Ốc- nguồn nguyên liệu tiềm năng trong nuôi trồng Thủy sản

       Ốc giàu protein và các acid amin cần thiết được xem là nguồn nguyên liệu quý giá trong thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là trong nuôi trồng thủy sản. Tại Việt Nam, nếu từ lâu việc phát triển của ốc bươu vàng được xem là địch hại do phá mùa màng, khả năng sinh sản nhanh làm khó tiêu diệt. Trong nhiều năm liền nhiều nghiên cứu được khảo sát nhằm loại bỏ hoàn toàn ốc bươu vàng nhưng hầu như kết quả không khả quan. Bên cạnh ốc bươu vàng, nhiều loài ốc khác cũng được xem là địch hại trong nuôi tôm như: ốc đinh, ốc gạo, …

       Ốc biển (Buccinum striatissimum) với hàm lượng đạm khá cao. Tuy nhiên, tại một số nước sản lượng ốc nhiều nhưng mang lại giá trị kinh tế không cao do nhu cầu tiêu thụ thấp. Do đó, nhiều nghiên cứu tập trung sử dụng nguồn đạm từ ốc hay chiếc xuất từ ốc vào thức ăn thủy sản. Tại Nhật Bản, nguồn đạm từ bột mực và bột nhuyễn thể bằng bột ốc với các hàm lượng thay thế khác nhau lên tăng trưởng và một số chỉ tiêu miễn dịch của tôm he. Kết quả cho thấy bột ốc (B. striatissimum) có khả năng thay thế hoàn toàn bột mực và bột nhuyễn thể trong công thức thức ăn của tôm he. Hơn thế nữa, thức ăn với 100% bột ốc được thay thế kích thích tăng trưởng, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, tăng khả năng chống chịu stress, và giảm hàm lượng cholesterol của tôm he Nhật bản (M. japonicus).

Ảnh: Ốc biển (Buccinum striatissimum)

       Phospholipid là thành phần chính của màng tế bào có vai trò quan trọng trong hoạt động của tế bào và trao đổi chất sinh học, giúp duy trì hoạt động bình thường của tế bào và các cơ quan. Phospholipid được bổ sung vào thức ăn nhằm đảm bảo sự phát triển vật nuôi bao gồm: phòng ngừa dị tật xương, tăng tỉ lệ sống, và tăng khả năng chống chịu stress của cá và động vật có vỏ. Phospholipid chiết xuất từ ốc biển bổ sung vào thức ăn với hàm lượng từ 1-1,5% kích thích tăng trưởng, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, hiệu quả protein, và một số chỉ tiêu miễn dịch của tôm he Nhật bản.

       Ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata) với thành phần protein chiếm khoảng 54-62% trọng lượng khô của ốc được xem là nguồn nguyên liệu quí giá trong chăn nuôi nói chung và trong nuôi trồng thủy sản nói riêng. Tại một số nước đã có nhiều công trình nghiên cứu cho thấy hoàn toàn có thể sử dụng ốc bươu vàng nhằm thay thế bột cá trong thức ăn thủy sản. Nghiên cứu trên cá dìa bông (Siganus gattatus) cho thấy thức ăn bổ sung 75% bột ốc kết hợp với bột bắp (5%), bột cám gạo (3%), bột mì (15%) và 2% dầu olive cho hàm lượng đạm trong thức ăn lên đến 45% giúp cá dìa bông tăng trưởng nhanh hơn.

       Tương tự với tôm càng xanh (Marcobranchium rosenbergii) sử dụng nguồn thức ăn với 10% bột cá hay bột tôm với 60% bột ốc bươu vàng kích thích tăng trưởng của tôm nuôi. Ốc bươu vàng đã được sử dụng làm thức ăn cho tôm sú từ những năm 1990 tại Philippin, thức ăn tự chế sử dụng ốc bươu vàng đơn lẻ, hay kết hợp với bột sắn và bột ngô được dùng trong các ao nuôi tôm sú nhằm đánh giá hiệu quả của việc sử dụng ốc trong nuôi tôm. Kết quả cho thấy ốc bươu vàng với hàm lượng đạm cao và giàu các amino acid thiết yếu được xem là nguồn nguyên liệu quí giá trong nuôi tôm. Hiệu quả kinh tế cao nhất khi kết hợp cho ăn ốc bươu vàng và bột sắn.

       Tại Việt Nam việc sử ốc bươu vàng trong nuôi trồng thủy sản phần nào cho thấy thành công nhất định. Nhiều người nuôi tôm công nghiệp kết hợp cho ăn ốc bươu vàng vào những tháng cuối giúp tôm lớn nhanh hơn, rút ngắn thời gian nuôi qua đó tiết kiệm chi phí. Bên cạnh tôm sú thì ốc bươu vàng còn được sử dụng làm thức ăn cho tôm càng xanh, tôm hùm, cá, ba ba, … Theo số liệu thống kê cho thấy gần 10 ha nuôi tôm càng xanh, ngoài nguồn thức ăn chế biến người nuôi còn sử dụng 114,5 tấn ốc bươu vàng làm thức ăn tưới sống, qua đó tiết kiệm chi phí nuôi khoảng 9 triệu đồng/ha lợi nhuận khoảng 27,5 triệu đồng/ha. Tại Phú Yên, các thương lái cho biết trung bình 1 ngày họ mua khoảng 10 tấn ốc bươu vàng từ người dân để bán lại cho những người nuôi tôm hùm.

       Với thực tế hiện tại giá tôm biến động giảm thấp nhất trong những năm trở lại đây cùng với giá thức ăn tăng. Do đó, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm giảm chi phí cho vụ nuôi trong đó chi phí thức ăn chiếm hơn 60% tổng chi phí. Từ thực tế trên sử dụng ốc bươu vàng trong nuôi tôm công nghiệp cần được xem xét.

ThS. Trương Huỳnh Như