là từ trước năm 1945 nhiều cánh rừng lớn được những điền chủ người Hoa có thế lực bao chiếm và bốc lột sức lao động dân nghèo khai phá thành ruộng lúa mênh mông. Sau Cách Mạng Tháng 8-1945 và sau này, từ năm 1954 trở về sau thì những cánh đồng lúa ấy được chính quyền Cách Mạng phân phát cho những người nông dân nghèo trực tiếp canh tác. Từ khi được làm chủ, người nông dân đã đầu tư công sức kiến thiết đồng ruộng, ao mương thành những vườn dừa trĩu quả, khuông chuối xanh tươi trù phú, đồng lúa bát ngát mênh mông, với các loài tôm, cá nhỡn nhơ trên sông rạch, thừa mứa trong các ao đìa. Đời sống người nông dân nông thôn tuy còn khó khăn do chiến tranh tàn phá, mọi thứ sinh hoạt có lúc trở nên đắt đỏ nhưng cũng dần được nâng lên.

Thông qua thực tiển sản xuất đã bắt đầu có sự manh nha của “khoa học kỹ thuật bản địa” dù nó chỉ là những kinh nghiệm còn sơ khai và chưa thành những công trình, những sáng chế hoàn thiện và đúng nghĩa, nhất là khi nông dân bắt đầu có ý thức chọn, giữ lại giống tốt, để có những giống lúa mùa thuần chín sớm, những dòng gà vịt chất lượng thịt ngon, khả năng thích nghi tốt, đẻ sai, lớn nhanh hoặc tồn tại sau mỗi mùa dịch bệnh… Nhờ thế thời kỳ này trong sản xuất đã xuất hiện các giống mùa sớm do nông dân chọn tạo theo kinh nghiệm như nếp Tất nợ, nếp Than, nếp Đỏ, các giống lúa Nàng quớt, Ba Túc sớm, Trái mây, Một Buội bờ đìa, Trắng lùn, hay gà ta, gà tàu, vịt quế… cho năng suất khá cao và chất lượng ngon so với thời đó. Nhưng đời sống mới, niềm vui lao động và sinh cảnh thanh bình chỉ thật sự hồi sinh khi đến ngày giải phóng thống nhất đất nước 30/4/1975.

Có một phát kiến cộng đồng điển hình rất có ý nghĩa mang tính đột phá cho việc canh tác lúa, là thông qua lao động và thực tiễn canh tác trên các vùng đất nhiễm phèn nặng, người nông dân phát hiện những cây lúa nằm cạnh các kênh mương thường tốt hơn so với những cây bên trong ruộng. Thế là những người nông dân tiên tiến có ước muốn được mùa và không bằng lòng với cung cách canh tác theo kiểu xưa cũ đã thử nghiệm đào mương xổ phèn để cho cây lúa phát triển tốt hơn và họ đã thành công. Từ kết quả ở một hai hộ đầu tiên, người dân trao đổi học hỏi nhau và thành phong trào làm mương phèn rầm rộ ở các vùng Cái Nước, Khánh Bình, Phú Tân, U Minh… vào những năm đầu thập kỷ 1960. Chính nhờ mương phèn đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa rất đáng kể, không những giải quyết được cái đói cho nhân dân trong các vùng do Cách Mạng giải phóng, mà còn giúp nông dân tham gia phục vụ “đảm phụ nuôi quân” khá đồi dào. Kỹ thuật này sau đó được các nhà khoa học kiểm chứng, hoàn thiện nâng cao và phổ biến cho các vùng đất phèn đến tận hiện nay vẫn còn giá trị.

Rồi khi đất nước ta dần tiến sâu hơn vào cơ chế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa và có sự quản lý điều tíêt của nhà nước từ sau những năm 1990, thì đòi hỏi mọi thành phần kinh tế dù ở nơi đâu cũng phải tự thích ứng trong cơ chế mới, từ đó kích thích các hoạt động khoa học - công nghệ ngày một phát triển. Vùng đất Cà Mau cũng bắt đầu được các nhà khoa học kỹ thuật trong và ngòai tỉnh để ý đến và có khá nhiều công trình nghiên cứu được thực hiện trên vùng đất trẻ này. Tuy các công trình chưa mang lại giá trị kinh tế xã hội có ý nghĩa lớn, nhưng dù sao cũng bắt đầu gợi lên ý thức ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất đời sống và kích thích cán bộ kỹ thuật hướng đến nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân, nhất là trong lĩnh vực nông-ngư nghiệp.

Bước ngoặc phát triển khi tỉnh Cà Mau được tái lập đầu năm 1997

Một bước ngoặt quan trọng có ý nghĩa to lớn, đó là sự kiện chia tách tỉnh Minh Hải và tái lập tỉnh Cà Mau vào đầu năm 1997. Tuy có làm cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong tất cả các ngành, lĩnh vực vốn đã yếu, thiếu nay lại còn phải bị chia đôi theo hướng ưu tiên cho tỉnh Bạc Liêu được cho là đang khó khăn hơn. Xem như mọi cái lại phải bắt đầu từ đầu trên cái nền hãy còn quá khó khăn về mọi thứ, nhưng chính từ sự bắt đầu và khó khăn ấy, cộng thêm những đòi hỏi thúc bách để thích ứng với cơ chế thị trường đã tạo nên một không khí thi đua sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực giữa hai tỉnh và đã tạo nên những thành tích nhất định giúp cho các hoạt động khoa học – công nghệ dần hoàn thiện, ngày càng phát triển theo chiều sâu, và có ý nghĩa hơn nữa là đội ngủ cán bộ khoa học kỹ thuật ngày càng được bổ sung và trưởng thành, đủ sức đảm đương những phần công việc khoa học khó khăn mà từ trước chưa làm được, đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong tình hình mới, đặc biệt là trong lĩnh vực nông ngư nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII ngày 24 tháng 12 năm 1996 của Đảng về công tác khoa học – công nghệ và kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục thực hiện phương hướng phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2005 và đến năm 2010, và nhằm góp phần đảm bảo đạt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội hàng năm của tỉnh Cà Mau, chỉ trong khỏang thời gian ngắn và dù còn đầy dẫy những khó khăn vướng mắc đang nãy sinh trong sản xuất, đời sống, trong cơ chế quản lý tài chính dành cho Khoa học & Công nghệ, nhưng đến nay cũng đã có hơn 150 đề tài dự án, nhiệm vụ khoa học lớn nhỏ được triển khai nghiên cứu hoặc ứng dụng tại địa phương, nhằm từng bước xở gở những khó khăn trong sản xuất- đời sống, nhất là phục vụ cho quá trình chuyển dịch lúa- tôm, cải tạo vườn tạp và phát triển ngư nông lâm nghiệp. Trong số đó có nhiều đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học tiêu biểu hoặc có ý nghĩa rất lớn đã triển khai thực hiện thành công, ứng dụng đạt kết quả khá tốt, đóng góp thiết thực cho sản xuất và đời sống, đã nghiệm thu và được đánh giá cao, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và nhiều vấn đề liên quan đến nhận thức, trình độ sản xuất, kiến thức kinh tế - xã hội của cán bộ và nhân dân trong tỉnh. 

Những công trình đã giúp ngư - nông nghiệp Cà Mau lột xác

Nhìn lại quá trình phát triển đi lên trong lĩnh vực ngư nông lâm nghiệp từ sau 30/4/1975, nhất là từ sau khi tái lập tỉnh 1997, dù có hàng chục công trình nghiên cứu phục vụ sản xuất ngư nông lâm nghiệp, nhưng chúng ta không thể quên được những công trình khoa học có vai trò tác động đầu tiên làm thay đổi những phương thức sản xuất lạc hậu vốn tồn tại thành tập quán canh tác từ bao thế hệ trước trên vùng đất trẻ này.  Khởi đầu làDự án thuộc chương trình nông thôn miền núi năm 1998, đã đầu tư cho hàng chục hộ dân thuộc xã Tân Hưng- Cái Nước xây dựng các mô hình cải tạo vườn tạp kết hợp nuôi thử nghiệm giống gà Tam hoàng thả vườn, nuôi giống heo mới Yorkshire, làm một vụ lúa- một vụ tôm trên đất lúa năng suất thấp, nuôi phục hồi các giống cá đồng trên ruộng lúa, đưa giống lúa mới IR- 64 về vùng đất nhiễm phèn mặn làm hai vụ/ năm… khá thành công, đã khuấy động và khơi gợi cho nông dân ý thức cải tạo vườn tạp, thực hiện đa canh trong sản xuất.Và ý tưởng thực hiện mô hình sản xuất đa canh đa cây con ban đầu ấy đã được củng niềm tin thông qua Dự án xã Khánh Tiến- U Minh năm 2000 với nội dung xây dựng các mô hình sản xuất tương tự rất thành công, được Đài phát thanh truyền hình làm phóng sự để tuyên truyền phổ biến cho nhân dân trong tỉnh. Để rồi sau đó các mô hình cải tạo vườn tạp, thực hiện đa canh đa cây con và làm một vụ lúa- một vụ tôm phát triển thành phong trào rộng khắp, sôi động trong toàn tỉnh.

Trong quá trình chuyển dịch nuôi tôm nhiều vấn đề mới phát sinh, không chỉ cho cây lúa, con tôm, mà còn nhiều đối tượng khác nữa, thúc đẩy các nhà khoa học phải nghiên cứu giải quyết, từ đó hình thành các đề tài rất có ý nghĩa đột phá. Như Dự án nuôi tôm sú công nghiệp đầu tiên ở Lâm ngư trường Kiến Vàng thành công, và thông qua hội thảo giới thiệu mô hình các vấn đề kỹ thuật do đích thân TS. Nguyễn Văn Hảo- Viện nghiên cứu thủy sản II phối hợp Sở Kh&CN chỉ đạo thực hiện và giới thiệu đã mở màng cho mô hình nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau, xóa bỏ tư tưởng của nhiều người là Cà Mau không thể nuôi được tôm công nghiệp. Hay như trước đó nhiều nhà khoa học cho rằng vùng đất Cà Mau do độ mặn thấp và nhiều lý do khác nên không thể cho tôm sú đẻ, không thể sản xuất để tự cung ứng giống tôm cho người dân nuôi, nhưng từ đề tài cho tôm sú đẻ trong bể xi măng ở Cà Mau do anh Lê Trí Tín thực hiện, mặc dù chỉ thành công đạt khoản hơn 30% lên post, nhưng đã đánh đổ suy nghĩ này và hiện nay Cà Mau đã có gần 1.000 trại tôm giống cung cấp hơn 50% nhu cầu con giống cho nhân dân trong tỉnh.        

Việc chuyển đổi cơ cấu giống trong nghề trồng lúa tuy cơ bản hoàn thành từ trước năm 1997, và hầu hết các vùng đất lúa năng suất cao trong tỉnh đã chuyển đổi từ một vụ lúa mùa dài ngày năng suất thấp thành vùng hai vụ lúa với các giống lúa mới ngắn ngày năng suất cao ăn chắc trong năm. Trong khi đó những vùng lúa năng suất thấp chưa chuyển đổi thành hai vụ lúa được lại có xu hướng theo loại hình sản xuất mới là nuôi tôm sú- một đối tượng thủy sản mới có giá trị siêu lợi nhuận khi nuôi thành công nhưng lại có môi trường sống là nước mặn lợ hoàn toàn đối nghịch với cây lúa. Từ đó sự tranh chấp lúa hay tôm đã manh nha và bắt đầu gay gắt dần ngay từ những năm đầu thành lập tỉnh Cà Mau mới, để rồi đến năm 2000 Cà Mau thật sự thực hiện bước chuyển dịch sản xuất theo mô hình lúa-tôm quy mô lớn trên phạm vi tỉnh. Từ đây công tác giống lúa phục vụ cho chuyển dịch và cung ứng cho các vùng lúa ổn định có những đòi hỏi, yêu cầu mới bức xúc và cao cấp hơn. Và để thực hiện chỉ đạo sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị (khóa VIII), ngày 10-11-1998 về một số vấn đề về nông nghiệp, nông thôn, Nghị quyết số 09 của Chính phủ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, và Quyết định số 1116/QĐ-CTUB ngày 19-11-2001của UBND tỉnh Cà Mau, phê duyệt phương án điều chỉnh quy hoạch sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2001 – 2010. Thì công tác giống, nghiên cứu và các cơ sở chọn tạo, nhân giống lúa mới thích nghi để cung ứng giống lúa tại địa phương trong tỉnh được từng bước tiến hành xây dựng và củng cố. Nhiều đề tài về giống lúa đã được triển khai và đã chọn được khá nhiều giống tốt như…

Trong lĩnh vực nuôi thủy sản nội địa, bên cạnh con tôm sú luôn được chú ý mà vẫn thăng trầm với dịch bệnh ở vùng chuyển dịch măn - lợ, thì trong vùng được giữ ngọt hoá nổi lên hai đối tượng có giá trị kinh tế cao là cá bống tượng và cá chình, sau này lại thêm cá sặc rằn (cá bổi), bà con nông dân rất kỳ vọng đổi đời với các đối tượng mới này và đã có nhiều công trình nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm để hỗ trợ nông dân nuôi khá thành công. Đáng chú ý là cụm các công trình như: Đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo cá bống tượng tại Cà mau” do Ths. Thiều Lư và đề tài “Xác định thức ăn thích hợp cho cá bống tượng (Oxyeleotris mamoratus Bleeker) trong giai đoạn ương từ cá Hương đến cở 50gr-70gr tại Cà Mau” do Ths.Vũ Hồng Như Yến, thuộc Phân Viện Nghiên cứu Thủy sản Minh Hải thực hiện khá thành công, đã mở ra hướng đi mới giúp cho nông dân biết tự lực nguồn cá giống bằng cách khai thác cá con có sẳn trong ao, mương nhà mình để làm nguồn cá giống nuôi thành cá thương phẩm mà không cần phải mua giống từ nơi khác ẩn chứa nhiều nguy cơ như trước đây. Nhờ thế mà phong trào nuôi cá bống tượng được hồi phục, phát triển mạnh và diện tích nuôi, địa bàn nuôi ngày càng được mở rộng, giúp nhiều người xóa được đói nghèo và trở nên giàu có.

Đáng chú ý, sau khi các nhà khoa học triển khai dự án thử nghiệm “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi tôm sú công nghiệp sử dụng các đối tượng sinh học để xử lý nguồn nước trong các ao nuôi và sau nuôi góp phần bảo vệ môi trường” do Ths. Lê Thị Siêng, thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam thực hiện khá thành công, thì chính kết quả đề tài này đã mở ra hướng mới cho nghề nuôi tôm công nghiệp không dùng hóa chất độc hại để tạo ra sản phẩm tôm sạch và cũng không dùng hóa chất để xử lý môi trường nước thải trong quá trình nuôi mà dùng các đối tượng sinh học có giá trị kinh tế trên thị trường là sò huyết, cá phi…và các chế phẩm sinh học để xử lý nước thải và sử dụng nước tuần hoàn khép kính, hạn chế thải ra môi trường nên khắc phục được tình trạng ô nhiễm vùng nuôi như những vùng nuôi tôm công nghiệp theo kiểu cũ. Đây có thể nói là mô hình tiền thân của việc nuôi tôm công nghiệp theo các quy trình công nghệ sinh học khá an toàn và bền vững đang được phát triển hiện nay.

Riêng trong lĩnh vực lâm nghiệp, cũng có nhiều đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm, nhưng nổi bậc là dự án Mô hình trồng tràm thâm canh phục hồi rừng sau khi bị cháy, đã mở ra hướng đi mới cho cây tràm, nhằm rút ngắn chu kỳ khai thác, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân miệt rừng U Minh Hạ. và  đề tài “Khảo nghiệm các dòng Keo lai và Keo lá Tràm đã được công nhận trồng trên bờ liếp khu vực rừng Tràm U Minh Hạ” đã góp phần thay đổi bộ mặt rừng tràm theo hướng tích cực về mọi mặt.

Bốn mươi năm qua, đặc biệt tính từ năm 1997, sau khi được tách ra và thành lập tỉnh Cà Mau mới, và dưới ánh sáng Nghị quyết TW 2 khóa VIII dẫn dắt, ngành khoa học - công nghệ đã thực hiện được những bước tiến xa cho sản xuất ngư nông lâm nghiệp đến hàng chục năm so với thời gian trước đó, góp phần tạo tiền đề cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó không thể không nói đến vai trò đặc biệt và tác động tích cực của Tập san Thông tin khoa học - công nghệ được phát hành từ trước khi tái lập tỉnh, đến nay vẫn được Trung tâm thông tin & Ứng dụng khoa hoc công nghệ duy trì phát triển, đã không ngừng được nâng cao chất lượng và tăng số lượng phát hành, mở rộng đối tượng phục vụ, hàng năm chuyển tải rất nhiều kiến thức, tiến bộ kỹ thuật-công nghệ mới phục vụ cán bộ cơ sở và nhân dân trong tỉnh./.

 Ks. Nguyễn Văn Thước

Nguyên Phó Chủ tịch LHH tỉnh Cà Mau