Nuôi tôm quảng canh cải tiến 3 giai đoạn – Mô hình cần được nhân rộng ở vùng tôm – rừng

       Trong nuôi tôm, một trong những vấn đề quan trọng là việc quản lý tôm giống thả nuôi. Quy trình kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT), có khâu ương tôm giống để đạt kích cỡ lớn hơn trước khi đưa ra “vuông”, ruộng nuôi. Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sẽ nâng cao tỉ lệ sống tôm giống trong giai đoạn ương, quản lý, kiểm soát được số lượng và chất lượng tôm thả nuôi, từ đó giảm chi phí đầu vào. Sau khi chuyển tôm ương ra “vuông”, ruộng nuôi, ngoài khâu cải tạo ban đầu thì trong quá trình nuôi phải định kỳ xử lý nước bằng chế phẩm sinh học (men vi sinh) để tạo môi trường nước tốt, phân hủy các chất khí độc tích tụ ở nền đáy, hạn chế dịch bệnh… giúp cho tôm sinh trưởng thuận lợi và định kỳ sử dụng phân bón nhằm tạo chuỗi thức ăn tự nhiên bổ sung cho tôm phát triển. Chính 3 yếu tố con giống, môi trường nước, chuỗi thức ăn tự nhiên được tác động bằng cách ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như thế sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong nuôi tôm, tạo điều kiện nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của bà con nông dân. Hiện nay, mô hình nuôi tôm áp dụng đúng kỹ thuật như trên được gọi là mô hình nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn.

       Từ năm 2017, UBND tỉnh Cà Mau, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn. Tạo điều kiện phát triển KT-XH của các huyện, thành phố nói riêng, của tỉnh Cà Mau nói chung.

       Đến nay, mô hình nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn được nhân rộng có hiệu quả. Diện tích ước đạt cuối năm 2020 là 75.000 ha so với năm 2017 là 6.540 ha (tăng 74.346 ha đạt 1.147% so với năm 2017). Năng suất bình quân từ 500 - 600 kg/ha/năm.

       Đây là mô hình nuôi tôm sú QCCT hiệu quả nhất hiện nay, được áp dụng cho nhiều vùng nuôi như: Chuyên tôm, tôm - lúa, tôm - rừng,... được chính quyền địa phương, người dân đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.

       Tuy nhiên, một số hộ dân áp dụng mô hình nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn đối với vùng tôm – rừng mà diện tích rừng chiếm từ 50 - 70% tổng diện tích đất thì vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể như sau: Tôm giống sau khi ương được chuyển ra vuông nuôi vẫn bị hao hụt nhiều vì trong vuông có nhiều loài cá ăn tôm nhỏ (người dân thu hoạch tôm theo “con nước” bằng cách “xổ vuông” xả nước qua cống và lấy nước mới vào nên có cá con theo vào và phát triển rất nhiều, diện tích nuôi lớn nên hàng năm người dân chỉ thuốc cá 1 - 2 lần, và do vùng đất rừng thường tơi xốp, dễ bị rò rỉ nước nên cá con có thể theo đó vào vuông). Đặc biệt, do lá cây rừng rụng nhiều xuống các kinh, mương, chất “chát” của lá cây ngấm vào nước (chủ yếu là cây đước), lâu ngày lá cây bị phân hũy và trong điều kiện hiếm khí, ánh sáng mặt trời bị tán cây rừng che phủ không thể chiếu xuống nền đáy sẽ tạo ra nhiều khí độc. Do vậy, tôm nuôi khó thể phát triển tốt, người nuôi bắt buộc phải tháo và lấy nước thường xuyên, việc định kỳ xử lý chế phẩm sinh học gặp khó khăn (vì phải giữ nước thì men vi sinh mới có tác dụng) hoặc phải sử dụng chế phẩm sinh học thật tốt, và liều lượng cao nên chi phí sản xuất sẽ tăng khá nhiều.

       Từ thực tiễn như thế cần phải có một mô hình ứng dụng khoa học – kỹ thuật có cải tiến hơn để khắc phục những khó khăn, hạn chế của mô hình nuôi tôm QCCT 2 gia đoạn áp dụng cho vùng tôm – rừng.

       Năm 2019, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ngọc Hiển đã chủ trì thực hiện Dự án “Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 03 giai đoạn”, từ nguồn vốn Khoa học-Công nghệ của huyện, với chủ nhiệm thực hiện dự án là cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông Ngọc Hiển. Thời gian thực hiện dự án:  08 tháng (Từ tháng 7/2019 đến tháng 03/2020). Quy mô thực hiện: 38,3 ha/ 07 hộ thuộc các xã Tam Giang Tây, Tân Ân, Tân Ân Tây, Viên An Đông, Viên An, Đất Mũi và thị trấn Rạch Gốc.

       Khác biệt của mô hình này là có thêm 1 giai đoạn nuôi (giai đoạn 2), trong khu vực nhỏ trước khi cho tôm ra vuông nuôi.

       Sau khi tôm ương giai đoạn 1 (khoảng từ 15 - 20 ngày) sẽ được chuyển sang khu nuôi giai đoạn 2. Khu nuôi giai đoạn 2 có diện tích khoảng 1.5000 -  2.000 m2 bằng ao đất nằm trong vuông nuôi (hoặc căng lưới mành, chặn một đoạn kênh trong vuông nuôi) và nước được xử lý diệt khuẩn, cá tạp… trước khi đưa tôm vào. Khu nuôi này được đặt ở nơi không có cây rừng để tránh việc rụng lá và đủ ánh sáng để phiêu sinh phát triển.

       Ao ương của hộ ông Võ Quốc Thích – Tân Ân Tây tham gia Dự án

       Trong giai đoạn 2, tôm tiếp tục được cho ăn bổ sung bằng thức ăn viên, ngày 2 lần (sáng sớm và chiều mát) và định kỳ ½ tháng xử lý chế phẩm sinh học, bón phân (vi sinh hữu cơ hay vô cơ…), nước được giữ nguyên không thay đổi.

       Việc bổ sung thức ăn ở giai đoạn 2 xem như bước chuyển tiếp giữa cho tôm ăn như trong ương tôm giai đoạn 1 và tập cho tôm dần dần tự kiếm ăn trong môi trường tự nhiên. Do khu nuôi nhỏ nên chúng ta quản lý được địch hại của tôm, hạn chế hao hụt, tăng tỷ lệ sống tôm nuôi.

       Sau 1,5 – 2 tháng nuôi giai đoạn 2, tôm có trọng lượng trung bình khoảng 3.000 - 5.000 con/kg thì được cho ra ngoài vuông nuôi: giai đoạn 3 (rút cống giữa khu nuôi này với vuông nuôi (nếu có), hoặc phá bỏ một khoảng bờ mương bao hay rút lưới mành ngăn kênh khu nuôi giai đoạn 2). Tôm lúc này đã khá lớn, đủ sức tránh được các loài cá ăn thịt và tự đi kiếm ăn để phát triển nên tỉ lệ hao hụt rất thấp so với khi nuôi QCCT 2 giai đoạn.

       Tôm nuôi ở giai đoạn 3 không còn cho ăn thức ăn viên nhưng vẫn định kỳ hàng tháng sử dụng phân bón để tạo chuỗi thức ăn tự nhiên cho tôm sinh trưởng nhanh. Do người dân nuôi “gối vụ” nên đến con nước (mỗi tháng 2 lần) họ vẫn “xổ vuông” bắt tôm. Việc này cũng tạo điều kiện để đưa nước từ các kênh, mương dưới tán rừng có nhiều lá cây thối mục thoát ra ngoài vuông và lấy nước mới vào. Sau khi hết con nước, đóng cống thì vẫn tiến hành xử lý chế phẩm sinh học để tạo môi trường nước tốt cho tôm nuôi như ở giai đoạn 2.

       Vùng tôm – rừng cần nhân rộng mô hình Nuôi tôm QCCT 3 giai đoạn

       Sau thời gian nuôi từ 4,5 – 5 tháng khi tôm đạt kích cỡ 18 - 20 con/kg thì tiến hành thu hoạch tôm.

       Đến tháng 4/2020, 7 hộ tham gia thực hiện Dự án đều đạt kết quả tốt, có tôm đạt trên 5 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 14 - 18 con/kg. Hiện các hộ đang thu hoạch theo con nước xổ. Sau 2 tháng thu hoạch, kết quả như sau:

       Tổng lượng tôm thu được:  8.108 kg/7hộ.

       Tổng lợi nhuận: 416.049.000 đồng/7hộ.

       Nếu tính bình quân diện tích mặt nước chiếm 40% tổng diện tích sản xuất thì tổng diện tích nuôi tôm của 7 hộ là 15,32 ha. Như vậy, lợi nhuận bình quân khoảng 13, 58 triệu/ha/tháng.

       Có thể nói bước đầu mô hình Nuôi tôm QCCT 3 giai đoạn ở huyện Ngọc Hiển đã cho kết quả rất khả quan, lợi nhuận nuôi tôm của các hộ tham gia dự án đều cao hơn so với trước đây và hiện họ vẫn tiếp tục thu hoạch tôm nuôi và duy trì mô hình này trên phần đất sản xuất của mình.

       Mô hình nuôi tôm QCCT 3 giai đoạn trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã khắc phục được những khó khăn, hạn chế của mô hình nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn ở vùng tôm – rừng, và hình thành mô hình nuôi tôm QCCT mới, đem lại hiệu quả cao. Từ cơ sở kết quả của dự án, trong tháng 6/2020, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ngọc Hiển tổ chức Hội thảo giới thiệu các mô hình sản xuất có hiệu quả, trong đó có Mô hình nuôi tôm QCCT 3 giai đoạn và trao đổi, thảo luận để khuyến cáo nhân rộng mô hình này cho người dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển.

       Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông cũng cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ địa phương tiếp tục thực hiện mô hình và nghiên cứu, cập nhật để hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú QCCT 3 giai đoạn.  Chúng tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, mô hình nuôi tôm QCCT 3 giai đoạn sẽ tiếp tục được phát triển, nhân rộng trên vùng sản xuất tôm – rừng, góp phần tăng thu nhập cho người nuôi tôm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguyễn Bửu San - TTKN